Nguyễn Trung Tôn
Kẻng
báo thức của trại giam vang lên, mặc dù không biết là mấy giờ, nhưng trời vẫn
còn tối.
Cả buồng thức dậy. Tôi ngồi cầu
nguyện còn 3 người bạn tù của tôi vùng dậy. Trần Thế Toàn Thấy tôi ngồi cầu
nguyện. Toàn hỏi tôi: Tôn làm gì vậy?
Tôi không trả lời vì vẫn đang
cầu nguyện.
Toàn hỏi tiếp: Thằng Tôn, mày làm gì vậy?
Tôi đành dừng cầu nguyện và trả
lời: Tôi là người theo Chúa nên mỗi buổi
sáng và tối tôi đều cầu nguyện.
Toàn nói: Thôi đã vào đây thì không được thực
hành những nghi lễ đó. Lát nữa mở cửa mày xem nội quy và phải học cho thuộc.
Toàn lại bảo Hùa: Chuẩn bị đi em! Hùa lại lấy
khăn che lên dây khăn mặt, cố tình tạo ra một góc phòng mà Camera không thể
thấy. Toàn tiếp tục lấy thuốc lào và báo ra làm như khi tối. Họ hút thuốc và
đưa cho tôi, nhưng tôi từ chối, vì hôm qua tôi đã hút với họ nhưng bị say nên
rất sợ.
Toàn bắt đầu phân công công
việc cho các thành viên trong buồng: Hôm nay có thêm thằng
Tôn nên công việc thay đổi một chút nhé. Thằng A Lào (tức Rùa) vẫn chịu trách nhiệm lau dọn hố “mét” (Hố vệ sinh), Thằng Hùa lau bục nằm và “xa lộ”, thằng Tôn chịu trách nhiệm rửa bát.
Tôn nên công việc thay đổi một chút nhé. Thằng A Lào (tức Rùa) vẫn chịu trách nhiệm lau dọn hố “mét” (Hố vệ sinh), Thằng Hùa lau bục nằm và “xa lộ”, thằng Tôn chịu trách nhiệm rửa bát.
Toàn nói tiếp: Sáng nay thằng Hùa ra nhận 4 gói mì tôm và nước, ăn xong
thì Thăng A Lào se râu cho thằng Tôn, sau đó Thằng Tôn phải học cho thuộc nội
quy.
Tôi nghe xong và chỉ hiểu được
phần việc của mình từ hôm nay là rửa bát cho cả 4 người sau mỗi bữa ăn.
Cửa buồng giam mở, chúng tôi
vội vàng bước ra cửa xếp hàng ngang, 3 người bạn của tôi hô lớn tiếng “
Xin chào cán bộ”. Quản giáo Thành gật đầu. Có một tù nhân thuộc buồng “vệ sinh”
đi theo cán bộ làm trách nhiệm mở và đóng cửa, người tù này tên Tuấn. Tuấn đóng
cửa ngoài, quản giáo khóa lại. Mấy thành viên trong buồng, thay nhau đi đại
tiện, xong Hùa dùng dẻ lau lối đi trong buồng mà họ gọi nói là “Xa lộ”, A Lào
(Tức Lầu Vả Rùa) nhanh nhảu lau dọn hố vệ sinh. Còn tôi thì ngơ ngác chẳng biết
làm gì. Thấy Tuấn, là người đã đi theo Quản giáo để mở cửa buồng giam khi nãy
cầm cuốn sổ và một người nữa bê thùng mì tôm tới cửa buồng gọi: Buồng 9 lấy bao nhiêu gói?
Toàn trả lời: 4 gói anh ạ!
Lấy Mì tôm vào, Hùa xé và bỏ
vào bốn bát nhựa, một lát sau thấy có người xách thùng nước nóng tới đổ cho
chúng tôi một ít vào chậu để chúng tôi pha Mì tôm. Tối hôm qua đợi công an
làm thủ túc giấy tờ mãi, vào buồng muộn nên tôi không được ăn cơm tối. Sáng hôm
nay ăn bát Mì Tôm trong tù, tôi thấy nó thật ngon.
Tôi hỏi Toàn: Mì Tôm này là do trại cấp hả anh
Toàn?
Toàn cười nói: Trại cấp, nhưng tiền gia đình.
Tôi chưa hiểu lắm câu trả lời
này nhưng cũng có thể nhận ra rằng Mi tôm tôi ăn sáng nay không phải là của
“nhà nước”.
Ăn sáng xong tôi mang bát vào
rửa và thấy Tuấn (người đã đi theo cán bộ để mở buồng) đi lại và đưa qua song
sắt cho Toàn một nhúm Thuốc Lào, một dãi báo. Toàn mang vào trong buồng, ngồi
làm gì đó tôi không giám để ý, vì tôi vẫn nhớ bài học ba không ba có. Một lát
sau thấy Tuấn mang bật lửa lại gọi Toàn ra bật lửa cho Toàn châm Thuốc Lào. Sau
khi hút thuốc xong, Toàn bảo Rùa: A Lào lấy chỉ se râu cho Tôn đi!
