Diễn giải lếu láo trắng trợn

Cùng một số liệu, hai cách diễn giải (TP.HCM lọt top 50 thành phố an toàn nhất?)


Nguyễn Văn Tuấn

Đúng là chuyện xấu thành tốt! TP Hồ Chí Minh được/bị Tạp chí The Economist xếp vào nhóm các thành phố kém an toàn nhất trên thế giới. Ấy thế mà ít nhất 2 tờ báo Việt Nam, phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt, lại giật cái tít rằng TP HCM lọt vào danh sách các thành phố an toàn nhất thế giới. Chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật, và trên giấy trắng mực đen!

Báo Tuổi Trẻ phiên bản tiếng Anh chạy cái tít hấp dẫn rằng TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới: "Ho Chi Minh City among world's safest: British magazine" (1). Còn báo trực tuyến Khám Phá thì chạy cái tít tiếng Việt có nghĩa tương tự "TP.HCM lọt top 50 thành phố du lịch an toàn nhất 2015" (2). Báo Dân Trí cũng viết " thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam được đánh khá cao trên nhiều chỉ số an toàn và trở thành một trong những điểm đến an toàn nhất trong năm 2015" (3). Tất cả các báo này đều không cho đường link mà chỉ nói nguồn chung chung là từ "The Economist Intelligence Unit ".
  
Thế nhưng trong thực tế thì không phải như thế. Lần dò theo The Economist Intelligence Unit, tôi có thể truy cập vào nguồn thông tin trên tạp chí The Economist (4). Đó là một báo cáo phân tích và xếp hạng có tên là "Safe Cities Index 2015". Cách họ xếp hạng mức độ an toàn của 50 thành phố trên thế giới, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Cách họ đánh giá an toàn là dựa vào 40 chỉ số mang tính định lượng và định tính, và 40 chỉ số này giảm thành 4 nhóm:

·       an toàn về mạng internet và viễn thông: chỉ số này đo lường an toàn mạng, và tần số bị đánh cắp nhân dạng trên mạng (identity theft);

·       an toàn sức khoẻ: tỉ số giường bệnh trên dân số và tuổi thọ trung bình;

·       an toàn cơ sở vật chất: phẩm chất đường xá, số ca tử vong vì tai nạn, v.v.;
  
·       an toàn cá nhân: mức độ tội phạm, hành động phi pháp, sự hiện diện của cảnh sát, v.v.

Dựa vào 4 nhóm chỉ số trên, TPHCM được xếp hạng 48/50, tức áp chót về mức độ an toàn. Nói cách khác, TPHCM được đánh giá là một trong 5 thành phố bất an nhất hay nguy hiểm nhất trong số 50 thành phố trên thế giới được đánh giá. Đội sổ danh sách là Jakarta (Nam Dương), và trên Jakarta là Tehran (Iran), hạng 49. Trên Tehran là TPHCM, Johannesburg, Riyadh, Mexico, Mumbai, Moscow.

Thành phố được đánh giá là an toàn nhất thế giới là Tokyo, với điểm 85.63 trên 100. Theo sau Tokyo là 9 thành phố khác phần lớn là từ các nước tiên tiến: Singapore, Osaka, Stockholm, Amsterdam, Sydney, Zurich, Toronto, Melbourne, New York.

TPHCM bị đánh giá là 1 trong 5 thành phố thiếu an toàn nhất thế giới do yếu tố nào? Nhìn qua bảng phân tích (5) thì TPHCM đứng chót bảng (50/50) về an toàn cơ sở vật chất, và hạng 48/50 về an toàn sức khoẻ. Tuy nhiên, về an toàn mạng và viễn thông, TPHCM đứng hạng 42/50, tức vẫn nằm trong nhóm 10 thành phố thiếu an toàn nhất. Tuy nhiên, về thứ hạng an toàn cá nhân thì TPHCM đứng hạng 34/50, dù là dưới trung bình, nhưng vẫn cao hơn Moscow, Jakarta, Tehran, Rome, Riyadh, Bắc Kinh, Quảng Đông.

Báo Tuổi Trẻ cũng có bài cho biết chỉ trong tháng 1/2015, có đến 2171 tai nạn giao thông gây tử vong cho 781 người và thương tích cho 2047 người (6). Tính trung bình, nói theo một chuyên gia về an toàn giao thông, mỗi ngày có 26 người lên xe đi đường và không về nhà. Nhìn qua giao thông và nạn trộm cướp, cộng với 19 ngàn người nghiện ma tuý ở TPHCM, mà vẫn còn đứng hạng 34/50 làm tôi ngạc nhiên.

Nói tóm lại, cùng một số liệu, mà 2 cách diễn giải khác nhau. Được xếp hạng 48/50 về an toàn, vậy mà vài tờ báo ở VN lại giật cái tít là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới, nhưng trong thực tế TPHCM là một trong 5 thành phố kém an toàn nhất thế giới. Bài học ở đây là bất cứ một bản tin nào quá tốt trên hệ thống truyền thông VN thì người tiếp nhận cần phải kiểm tra vì thực tế có thể ngược lại những gì được tuyên truyền.

=====







1 comments:

Đừng nghe cộng sản nói, hãy nhìn họ làm

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More