Cuộc tuyệt thực của Hải Điếu Cày (Phần 2)

Nguyễn Xuân Nghĩa (hồi ký từng phần - Phần 2)

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghiã

Bữa cơm chiều hôm ấy khá thịnh soạn.

Trước đó một ngày, do Hải “đề xuất”, chúng tôi đăng ký căng tin trại nồi riêu cá nấu dưa. Căng tin trại tù thường nấu canh cá trôi cùng dưa cải. Nhóm nào “chơi sang” hơn thì đăng ký cá với măng. Nói chung, căng tin trại tù nào cũng không nên cử người đi thi “vua đầu bếp”. Ở Nghệ An, kể cả món cá biển kho cũng không có gia vị. Đặc biệt món ăn nào cũng cho nghệ, (có thể do người ở đây gọi tỉnh mình là Nghệ An), nước nghệ vàng quánh, sền sệt, không kể cá hay thịt ... Rất khó ăn.

Như mọi lần chúng tôi chia món canh cá ra làm hai bữa: bữa sáng, bữa chiều. Cái đầu và cái đuôi cho bữa sáng, cái khúc giữa, to, ngon cho bữa chiều. Giống như những gia đình ăn dè hà tiện thường làm.
Ở phần trước, khi tôi kể trong trại tù, chúng tôi có thể mua được các món ăn, đồ uống giống như ngoài xã hội, một bạn đã reo lên: đi tù sướng quá! Và còn thổ lộ nguyện vọng cũng muốn đi tù dân chủ - nhân quyền, ăn uống giống như vua và còn được “phe ta” tôn vinh. Tôn vinh thì chúng tôi xin nhận một ít, và cám ơn. Còn giống như vua thì chắc chắn chúng tôi trả lại. Thứ
nhất, đâu phải ngày nào chúng tôi cũng được ăn như thế. Thứ hai, bạn sẽ tiêu tốn của gia đình kha khá tiền, càng tù lâu càng tốn, trong khi bạn phải làm việc. Ở trong tù bạn cũng phải làm ra tiền, nhưng ức cái là thân nhân vẫn phải nuôi báo cô bạn. Và cái tôi lưu ý là mất... TỰ DO.

Ta quay về bữa cơm chiều hôm ấy của chúng tôi.

Bữa sáng nào chúng tôi cũng có cà phê, sau bữa chiều nào cũng có trà. Mọi bữa chiều, hai nhóm ăn gồm 4 anh em Tây Nguyên và 3 chúng tôi đều cố gắng làm sao để hai mâm kết thúc cùng lúc cho kịp “tiệc trà”. Thường thường anh Rơlant Thik, người Gia rai ở nhóm anh em Tây nguyên kết thúc bữa ăn sớm nhất. Anh vào “kho” lấy ấm, chén pha trà, rửa sạch sẽ, đặt lên mặt bàn của nhóm anh rồi pha trà, để đấy chờ. Cũng vừa lúc mâm tôi rửa chén đĩa xong, lau sạch bàn, khiêng nó ghép vào bàn bên kia. Thế là thành tiệc trà. Tiệc trà kiểu này chỉ được đều đặn từ khi anh Hải đến. Trước kia chúng tôi “tổ chức” khi trong hòm quà gia đình thăm nuôi có trà. Nhưng chỉ được dăm bảy ngày. Hết thôi, giải tán, chờ đến lần thăm nuôi sau. Anh em tạm tìm thứ uống riêng cho mình. Tiệc trà chiều ngày nào cũng có từ khi anh Hải đến. Trà nhà hết?- Mua căng tin! Và thường là anh dành mua vào sổ lưu ký của anh, dù chè Thái Nguyên trong trại bán đắt một gấp hai so với giá bên ngoài. 

Tôi nhớ bữa chiều hôm đầu tiên vắng anh Hải, ăn xong, anh Rơlant vẫn ngồi im, mắt hướng về phía chúng tôi. Trong mắt anh ta có câu hỏi: “Có pha trà không Bác Kim, bác Nghĩa?". 

