Cảm hứng Ai Cập: Nhìn từ xa để nghĩ gần

TS. Đinh Hoàng Thắng

Theo Tuần Việt Nam

Để xây dựng và bảo vệ đất nước, tài nguyên thiên nhiên không quan trọng bằng tri thức và nguồnnhân lực. Cải cách kinh tế phải đi cùng cải cách chính trị như hai chân và phải cùng bước nhịp nhàng thì mới có thể tiến xa mà không bị ngã. Phần kết của câu chuyện gây sốc ở Ai Cập, Bắc Phi và dưới các chế độ độc tài khác có thể mở ra một kỷ nguyên mới.

Ngọn đuốc Mohamed Bouazizi 26 tuổi ngùn ngụt bốc cháy trên đường phố Sidi Bouzid ở Tunisia. Tấm hình thương tâm này ngay lập tức tràn ngập các trang mạng xã hội Facebook hơn một tháng qua, gây xúc động cho triệu triệu con tim. Ngoài sự quả cảm chỉ những người có đức tin mới dám hành động như vậy.





Ngọn đuốc sống có thật Mohamed Bouazizi đã thiêu trụi chính thể Ben Ali sau 24 năm cầm quyền, lật nhào Tổng thống Ai Cập Mubarak sau 30 năm tại vị. Nhiệt lượng cao của ngọn đuốc đang lan sang một số quốc gia lân cận khác, đốt nóng cả vùng Bắc Phi - Trung Đông (MENA), và chưa ai đoan chắc được điểm dừng của nó ở đâu.

Cách mạng đến từ đâu?

Mubarak đã ra đi!

Công bằng mà nói, theo một số nhà nghiên cứu, Mubarak đã lãnh đạo Ai Cập chuyển sang kinh tế thị trường từ 1991, tiến hành cải cách, xóa đói giảm nghèo và phát triển sản xuất với tốc độ GDP bình quân là 7%. Ông đưa Ai Cập bước vào hàng ngũ có mức thu nhập trung bình trên thế giới, và là nước được xếp vào loại khá tại MENA (*).

Nhưng mặt trái của tấm huân chương là Mubarak đã không đổi mới chính trị. Nghịch lý cải cách nằm ở chỗ chế độ của nhà độc tài này vẫn buộc phải hiện đại hóa đất nước và nâng cao trình độ của lực lượng lao động, để theo kịp với mức phát triển của nền kinh tế. Một khi trình độ dân trí và mức sống xã hội được nâng cao thì người dân không chấp nhận ách độc tài nữa.

Một cách giải thích khác là Mubarak đã phải trả giá cho sự thành công thuần túy về kinh tế, khi trong xã hội Ai cập đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu khá giả. Lực lượng xã hội mới này đã đòi hỏi những thay đổi chính trị trên thượng tầng mà giới lãnh đạo không theo kịp. Đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng độc tài, kéo theo tham nhũng, trong các tầng lớp trên ở Ai Cập.

Cách giải thích thứ ba về sự thất bại của Mubarak chính là vì chiêu bài bảo vệ ổn định. Ông ta đã sử dụng các biện pháp có thể để giữ ổn định, như củng cố phe cánh, xây dựng nền an ninh trị và bưng bít thông tin. Mubarak xây dựng vị thế lãnh đạo suốt cả ba thập kỷ của mình trên một nhóm lợi ích chiếm thiểu số, nhưng nắm giữ đa số các đặc quyền và đặc lợi.

Những thành viên trong nhóm này cấu kết với nhau để làm giàu. Riêng phần Mubarak sở hữu một tài sản lên đến hàng chục tỉ USD. Hai người con trai của ông ta cũng đều là tỉ phú. Đặc biệt, Gramal Mubarak, người con trai thứ, ngoài chuyện làm giàu, còn có tham vọng chính trị rất lớn. Nếu không có cuộc cách mạng vừa qua, rất có khả năng lên thay thế ông bố.

Trong khi đó, hơn 40% dân số Ai Cập vẫn sống với khoản thu nhập trung bình mỗi ngày dưới 2 đô la! Đó là chưa nói tới hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học đã không có việc làm.

Tất cả những dẫn chứng nói trên hẳn đã gây rất nhiều công phẫn trong quần chúng. Những tiếng nói đòi tự do dân chủ cũng từng cất lên đây đó, nhiều lần.

Nhưng Mubarak vẫn cố bịt tai mình lại. Giới bình luận chính trị Tây phương nhận định rằng, trong vô vàn những điều Mubarak không hiểu, có một điều vừa rồi đã đóng vai trò chính yếu trong việc kết liễu sự nghiệp chính trị của ông. Đó là các phương tiện truyền thông mới như Internet, Twitter và Facebook.

