Quan Béo Phọt Óc Heo

Đinh Tấn Lực
VN ta đã được thế giới chứng nhận có nền kinh tế thị trường, 
thông qua chiến lược Buôn bộ trưởng và Bán vé số” (ĐTL).

Tin vui ngày Rằm rơi vào Thứ Sáu 13: Ku Tổng xác nhận là đã quá khớp khi tuyên bố trong hội nghị trung ương rằng chưa biết đến cuối thế kỷ này có thể kết thúc tiến trình hoàn tất XHCN hay không.
Công đầu là do nỗ lực của đa phần đảng viên hành nghề bộ trưởng.
Đâu đó trên Phây có một status phiếm, đại ý như sau:
Một bà đầm tây đi chợ Việt, không nói được tiếng Việt, chỉ ra hiệu. Bà vén váy chỉ vào đùi, chị bán hàng cắt ngay cho 1 ký thịt đùi. Qua hàng kế, bà ta kéo áo chỉ vào ngực, chị bán hàng cân ngay 1 ký ức ngan. Qua hàng kế nữa, bà hơi lúng túng, sau cùng, chỉ vào cái tivi, anh bán hàng lập tức gói ngay cho 1 ký óc heo. Lúc đó, tivi đang chiếu trực tiếp cảnh QH chất vấn các bộ trưởng.
Tác giả chuyện phiếm này có phần nào kỳ thị heo chăng?
Không rõ, nhưng cứ nhìn mặt Ku Giàng tên màn hình thì có thể hiểu ra sức liên tưởng của người xem.
Và nếu có thể kiên nhẫn ngồi nghe Ku Giàng thuyết luận về mức thu nhập cao của bà con bán vé số, hẳn là chính mỗi khán thính giả truyền hình VN cũng có thể có cùng cảm nhận như anh chàng hàng thịt bán óc heo kia.

Tay chủ thớt ấy bỏ vốn tự tạo ra để buôn thịt kiếm sống và nuôi gia đình, tức là làm ăn lương thiện. Lại hiểu ngay yêu cầu của một khách hàng câm tiếng Việt thì quả là cực thông minh. Thế, thông minh tầm đó thì không thể không biết đến cái hoạt cảnh nhộn nhịp buôn ghế bất lương ở tầng thượng của lãnh đạo: Một giáo viên ra trường phải chạy vài trăm triệu để có được cái bục đứng lớp. Thậm chí, một lính biển cũng phải chạy vài trăm triệu để ra giữ đảo (được nhiều ưu đãi). Thì khó ai hình dung được bọn óc heo kia đã chạy bao nhiêu trăm tỷ để tóm cái ghế bộ trưởng. Tay chủ thớt, và rất đông những người làm ăn lương thiện khác, hẳn phải có một nỗi uất hận kinh hồn và một niềm khinh bỉ cực cao mới có thể gói ngay món óc heo cho bà khách hàng đi chợ bằng ngón trỏ ấy.

Có khi tay hàng thịt kia đã kịp nhận ra cái thớt của hắn còn quá nhỏ. May mà nhân loại đã phát minh ra loại truyền hình màn ảnh rộng. Không thì thiên hạ khó thấy hết khuôn mặt đồ sộ của ngài bộ trưởng chủ nhiệm ủy ban dân tộc bán vé số.

Rõ là người ta bắt được ngay đây, với hình ảnh Ku Giàng đang hùng biện đến rung cả nọng trong nọng ngoài kia, chí ít là một chút cảm thông với lời xác nhận của Ku Tổng, rằng, chưa biết bao giờ mới chạm tới cái XHCN lung linh nhang khói nọ, nhưng cũng đã bước đầu vượt qua biết bao hố hầm xương máu để đạt được cái thành quả thần kỳ thu gọn dân tộc vào hai giai cấp hiện nay: bộ trưởng và bán vé số.

Giai cấp bán vé số không hẳn cần (và cầm chắc chẳng đủ tiêu chuẩn mỡ mặt) để đề bạt ra người đại diện. Song, chắc chắn phải cỡ Giàng Seo Phử mới xứng đáng “đại diện” cho giai cấp (quan béo) bộ trưởng.

Với hai giai cấp thu gọn đó, VN được gì?