Anh em Tây Nguyên rất ý tứ. Không bao giờ anh em xin đồ ăn, đồ uống của ai. Nhận của người cho thì sẵn sàng. Nhận: là đồ ăn Chúa sai người ta cho mang đến cho mình. Còn xin là thứ đồ ăn không phải của Chúa ban cho. Do vậy, mỗi lần nhà gửi trà vào chúng tôi đều không giữ riêng, giao cho anh Rơlant Thík bảo quản và bảo anh cứ chủ động pha uống, dù không có chúng tôi. Nhưng chiều ấy anh phải đưa mắt hỏi chúng tôi. Không pha thì lỡ... không “hoàn thành nhiệm vụ”. Pha ra... trà này là của anh Hải. Từ chiều nay không có anh nữa... 

Ông Kim, đứng lên, nhìn lại, hiểu ý khoát tay: “Chuyện nhỏ như con thỏ. Pha trà đi chú Rơlant Thik ơi.” Tôi bê mấy đồ chén đĩa ra bể nước cộng cộng. Nhìn vào bể, cũng không còn cảm thấy bực như trước dù nó cạn sát đáy. 

Tôi nhớ lại mẩu đối thoại đầu tiên giữa tôi với anh Hải tại bể nước, ngay chiều đầu tiên anh ấy nhập trại, ra tắm.

Anh rất cao và gầy. Anh cúi xuống bể nước, cánh tay cầm chiếc gáo nhựa tự chế từ một chiếc can nhựa hỏng hạ xuống rồi nâng gáo nước lên đổ vào vai làm cho các dẻ xương sườn hằn rõ những đoạn dài trong một làn thịt mỏng tang và làn da nhăn nheo, cũng mỏng tang. Tôi nhớ lại cái dáng cao gầy của anh trong các tấm hình tham dự mấy cuộc biểu tình tự phát chống tàu cộng ở Sài Gòn. Biết anh có gầy gò, nhưng không nghĩ anh gầy đến nỗi này. Tôi hỏi:

- Anh Hải cao bao nhiêu?

- Em cao một mét tám hai, tám ba gì đó. Lâu rồi không đo... Anh cười trả lời.

Tôi thừa nhận anh cao. Anh cười:

- Mấy lần đi biểu tình, bọn công an bắt ấn em vào xe mà mãi không được.

Tôi biết điều đó. Anh cao đến thế. Xe con thì thấp và còn bị anh kháng cự làm sao không khó!

- Anh cân được bao nhiêu Kg?

- Bên ngoài, em nặng 67, 68 kg. Bây giờ chỉ nặng khoảng 60, 61 cân chứ bao nhiêu. Em chưa lại sức sau cuộc tuyệt thực.

Anh bước về góc xa, chỗ giao nhau của hai bức tường cao vút, trên có dây kẽm gai và ba đường điện trần, nơi làm “buồng” thay đồ lót. Tôi đứng nguyên tại bể nước chờ anh mặc quần áo Juve mới, giặt qua quýt cái quần đùi. Ở một góc lán, anh Kim và các anh em tù người Tây nguyên đang chờ chúng tôi tham dự “tiệc” trà và bánh kẹo chào mừng “lính mới”. Cũng như những lần sau này, chúng tôi đều nhường, để nghe anh nói, rồi sau, có chuyện nhớ chuyện quên. Nhưng vì chiều hôm đó là lần đầu tiên được trò chuyện cùng anh mà tôi nhớ như ghi câu chuyện của anh.

- Em gầy thế này vì em tuyệt thực đó anh Nghĩa. Em tuyệt thực ở trại B 34 - Bộ công an khi chúng bắt em lần 2. Em nhịn ăn đúng hai 28 ngày. Chúng phải đưa em đi bệnh viện cấp cứu. 

