Những tháng ngày đáng nhớ

Những bài học trong tù (kỳ 21)
Ms Nguyễn Trung Tôn
Nguyễn Trung Tôn

Xe chở chúng tôi từ Tòa án về tới trại giam thì đã khoảng 12h trưa. Trực trại Lê Tuấn Anh dẫn tôi vào nhà B1 trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ an. Vừa dẫn tôi đi cán bộ Lê Tuấn Anh vừa nói: Tôi bố trí cho anh vào nhà B1, là khu nhà giam lẻ để anh sống thoải mái hơn, chứ vào nhà chung đông người, mà phức tạp lắm. Vào buồng giam lẻ, ít người, anh lựa sống sao cho tốt, cố gắng lên, anh còn hơn 1 năm nữa giữ sức khỏe mà về. Tôi nói: Cám ơn cán bộ đã quan tâm, tôi sẽ biết phải sống thế nào cho phù hợp trong môi trường này. 

Trên đường đi vào chúng tôi gặp quản giáo tên Tiến, có biệt danh “Tiến gà chọi” vì người này có đôi mắt và khuôn mặt lúc nào cũng đỏ. Bước vào khu nhà B1, một dãy nhà cấp 4 cũ kĩ ẩm thấp, gồm 11 buồng giam. Thấy các cửa đóng kín mít, không một tiếng ồn, tôi nghĩ rằng bên trong không có người! Đi qua buồng thứ nhất, buồng thứ 2, tôi thấy trên của buồng có ghi dòng chữ: Buồng giàm tù nhận án tử hình. Rồi buồng 3 tới buồng 7 cán bộ Tuấn Anh dừng lại ở buồng 8.
  
Quản giáo Tiến đưa chìa khóa mở cửa bảo tôi vào trong. Cửa buồng vừa mở ra từ trong buồng giam bốc mùi khét của khói nhựa cháy. Quản giáo Tiến dặn với vào trong.: “Thành Ổi bố trí chỗ cho Nguyễn Trung Tôn nằm nhé!”.  Tôi bức vào trong. Cánh cửa chưa đóng lại thì trực trại Lê Tuấn Anh ló đầu vào nói: Đun nấu gì mà khét thế? Trực trại nói: “Anh Thành ra tôi gặp chút”. Không biết Trực trại dặn gì đó với anh Thành về tôi. Cánh cửa đóng lại anh Thành, còn gọi là Thành Ổi bảo tôi ngồi lên bục. họ lại tiếp tục bật lửa, đốt nhựa để đun tiếp mấy con cá đang đun dở. Xong việc họ dọn cơm và bảo tôi ngồi ăn luôn, nhưng tôi nói rằng tôi đang mệt không muốn ăn. 

Buồng giam ở khu nhà B1 này rất chật.  Chỉ khoảng  6m vuông mà khi tôi vào buồng đã có 4 người, mấy ngày sau lại còn thêm 1 người nữa là 6 người. Buồng được bố trí một bục nằm bằng xi măng. Nằm  tráo trở  thì được 4 người, là chật cứng không có chỗ cựa, trền đầu bục có gắn một cái còng chân để còng xiềng chân những ai bị kỷ luật, phía trong bục nằm là một bể nước nhỏ rộng khoảng 1m vuông cao khoảng 0,5m. Từ cửa bước vào là lối đi ”Xa lộ” cũng là chỗ nằm, nằm tráo trở được 2 người. Cuối “Xa lộ” là hố vệ sinh, được xây ngăn một bức tường lững nên nếu muốn đi vệ sinh thì phải bước lên bục nằm mới bức xuống hố vệ sinh được. Bởi thế ban đêm khi mọi người đi ngủ thì không thể đi vệ sinh được, nếu đi như vậy sẽ làm người ngủ dưới lối đi tỉnh dấc. Vì thế tôi bịết mình  bệnh thận nên  xin được nằm ngay gần hố vệ sinh để đêm có thể đi tiểu mà không làm ảnh hưởng tới anh em. 

Buồng giam mà tôi được bố trí vào ở, toàn là những người đã đi tù ít nhất là lần thứ 2, có người đã đi lần thứ 4, chỉ có mình tôi là lần đầu, những người trong buồng đã có đầy những kinh nghiệm ở tù. “Văn tù” của họ cũng rất khá. Không ai thủ tục tôi cả, anh Thành Ổi nói rằng Trực trại Lê Tuấn Anh đã dặn dò rằng quan tâm và đối xử tốt với tôi. Vậy nên ngay khi nhập buồng tôi đã có thể sinh hoạt tự do như tất cả các thành viên cũ. Buồng giam tuy chật chội nhưng không khí thì cũng rất vui vẻ . Tối nào cũng vậy. buồng chúng tôi dùng chai nhựa đun nước sôi pha chè uống. Trong buồng cũng có khá nhiều thuốc lào, nên họ vê thuốc hút, uống nước chè và tán gẫu. Anh Thành và anh Thạch, họ hơn tôi một tuổi, cả hai đều là người thành phố Vinh Nghệ an. Có một cậu Trung ở Hà Nội, một người tên Quang ở  Anh Sơn Nghệ an, môt người tên Quyền ở Nghĩa đàn Nghệ an. Tối lại họ hay bảo tôi kể chuyện lịch sử, chuyện Kinh thánh. Tôi đã tận dụng vốn liếng kiến thức ít ỏi của mình để kể cho họ nghe nhưng câu chuyện mà tôi đã đọc được từ Kinh Thánh hay trên Internet.

