Làn gió lành

Bùi Tín
Blogger Người Buôn Gió và
Thị trưởng thành phố Weimar.
Thế là Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu đã làm xong một chuyến đi xa đến tận trung tâm nước Cộng hòa Liên bang Đức, tại đó anh hoàn thành một tác phẩm dài 33 kỳ.

Anh có cách viết nhanh nhạy, vài ngày ra một bài, theo kiểu kể chuyện, dễ hiểu, sinh động, chân thực. Anh sớm tạo cho mình một bút pháp riêng. Trong Đại VệChí Dị (Chuyện lạ nước Vệ) anh áp dụng lối viết độc đáo, phỏng theo cách viết xưa của tiểu thuyết lịch sử tràng giang đại hải nhiều chương mục bên Trung Hoa, như Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc… với những nhân vật được khắc họa qua những tính cách đặc sắc riêng, nhưng lại chỉ để nói về tình hình hiện tại, con người hiện tại, xã hội hiện tại của nước Việt ta.

Cái hay, cái hấp dẫn, thú vị của văn tài Người Buôn Gió là ở đó.

Đọc Người Buôn Gió, thoạt đầu cứ nghĩ là chuyện cổ xưa, ở nước nào xa xôi lạ lẫm, những nhân vật ở tận đâu đâu tưởng tượng ra, để rồi bỗng thấy đích thị là chuyện nước non ta lúc này.

Nhưng cái hay hơn nhiều, hấp dẫn hơn nhiều là thái độ dấn thân của Bùi Thanh Hiếu cho cuộc đấu tranh giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ quê hương, giành lại tự do cho toàn xã hội, nêu cao chí khí yêu nước, thương dân thật lòng, thể hiện trong mỗi bài của anh. Anh bị theo dõi, hành hung, dọa nạt, quấy rối, vào tù, dụ dỗ, mua chuộc… đủ kiểu nhưng vẫn theo con đường đã chọn, không chút băn khoăn nao núng. Anh hiểu từ đáy lòng nghĩa vụ của một công dân trẻ thời đất nước lâm nguy, không thể thoái thác trách nhiệm trước đồng bào và lịch sử, dù phải hy sinh cá nhân và gia đình trên nhiều mặt.

Người Buôn Gió vừa hoàn thành loạt bài Từ Ngõ Phất Lộc Đến Weimar (in liên tiếp trên mạng Đàn Chim Việt và một số mạng khác), viết trong thời gian anh được mời sang CH LB Đức để nghỉ ngơi và sáng tác, theo lời mời của thị trưởng Weimar, một thành phố xinh đẹp đặc sắc về chính trị, văn hóa, nơi có nhà lưu niệm của các danh nhân văn hóa Goethe, Schiller…

Anh về nước với tập sáng tác 33 bài viết nóng hổi, kể lại quá trình hoạt động của anh, ghi lại một cách chân thật và cực kỳ sống động cuộc đọ sức giữa chính quyền độc đảng, độc đoán, độc ác, bộ máy CA an ninh, với anh, với các anh chị em cùng anh đứng dậy đòi quyền làm người.

Qua sáng tác này, đông đảo bạn đọc trong nước và nước ngoài có thể hình dung rõ thêm cuộc đấu tranh gay go quyết liệt của anh chị em dấn thân cho dân chủ tự do và nhân quyền. Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý, nhiều kinh nghiệm cần thiết cho cuộc đấu tranh trực diện với bộ máy đàn áp vẫn diễn ra hàng ngày.

Có thể nói bạn Bùi Thanh Hiếu đã làm một việc rất có ích, ôn nhớ lại, ngẫm nghĩ, gần như tổng kết cả một thời kỳ đấu tranh đang trên đà mở rộng, lan tỏa nhanh, vững chắc. Điều này giải thích vì sao anh chị em ta ngày càng sung sức, lạc quan, gắn bó keo sơn với nhau, qua hình ảnh náo nức chào đón Đinh Nhật Uy ngay trước tòa án, hay cảnh tuổi trẻ VN tự tin, đàng hoàng ra vào các sứ quán, cơ quan đại diện nước ngoài ở Hà Nội để bàn bạc với bạn bè quốc tế về cuộc đấu tranh, cũng như rủ nhau lên đường xuất ngoại công khai sang Bangkok, Manila để phối hợp đấu tranh với các bạn nước ngoài và học tập về dân chủ. Đây là sự chia sẻ tâm huyết của Bùi Thanh Hiếu với bạn bè xa gần, với tuổi trẻ thân thiết nước ta, một món quà cuối năm, quà Tết dương lịch và Tết âm lịch rất quý, thiết thực, lại đúng lúc vì phong trào đang có cơ hội đột biến theo cấp số nhân.

