Một đóa hoa, một tà áo và hai chế độ.

Phạm Thanh Nghiên

Đau xót, phẫn nộ, cảm phục và tự hào… là cảm xúc của những con người có lương tri khi phiên tòa xử hai sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên vừa kết thúc. Sẽ còn nhiều nữa những lời ca ngợi dành cho hai em, đồng nghĩa với việc nhà cầm quyền phải đứng trước một sự phán xét nghiêm khắc của những người yêu tự do và công lý.

Sự việc Uyên không được mặc chiếc áo dài truyền thống để ra tòa làm tôi liên tưởng đến một “giai thoại” rất đẹp về một người con gái đã đi vào thơ ca và được chế độ này ca tụng. Tất nhiên, cũng có không ít người cho rằng, người con gái ấy chỉ là một nữ khủng bố hay một nhân vật không có thực, được dựng lên nhằm “tô son điểm phấn” cho những mưu đồ chính trị. Người viết bài này tạm công nhận giả thiết đây là một nữ anh hùng: Võ Thị Sáu.
Thời cắp sách, tôi đã phải học thuộc lòng những câu thơ sau của Tố Hữu, để rồi cũng có khi mơ
mộng: nếu đất nước có giặc, mình cũng sẽ hiên ngang như thế.
                           “Người con gái trẻ măng
                            Giặc đem ra bãi bắn
                            Đi giữa hai hàng súng
                            Vẫn ung dung mỉm cười
                            Ngắt một đóa hoa tươi
                            Chị cài lên mái tóc
                            Đầu ngẩng cao bất khuất
                            Ngay trong phút hy sinh.
                            Bây giờ dưới gốc dương
                            Chị nằm nghe biển hát.”

Theo miêu tả của những người cộng sản thì những tên giặc Pháp nói chung và những tên cai tù thời Pháp nói riêng đều vô cùng tàn bạo và khát máu. Còn những người cộng sản ( và chế độ cộng sản) thì tất nhiên rồi, là hiện thân của Chân- Thiện - Mĩ. Là những gì tốt đẹp, nhân văn và đáng ca ngợi nhất. Tên thực dân năm xưa đã kết án tử hình kẻ đã ném lựu đạn làm chết cai tổng và bị thương 20 tên lính Pháp.

Thành tích của chị Sáu hơn sáu mươi năm trước hẳn là niềm mơ ước của quân đội Hoa Kỳ ngày nay. Trước khi mở một chiến dịch truy quét quân khủng bố, quân đội Hoa Kỳ với vũ khí tối tân hiện đại, chưa kể trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới cũng phải “nát óc” tính toán làm sao để vừa tiêu diệt được những tên khủng bố, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong dành cho dân thường. Thế mà vẫn không tránh khỏi những rủi ro ngoài ý muốn. Để rồi chịu sự chỉ trích của dư luận thế giới và của chính người dân Mỹ. Chị Sáu quả là tài …thánh hoặc ít ra, quả lựu đạn mà chị sử dụng có một khả năng đặc biệt: giết người theo ý muốn. Xin nhắc lại, địa điểm chị Sáu chọn để hành động là chợ Đất Đỏ, nơi người dân qua lại mua bán tấp nập. Không hiểu sao tên cai tổng và hai mươi tên lâu la của y lại kéo nhau đến chợ rồi phải bỏ mạng trong khi không một người dân thường nào chịu chung số phận.
Khi áp giải chị Sáu ra pháp trường, những tên cai tù khét tiếng tàn ác đó lại cho phép, thậm chí ngoan ngoãn …đứng đợi để chị làm cái việc rất …đỏm dáng là “ngắt một đóa hoa tươi, chị cài lên mái tóc” nữa. Còn gì đẹp hơn hình ảnh của một thiếu nữ được chết cho Tổ Quốc trong sự ngạo nghễ, lãng mạn như thế. Đó là câu chuyện của 61 năm về trước.

Hôm nay, trong một phiên tòa “công khai và công bằng” của một chế độ “nhân đạo” và “dân chủ gấp triệu lần nước Mỹ”. Hai “ bị cáo” tuổi đời còn rất trẻ đã nhận bản án tổng cộng 14 năm tù giam, 7 năm quản chế cho cái gọi là “ tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Mặc dù trong số 90 triệu người dân Việt Nam chưa một ai được may mắn chiêm ngưỡng bản mặt của nhà nước xã hội chủ nghĩa nó thế nào.Tại vì bây giờ vẫn đang ở… “thời kỳ quá độ”( đảng bảo thế). Tức  đang trong giai đoạn trung gian, chuyển tiếp, nói trắng ra là …chửa thành hình. Ngay đến anh hai Tàu khựa trình độ vượt bậc chú em, cũng chỉ dám nhận mình là “đang tiến lên XHCN” ( chưa đến đích). Nhà nước CHXHCN Việt Nam không hề tồn tại trên thực tế. Uyên và Kha đã bị buộc tội “chống một thứ không có thực”, (giống như tôi và nhiều người trước đó). Một bài thơ bày tỏ lòng yêu nước, chống quân xâm lược Trung Quốc và một khẩu hiệu mang nội dung: “ Tầu khựa hãy cút khỏi biển Đông” được đem ra làm bằng chứng kết tội “bị cáo” chống nhà nước, chống lại dân tộc mình. Những kẻ kết tội Kha và Uyên đã ngang nhiên và trắng trợn thừa nhận khát khao được trở thành nô lệ của kẻ xâm lược.