Vào buồng được 2 ngày tôi đã xin ra ngoài gặp quản giáo Tiến để viết đơn kháng cáo. Tôi sống trong buồng  đó được 15 ngày, vừa hết thời gian kháng án, cũng là lúc lệnh tạm giam của Tòa án Nghệ an đối với tôi đã hết hạn, nếu muốn giam giữ tôi tiếp thì Tòa án Tối cao phải có lệnh tạm giam. Tôi đề nghị quản giáo thả tôi ra khỏi buồng giàm, vì lý do bản án sơ thẩm không có hiệu lực, vì tôi đã kháng án, mà lệnh tạm giam đã hết hạn. Vậy không còn lý do gì quản giáo Tiền có quyền giam giữ tôi. Tôi hỏi cán bộ: Cán bộ căn cứ vào quyết định nào mà giam giữ tôi? Cán bộ Tiến trả lời: Tôi chỉ biết làm theo mệnh lệnh, nếu anh có thắc mắc, để tôi xin ý kiến của Ban Giám Thị. Chiều tới; cán bộ Tiến gọi tôi ra ngoài gặp và nói: Bản án sơ thẩm của Tòa án đối với anh bây giờ chưa có hiệu lực, lệnh tạm giam đối với anh đã hết, nhưng cơ quan thụ lý anh bây giờ là Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân Tối cao ở Hà Nội. Hiện nay họ chưa gửi kịp lệnh tạm giam vào vì lý do địa lý. Họ sẽ gửi lệnh vào ngay, khi nào nhận đươc trại giam có trách nhiệm đưa cho anh. Anh hay bình tĩnh chờ đợi, đừng làm căng thẳng. Tôi trả lời: Tôi không muốn làm gì căng thẳng, nhưng tôi không thể chấp nhận việc trại giam giam giữ tôi mà không có lệnh tạm giam hay quyết định nào của Tòa án. Tôi sẽ quyết định tuyệt thực nếu như cán bộ không thả tôi ra hoạc đưa cho tôi xem lệnh tạm giam. Mắt đã đỏ lại đỏ thêm, Quản giáo Tiến lớn tiếng: “Anh thích căng thẳng thì tôi chiều anh thôi! Anh về buồng gấp tư trang!” Tôi trở về buồng gấp quần áo chăn màn. (Tôi có một thùng mì tôm Hảo Hảo và 50 gói lương khô do vợ tôi gửi vào và một tờ lưu ký 500.000 đồng đã mua hết đồ dùng, thức ăn để tại buồng  8, nhưng khi chuyển không được mang theo. Quản giáo Tiến tới đưa tôi vào buồng số 2 của nhà giam, là buồng giam  những phạm nhân tử hình.  Quản giáo nói: “ Anh ở đây tôi sẽ đi báo với phòng hồ sơ xem họ giải thich thế nào, nhưng anh cứ phải xác định rằng không ai thả anh ra bây giờ. 

Tôi bước vào buồng giam số 2, nơi mà chỉ cách đó 1 hôm có một tử tù nào đó mới bị đưa đi hành quyết.  Bục nằm vẫn còn ấm hơi người, trên chiếc xiềng chân vẫn còn dấu máu và mồ hôi của người tù xấu số. Buồng giam tuy chật hẹp so với chỗ ở bên ngoài nhưng đối với tôi thì là rất rộng rãi vì một mình một buồng, với 2 bục nằm, 1 bể nước và 1 hố vệ sinh. Tôi ở đó một mình buồn vô tận, nhưng cũng thấy vui vì tôi thoải mái cầu nguyện với Chúa của mình, mặc dù trên đầu vẫn có một Camera theo dõi ngày đêm. Tôi chính thức tuyệt thực từ hôm đó, tức là ngày 15 tháng 1 năm 2012. Được khoảng 3 ngày, có cán bộ quản lý hồ sơ vào gặp tôi và giải thích: “Anh Tôn ạ! Chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ của anh và biết chính xác lệnh tạm giam cũ của anh đã hết hạn vào ngày 12 tháng 1 năm 2011. Nhưng anh thông cảm, vì ngày 02 tháng 1 anh mới làm đơn kháng án, nên có thể Tòa tối cáo nhận đơn còn xem xét, sau đó mới ra lệnh tạm giam đối với anh, vì lý do cách trở nên lệnh tạm giam tới chậm. Tôi khuyên anh nên ăn trở lại, vì nếu anh không ăn gì thì chỉ khổ cho anh thôi!” Tôi nói rằng: Tôi không đồng ý việc trại giam giam giữ tôi mà không có lênh tạm giam. Tôi sẽ tiếp tục tuyệt thực cho tới khi nào trại giam đưa ra được lý do cụ thể về việc giam giữ tôi.” 