Anh kể về cuộc tuyệt thực của anh cách đây hơn một năm... Ngày thứ 2, thứ 3... chao ôi đói, ngày thứ 10 trở đi thấy từ đói chuyển sang mệt, rồi chuyển sang rất mệt. Từ ngày thứ 15, 16 của cuộc thuyệt thực anh bắt đầu vừa mệt vừa buồn ói; luôn muốn ói mửa mà không còn cái gì từ bao tử trôi ra cho đỡ mệt. Suốt những ngày đó anh hạn chế cử động. Cử động sẽ mất năng lượng không kéo dài tuyệt thực được lâu. Nhưng đến ngày thứ 18, 20 anh lại sợ nằm im. Nằm im làm bọn cán bộ nghĩ anh đã kiệt sức, có thể chúng sẽ đưa anh đi bệnh viện. Bệnh viện không thể để anh chết. Và lúc ấy anh sợ cuộc tuyệt thực sẽ kết thúc mà không phân thắng bại. Anh cố gắng ngồi lên ngồi xuống vài lần ngày cho đến ngày thứ 23...

Không ai chen vào câu chuyện của anh. Chúng tôi nghe anh mô tả cảm giác của người nhịn đói lâu ngày. Chủ động nhịn. Thử nghiệm xem nhịn được bao lâu. Có nhiều đồ ăn mà bình thản không ăn, khác với cái nhịn bị động, hoảng loạn vì không có cái gì ăn. 

Từ ngày 25 trở đi anh không ngồi dậy được nữa. Anh nằm bất động, chỉ còn đôi mắt biểu thị ra ngoài cơ thể còn sự sống. Anh thiếp đi, mê mệt cả vào ban ngày, khi ánh sáng mặt trời bên ngoài gay gắt. Hình như dạ dày đã không làm việc và cơ thể không còn nhu cầu bài tiết.

Rồi anh có cảm giác anh không còn trí nhớ, mất cảm xúc. Những hình ảnh biểu tình..., tấm biểu ngữ có 5 cái còng số 8 lồng vào nhau, biểu tượng cho tinh thần phản đối Olympic Bắc Kinh trên nền vải màu đen rất ấn tượng cũng không còn. Mỗi lần tiềm thức của anh tỉnh lại, nó chạy qua mắt anh một ý nghĩ mơ hồ rằng anh đã chết. 

Anh tỉnh dậy, thấy đang nằm trong phòng bệnh viện, một tay đang được truyền nước đạm, tay kia gắn vào máy đo nhịp tim, huyết áp. Anh nghe người bác sỹ nói, vài phút trước, chỉ số đường huyết của anh bằng 0.

- Em nhớ câu nói của ông bác sỹ với bọn cán bộ chở em đến: “Các anh vô nhân đạo. Sao bây giờ mới mang anh ấy đến!”

Anh kết thúc kể và bình: 

- Mãi khi em có án (tức là hơn một năm thêm, được gặp thân nhân) bên ngoài mới biết chính xác em tuyệt thực.

Câu nói của anh gián tiếp thừa nhận cuộc tuyệt thực của anh không được truyền tin ra ngoài kịp thời, không gây được cảm xúc cho ai vì đã qua đi những một năm, hết “hot” rồi. Tuy nhiên anh tự hào vì tinh thần bền bỉ và thời gian anh đã tuyệt thực.

Chúng tôi cảm phục tinh thần và sự dẻo dai của cơ thể anh. Nhiều anh em tù nhân chúng tôi chưa bao giờ có ý định tuyệt thực. Ở Ba Sao - Nam Hà, tôi, anh Trội đã thử làm nhưng chỉ được 3 ngày. Tôi cũng có thể không ăn, với thời gian lâu như thế trong hoàn cảnh bị cưỡng bức. Còn tự nguyện nhịn ăn... ? Tôi không biết thế nào? 

Không ai nghĩ rằng anh Hải tuyệt thực một lần nữa, dài hơn, gây ra nhiều sóng gió hơn cho cả “địch”, “ta’ bắt đầu từ ngày thứ ba bị biệt giam.

(Còn nữa)

Xem "Cuộc tuyệt thực của Hải Điếu Cày (Phần 1)": http://diendanctm.blogspot.com.au/2015/01/cuoc-thuyet-thuc-cua-hai-ieu-cay.html

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More