Dân chủ hay độc tài?

Có một hình ảnh khiến người ta phải dừng mắt lại để suy ngẫm. Đó là anh thanh niên 30 tuổi, Wael Ghonim, Trưởng ban Tiếp thị của Công ty Google Inc. Chính quyền Mubarak phóng thích Ghonim với mục đích xoa dịu phong trào biểu tình, với hy vọng Thủ đô Cairo trở lại yên tĩnh.

Wael Ghonim đã xuất hiện lần đầu tiên sau 12 ngày bị giam giữ. Anh bật khóc trước ống kính truyền hình của các phóng viên nước ngoài và nghẹn ngào nói: "Chúng tôi không phải là những kẻ phản bội". Bởi, Wael đã khóc cho hàng trăm người bị bắn chết trong các cuộc biểu tình diễn ra trong suốt những tuần qua.

Lập tức những tràng pháo tay nổ ra như sấm. Wael lại nói với các phóng viên báo chí nước ngoài rằng những cuộc biểu tình này là "một cuộc cách mạng trên Internet".

Hôm sau, một "quý bà" tên là Fifi Shawqi thuộc tầng lớp trên đã lần đầu tiên xuống đường biểu tình. Đi cùng bà có cả 3 cô con gái và một người em của bà. Bà Fifi nói với các phóng viên: "Tôi nhìn thấy Wael trong cuộc phỏng vấn hôm qua và tôi đã khóc. Tôi thấy Wael như con trai tôi, và tất cả những thanh niên ở đây cũng như con tôi. Tôi nghĩ hình ảnh Wael đã khiến nhiều người, rất nhiều người, đến đây".

Những người khác trong đám biểu tình cũng nói họ ra khỏi nhà đến quảng trường lần đầu sau khi biết tin Wael Ghonim đã được tự do. Ghonim đã trở thành một ngọn cờ tụ nghĩa đối với những người biểu tình. Cuộc nổi dậy trở nên kiên định hơn, khi những người tham gia quyết không chấp nhận bất cứ sự thương lượng nào. Trừ việc Mubarak phải từ chức.

Một cách cận cảnh, đấu tranh giữa dân chủ và độc tài đã diễn ra như vậy. Nhưng cách mạng chưa kết thúc, vì chưa ai biết rõ về thái độ của quân đội Ai Cập, hiện đang nắm quyền lãnh đạo thông qua một hội đồng tướng lĩnh. Quần chúng vẫn hoài nghi. Bởi cái chính quyền mà họ đã từng phản đối, đến nay, vẫn hầu như không thay đổi.

Trách nhiệm của quân đội Ai Cập trở nên rất lớn lao. Họ vừa phải bảo đảm ổn định, vừa phải đáp ứng khát vọng dân chủ của nhân dân. Liệu họ có bảo đảm cho cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ diễn ra êm thấm hay không? Họ sẽ hành động như đã hứa, hay lại giữ nguyên chế độ toàn trị như cũ, với một tân Mubarak?

Các mục tiêu mà những người biểu tình đòi hỏi từ lâu như dân chủ, nhân quyền, công ăn việc làm, các tiêu chuẩn xã hội đối với người lao động nói chung, đặc biệt là đối với giới trẻ và trí thức, đã trở thành mục tiêu tối hậu quan trọng không kém, so với các nhu cầu về bánh mì và thực phẩm.

Theo thông cáo trên truyền hình hôm Chủ nhật vừa rồi, quân đội đã giải tán quốc hội, và nắm lấy quyền điều hành đất nước trong vòng sáu tháng. Thủ tướng Ai Cập nói các bộ trưởng hiện nay sẽ lưu nhiệm cho tới khi có nội các mới. Quân đội cam kết tuân thủ mọi thỏa thuận quốc tế, và xác nhận hòa ước quan trọng năm 1979 với Israel vẫn được tôn trọng.

Điều gì sẽ bảo đảm những yêu sách về dân chủ, nhân quyền sẽ được đáp ứng? Phải chăng vì quyền lực vẫn trong tay quân đội cho nên dù quảng trường Giải phóng đang được thu dọn, một số người biểu tình vẫn ở lại? Họ tuyên bố tuần này sẽ còn tiếp tục biểu tình, bãi công, một khi một chính phủ dân sự chưa lên nắm thực quyền.

Xem ra đây sẽ là cuộc đấu sức, đấu trí mới chưa thể ngã ngũ trong những tuần tới, những tháng tới. Người dân có quyền hồ nghi rằng các thành quả cách mạng của họ có thể bị quân đội chiếm đoạt, nếu, rồi đây, giữa quân đội và các lượng đối lập không thỏa thuận được với nhau cái gọi là «lộ trình chuyển tiếp dân chủ».

