Vong bản từ đâu?

(Mạn đàm cùng nhà sử học Dương Trung Quốc)
Hà Sĩ Phu

Ông Hà Sĩ Phu
Đọc được bài Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn của ông Dương Trung Quốc tôi biết ý kiến của mình lâu nay (về chủ đề này) đã không còn lẻ loi. Vâng, mất gốc hoàn toàn cũng nghĩa là vong bản tuyệt đối. Đúng vậy, nhưng xin đừng quá buồn.

Lâu nay, trò chuyện với bạn bè ở Đà Lạt tôi thường đề cập đến sự thăng trầm của “Phẩm chất con người Việt Nam”, vì không hiểu điều này sẽ không cắt nghĩa nổi những dao động lịch sử, lúc như sóng cồn, lúc trơ lỳ, của xã hội Việt Nam hơn một thế kỷ nay.

Theo tôi, phẩm chất con người Việt Nam đạt đỉnh cao nhất ở nửa sau của thời kỳ Pháp thuộc. Còn đoạn lõm thấp nhất, bị tha hoá tệ hại nhất là ở nửa sau của cuộc “Cách mạng Vô sản”, tức chính là những năm tháng hiện nay. Nói khác đi, những thế hệ sống trọn thế kỷ 20, vắt sang đầu thế kỷ 21 đã có may mắn được chứng kiến cả điểm cực đại và cực tiểu của sự dao động suốt 4000 năm lịch sử, một giai đoạn độc đáo khó có lần lặp lại.


Điểm cực đại mà ông Dương Trung Quốc đặt tên là “thế hệ vàng”, là thế hệ cùng sinh trưởng với những nhân vật mà ông nêu danh trong bài như Vũ Đình Hoè, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phan Anh… (tất nhiên không thể thiếu những Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân,Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, vân vân và vân vân, và cả một lớp người trẻ hơn chút ít, nghĩa là hàng trăm danh nhân mà không thể kể ra đây một cách vội vàng sơ lược). Có thời kỳ nào mà tên tuổi danh nhân đáng ngưỡng mộ lại tập trung với mật độ như thế?

Vì sao có “thế hệ vàng” ấy? Ông Dương Trung Quốc đã giải thích bằng cả đoạn như sau:

“Thế hệ vàng được hưởng một nền Quốc học rất căn bản, cho dù đến đầu thế kỷ thứ 20, nền Quốc học bắt đầu đứng trước nhiều thử thách và bị khủng hoảng do chế độ thuộc địa, nhưng về căn bản nó vẫn được duy trì cả trên lĩnh vực kiến thức và đạo lý. Quan niệm về dạy học là dạy làm người. Nền Quốc học lại được trải qua một thời kỳ của phong trào Duy Tân, là những trí thức yêu nước muốn hướng tới học hỏi cái mới.


Trong bối cảnh ấy, thế hệ này lại được tiếp nhận nền văn minh phương Tây một cách khá căn bản, tinh thần là khoa học và dân chủ. Họ đã học được và vượt lên trên cái ràng buộc và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa.

Nền giáo dục và văn hóa Pháp, bên cạnh mục tiêu thực dân, là cả một nền văn minh. Chính nền văn minh ấy kích thích tinh thần dân tộc của họ vì họ nhận ra chân giá trị của nền văn hóa Pháp lại phục vụ cho chính sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái rất thu hút. Chính thực dân Pháp cũng nói: con đường đi sang nước Pháp là con đường chống lại nước Pháp. Vì thế, bản chất nền văn minh lại trái ngược với mục tiêu thực dân”.

Nói cách vắn tắt thì giai đoạn lịch sử ấy là điểm giao thoa, là sự cộng hưởng của những giá trị Việt Nam cổ truyền kết tinh từ phương Đông và sự du nhập quý như vàng của yếu tố mới là văn minh Tây phương.

Sau đỉnh cực đại đó là một đoạn chuyển mà ông Dương Trung Quốc diễn tả:

Hai tố chất ấy lại được tồn tại trong một môi trường thúc giục của tinh thần yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc. Nó rơi vào thời điểm lịch sử là cuộc vận động giải phóng dân tộc VN, và đương nhiên ta phải nói tới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nói khác đi, sau điểm cực đại của “thế hệ vàng” là điểm bắt đầu của một thời kỳ mới, là “kỷ nguyên” của Cách mạng Vô sản, của chủ nghĩa Cộng sản mà khởi đầu chỉ bằng phong trào giành Độc lập Dân tộc (điều oái oăm chính là ở sự biến thái, lồng ghép, đánh tráo lịch sử này).

