TS. Đinh Hoằng Thắng
Ngay vào thời điểm
tin tức về giàn khoan Trung Quốc trên truyền thông đang vỡ òa, có người đã lo
lắng, sau khi giàn khoan HD-981 rút khỏi biển Việt Nam, liệu mọi chuyện, một lần
nữa, rồi lại sẽ rơi vào im lặng như trước đây.
Việc nhà nước (Việt Nam) hạn chế
hay khuyến khích báo chí quốc doanh “xả stress”, sau một đợt “ngủ đông” kéo dài
về cuộc 'xâm lăng toàn diện' Việt Nam của Trung Quốc, đặt ra những tình
huống lưỡng nan cho cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý tới đây.
huống lưỡng nan cho cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý tới đây.
Nếu cuộc chạy “sô” lập trường dâng cao
sẽ dẫn đến nỗi lo “chùm nho Bắc Kinh nổi giận”, nếu cái nồi hơi “phê Trung, đả
Giàn” (phê Trung Quốc, đả Giàn khoan) hạ nhiệt thì ngược lại, biết lấy gì
“chống lưng” cho cuộc vận động dư luận đòi đảo cũng như đòi biển bị cướp và bị
chiếm?
'Pháo xịt ngòi'
Theo Tân Hoa xã, phát ngôn viên
Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chiều 16/7 cho biết, việc chuyển giàn
khoan là sự sắp xếp từ trước của các doanh nghiệp trên biển, chẳng liên
quan gì tới bất cứ một nhân tố bên ngoài nào.
Ý ông này “cãi cối cãi chầy”: Chúng
tôi (tức Trung Quốc) rút trước một tháng so với dự kiến không phải vì tính toán
sai lầm và do áp lực quốc tế đâu nhé! Trung Quốc rút giàn khoan càng không phải
vì Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm (nóng) với Chủ tịch Tập Cận Bình một
ngày trước khi chúng tôi ra tuyên bố đâu nhé!?
Đúng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã
tiết lộ một phần của bí mật…
Phần của bí mật đó là ông Obama đã
nói gì với ông Tập sau hơn hai tháng Trung Quốc “múa gậy vườn hoang” khiêu
khích, thách thức, hiếp đáp đối với một nước nhỏ (đang bị họ quở trách là “đứa
con hoang đàng”)?
Liệu Trung Quốc đã thật sự hoàn
thành sứ mệnh “nắn gân dư luận”?
Liệu Trung Quốc đã lãnh đủ những thứ
Trung Quốc đáng ra phải nhận?
Sự trỗi dậy muộn màng của Trung
Quốc trong một trật tự tương đối an bài bởi những thiết chế quốc tế về an toàn
và tự do hàng hải mách bảo cho những thế lực nuôi cuồng vọng sắp xếp lại bàn cờ
khu vực cũng như trên toàn cầu rằng, thời của họ chưa đến hoặc thời của họ đã
qua.
Phép thử của những kẻ chủ xướng
“Trung Hoa Mộng” khi nào thật sự mới kết thúc?
Chẳng có gì bảo đảm, Trung Quốc sẽ
không “tái xuất giang hồ”, đẩy “biên giới di động” trở lại vị trí cũ, hoặc sang
một vị trí mới. Vì đường lưỡi bò “tham ăn háu đói” đâu chỉ ra đời từ thời Tưởng
Giới Thạch. Nó là sản phẩm từ ngàn năm của điều
được cho là “căn tính sói”, sản phẩm của não trạng coi 14 nước láng giềng là
man di của một “Trung Hoa quân chủ chuyên chế” (từ của GS Trần Ngọc Vương).
Các lựa chọn
Một nửa sự mờ ám chưa hẳn đã là sự
mờ ám toàn phần. Người Việt, cả 'thủ lĩnh' lẫn 'thảo dân' sẽ còn mất nhiều công
sức để phát hiện, để đối phó! Cơn sốt truyền thông hai tháng qua mới chỉ đủ để
công luận qua “cơn ngái ngủ”.