Vết dầu loang?

Nhiều nhà quan sát tin rằng người dân Ai Cập đã được truyền cảm hứng từ cuộc nổi dậy của Tunisia cách đây một tháng. Nhưng giờ đây, khi tình hình ở những quốc gia MENA khác cũng đang nóng lên từng ngày, nhiều nhà phân tích lại cho rằng người dân Bắc Phi, đến lượt mình, lại đang lấy cảm hứng từ chính các cuộc biểu tình ở Ai Cập.

Thật ra, cảm hứng là quá trình hai chiều, nó tương tác, đan quyện và qua lại. Trong trường hợp này khó xác định cảm hứng đến từ đâu, ngoại trừ từ nhân quần lao khổ và từ những sai lầm chết người của chế độ. Cảm hứng, kể cả của các lãnh đạo cao nhất, nhiều khi đến từ các sự kiện nóng hổi.

Bản thân Tổng thống Obama đã được báo trước về sự ra đi của Mubarak, vẫn phải xem truyền hình trực tiếp cảnh vui mừng của người biểu tình để chuẩn bị phát biểu trước quốc dân và thế giới. Chính ông thừa nhận ngay sau đó rằng, người dân Ai Cập đã tạo cảm hứng bằng cách sử dụng phương pháp bất bạo động để uốn "vòng cung lịch sử về phía công lý".

Nguyên nhân các cuộc nổi dậy ở các nước MENA đều xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại âm ỉ lâu ngày. Bất công về thu nhập, phân phối phúc lợi và của cải xã hội, cùng với bất hợp lý trong chính sách nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, đã dẫn đến sự phân hóa, chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng.

Nhưng trong MENA nhiều nước còn nghèo hơn và thể chế còn độc tài hơn cả Tunisia và Ai Cập mà cách mạng vẫn chưa nổ ra. Bởi lẽ chính trị không phải là môn hóa học! Có khi lượng đổi nhưng chất vẫn chưa đổi. Bấy nhiêu bất công, bấy nhiêu độc tài đủ để Tunisia và Ai Cập làm cách mạng, nhưng ở nơi chốn khác chỉ mới âm ỉ, thậm chí vẫn án binh bất động! Tuy nhiên, cơn bão lửa nổi lên từ Tunis và Cairo đã làm nhiều tàn lửa xẹt sang một số nước khác.

Algerie đã có người tự thiêu vì thất nghiệp trước cơ quan hành chính Tebessa. Từ cuối tuần qua các cuộc xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát ở Algerie, ở Yemen đã trở nên ác liệt, số người chết và bị thương tăng dần. Tại Jordanie, một cán bộ nghiệp đoàn đã đứng lên kêu gọi làm «cách mạng hoa nhài» trước tòa đại sứ của Tunisia tại Amman.

Hàng ngàn sinh viên Syria đã biểu tình kêu gọi dân xuống đường chống chính quyền Sanaa. Nhà cầm quyền đã không dám lớn tiếng về tình hình Ai Cập, do lo sợ về các cuộc biểu tình ở trong nước. Tại Soudan, ngay thủ đô Khartoum, nhà đối lập nổi tiếng Moubaral al-Fadil nhận định rằng nhân dân nước này đã sẵn sàng cho một cuộc nổi dậy.

Tất cả các nhà độc tài Arập, từ Marốc tới Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) hiện đều đang run sợ. Câu chuyện về Ai Cập trong những tuần qua trở thành một trong những biến động địa-chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Các Pharaoh, dù cổ đại hay hiện đại, đều phải chứng kiến ngày tàn của họ.

Những gì xảy ra tại Ai Cập và một số nước ở MENA cho thấy dù là Hồi giáo, hoặc bất cứ nền văn hóa nào đi nữa, cũng không thể duy trì mãi chính sách độc tài, toàn trị. Cải cách kinh tế phải đi cùng cải cách chính trị như hai chân và phải cùng bước nhịp nhàng thì mới có thể tiến xa mà không bị ngã.

Chiêu bài ổn định đã không tạo được sự ổn định cho Ai Cập và MENA. Ổn định phải được xây dựng trên sự đồng thuận. Tức là, dân chúng đồng thuận với chính quyền và ủng hộ chính quyền. Ngược lại, cái gọi là ổn định nhưng bất chấp đồng thuận, bị áp đặt từ trên xuống và được duy trì bằng bạo lực, sớm muộn sẽ thất bại.

Admin gửi hôm Thứ Hai, 14/02/2011

(*) Chú thích của Diễn Đàn CTM: MENA, viết tắt của Middle East and North Africa, là các quốc gia vùng Trung Đông và Bắc Phi.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More