Bùi Tín
Trên mạng Dân Làm Báo
vừa có bài ‘Những hạn chế của Đèn Cù’ của tác giả Phan Châu Thành, chỉ ra 8 điểm
yếu kém của tác phẩm mới trình làng của Trần Đĩnh.
Ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về một cuốn sách là chuyện thường tình trong cuộc sống văn học- chính trị. Trao đổi, tranh luận, cọ xát chính kiến làm cho xã hội tiếp cận với lẽ phái, với cái đẹp, cái tiến bộ, cái có ích, cũng như lắng nghe nhau, tôn trọng ý kiến khác nhau là động lực thúc đẩy cuộc sống văn hóa và học thuật.
Tôi thấy tác giả Phan
Châu Thành có phần quá lời khi cảnh báo rằng cuốn sách của Trần Đĩnh có thể
‘nguy hiểm‘(!), ‘không có ích gì cho phong trào dân chủ’(!) , ‘có thể gây
nhiều ngộ nhận’, ‘ không nói được cái gì mới ‘, ‘ chỉ là một cuốn sách tù mù,
luẩn quẩn, không mới, không đặc sắc, như một chiếc đèn cù tầm thường ngoài đời vậy
‘.
Tôi e rằng ông Phan
Châu Thành chưa nắm chắc được phương pháp, nguyên tắc thưởng thức một tác phẩm văn học nghệ thuật
hay chính trị. Thật đáng tiếc.
Trước hết, người đọc
cần đặt mình vào trong điều kiện, môi trường, hoàn cảnh sống của người viết để
đánh giá nhân sinh quan, lẽ sống, chính kiến của người viết; hai là cần có thái
độ công bằng, khoan dung, khiêm tốn, không yêu cầu người viết phải có quan điểm,
bút pháp giống hệt mình, y như mình mong muốn, cần theo quan điểm đa nguyên, mỗi
người có quyền được giống và khác người ; ba là tự mình biết gạn đục khơi
trong, biết nhận ra, thưởng thức những cái hay, cái đẹp, cái thiện tiềm ẩn, có
khi đó không phải là chủ định của người viết. Cuối cùng là phát hiện thông điệp
chính, cái thần của tác phẩm.
Phan Châu Thành còn
đi quá xa sự thật, khi cho rằng những Trần Đĩnh, Trần Đức Thảo, Vũ Thư Hiên,
Bùi Tín đều vẫn còn thuộc hàng ngũ ‘ Hồ-Nhều ’ cả. Đã gần 10 năm nay tôi đã nhiều
lần nói, viết, khẳng định rằng sau khi nghiền ngẫm kỹ, nghiên cứu thấu đáo tôi
đã đi đến kết luận như đinh đóng cột rằng : « ông Hồ là 1 nhân
vật tiêu cực, có hại cho đất nước, nếu cho điểm tôi sẽ cho điểm âm, dưới
zéro » ; rằng : « sẽ là may mắn cho dân tộc nếu như
ông Hồ không sang Pháp, vào đảng Xã hội, rồi vào đảng Cộng sản Pháp, không sang
Nga học nghề tình báo của đệ Tam Quốc tế CS, không sang Tàu gia nhập đệ Bát Lộ
quân của Mao … để rồi về nước áp dụng một chế độ độc đoán phi dân chủ, phản dân
chủ đến tận ngày nay ». Tôi không bao giờ đạp giày lên ảnh ông Hồ như có
người thách thức, tôi không gọi ông Hồ là thằng, là lão, là tên, theo cái kiểu
Phan Châu Thành không hài lòng khi thấy triết gia Trần Đức Thảo và Trần Đĩnh vẫn
gọi ông Hồ là ‘ ông Cụ ‘. Một kiểu chống
Cộng sơ đẳng, ấu trĩ, không nên có ở một người làm chính trị đứng đắn, có tư
cách, tôn trọng độc giả. Nhà báo lương thiện không hồ đồ, suy diễn.
Tôi biết Phan Châu
Thành có lần bộc lộ trên mạng mong muốn cao nhất của anh là giải ảo về nhân vật
Hồ Chí Minh, với bài : ‘Giải ảo về HCM như thế nào ?’. Anh nhận định
rất đúng rằng lãnh đạo giáo điều bảo thủ hiện nay chỉ còn bám víu hão huyền vào
nhân vật thành ‘huyền thọai ‘ này. Thế mà anh không nhận ra ‘Những lời trăng trối’
và ‘ Đèn Cù’ thực tế chính là những nhát xẻng sắc đã an táng ông Hồ xuống mấy tầng
đất đen. Vâng, chôn về tinh thần, nhân cách, còn sâu sắc hơn là chôn cơ thể, con người.
