Chẳng lẽ đã trở thành phản xạ tự nhiên???

Trung Thực 
Tác giả gửi cho DienDanCTM

            Vào cuối thập niên tám mươi thế kỷ trước, tôi có đọc được một bài báo của bác sĩ Nguyễn khắc Viễn in trên tờ Văn Nghệ. 

Nội dung bài viết ông đề cập đến thái độ của người cầm bút xứ ta khi ông Nguyễn văn Linh TBT đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố "cởi trói" cho văn nghệ. Cụ Viễn chỉ ra cái thói quen tâm lý không mấy hay ho bằng một ví dụ khá thuyết phục. 

Người ta bắt một con cá quả cho vào bể nước, sau đó lấy một tấm kính trong suốt ngăn đôi bể nước ấy lại. Con cá quả mấy lần húc phải tấm kính đau quá đành phải quay đầu. Một thời gian sau, người ta cất tấm kính ấy đi, nhưng con cá vẫn không dám bơi sang phía phần bể bên kia, cứ đến chỗ tấm kính ngăn đã cất đi thì quay đầu lại. Như vậy con cá đã quen với phản xạ có điều kiện.

Liên tưởng đến những người cầm bút xứ ta cũng chẳng khác gì con cá quả ấy. Sau cái vụ nhân văn giai phẩm đầy oan khốc, nhân sĩ trí thức nước ta dường như bị tê liệt hoàn toàn. Ngay các tài danh nổi tiếng như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế lan Viên, Cù huy Cận vv... đều sống như đã chết. Không ai có được một tác phẩm nào ra hồn so với thời trước năm 1945. 

Qua sự thể này ta cũng có thể hình dung được cái vòng trói của đảng cộng sản Việt Nam nó nghiệt ngã và tàn bạo với nhân sĩ trí thức nước nhà như thế nào. Làm cho người ta khiếp nhược thì hẳn là ghê gớm lắm. Nghe ông Linh nói vậy thì cụ Viễn cứ tưởng họ thực sự cất tấm kính chắn đi. Cụ viết bài để khuyến khích mọi người vượt qua thứ phản xạ có điều kiện đã xảy ra trong tâm lý giới cầm bút suốt mấy chục năm ròng. Nhưng NVL nó vẫn lừa. Chỉ một thời gian ngắn ngủi, cái vòng trói được  nới ra để lấy đà thít chặt thêm. Anh Bùi minh Quốc, chị Dương thu Hương và một số nhà văn chân chính khác rất hiểu rõ chuyện này. Tội nghiệp cụ Viễn đã vào rừng mơ bắt con tưởng bở nhưng tính khoa học và vấn đề cụ nêu ra vào thời điểm ấy là rất chính xác, đáng để mọi người trân trọng lưu tâm.

            Từ phản xạ có điều kiện dần dà trở thành phản xạ tự nhiên là cực kỳ nguy hiểm. Phản xạ có điều kiện có thể khắc phục được nhưng phản xạ tự nhiên thì "Chúa ơi, Biết đến bao giờ?" Ví dụ vụ hai nhà báo VOV bị đánh dã man trong trận càn cướp đất ở Văn Giang. 

Thật không tưởng tượng được là con người khi bị ăn đòn hết sức phi lý mà lại có thể im thin thít suốt gần nửa tháng trời. Thậm chí còn viết bài ca ngợi những kẻ đàn áp mình mới lạ chứ. Có ai ngăn cấm hai nhà báo lên tiếng tố cáo hành động sai trái vô nhân tính của công an Việt Nam đâu. Cái phản xạ tự nhiên phải "ẳng" lên như nhiều người ví von được thay thế bằng thứ phản xạ đớn hèn cam chịu đến khó hiểu. Tiến sĩ Hoàng xuân Phú đã thống thiết kêu gọi lương tâm họ thử lên tiếng lấy một lần nhưng... lương tâm họ có lẽ đã chết từ lâu rồi. 

Không chỉ riêng hai nhà báo nọ mà gần hai chục ngàn nhà báo và trên dưới một ngàn nhà văn xứ ta cũng có thể bị chó ăn hết lương tâm .Vụ Văn Giang khói lửa ngút trời, dân tình bị đày đọa lầm than. Vậy mà không có mấy tờ báo lên tiếng bênh vực hoặc đưa tin trung thực. 
Trừ cái thông báo đểu của tay chánh văn phòng tỉnh Hưng Yên cấm các nhà báo không được vào khu vực đang tiến hành cưỡng chế để tránh nguy hiểm chứ có cái lệnh cấm các nhà báo viết bài đưa tin chính thức nào đâu. Khi sự việc đang xảy ra thì không nói làm gì nữa. Nhưng sự việc xảy ra rồi, hậu quả phơi bày rất nhiều điều nhức nhối, ấy vậy mà các báo đài xứ ta đã làm gì? Ôi!ghê tởm quá! Một sự im lặng đáng khinh bỉ. Có phải đây là phản xạ tự nhiên của các báo đài xứ ta không? Nếu đúng thì dân tộc ta còn phải đau khổ tăm tối đến bao giờ???

Vẫn biết cái ác đang hoành hành trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện. Song chẳng lẽ nhân sĩ trí thức nước ta cứ cam chịu làm thân trâu ngựa mãi sao? Im lặng trước sự lầm than của người dân cũng là tội ác. Rất mong mọi người hãy để cho lương tâm một lần lên tiếng như tiến sĩ Hoàng xuân Phú đã nói. Tôi không muốn tin sự im lặng của các báo đài xứ ta đã trở thành phản xạ tự nhiên trước nỗi đau của dân tộc và đất nước. Ngàn vạn lần tôi không muốn tin như vậy...

Trung Thực
18/05/2012

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More