Nguyễn Văn Tuấn
Tôi có thói quen cứ mỗi khi đến cuối năm thì đếm số ấn phẩm
công bố quốc tế trong 12 tháng qua. Việc này thì tôi đã làm chắc độ 10 năm qua,
nên số liệu thu thập khá dồi dào. Vì năm 2014 chưa kết thúc, nên tôi phải dùng
phương pháp thống kê để ước tính con số ấn phẩm cho năm. Ước tính này cũng khá
chính xác, chỉ xê xích vài chục ấn phẩm (vì hệ số R^2 lên đến 0.99).
Biểu đồ 1 dưới đây trình bày số ấn phẩm công bố trên các
tập san trong danh mục ISI của năm 2010 (màu xanh) và ước tính năm 2014 (màu đỏ)
cho các nước trong khối ASEAN + Đài Loan, Hàn Quốc, và Úc.
Năm 2014, Việt Nam
công bố khoảng 2822 ấn phẩm khoa học, và con số này còn khá khiêm tốn so với
Thái Lan (7020 bài), Mã Lai (10437), và càng khiêm tốn khi so với các cường quốc
khoa học trong vùng như Singapore (12351), Đài Loan (28352), Hàn Quốc (54722).
Điều đáng mừng và Việt Nam đã vượt qua và đang bỏ xa Nam Dương (1747) và Phi Luật
Tân (1202).
Trong các nước vừa kể, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao
nhất. Chẳng hạn như so với năm 2010, số ấn phẩm năm 2014 của VN tăng gấp 2.13 lần
(Biểu đồ 2). Các nước có tỉ lệ tăng trưởng đáng kể là Mã Lai (tăng 73% trong
cùng thời gian). Thật ra, Mã Lai đã vượt qua Thái Lan về số ấn phẩm khoa học và
đang trên đường xấp xỉ Singapore. Tôi nghĩ trong tương lai, Mã Lai sẽ vượt qua
Singapore một cách dễ dàng. Riêng các cường quốc khoa học trong vùng như Đài
Loan, Hàn Quốc và Úc thì dường như họ đã gần đạt tiềm năng, nên tỉ lệ tăng trưởng
chỉ 15% (Đài Loan), 35% (Hàn Quốc và Úc).
Bao giờ VN sẽ bằng Thái Lan? Với đà tăng trưởng hiện nay,
tôi tiên đoán rằng đến năm 2018 VN sẽ bằng Thái Lan năm 2010 (tức đạt con số
~5500 bài). Đến năm 2021, Việt Nam và Thái Lan có thể có số ấn phẩm ngang nhau
(~9500 bài). Nhưng để đuổi kịp Mã Lai thì hơi … khó. Với tốc độ hiện nay, phải
đến 2029 thì VN mới bằng Mã Lai! Tuy nhiên, dự báo này chỉ đúng với điều kiện tốc
độ tăng trưởng của VN sẽ tuân theo phương trình bậc 2, và Thái Lan và Mã Lai theo
phương trình bậc 1. Dĩ nhiên giả định này có thể sai.
Các phân tích này chỉ mới xem xét đến lượng, chứ chưa xem
xét đến phẩm. Hiện nay, thì về mặt phẩm chất (như tần số trích dẫn, chỉ số H,
impact factor), VN vẫn còn thấp hơn Thái Lan và Mã Lai, và càng kém hơn so với
Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc.
Một khía cạnh khác tôi rất quan tâm là nội lực VN còn thấp
quá, chỉ 20% ấn phẩm là do nội lực, còn 80% là có yếu tố nước ngoài. Trong khi
đó, các nước như Mã Lai và Thái Lan thì tỉ lệ nội lực của họ lên đến 50%, tức
ngang hàng các nước tiên tiến như Úc và Hàn Quốc.
Nói tóm lại, tình hình công bố khoa học của VN đang trên
đường tăng trưởng nhanh. VN đã bỏ hai nước Nam Dương và Phi Luật Tân (trước đây
chỉ 10 năm họ còn hơn VN). Với đà tăng trưởng hiện nay, VN sẽ có cơ may vượt
qua Thái Lan trong vòng 6 năm nữa, nhưng sẽ khá vất vả để đuổi theo Mã Lai.
Trong vòng 20 năm nữa VN vẫn sẽ rất khó có thể sánh vai cùng với Đài Loan,
Singapore, và Hàn Quốc. Nhưng nhìn đời bằng màu xanh, tôi nghĩ "cái gì
cũng có thể", và VN vẫn có thể vượt qua Singapore với điều kiện phải có một
cuộc cách mạng lớn trong quản lí khoa học, đại học, và thể chế, và đó là một
thách thức cho Chính phủ.
0 comments:
Đăng nhận xét