Trước tiên, sách kỷ lục thế giới phải công bình mà công khai xác nhận rằng VN là nước duy nhất trên thế giới có những bậc lãnh đạo chuyên ngành, với mớ danh thiếp in chữ đậm (tuyền là danh ngôn thời đại ở tầm “out-Langtan Langtan — quá cha Lăng Tần”), đại loại như sau:
·                     Quá trình đoàn kết thống nhất 2 nước (Phạm Thế Duyệt);
·                     Bất động sản chuyển động tích cực  (Trịnh Đình Dũng);
·                     Có vụ 34 nghìn tỷ đồng là do anh em bị khớp (Phạm Vũ Luận);
·                     Giá sữa được sự quản lý của nhà nước theo chủ trương chung (Đinh Tiến Dũng);
·                     Không có lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu / Đổ hết tội cho thủy điện là oan / Năm nay không thiếu điện (Vũ Huy Hoàng);
·                     Bảo vệ rừng là trách nhiệm của từng địa phương (Cao Đức Phát);
·                     Tăng giá cước điện thoại chỉ ảnh hưởng đến người có tiền (Nguyễn Bắc Son);
·                     Việc bổ nhiệm bộ trưởng là đúng quy trình (Nguyễn Thị Kim Tiến);
·                     Không phát hiện dấu hiệu gì tiêu cực (Huỳnh Phong Tranh);
·                     Phiếu tín nhiệm thấp mà xin từ chức thì …được tha (Nguyễn Hạnh Phúc);
·                     Chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật (Nguyễn Sinh Hùng);
·                    

Kế đến, “sự thật” ấy nói gì?
Giai cấp này ăn gì mà nảy nòi ra những khối nọng nặng oằn ấy?
Nhà thơ Hà Huyền Chi có một bản giải trình tóm lược cực ngắn với tựa đề là Triệu Thằng Ăn Cắp:
“Xã viên ăn cắp củ khoai
Đội viên ăn cắp một vài ký phân
Huyện ủy ăn cắp cái cân
Tỉnh ủy trộm gỗ thủy lâm xây nhà
Bộ đội ăn cắp quân xa
Công an ăn cắp thịt da tội tù
Pháp đình cưỡng lý đoạt từ
Hiến Pháp đánh cắp tự do nhân quyền
Nhà băng ăn cắp bạc tiền
Nhà trường ăn cắp niềm tin nhi đồng
Tướng lãnh ăn cắp chiến công
Nhà thương ăn cắp tấm lòng lương y
Bác Hồ chính kẻ đạo thi
Triệu thằng ăn cắp còn chi giống nòi ?”

Không thấy nhà thơ kể tội giai cấp bán vé số. Tuyền chỉ trong phạm vi giai cấp đảng viên đang phấn đấu buôn đủ loại ghế hành nghề ăn cắp đại trà…
*
“Tử huyệt của chế độ không nằm ngoài cơ thể của nó” (ĐTL).

Nói theo kiểu “bất động sản bắt đầu chuyển động tích cực”, hãy thử bật lại một câu hỏi …khó:
- Thế, đã biết chúng ăn cắp đến xệ nọng, sao ta cứ phải cưu mang cái lũ óc heo mặt lợn ấy?