Các cán bộ an ninh, công an các cấp, từ bộ trưởng, thứ trưởng CA, hơn 300 viên tướng CA, cùng cán bộ cao cấp, trung cấp, sơ cấp, và ngàn vạn nhân viên công an hãy chăm chú đọc tác phẩm này để hiểu rõ trách nhiệm của mình, để chớ lầm lẫn bạn, thù, ta, để hãy là bạn tốt của dân, không phải là tai họa của xã hội. Bởi những nhân vật chính ở phía chính quyền CS, độc đảng, mang nhãn hiệu Mác Lê, được đặc tả trong tác phẩm mới này hầu hết là sỹ quan an ninh Công an các cấp, ở bộ CA, CA tỉnh, thành, huyện, quận, xã, ở các trại giam trong Nam ngoài Bắc, phần lớn là kẻ hung dữ, độc ác và gian dối, hống hách.

Xin mời các ông tướng tá, sỹ quan CA hãy đọc cho kỹ, để từ nay bảo nhau không được gọi dân bằng thằng nọ con kia, gọi người cao tuổi là thằng già, con mẹ, không được văng tục, chửi bới, đạp giày vào mặt dân, bịt mồm linh mục, sỗ sàng mất dạy với nữ công dân như họ từng làm với Phương Uyên, Minh Hạnh, đánh đập tàn bạo hàng trăm hàng ngàn dân oan, làm chết hàng loạt công dân ngay trong trụ sở công an. Có đến hằng ngàn vụ trọng án, nhưng các bộ trưởng, thứ trưởng CA vẫn câng câng khinh dân ra mặt, vì nhà nước, chính phủ không ai dám đụng đến họ. Trong khi ở CH LB Đức chỉ 1 công dân bị chết mờ ám trong tù là bộ trưởng công an phải đích thân tường trình vụ việc trước quốc hội và trước báo chí tự do. Tính mạng công dân trên thế giới phải có giá trị ngang nhau, không thể nơi khác ta là người, ở ta như súc vật.

Có thể nói món quà quý mang từ Weimar về Bùi Thanh Hiếu cũng có thiện ý tặng cho đội ngũ toàn ngành công an, từ trên xuống dưới, trong đó vẫn có một vài người quý hiểm ngầm ủng hộ và đồng cảm với anh. Mong các người ấy biết giật mình khi thấy lại mình trong sách, để biết hổ thẹn với lương tâm, với gia đình, người thân, bạn bè, láng giềng…

Cám ơn Bùi Thanh Hiếu đã tận dụng một cuộc xuất ngoại bổ ích và lý thú. Cảm ơn ông thị trưởng Weimar đã có một sáng kiến quý hóa mang tình quốc tế đậm đà.

Làn gió khỏe khoắn của thời đại đã đưa Người Buôn Gió từ Đông Nam Á sang tận trung tâm châu Âu, để anh lại mang trở về một làn gió mát Lành.

Một chuyến “buôn” hữu nghị có lãi to cho phong trào dân chủ và nhân quyền, cho bà con dân oan thân thiết, cho toàn dân ta đang khát khao đến cháy họng các quyền sống tự do thật sự, khao khát một hiến pháp dân chủ thứ thiệt, lần này quyết tiễn đưa vào nghĩa địa học thuyết giáo điều Mác - Lênin, vĩnh viễn chôn vùi quyền sở hữu toàn dân phi lý.

Đáng mừng nhiều hơn nữa là tác phẩm mới của Bùi Thanh Hiếu, được dịch ra các thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Hoa… sẽ có thể là chứng từ có giá trị văn học và pháp lý cao gửi đến các cơ quan Liên Hiệp Quốc , đến Cao Ủy Nhân quyền, đến Hội đồng Nhân quyền LHQ ( Việt Nam mới được vào) cũng như với cơ quan quốc tế chống tra tấn và chống xét xử bất công. Thế giới đang cần những chứng từ sinh động, chân thực, không che dấu cũng không tô vẽ thêm, người thật việc thật, thời gian địa điểm rõ ràng minh bạch, trong đó giá trị tâm lý, tư tưởng, chính trị, văn học, thẩm mỹ, xã hội, pháp lý gắn liền nhau.



1 comments:

Cháu cảm ơn Bác Bùi Tín đã thông tin về Người Buôn Gió. Cháu rất tin Bác nhưng nhìn nhiều sự việc xung quanh nên cháu khá đắn đo và rồi cháu hy vọng đây là Gió lành thật sự. Mong rằng những dòng chia sẻ thật lòng nầy s4 không làm Bác buồn lòng. Kính Bắc.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More