Chính phẩm chất đỉnh cao mà Dương Trung Quốc gọi là “thế hệ vàng” ấy đã cung cấp sức mạnh, đã giải thích vì sao Đảng Cộng sản từ tay trắng mà giành được thắng lợi trước những đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần. Về nguyên nhân của những thắng lợi ấy, tất nhiên còn phải kể đến trào lưu Cộng sản quốc tế và mục tiêu ban đầu chỉ là Độc lập Dân tộc (còn cái đuôi xã hội chủ nghĩa mãi sau này mới hiện ra), nhưng yếu tố quyết định thắng lợi chủ yếu là do Đảng Cộng sản đã sử dụng được sức mạnh vô địch của “thế hệ vàng” của phẩm chất con người Việt Nam.

Đến đây, một câu hỏi mới được đặt ra. Theo luận điểm chính thống thì đỉnh cao phẩm chất Việt Nam ấy được (bị) đồng hoá vào một hệ văn hoá, một hệ văn minh mới lạ là “Văn hoá Vô sản” (rồi kết tinh thành “Văn hoá Đảng”) được mô tả là tiên tiến, là tiên phong, là đưa những “con người mới xã hội chủ nghĩa” đến một thiên đường hạnh phúc, nên làm cho phẩm chất Việt Nam truyền thống kia được vun xới, được chắp cánh, được nhân lên nhiều lần, hơn hẳn tổ tiên. Nếu luận điểm này đúng thì “thế hệ vàng” mà ông Dương Trung Quốc nói kia không thể là đỉnh, là vàng gì hết vì sau đó nó còn tiếp tục cao hơn và quý giá hơn vàng nhiều lần kia mà? Đáng lẽ như vậy thì hiện nay đang là đỉnh mới đúng! Thế nhưng đùng một cái, hôm nay người ta buộc phải công nhận điều ngược lại: thế hệ chúng ta (bây giờ) đã mất gốc, mà mất hoàn toàn! Vậy cái gốc “vàng” khi xưa đã được vun xới hay đã bị “đào tận gốc”?

Thực tế “mất gốc” như ông Dương Trung Quốc công nhận (và chắc đa số trí thức tán thành) khiến cho toàn bộ luận điểm Mác-xít nói trên hoàn toàn bị phá sản! Nói cách khác, nền Văn hoá Vô sản mà chủ nghĩa Mác đem lại không hề cộng hưởng và nâng cấp cho Văn hoá dân tộc Việt như được tuyên truyền và ngộ nhận, mà trái lại nó làm triệt tiêu những tinh túy của phẩm chất Việt Nam.

Hãy nhìn vào thực tiễn xã hội: Có bao giờ người Việt Nam lại thờ ơ trước nguy cơ vong quốc, nguy cơ bị đồng hoá như bây giờ? Có bao giờ sự thờ ơ trước đau khổ của đồng loại, sự đâm chém, băm chặt nhau dễ dàng như cơm bữa, sự nhố nhăng mất gốc, sự phô bày thú tính, sự vênh vác rởm đời, sự hành hạ người yêu nước một cách ngang nhiên, sự nịnh bợ kẻ nội xâm và ngoại xâm… lại được tôn vinh trước thanh thiên bạch nhật như bây giờ? Có bao giờ sự thành thật lại thua sự giả dối, người lương thiện lại sợ kẻ gian manh, người yêu nước lại bị lép vế, bậc thức giả lại bị cười khinh, công lý lại bị nhạo báng một cách thảm hại như bây giờ? Tất cả được bọc trong một bong bóng xà phòng khổng lồ ảo thuật, trông thấy hết nhưng để mà cười thôi!

Ông Dương Trung Quốc nói “mất gốc hoàn toàn” tức là vong bản tuyệt đối! “Bản” ở đây là Dân bản, Quốc bản và Nhân bản. Mất hết những gốc ấy chẳng những không còn là người Việt mà cũng chẳng xứng làm người nói chung. Chỉ còn một thứ “bản” ngự trị là “tư bản” hoang dại, mà ông tổ Mác-xít đã đem nó chôn đi nhưng nó không chết, trái lại nó hiện về với một thân hình tật nguyền, nó quay lại báo oán, trả thù cái hệ thống đã vác cuốc xẻng đem chôn nó.

