Ls. Ngô Ngọc Trai
"Nơi nào mà luật pháp bị xem thường thì luật sư cũng không được coi trọng. Để luật pháp và luật sư cùng được coi trọng thì mỗi luật sư bằng chính hoạt động hàng ngày của mình cần vun đắp cho hệ thống luật pháp được trở nên công minh tiến bộ".
Luật sư Ngô Ngọc Trai
*
ĐƠN KIẾN NGHỊ
(Về vai trò của luật sư trong các phiên tòa quân sự)
Kính gửi:
- BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TRUNG ƯƠNG
- BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
- VIỆN TRƯỞNG VKSND TỐI CAO NGUYỄN HÒA BÌNH, TRƯỞNG BAN
SOẠN THẢO BLTTHS SỬA ĐỔI
- CÁC LUẬT SƯ ĐỒNG NGHIỆP
- CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ
I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Tôi là: Ngô Ngọc Trai
Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nam Định
Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nam Định
II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 Điều 28 quy định: 1. Công dân
có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị
với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà
nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai,
minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Điều
93 quy định: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có
thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc
thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đang được rà soát sửa
đổi, là luật sư hành nghề bào chữa trong các vụ án hình sự tôi nhận thấy và góp
ý sửa đổi một việc như sau:
Đã 8 năm hành nghề bản thân tôi chưa từng tham gia một
phiên tòa quân sự nào, nhiều luật sư mà tôi biết thì cũng chưa từng tham gia.
Một vị luật sư có thâm niên và tên tuổi khi được hỏi về việc đã từng tham gia
bào chữa trong phiên tòa quân sự chưa thì viện dẫn đến một phiên tòa tham gia cách
đây đã 10 năm.
Điều đó cho thấy là trong quân đội ít xảy ra tội phạm và
cũng có khả năng là lâu nay việc giải quyết vụ án trong quân đội luật sư không
được hoang nghênh và ít được tham gia.
Qua xem xét thì thấy những hành vi phạm tội của cán bộ
chiến sĩ, sĩ quan quân đội được giải quyết bởi một hệ thống cơ quan riêng biệt
trực thuộc quân đội. Quân đội có cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và cơ
quan thi hành án riêng, độc lập. Đó là một hệ thống tiến hành tố tụng khép kín.
Vì sự riêng biệt, độc lập và tính chất kín đáo như vậy
nên có cảm tưởng rằng đó là hệ thống tố tụng của một quốc gia xa lạ.
Trong khi đó Bộ luật hình sự là luật áp dụng chung, không
phân biệt hành vi phạm tội được thực hiện bởi cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan quân
đội hay dân thường, cho nên dù có trân trọng đến mấy cũng không loại trừ trong
quân đội cũng xảy ra những tội phạm về chức vụ, tham nhũng hay các tội phạm xâm
phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người và các tội phạm khác.
Bộ luật tố tụng hình sự cũng là luật áp dụng chung, trong
đó luật sư được tham gia bào chữa trong mọi phiên tòa. Không có phiên tòa nào
mà luật sư không được tham gia. Bộ luật tố tụng hình sự quy định nguyên tắc
pháp lý căn bản là tòa án xét xử công khai. Chỉ trong trường hợp đặc biệt cần
giữ bí mật nhà nước thì tòa án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Xử kín
nhưng luật sư cũng vẫn được tham gia.
Lâu nay tình trạng tội phạm trong quân đội thế nào thật
khó biết, tỉ lệ án có luật sư tham gia bào chữa là bao nhiêu? Luật sư ít được
tham gia là do không được mời hay bị can, bị cáo e ngại điều gì nên không mời
luật sư bào chữa?
Sự tham gia của luật sư bào chữa là hết sức cần thiết vì
không có gì đảm bảo rằng tòa án quân sự là không mắc sai lầm và không gây oan
sai. Coi trọng vai trò của luật sư trong các phiên tòa quân sự là nâng cao tỉ
lệ án hình sự có luật sư bào chữa, giảm tránh oan sai, điều này phù hợp với chủ
trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
Sẽ có người cho rằng cần giữ “bí mật quân sự” nên hạn chế
tính công khai của các phiên tòa quân sự nhưng đó là cách thức ngụy biện để che
dấu đi tình trạng sai phạm trong quân đội. Việc giữ bí mật vẫn được đảm bảo vì
đó là một trong những nguyên tắc hành nghề của luật sư.
Điều 25 Luật luật sư năm 2006 đã quy định rõ: Luật sư không được tiết lộ thông
tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề…
Hành lang pháp lý về luật sư là thiết chế quan trọng
trong hệ thống luật pháp của quốc gia pháp quyền vì thiết chế về luật sư thực
chất là một thiết chế giám sát. Khi luật sư tham gia vào các hoạt động là thực
hiện vai trò giám sát hoạt động thực thi và tuân theo pháp luật của cán bộ và
cơ quan công quyền, kiểm tra việc am hiểu và áp dụng đúng luật trong khi giải
quyết các vụ việc, vụ án, phát hiện ra những lỗ hổng luật pháp và cơ chế dẫn
đến tội phạm.
Khi luật sư được hoạt động rộng rãi đó cũng là cách Đảng,
Nhà nước và Nhân dân soi dọi ánh sáng công lý vào rộng khắp các vùng mảng đời
sống xã hội, giúp kiểm soát bạo quyền và bảo vệ quyền tự do dân chủ. Để xây
dựng xã hội thượng tôn pháp luật trước mắt cần thực hiện các hoạt động có tính
chất phá băng đối với những rào cản hay chướng ngại cản trở hoạt động hành nghề
của luật sư.
Từ những nội dung trên tôi đề nghị:
IV/ KIẾN NGHỊ
Đề nghị Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Ban nội
chính trung ương, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao kiêm Trưởng ban
soạn thảo BLTTHS sửa đổi, xem xét bổ sung quy định buộc mọi vụ án mà người phạm
tội là cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan quân đội đều phải được có luật sư bào chữa
giống như quy định hiện tại áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm vào tội với
khung hình phạt chung thân, tử hình hoặc người phạm tội là người chưa thành
niên. Nếu không có luật sư mời thì phải có luật sư chỉ định.
Đề nghị các luật sư đồng nghiệp có hoạt động thiết thực
ủng hộ chương trình cải cách tư pháp của đảng và nhà nước, quan tâm bàn thảo
tạo chuyển biến về vấn đề này góp phần bảo vệ quyền hành nghề của luật sư đồng
thời cũng là bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân.
Đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm phản ánh những sự
việc thực tế có liên quan đến nội dung ý kiến nêu trong kiến nghị này, góp phần
xây dựng nền tư pháp nước nhà được trở lên công minh tiến bộ.
Xin trân trọng cảm ơn!
Thông tin xin liên hệ: Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai
và Cộng sự, địa chỉ: 106/1 Lương Thế Vinh, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định.
Email: lsngoctrai@gmail.com Website: www.ngongoctrai.com
Người kiến nghị
LS. Ngô Ngọc Trai
0 comments:
Đăng nhận xét