Thấy A Lào đứng dậy lấy một sợi
dây chỉ mà cậu cuộn sẵn trong túi đựng đồ cá nhân.
A Lào bảo tôi nằm xuống, cậu ta
dùng chỉ buộc vào bốn đầu ngón tay của cả hai tay, bắt đầu nhẹ nhàng đưa vào
cằm tôi và cứ thế cậu ta se từng sợi râu, ria trên cằm và mép tôi. Đã hơn một
tuần chưa cạo râu nên râu tôi rất tốt. A Lào se mãi mới xong, cứ mỗi lần hai
ngón trỏ của A Lào bật ra bật vào, dây chỉ se vào râu và nhổ ra vài sợi, làm
tôi đau chảy cả nước mắt.
Tôi hỏi: Sao không dùng dao cạo để cạo cho
đỡ đau?
Toàn nói giải thích: Trại giam cấm không cho người bị tạm
giam dùng dao cạo.
Toàn bảo tôi: Vào đây rồi phải xác định, tập tành
cho quen đi, phải tự tập mà se râu, chứ không ai làm cho mình mãi được đâu.
Se râu xong tôi vào buồng tắm rửa cho sạnh sẽ, và bắt đầu quan sát cho kỹ lại buồng giam:
Buồng giam thiết kế có 2 bục
bằng Xi măng để cho tù nhân nằm, chiều cao của bục khoảng 50 cm chiều
ngang khoảng 90 cm dài khoảng 2 m thiết kế dọc theo chiều dài của buồng giam, ở
giữa hai bục nằm là lối đi rộng khoảng 70 cm, mọi người trong buồng gọi là “Xa
lộ”. Cuối hai bục nằm một bên là bể chứa nước được gắn vòi từ gòi vào, một bên
là hố vệ sinh. Như vậy tổng cộng chiều dài của buồng giam khoảng 3 m, chiều
ngang khoảng 2,5 m, Tổng diện tích buồng khoảng 7,5 m vuông. Không có cửa
sổ, chỉ có một cửa chính, cánh cửa làm bằng sắt rất dầy, trên cánh cửa có một ô
hình chữ nhật cao khoảng 1,5 cm, dài khoảng 2,5 cm làm ô thoáng mỗi khi cảnh
cửa sắt đóng lại. Phía trước và sau buồng giam ở trên gần trần nhà có mấy ô
thoáng để thông khí, được gắn bằng các khung sắt. Ngay cửa buồng bước ra có một
khu hiên mà người tù gọi là “Chuồng cọp” là nơi mà mỗi giờ mở của buồng giam
thì các bị can ra đó ngồi cho thoáng. Chiều dài “chuồng cọp” là chiều ngang của
buồng giam, chiều rộng “chuồng cọp” khoảng 1,2m, được ngăn cách với bên ngoài
bằng một dãy song sắt. Có một cánh cửa ra vào, nhưng bình thường nó chỉ được mở
mỗi ngày 6 lần, Sáng Quản giáo mở nó để vào mở cửa buồng giam, gần trưa Quản
giáo mở nó để các bị can nhận phần cơm, trưa quản giáo mở nó để vào đóng cửa
buồng giam, tương tự buổi chiều cũng vậy.
Quản giáo sai Tuấn tới mở cửa buồng gọi tôi ra ngoài gặp. Quản giáo Nguyễn Văn Thành ngồi trên ghế có một bàn gỗ trước mặt. Tôi tới nới, ông ta chỉ tay về trước mặt bảo tôi: Đứng đấy!
Tôi đứng vào chổ ông ta chỉ.
Cán bộ hỏi tôi một loạt các câu hỏi như: Họ tên gì? Sinh năm bao nhiêu? Nghề nghiệp làm gì? Quê quán ở đâu? Họ tên bố mẹ, vợ và các con là gì? Bị bắt ngày nào? Bị truy tố tôi danh gì? …
Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của ông ta. Thấy ông ta ghi tất cả vào một cuốn sổ, sau đó ghi họ tên tôi vào một mảnh giấy hình con thoi gần bằng lòng bàn tay rồi dắt vào cuốn sổ, (mà sau này tôi biết họ gọi là sổ “Tôm” để quản giáo theo dõi tên tuổi và số bị can trong các buồng giam). Xong việc họ đưa tôi trở lại buồng giam.
Buồng trưởng Toàn hỏi tôi: Tôn có muốn ở buồng này hay thích lên buồng “Vệ sinh” ở cho thoải mái?
Tôi không hiểu “Buồng vệ sinh”
là sao nên hỏi: Sao
ở buồng vệ sinh lại thoải mái hả anh? Buồng vệ sinh là thế nào ạ?