Trần Đĩnh nói gì ? Rằng ông Hồ bịt râu ra tận hiện trường xã Đồng Bẩm tham dự cuộc đấu tố và xử tử bà Nguyễn Thị Năm, còn tự mình viết bản cáo trạng vu cáo bà Năm giết
hàng trăm nông dân,
ký tên C.B. là ‘của Bác’ – ‘bác Hồ’, để đăng trên trang nhất báo Nhân Dân. Đã vậy
còn giả dối nói với ông Hòang Tùng là « không thể bắn chết một phụ nữ mở
màn cho Cải cách ruộng đất, cũng như không thể đánh một phụ nữ dù bằng một cành
hoa -, theo cách nói nịnh đầm của dân thượng lưu Pháp ». Ông Hồ còn hứa hão với ông Hoàng Quốc Việt là
sẽ can thiệp với cố vấn Tàu để không bắn bà Năm. Trần Đĩnh vốn kiệm lời, tin ở
bạn đọc thừa đủ biết cách đọc. Để làm vỡ lẽ là ông Hồ lá mặt, lá trái, tàn ác,
giả dối đến độ nào. Nói thẳng ra là đểu giả, mất dạy đến độ nào. Đạo đức nào
như thế. Học đạo đức ‘bác’ thì cả dân tộc, cả thế hệ trẻ sẽ thành một dân tộc lừa
lọc, bịp bợm.
Một đọan rất ngắn, 1, 2 lưỡi xẻng sắc thừa đủ chôn vùi uy danh, nhân cách của ông Hồ.
Đã có ai lật mặt ông
Hồ có sức thuyết phục, đau đến thế, không cãi được đến thế ? Sao lại bảo
Trần Đĩnh còn ‘ Hồ nhều’, vu cáo thế là phải tội đấy. Đúng là TĐ có nói :
lúc đầu tôi cũng mến ông Hồ, nhưng xin chú ý, chỉ ‘lúc đầu’ thôi. Sau ông đã ‘dứt
tình’ kia mà.
Còn triết gia Trần Đức
Thảo ? ‘Hồ-Nhều’ ư ? chỉ vì 2 chữ ‘ông Cụ’(!)? . Hơn một chục lần TĐT
gia công giải mã ‘ông Cụ’. Sâu và cay không ai hơn được. Xin mời anh Phan Châu
Thành và các bạn xem lại vài đọan trong cuốn ‘Những lời trăng trối’, có thể coi
là công trình triết học sâu sắc về giải mã nhân vật Hồ Chí Minh.
-
Cụ Hồ là
một nhân vật vô cùng phức tạp, vô cùng thông minh, rất mưu trí, một
con người sắt đá đến
mức vô cảm, vô tình, sẵn sàng chụp bắt mọi cơ hội để thành đạt. Một ý chí thành
đạt không gì lay chuyển. Đây là một Tào Tháo muôn mặt của muôn đời (trang 318)
-
Phải hiểu
rằng ‘ông cụ’ có tâm thức mình là bên trên tất cả, là một bậc kỳ lão gia trưởng luôn luôn tỏa
sáng bởi một thứ hào quang thần thoại đúng với truyền thuyết lịch sử ‘ con Rồng
cháu Tiên ‘. Và đám quần thần chung quanh ‘ông cụ’ không tha thứ cho một ai dám
tỏ mình là ngang hàng với ‘ Người’. Từ những tay nổi tiếng tâm huyết như Nguyễn
An Ninh, Phan văn Hùm, … cho tới kẻ được đào tạo chính quy như Trần Văn Giàu,
và biết bao nhiêu trí thức có uy tín khác nữa… đều là nạn nhân của thái độ như
thế. Tất cả đều bị lọai bỏ một cách tàn nhẫn và vĩnh viễn. Người ta ưa kể cho
nhau nghe rằng Tạ Thu Thâu chết mất xác vì câu nói: ‘ngòai Bắc có cụ, trong Nam
có … tôi’(261).
-
Phải biết rằng huyền thọai và vóc dáng lãnh tụ của ‘bác Hồ’ là tác phẩm
của cả một công trình nghệ thuật hóa trang cao độ, một công trình điểm tô, giàn
dựng, để công kênh ‘ông cụ’ lên thành một nhà lãnh đạo uy nghi, kiệt xuất, như
là bậc thần bậc thánh để dân chúng một lòng
ngưỡng mộ mà sùng bái. ‘Ông cụ’ được tôn vinh làm bác, làm cha dân tộc. Họ dạy
cho dân tiêu chuẩn lý tưởng, cái gì có giá trị thì cũng phải là của ‘bác Hồ, của
‘cụ Hồ’. Nào là ‘cháu ngoan bác Hồ’, ‘cây vú sữa bác Hồ’, ‘nhà sàn bác Hồ’ cho
tới ‘anh bộ đội cụ Hồ’ (262).