Tôi bi đưa trở lại buồng giam, một lát sau, cửa buồng giam mở ra, Quản giáo dẫn 2 người tù khác vào ở cùng tôi. Bắt đầu từ hôm đó tôi bị 2 người tù này uy hiếp, nguyền rủa đủ điều. Khi tới bữa ăn, quản giáo sai người đưa cơm và đồ ăn ngon tới cho 2 người này ăn trước mặt tôi. Có thêm 1 công an vũ trang đứng canh cho 2 người tù kia ăn, những gì họ ăn không hết thì bắt mang đổ vào hố vệ sinh. Tối lại 2 người kia không ngừng những lời miệt thị tôi. Buổi sáng quản giáo lại gọi người tù tên là Hùng ra ngoài hỏi han dặn dò gì đó. Thời gian dài đằng đẳng cứ chầm chậm trôi. Tết nguyên đán gần về. Tôi mới nhận được lệnh tạm giam của Tòa án nhân dân tối cao do bà Đào Thị Nga ký. Sau  một thời gian nhịn ăn, chịu bao nhiêu áp lực, cuối cùng tôi chấp nhận ăn trở lại vì lý do đã có lệnh tạm giam, nhưng thú thật mà nói nếu lệnh tam giam kia không vào thì tôi cũng sắp phải đầu hàng tuyệt thực, vì 3 lý do:

Thứ 1: Tôi không được gặp người thân nên bên ngoài không ai biết tôi đang tuyệt thực, nếu tôi có chết trong tù cũng chẳng giải quyết được gì, việc tuyệt thực của tôi sẽ không mang lại giá trị đáng kể.

Thứ 2: Áp lực của sự nguyền rủa từ 2 phạm nhân cùng buồng, làm tôi vô cùng  khổ sở.

Thứ 3 là vì ngày Tết đã gần kề, tôi không muốn mình bắt đầu năm mới bằng việc nhịn ăn. Tôi quyết định ăn trở lại. Quản giáo Tiến gọi tôi ra và yêu cầu tôi ký vào một biên bản thừa nhận tôi đã ăn trở lại. Những căng thẳng trong buồng giam cũng lắng xuống. Một người tù hôm trước được chuyển tới ở cùng tôi, chắc đã làm xong “nhiệm vụ” nên được đưa đi nới khác. Buồng giam số 2 còn lại 2 người mấy hôm sau quản giáo đưa thêm 2 người nữa tới ở cùng. Cả buồng giam 4 người nhưng tết đến chỉ mình tôi nhận được 300.000 đồng tiền lưu ký. Chúng tôi phải chia ra để mua thêm mắm muối, dùng trong mấy ngày tết.

Chiều 30 Tết ngồi ngắm bầu trời bị mây đen vây kín, những cơn mưa cuối đông làm lòng tôi thêm giá lạnh. Tâm trạng buồn bã vô cùng, tôi đã làm mấy câu thơ để tự an ủi chính mình với tựa đề:
Tiếng gọi của nàng xuân
Lác đác mưa bay sáng tới chiều
Đông tàn xơ xác cảnh đìu hiu
Nhìn qua song sắt trời u ám
Nghe tiếng xuân sang gõ cửa lòng
Tết đến trong tù, vui chi Tết
Xuân về trong ngục, đón chi xuân
Lòng ta đang đợi mùa xuân lớn
Xuân của Tự Do, của đa nguyên
Chiều ba mươi Tết còn trong ngục
Buồn vì dân tộc mất tự do
Trong tim vẫn tràn đầy tin tưởng
Một ngày dân chủ sẽ thành công
Giờ ta bó gối ngồi trong ngục
Mà lòng giá lạnh tựa tuyết đông
Bên tai, tiếng ngàn xuân hứa hẹn
Nắng vàng dân chủ nở muôn hoa.
Cuộc đời là vậy! Mỗi người chúng ta được sinh ra trên đời này đều có những lúc vui lúc buồn, lúc thành lúc bại, nhưng chắc chắn một điều rằng, tất cả chúng ta đều có thể là nhân tố quan trọng để làm nên lịch sử. Tương lai đang vẫy gọi tất cả chúng ta. Tôi tự động viên mình hãy mạnh mẽ lên, đừng bao giờ bỏ cuộc vì biết rằng trên vai mình đang mang một xứ mạng quan trọng nặng nề nhưng đầy ắp niềm vui.
Thanh hóa ngày 24/9/2014
Nguyễn Trung Tôn 
Tác giả gửi đến DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More