Có một sẽ có hai. Trong một tình
huống rõ như ban ngày, Việt Nam
là bậc thang đầu tiên để 'Thiên triều' đi xuống biển Đông Nam Á, từ đó trổ ra
Thái Bình Dương để ăn thua “đủ” với các cường quốc muốn giữ nguyên trạng.
Nhưng rồi “sự trỗi dậy” ấy, cho dù
bằng hòa bình như đang quảng bá hay bằng chiến tranh như từng chuẩn bị, dường
như cho thấy con sư tử già thức giấc quá muộn.
Dẫu sao mặc lòng, giờ đây ngồi tính
lại hơn thiệt (cost and benefit), Trung Quốc đang nhận ra những sự thật không
mấy ngọt ngào.
Về phần thế giới, phải thấy các nhà
bình luận có lý khi qua những vụ như vừa rồi đã khái quát nên một Trung Quốc
“chưa giàu đã già”, “chưa hùng đã hung”.
Còn Việt Nam có thể đứng trước những lựa
chọn nào?
Thứ nhất, nhân cơ hội vừa qua, xác
lập lại một tư thế mới trong bang giao với các nước láng giềng và thế giới, dù
lớn hay bé, như giữa các quốc gia với nhau; thậm chí, nếu muốn, như giữa các thực
thể địa - chính trị. Đây là cơ hội để Việt Nam có được một con đường thẳng và
tương đối nhanh để đi tới hưng khởi.
Thứ hai, trở lại “đường ray cũ” như
một tập quán “bóng đè”, như một định mệnh của lịch sử. Việt Nam sẽ trở
thành “trái độn” cho những xung đột có thể có giữa các thế lực lớn. Đây là con
đường trở lại 'kiếp chư hầu', 'thuộc quốc' vốn đã quá bẽ bàng trong lịch sử.
Đều là thành viên của Việt tộc,
chúng ta phải hiểu tại sao Trần Hưng Đạo được dân phong Thánh, gọi là Đức Thánh
Trần.
Khi xã tắc lâm nguy thì sự đồng
thuận cao giữa triều đình với thần dân, đặc biệt là giữa những nhân vật trọng
yếu của triều đình với nhau (mặc dầu trong đám ấy cũng có kẻ toan tính chuyện hàng
giặc) là vô cùng quan trọng. Trần Hưng Đạo, vì nước bỏ qua thù nhà, góp phần
giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống
quân Nguyên.
Không “há miệng chờ sung”
Pháo Tàu tuy đã “xịt ngòi” nhưng
thuốc pháo còn nguyên.
Và những vòi rồng, những súng phun
nước, thậm chí các dàn pháo đủ loại (Trung Quốc đã “lột truồng” để phóng đại
thêm tính côn đồ) vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng.
Lựa chọn của 'nạn nhân' trong
trường hợp này khá hạn hẹp.
Cũng còn may mà thế lưỡng nan không
chỉ xuất hiện trong bang giao Việt-Trung.
Thế lưỡng nan còn phản ánh cả ở
tương quan giữa Trung Quốc với các nước khu vực và với các đại cường: “Lụt thì
lút cả làng”.
An ninh của Việt Nam trở thành
một bộ phận của an ninh khu vực, thậm chí toàn cầu. Tuy nhiên, cũng không thể “há
miệng chờ sung”.
Ngay giữa ngã ba đường, Việt Nam đã buộc
phải chủ động tiến hành nhiều cuộc chinh chiến ngoài ý muốn để góp phần ngăn chặn
thảm họa cho toàn khu vực.
Và an ninh và phát triển cho Việt Nam, hòa bình và
công lý cho Biển Đông, đó là con đường mở ra ở phía trước, nhưng không phải là
một sứ mệnh bất khả thi!
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà nghiên cứu về tình hình quốc tế và khu vực, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện đang sinh sống tại Hà Nội.
0 comments:
Đăng nhận xét