-
Guồng máy
tuyên truyền cách mạng dạy dân :’ Phải sống và làm việc theo gương ‘bác Hồ’ ! Nhưng
làm sao một người bình thường có thể sống với tung tích không rõ rệt, gốc gác đầy
bí ẩn, nhiều tên họ lung tung, với đường lối muôn mặt như ‘bác Hồ’ được.
Hành trình gập ghềnh,
khúc khuỷu của ‘bác Hồ’ thì khó có ai có thể đi theo. Từ một chú bé học chữ nho
ở trong làng, từ một cậu học trò nghèo sống ở Huế, từ một ông thày giáo quèn ở
Phan Thiết, từ một anh bồi hầu hạ quan Tây trên tàu thủy, từ một anh thợ chụp ảnh
dạo ở Paris, từ một kẻ mượn danh một nhóm ái quốc ‘An Nam’ viết báo, viết kiến
nghị gửi hội nghị quốc tế, từ một đảng viên đảng Xã hội Pháp, nay bỗng xuất hiện
ở Nga, mai lại là cán bộ ở
bên Tàu, nay bị đệ Tam quốc tế khai trừ vì có ’đầu óc quốc gia hẹp hòi’, mai lại
thấy chạy về ẩn náu ở Trung Quốc, ở Xiêm… rồi sau lại thấy xuất hiện trở lại ở Liên Xô, nhưng
chỉ được chầu rìa bên lề Đại hội kỳ 5 của đệ Tam Quốc tế… Rồi sau lại thấy ‘bác’
xuất hiện với bộ áo cà sa ở Xiêm, rồi là trong bộ quân phục Giải phóng quân Trung quốc, khi
được nhận vào làm việc trong Bát Lộ Quân của đảng CS Trung quốc… Sau biết bao
truân chuyên, thì rồi bỗng ‘bác’ nổi bật như một nhà chính trị của mọi cơ hội,
một lãnh tụ của cách mạng ! Một con người đa năng, muôn mặt, muôn ý, muôn
hướng phức tạp như thế, ai mà làm theo, noi theo tấm gương ấy được (268)
-
Xét rộng ra thì tầng lớp lãnh đạo sau này chỉ là cái đuôi … của tuyên
truyền giáo điều máy móc, thiếu biện chứng, phản biện chứng ! Vấn đề là
không thể bắt buộc noi gương ‘bác Hồ’. Bởi
cách sống muôn mặt, đa phương, đa nguyên của ‘bác’ đâu có phải là gương
sáng ? Bởi những điều ‘bác’ đã làm
nó rất khác, rất trái ngược với những điều ‘bác‘ dạy ! Bởi đảng, nhà nước
đã hành động muôn mặt như ‘bác’ nên xã hội đã loạn. Trong thực tế đâu có ai sống
theo lời dạy của ‘bác’?(273)
Chỉ qua vài đọan trên
có thể thấy triết gia Trần Đức Thảo đã khắc họa ‘ông Hồ’ đậm nét, trúng phóc ra
sao. Bộ máy tuyên huấn tháng 5 và tháng
9 vừa qua nhân kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ‘ông Hồ’ vẫn còn ra rả kêu gọi
thanh niên, đảng viên học tập đạo đức của
‘bác Hồ’, để theo như triết gia nói, cả nước hóa thành Tào Tháo lừa lọc
nhau cả ư ? rồi các em sẽ khai ngày và năm sinh tùy tiện, mỗi em mang hàng
chục bí danh, sống đạo dức giả hết hay sao. Rồi các em có vợ có con sẽ không nhận
vợ, nhận con, còn lấy con gái nuôi của chính mình cho dù chênh nhau hơn 40 tuổi,
rồi để cô ta bị đập vỡ sọ vẫn dửng dưng. Học làm theo ‘bác’ như thế sẽ rối lọan
to.
Riêng công trình ‘giải mã ông cụ’ của triết gia Trần Đức Thảo qua những lời trăng trối đã xứng đáng được vinh danh là công trình xuất sắc hạ bệ một thần tượng giả, dỏm, tệ hại cho toàn dân tộc. Huống gì triết gia còn triệt để phủ định chủ nghĩa Mác, kết luận nó sai, sai từ gốc đến ngọn, trong khi cương lĩnh hiện tại của đảng CS vẫn coi là cơ sở lý luận, cũng là một đòn chí tử nữa, một cống hiến đúng lúc khi đảng CS chuẩn bị Đại hội XII.