Toàn nói: Nhà A1a này có 10 buồng, chia làm
nhiều loại khác nhau, Buồng 6 là buồng Vệ sinh, buồng đó rộng rãi hơn, có cửa
sổ thoáng mát, chỗ nằm thoải mái, hàng ngày cán bộ mở cửa cho đi đi lại lại,
phục vụ nước nôi cho cán bộ, phơi quần áo và chia cơm nước cho tù nhân. Cán bộ
cho họ được đun nấu thức ăn trong buồng giam, có thuốc lá thuốc lào thoải mái,
thậm chí thích uống rượu, cán bộ cũng có thể mang vào cho. Buồng 5 là buồng “Sỹ
Quan” buồng đó cũng rộng rãi thoáng mát, cũng có thuốc lá thuốc lào nhiều hơn
các buồng khác, nhưng không được mở cửa để đi ra đi vào. Mỗi buồng đó bình
thường là có 10 tới 12 tù nhân ở. Mỗi người muốn được vào ở buồng vệ sinh thì
gia đình phải “làm cơ chế” cho cán bộ quản giáo 5 triệu đồng và mỗi tháng gia
đình thăm nuôi phải biếu quà cho cán bộ 5 trăm ngàn. Nếu không đủ điều
kiện ở buồng vệ sinh thì ở buồng sỹ quan cũng được. Ở buồng sỹ quan thì làm cơ
chế cho cán bộ 3 triệu và mỗi tháng cũng quà cáp 4 hoặc 5 trăm ngàn. Nếu không
có thì ở buồng bình dân, không làm cơ chế, nhưng mỗi khi gia đình tới thăm thì
biếu cán bộ từ 2 trăm tới 5 trăm, để cán bộ quan tâm cho mình việc nước nôi,
thuốc men…Còn nếu không có gì thì phải ở buồng Si bi ri.
Tôi hỏi: Thế buồng Si bi ri là thế nào ạ?
Toàn nói: Buồng đó là dành cho những
thành phần không có gia đình thăm nuôi, qua cáp và không có cả tiền lưu ký.
Hàng ngày chỉ dùng cơm tù canh trại, cán bộ dồn họ vào một buồng.
Tôi lại hỏi: Thế buồng mình đang ở là
buồng gì?
Toàn nói: Buồng này là bình dân, nhưng chỉ
dành nhốt những đối tượng trọng án để theo dõi qua Ca me ra.
Tôi nói: Thôi! Họ nhốt đâu thì mình ở đó
thôi chứ chẳng chọn lựa, hơn nữa nhà tôi cũng không có tiền làm cơ chế cho cán
bộ.
Toàn chỉ vào tờ giấy khổ A4
treo ở hàng song sắt bảo tôi: Nếu xác định ở lại buồng này thì bây giờ ra học nội quy
cho thuộc đi.
Tôi cầm tờ gấy xem qua
một lượt, rồi treo lên. Tôi nói với Toàn: Những quy định ở đây mình cứ hiểu,
nhớ và thực hiện là được chứ học thuộc làm gì.
Quản giáo đi lại nhắc
nhở: Toàn cho
thằng mới vào học nội quy đi, thằng đó phải học thuộc điều 9 nhé !
Toàn lại bắt tôi phải học nội quy, nhưng lần này thì bảo tôi là phải học bằng thuộc điều thứ 9.
Điều 9 có nội dung đại khái như
sau: “Nghiêm cấm người bị tạm giữ, tạm
giam tàng trữ sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy, phản động. Cấm thực hành các hình
thức mê tín dị đoan, cấm truyền đạo…”.
(Mặc dù bị buộc phải học thuộc nhưng tôi cũng chỉ học để đối phó, nên không con
nhớ được đầy đủ). Thời gian trôi qua, một ngày tù kết thúc vào lúc khoảng 16h
chiều bằng việc cậu Tuấn vệ sinh đi phát thuốc lào cho các buồng giam
xong thì quản giáo đi đóng cửa buồng . Cả khu nhà giam lại rơi vào tĩnh mịch.
Các thành viên buồng giam số 9 chúng tôi lại kể cho nhau nghe những câu chuyện
của đời mình, để thời gian được trôi nhanh.
Những câu chuyện mà mọi người kể lại trong chốn lao tù, tôi sẽ lần lượt kể lại vào những phần sau.
Những câu chuyện mà mọi người kể lại trong chốn lao tù, tôi sẽ lần lượt kể lại vào những phần sau.
Cám ơn các đọc giả đã cảm thông và cùng tôi xem hết bài viết dài này, hi vọng quý độc giả sẽ phần nào hình dung ra cuộc sống của những người ngồi sau song sắt trong “Thiên đường XHCN” này.
Hẹn gặp lại quý đọc giả trong kỳ sau.
Thanh Hóa ngày 17/6/2014
Nguyễn Trung Tôn
ĐT:
0162.8387.716
Email: nguyentrungtonth@gmail. com
Tác giả gửi đếnDienDanCTM
0 comments:
Đăng nhận xét