Những tên cai tù khét tiếng độc ác của một chế độ “vô nhân đạo” còn cho chị Sáu …làm dáng trước khi chết. Chúng cũng không cấm chị “ngẩng cao đầu” và “mỉm cười” khi ra pháp trường, cử chỉ được coi là thách thức và hạ nhục đối phương. Thế mà, một chế độ (mạo nhận) nhân đạo hàng đầu thế giới lại từ chối không cho Đinh Nguyên Kha mặc một bộ đồ đẹp, cấm Phương Uyên mặc chiếc áo dài truyền thống, niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam để đứng trước tòa. Không những thế, mẹ của Phương Uyên đã phải trải qua một hành trình đầy gian khổ, tranh đấu để đòi cho con gái được hưởng cái quyền….đeo kính vì mắt Uyên bị cận nặng. Chưa bao giờ hai chữ “nhân đạo” lại trở nên xấu xa đến thế.
Người Pháp dựng lên nhà tù Côn Đảo để giam giữ người cộng sản. Người cộng sản dựng lên nhà tù để cầm tù Dân tộc mình.
Hãy xem người cộng sản định nghĩa về nhà tù Côn Đảo:
“Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm về phía Đông Nam nước ta. Năm 1858, sau khi Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tại cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta đến ngày 28/1/1861, Pháp đưa ra bản Tuyên cáo chiếm lĩnh Côn Đảo. Ngày 1/2/1862, Pháp bắt đầu xây dựng tại đây một hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương để nhằm thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng bằng khổ sai, nhục hình, đói khát, bệnh tật; chúng tìm mọi cách để thủ tiêu nhân cách, xóa bỏ nhân phẩm, giam hãm con người trong tình cảnh sống nhưng tuyệt vọng, sống cũng như chết.”
Thế nhưng, trong chốn “địa ngục trần gian” ấy, người cộng sản vẫn thành lập được các chi bộ cộng sản. Điển hình, Tôn Đức Thắng lập ra “Hội những người tù đỏ” và “hoạt động khá tích cực”. Nếu những gì người cộng sản kể và viết lại là sự thật, thì cái nhân quyền trên “thiên đường XHCN” còn thua xa cái “ngục quyền” mấy chục năm về trước dưới thời thực dân Pháp. Một đôi mắt kính, một bộ trang phục tươm tất còn “không được phép”, nói chi đến quyền lập hội, lập đảng ( cho dù các quyền này đã được hiến định).

Cái sự hiên ngang, bất khuất của chị Sáu trong giờ phút hy sinh không biết do ai kể lại. Nhưng khí phách của hai bạn trẻ Uyên và Kha thì có hàng trăm người chứng kiến. Hãy nghe tuyên bố của Đinh Nguyên Kha: “ Tôi trước sau vẫn là người yêu Nước, yêu Dân tộc tôi. Tôi không hề chống Dân tộc tôi. Tôi chỉ chống đảng cộng sản. mà chống đảng thì không phải là tội”.
Và hãy nghe Nguyễn Phương Uyên: “ Tôi là sinh viên yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền đất nước. Nếu một sinh viên , tuổi trẻ như tôi  mà bị kết án tù vì yêu nước thì thực sự tôi không cam tâm.”
Tôi sẽ không bình luận thêm về lời tuyên bố đĩnh đạc và đanh thép của hai em. Nhưng, muốn nhắn nhủ với Phương Uyên rằng sẽ có nhiều những bạn trẻ khác  không vì bản án 14 năm tù của hai em mà sợ hãi. Chính dáng đứng hiên ngang và gương mặt rạng rỡ của Uyên và Kha trước tòa sẽ tạo nguồn cảm hứng, thôi thúc tuổi trẻ Việt Nam “đứng lên đáp lời sông núi”.

Người cộng sản vô thần nhưng có biết bao nhiêu câu chuyện linh thiêng về những “liệt sĩ cộng sản” đã và đang được kể lại. Nếu chị Sáu quả thực “linh thiêng” như lời đồn đại thì chị hãy phù hộ thế nào để ai cũng được “nghe biển hát”. Vì hiện nay khi mà người cộng sản bắt bớ, bỏ tù những người đồng bào của mình chỉ vì dám bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc trước sự xâm lược của ngoại bang. Biển sẽ không hát mà đớn đau, thét gào và cuồng nộ. Kết thúc bài viết này, xin nhắn nhủ với hai em Kha, Uyên, vói bạn bè yêu quý của tôi và với chính mình rằng: những người vì Dân tộc mình mà tranh đấu, những người vì Tự do và Công bằng mà tranh đấu sẽ không bao giờ thất bại.

1 comments:

Thanh Nghiên nói rất chính xác, thời buổi thông tin hiện đại, chẳng che dấu được sự thật, càng kết án nặng càng gây căm phẫn cho mọi người cùng vùng lên

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More