Liệu Nhật có chuộc hai con tin hay không?

Ngô Quảng@S: -- DienDanCTM

Từ ngày 16 đến ngày 21.1.2015, Thủ tướng Nhật, ông Abe đã có một cuộc công du 5 nước ở Trung Đông. Tại Ai Cập, Thủ tướng Abe hứa sẽ viện trợ ngay cho quốc gia này 200 triệu mỹ kim để có phương tiện đối phó với các vấn đề liên quan đến tổ chức tự nhận là "Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria, viết tắt là ISIS hoặc ISIL.

Quyết định viện trợ này đã làm cho tổ chức ISIS tức giận và tìm cách trả thù. Ngày 20.01.2015 ISIS gởi đến kênh truyền thông al-Furqan và một số trang mạng của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông một đoạn video đe dọa sẽ hành quyết con tin Nhật, tức hai nhà báo Yukawa và Goto, nếu trong vòng 72 tiếng đồng hồ mà chính quyền Nhật không bỏ 200 triệu mỹ kim ra chuộc.

Trong đoạn video đó, hai con tin Nhật bị bắt quỳ gối, đứng giữa là một thành viên ISIS bịt mặt
với dao găm trong tay, nói rằng: "Hỡi chính quyền và người dân Nhật, hỡi Thủ tướng Nhật, chúng bây ở cách xa nhà nước Hồi Giáo đến 8.500 cây số thế mà cũng tự phát tham gia vào Thập Tự quân. Vì Nhật Bản đã sát hại đàn bà , trẻ con, phá hoại nhà cửa của gia đình Hồi giáo nên phải bồi thường cho ISIS 100 triệu mỹ kim. Ngoài ra nếu không muốn hai người Nhật đang quỳ gối ở đây bị giết thì phải chuộc 100 triệu mỹ kim nữa. Hỡi người dân Nhật, chính phủ của các người đang chống lại ISIS nên chúng tôi bắt phải trả 200 triệu mỹ kim là đích đáng. Nếu muốn cứu hai con tin Yukawa và Goto này thì tốt nhất các người nên áp lực chính quyền phải xuất tiền ra mà chuộc. Nếu trong vòng 72 tiếng đồng hồ mà không hồi đáp thì con dao này sẽ là ác mộng của các người".

Qua giọng nói và dáng người của kẻ bịt mặt này, người ta tin đây chính là một người gốc Anh trong các video hành quyết trước đây mà chính quyền Anh Quốc đã nhận dạng.

Tại điểm đang viếng thăm tại  Do Thái, khi trả lời các ký giả, Thủ tướng Abe tuyên bố: "Không ai có thể chấp nhận được việc đem nhân mạng con người ra để đòi tiền chuộc. Chúng tôi lên án hành động này và yêu cầu ISIS phải thả ngay hai công dân Nhật vô điều kiện. Nhật Bản sẽ tiếp tục cống hiến cho nền hòa bình, ổn định của thế giới. 200 triệu mỹ kim viện trợ cho Ai Cập là để lo cho những người tị nạn, đây là số tiền cần thiết để cứu nhiều nhân mạng".

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe cũng hủy bỏ phần còn lại của chuyến công du Trung Đông và bay về Nhật ngay để trực tiếp giải quyết vấn đề.

Tại Nhật, tin tức này đã trở thành quan trọng nhất trong mấy ngày qua. Bộ trưởng Phủ Thủ tướng đã mở những cuộc họp khẩn với các Bộ, Ngành liên quan để tìm cách giải quyết. Theo Bộ Ngoại giao Nhật, các phân tích hình ảnh của đoạn video cho thấy có chỉ dấu cắt ghép. Cụ thể như mặt trời chiếu cái bóng của ký giả Goto và tên bịt mặt cùng một phía, trong khi bóng của ký giả Yukawa ở phía ngược lại. Cũng vậy, gió thổi khá mạnh làm cho chiếc áo quàng cổ màu cam của ký giả Yukawa bay phất phơ, trong khi áo của ký giả Goto chẳng hề lay động. Phát ngôn nhân Nhật nói tiếp: "Mặc dù biết đây là những hình ảnh cắt ghép, nhưng chuyện hai ký giả Yukawa và Goto bị mất tích ở Trung Đông là sự thật. Vì vậy chúng tôi đang tập trung vào chuyện thu thập tin tức sao cho chính xác, nhưng hơi khó vì hiện nay không có đường dây liên lạc khả tín với ISIS".

Được biết vào tháng 12.2014 có người tự nhận là ISIS đã gởi email đến điện thoại di động của người vợ ký giả Goto đòi 1 tỷ yen (khoảng 8,5 triệu mỹ kim) nếu muốn chuộc mạng cho chồng. Đây là món tiền quá lớn vượt quá khả năng của một gia đình ký giả.

Lần này, thời hạn 72 tiếng đồng hồ quá ngắn ngủi để giải quyết vấn đề và liệu chính phủ Nhật có đồng ý chuộc hay không?

Hiện có 2 nguồn dư luận ngược chiều nhau. Một hướng cho rằng với thời hạn ngắn ngủi như thế, Thủ tướng Abe hay bộ Ngoại giao Nhật cần lên báo đài ngỏ ý muốn chuộc ngay, để tạm ngưng việc hành quyết con tin lại. Còn trả tiền chuộc như thế nào và ở đâu sẽ tính sau. Theo khuynh hướng này thì ở thế kỷ trước mỗi khi máy bay dân dụng Nhật bị không tặc, chính phủ Nhật đã từng bỏ tiền ra chuộc theo đòi hỏi của bọn không tặc hầu cứu mạng hành khách.

Khuynh hướng ngược lại thì cho rằng tình hình hiện nay đã khác xưa nhiều. Nếu bỏ tiền ra chuộc thì chỉ khuyến khích thêm việc bắt các con tin Nhật khác trong tương lai. Nhưng quan trọng hơn nữa là uy tín của nước Nhật trên chính trường quốc tế. Khó còn nước nào tin vào  quyết tâm chống khủng bố mà Nhật đã cam kết với các quốc gia khác. Công luận thế giới cũng sẽ so sánh thái độ cương quyết của chính phủ Pháp sau vụ khủng bố toà soạn báo Charlie Hebdo với thái độ mềm yếu của chính phủ Nhật trong vụ đe dọa khủng bố này./.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More