Như vậy ta hiểu vì sao một cái gốc quý như vàng thế lại để bị “mất gốc hoàn toàn”. Cũng ý này, nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc diễn tả kín đáo hơn: “Chúng ta đang khủng hoảng vì tiếp nhận quá nhiều giá trị ảo (vâng, tiếp nhận một chủ nghĩa ảo tưởng thì toàn là giá trị ảo chứ gì nữa).

Những ai càng tin vào “những giá trị ảo” thì khi vỡ mộng chính họ chứ không ai khác lại “thực dụng quá” (vẫn chữ của ông Dương Trung Quốc)! Từ chủ nghĩa ảo tưởng chạy sang chủ nghĩa thực dụng là điều dễ hiểu, cũng như một nền “Đức trị” mà bị phá sản thì sẽ vô “đạo đức” hơn ai hết. Đọc bài của ông Dương Trung Quốc, nếu hỏi ai là những người có “tư tưởng ấu trĩ, nhận thức thì hạn hẹp, lại bị chi phối bởi lợi ích” mà cứ làm “lãnh đạo” thì câu trả lời đã rõ như ban ngày.

Dân tộc Việt Nam đã có một cái gốc quý như vàng, nhưng nay “mất gốc hoàn toàn” chính bởi sự ngộ nhận, coi cái gốc quý giá đó là di tích của thực dân phong kiến, bèn vừa muốn sử dụng sức mạnh quý giá có thật của nó để khởi nghiệp cho mình, lại vừa muốn diệt nó đi để nhập một cái gốc khác vào, đến khi biết cái gốc “ảo” này chỉ ăn hết chất màu của đất lại sinh ra toàn quả đắng, thì cái gốc cũ đã trốc hết rễ rồi, khó mà tái sinh.

Thử hỏi chủ nghĩa nào đã chủ trương “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những giá trị truyền thống”, chủ nghĩa nào đã hăm hở “đào mồ chôn”, chủ nghĩa nào đã gây cho Tố Hữu cảm hứng “Thuở Anh chưa ra đời, trái đất còn nức nở, nhân loại chưa thành người”? Kẻ dám phủ nhận cả nhân loại trước khi mình ra đời ắt là kẻ mất gốc tuyệt đối, ắt không thể thành người, tự nhiên thành quỷ, muốn hồi sinh kiếp người thật không đơn giản.

Về lối ra, ông Dương Trung Quốc nói “Tôi không tán thành phải quay về cái cũ…”. Đúng như vậy, dù có quý cái “thế hệ vàng” trước đây đến đâu cũng chẳng có cách nào phi thực tế để kéo lịch sử giật lui. Trong lý luận tôi thường nói phải “đằng sau quay” là nói về nhận thức, phải truy nguyên về cái gốc xuất phát của sai lầm, ở chỗ rẽ đã qua, để thiết kế lại từ chỗ sai lầm ấy, trong hoàn cảnh mới hôm nay. Chúng ta biết trọng và tiếc cái vốn quý mà ta đã tự đánh mất là để có bài học khôn ngoan cho hôm nay, chứ nhất định chúng ta không biến mình thành những anh chàng bó tay hoài cổ, nhấm nháp quá khứ.

Nhân loại chắc chắn trường tồn nên NHÂN BẢN không thể bị chôn vùi, DÂN BẢN -VIỆT BẢN là bất khả diệt nên còn một tế bào Việt cũng sẽ hồi sinh. Từ lời cảnh báo “mất gốc hoàn toàn” vô cùng bổ ích mà ta đã dũng cảm nói ra hôm nay nhất định sẽ đánh thức những tế bào đang bị ức chế, vùi sâu. Xin đừng tránh né. Sự dũng cảm là liều thuốc hồi sinh bắt buộc, để nước non này lại nẩy sinh muôn ngàn những chồi xanh lá biếc, sau một quãng dài ngủ đông.

Hà Sĩ Phu
10/02/2011

© Thông Luận 2011

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5524

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More