TĐT còn phủ định cả chế độ, cả đảng CS đến mức triệt để, khó ai có thể triệt để hơn, khi nói về công trình của mình :« Đây là những kinh nghiệm sống động để có thể hiểu rõ nguồn gốc của thảm kịch vẫn đang bao phủ lên thân phận dân tộc. Nó đưa tới tình trạng suy đồi đạo lý trong xã hội ta ngày nay.Một xã hội đang bị ung thối bởi căn bệnh trầm kha bất trị, căn bệnh xảo trá, căn bệnh thủ đọan của đảng » (trang 72).
Còn nhà báo Trần Đĩnh
đâu phải chỉ muốn minh oan cho cánh Xét lại, theo đường lối của Liên Xô hồi đó.
Đường lối ấy nếu như ông Hồ, ông Trường Chinh từng cam kết tán thành tại cuộc họp
lớn 81 đảng CS ở Moscow và thuyết phục được ban chấp hành trung ương thì VN sẽ
kiên trì thi đua hòa bình như giữa Tây Đức và Đông Đức, tránh việc dùng bạo lực
và chiến tranh, tránh bao nhiêu sinh mạng bị hủy diệt trong cuộc huynh đệ tương
tàn. Kết thúc sẽ có thể khác, dù sao vẫn còn hơn tình thế hiện nay.
Hai là minh oan cho vụ án hoang tưởng ấy còn là xây dựng nhà nước pháp quyền, lỗ hổng lớn của chế độ độc đảng phi pháp hiện nay, buộc phải xét lại cả những vụ án nhằm làm hài lòng Liên Xô khi chống Tàu, mà chính Lê Duẩn xoay trở cờ, như vụ án Chu Văn Tấn ‘ tay sai của Bắc Kinh’ (thượng tướng tư lệnh quân khu I) chết trong trại giam.
Ba là như nhà báo Trần Đĩnh nhận xét, họ không dám xét lại vụ án xét lại vì như vậy sẽ đổ vỡ, lan rộng, tóe loe ra hết, lớn nhất là vụ Tổng Cục II, vụ Lê Đức Anh chui vào đảng, 2 vụ đã được một tiểu ban kết luận nhưng tổng bí thư Nông Đức Mạnh quyết định ỉm đi, hủy đi với đa số đồng tình của bộ chính trị. Nhưng nay bộ chính trị và ban chấp hành trung ương hiện vẫn có quyền hồi tố đưa ra xem xét lại.
Vậy mà anh Phan Châu
Thành cảnh báo rằng coi chừng Đèn Cù không chống Cộng, không chống chế độ hiện
tại, nó có thể ‘nguy hiểm nữa’. Thưởng thức văn học, có khi nên biết đọc giữa 2
hàng chữ, sau những hàng chữ, ‘ý tại ngôn ngọai ‘. Bàn về chủ nghĩa tập thể theo kiểu cộng sản,
Trần Đĩnh nói về ‘ chất thú hoang dã, về vòng vây của chủ nghĩa tập thể, cái chủ
nghĩa nó không biết nhân cách’. Anh
thêm : ‘ Cái gì đụng đến Người – con Người – là nó ghét lắm. Nhân cách chống
cộng của Trần Đĩnh thể hiện ở câu nói : « Thà làm con đom đóm lập
lòe tý chút ánh sáng của riêng nó, cái ánh sáng nhỏ mọn, nhưng làm nổi bật lên
bóng tối bao la hãi hùng vây quanh nó ».
Anh Phan Châu Thành có nghe Trần Đĩnh mượn lời một cô gái thốt lên: ’ước gì Mỹ thả bom cho tan nát hết đi !’. Đó, chế độ CS dẫn đến một xã hội tan hoang không còn đáng sống. Và hãy nghe anh kể khoan khoái ra sao khi nhận được câu chúc mừng của cụ thân sinh từ Sài gòn gửi ra Hà Nội khi được tin anh bị (được) khai trừ khỏi đảng CS : « il faut célébrer la grande sortie de Đĩnh -, phải ăn mừng cuộc giải thóat lớn của Đĩnh ».
Tôi mong rằng đông đảo
bạn đọc tận thưởng 2 chuỗi ngọc quý ‘Trăng trối’ và ‘ Đèn Cù’. Vẫn còn khá nhiều
hạt ngọc ẩn hiện trong đó. Miễn là không định kiến, không ganh ghét, không dèm
pha, công bằng và tĩnh trí. Và biết cách thưởng thức những thông điệp tâm huyết
thầm kín của tác giả. Tôi thích thú mong đợi tập II của Đèn Cù.
Bùi Tín
0 comments:
Đăng nhận xét