Hượm đã nào, hãy chịu khó thử thêm phát nữa: Lược duyệt lại phản ứng của nhà nước trong vài thập niên qua, vào các thời mốc điểm, xem sao:
·                     Tù cải tạo: Tù vượt ngục/lập tổ kháng cự… – nhà nước tiêu diệt;
·                     Ngăn sông cấm chợ/Tận diệt tư thương: Dân buôn lậu/phá xưởng/phá hợp tác xã… – nhà nước dẹp bỏ các chính sách chết tiệt đó;
·                     Vượt biên: Dân dè bĩu/tiếu lâm/nhạc chế… – nhà nước ngó lơ;
·                     Polpot: Dân trốn nghĩa vụ – nhà nước truy lùng;
·                     Chiến tranh biên giới: Dân xung phong – nhà nước cướp công;
·                     Đổi mới: Văn nghệ sĩ chớp thời cơ nong xích – nhà nước lập cập xiết lại;
·                     Quốc tế tan rã: Dân hy vọng tới phiên – nhà nước bưng bít tin tức, ra sức tuyên truyền hồng và lếch thếch kéo nhau đi đường bộ qua Nam Ninh;
·                     1997: Dân phản ứng dữ dội ở Thái Bình/Xuân Lộc/Đông Anh/Sóc Sơn… – nhà nước xuống nước;
·                     2007: Dân biểu tình chống Tam Sa/phát triển hệ thống dân báo –  nhà nước phóng tay đàn áp để chứng tỏ lòng trung với quan thầy theo đúng mật ước Thành Đô;
·                     2008: Dân chống rước đuốc, chống nhà nước dưới vỏ bọc chống tàu – nhà nước tăng sức đàn áp;
·                     2009-2012: Dân thao dượt đấu tranh bất bạo động ở Thái Hà/Tam Tòa/Đồng Chiêm/Cồn Dầu/Tiên Lãng/Văn Giang/Dương Nội/Cần Thơ/Thái Bình…, dân nâng tầm đấu tranh sau vụ tàu Bình Minh bị cắt cáp, dân đã vượt qua sợ hãi: hình thành No-U, mạng lưới Blogger và các hình thái sinh hoạt đấu tranh khác – nhà nước chùn tay, và hệ truyền thông chính quy bị bỏ rơi khá xa sau mông làng dân báo;
·                     2012: Dân phát huy hệ thống truyền thông ngoài luồng, tin tức và bình luận được cập nhật như cái búng tay/nháy mắt – Tuyên Giáo loay hoay/tê liệt, nhà nước vận hành tùy ý mỗi tầng/mỗi nơi;
·                     2013: Hoạt động XHDS phát triển/dân ra nước ngoài quảng diễn và vận động dư luận quốc tế – nhà nước té ngửa, phản ứng bằng nước bọt;
·                     2014:  Cụm từ VNCH phổ cập, dân qua Thụy Sĩ/Mỹ/Úc điều trần – nhà nước bó tay;
·                     2014: Sự cố Haiyang981, dân lật mặt đảng – khiến đảng mất tính thống nhất/xuyên suốt, nhà nước lúng túng/ló đuôi phò tàu bán nước/phát biểu ngày càng nhăng cuội như kể trên…
·                     2014: Lòng dân sáng rõ và kết đoàn, điển hình là qua sinh hoạt Bầu Bí hay kỷ lục Góp gạo cho Dương Nội, “phản động” trở thành tĩnh từ đẹp, vinh dự và lan tràn đều khắp…, còn giới đấu tranh coi chuyện đi tù như giấc ngủ trưa – nhà nước vò đầu/bứt tai/thở dài.

Nhìn ngược, từ sinh hoạt kháng cự đến châm biếm, đến xuống đường, đến quảng diễn quốc tế vận, đến ngang nhiên sinh hoạt xã hội dân sự… đích thị đó là những chặng đường dài đầy gai, nhưng, tựu chung, hóa ra, các mắt xích độc tài đã được bà con ta bền gan nong ra khá rộng, tới mức phọt ra cả đống óc heo vừa nói.


Đã có người ví von “Phò đại cục – Chuốc đại nhục”. Ấy là nói về bọn óc heo thờ hán. Ấy cũng là cách nói của một bộ phận lớn/vừa/nhỏ nào đó đã thấy căm tàu chỉ một căm ta đến muời, ngay trong lòng chế độ, kể cả chiến binh và cựu chiến binh, thậm chí, không ít dư luận viên trắng mắt sau một thời gian chạm trán trên Phây.

Dân càng không chịu nổi mối nhục vĩ đại đó. Xài từ của mùa bóng đá rộn ràng này, thì rõ là dân đã thư thả dí đảng và nhà nước vào thế việt vị, ngậm gân gà đến lòi tử huyệt: Lạy tàu không được mà dìm dân cũng không xong.

Tức là, đã đành chẳng thể xoay phải/xoay trái, mà còn cấm cả xoay lui.
Chuyện gì có thể xảy ra kế tiếp?
Hẳn phải là nhiều chuyện, nhưng ắt là, với dân, không thể thiếu chuyện Thoát cộng để Thoát hán.
Nhân mùa tranh tài túc cầu thế giới này, hãy tạm tắt các chương trình thời sự trên tivi mà ngó ra biển và cược nhau một can bia hơi, xem thử, với đà này, đứa nào đổ trước: Bắc Kinh hay Ba Đình?

14/6/2014 – Kỷ niệm tròn 729 năm Thái sư Trần Quang Khải cùng các tướng Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản đánh thắng thủy quân Nguyên Mông ở trận Chương Dương, tái chiếm Thăng Long. Bên kia bán cầu, lại tròn 239 năm ngày thành lập Hải quân Hoa Kỳ.

Blogger Đinh Tấn Lực, báo cáo cùng các bạn chưa ra khỏi nhà tù nhỏ. 

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More