Con trai các nhà độc tài khiến cha mất chức

Con tệ hơn cha, là nhà có...?

Stephen Kinzer/Daily Beast
V.Giang chuyển ngữ

NEW YORK - Con trai của nhà độc tài Qaddafi ở Libya bị cho là có liên hệ đến buôn lậu võ khí. Hai người con trai của Saddam là những kẻ hiếp dâm và tra tấn người. Con của các tay bạo chúa, độc tài, thường giúp thúc đẩy sự sụp đổ của cha mình. Nếu không tin, ta cứ hỏi ông Mubarak khắc rõ.

Một trong những giọt nước tràn ly ở Ai Cập là dự định của Tổng Thống Hosni Mubarak để cho con mình, Gamal Mubarak (trong tấm hình chụp năm 2007), lên kế vị tổng thống. (Hình: AP Photo/Ben Curtis)






Tổng Thống Hosni Mubarak ở Ai Cập phải rời khỏi quyền lực của mình trong sự nhục nhã, một phần vì ông không chịu học một bài học của lịch sử: Các nhà độc tài chẳng nên có con trai.

Phần lớn trong số những người này lại có con trai. Và điều này thường góp phần đẩy họ ra khỏi quyền lực hay làm sụp đổ đất nước.

Người dân Ai Cập có thể chấp nhận đè nén sự căm phẫn của họ thêm một thời gian nữa, nếu ông Mubarak già nua đau yếu không nói rõ rằng ông muốn con trai của mình, Gamal Mubarak, lên kế vị. Trong tất cả mọi hành vi ngạo mạn của ông Mubarak, không có gì sỉ nhục dân chúng Ai Cập bằng thái độ cho rằng trong tất cả 80 triệu dân Ai Cập, chỉ có Gamal Mubarak là xứng đáng nhất để lãnh đạo đất nước. Kế hoạch đã được chuẩn bị để đưa Gamal lên nắm quyền, không qua lá phiếu của dân nhưng chỉ vì đó là ý muốn của ông cha.

Chưa đầy một tuần sau khi các vụ biểu tình phản kháng bùng nổ ở Ai Cập, Tổng Thống Ali Abdullah Saleh ở Yemen công khai tuyên bố sẽ chấm dứt việc tìm cách đưa con trai mình, Ahmed, lên làm tổng thống sau khi ông ra đi. Cùng lúc đó, Vua Abdullah ở Jordan, người lên kế vị cha mình, giải nhiệm chính phủ trong nỗ lực củng cố chế độ của mình. Triều đại Abdullah này có vẻ coi như vững chắc hiện nay, cũng giống như ở Saudi Arabia, nhưng quan niệm con trai có quyền lên kế vị cha ở các vị trí quyền lực gần như tối thượng ngày càng được ít người ủng hộ.

Một số ít con của các nhà độc tài vẫn còn tiếp tục giữ được quyền lực cha ông để lại, như Bashar al-Assad ở Syria và Kim Chính Nhật (Kim Jong-Il) ở Bắc Hàn. Nhưng đa số các chế độ khác bị thất bại thê thảm. Lục địa Phi Châu đặc biệt đầy rẫy những trường hợp này. Con trai của Idi Amin, Daniel Arap Moi, và Jomo Kenyatta không thể giữ được quyền hành mà cha họ muốn chuyển giao. Gần nước Mỹ hơn nữa, Jean-Claude “Baby Doc” Duvalier, lên nắm chức tổng thống Haiti sau khi cha ông ta qua đời nhưng không thể giữ được; các nỗ lực nhằm quay trở lại chính quyền của ông ta thời gian qua bị cản trở rất nhiều vì những gì người dân vẫn còn nhớ, không phải chỉ sự tham nhũng và tàn bạo dưới thời ông ta cai trị mà còn ở thời cha của ông.

Ở một số quốc gia, ngay cả viễn tượng sẽ có việc “cha truyền con nối” nay cũng có thể gây ra sự phẫn uất của dân chúng. Ðiều này có thể làm cho các nhà độc tài như Muammar Qaddafi ở Libya phải suy nghĩ lại. Ngay cả trong trường hợp họ không lên nắm quyền, đời sống hai người con trai của Qaddafi tiêu biểu cho lối sống đồi trụy thường thấy ở con trai các nhà độc tài.

Một người con của Qaddafi, Saif al-Arab, bị điều tra về tội buôn võ khí lậu tại Ðức. Người kia, Hannibal, gây ra cuộc tranh chấp ngoại giao với Thụy Sĩ khi bị bắt ở Geneva về tội hành hạ người làm của mình. Ông ta còn liên quan đến việc hành hung cảnh sát ở Ý, lái xe Porsche đi ngược chiều ở Champs-Élysées khi say rượu và khiến cảnh sát phải được gọi đến ở khách sạn Claridges ở London khi người ta nghe tiếng vợ ông kêu thét trong phòng (bà này sau đó nói rằng các vết bầm và trầy sướt là do bị té).

Hai người con trai của Saddam Hussein, Uday và Qusai, nổi danh là những kẻ hiếp dâm và tra tấn người vô cùng tàn bạo. Hiếp dâm cũng là một trò tiêu khiển của Nicu Ceausescu, con trai của nhà độc tài Romania; người ta nói rằng y thích hiếp dâm người vợ trong khi các cận vệ đánh đập người chồng. Nicu cũng là một kẻ nghiện rượu và cờ bạc, cũng như con trai của các nhà độc tài khác, và trong một số trường hợp khác, như Chucky Taylor ở Liberia và Marko Milosevic ở Serbia, cũng tự mình đi vào lãnh vực buôn ma túy.

Chẳng cần phải là nhà tâm lý học tài giỏi, ai cũng có thể đi đến kết luận là cảm nhận về quyền hạn tột đỉnh đã khiến con trai của những nhà độc tài này thấy rằng họ có thể sống sa đọa hay vô đạo đức đến thế nào cũng được.

Ngoài tính dục, rượu, ma túy, và bài bạc, nhiều người con của thành phần độc tài cũng có chung một sở thích khác là thể thao. Marko Milosevic thích đua xe, Baby Doc lái xe mô tô, con của Saddam Hussein và Qaddafi được trao cho trách nhiệm điều hành thể thao trong nước.

Và hành vi bạo động tùy hứng cũng ở trong những người này. Có cách nào khác hơn để giải thích được việc Chuck Taylor có lần đánh tài xế mình đến chết vì nhìn thấy vết trầy trên chiếc xe, hay Uday Hussein ra lệnh tra tấn các cầu thủ đội bóng tròn vì họ thi đấu không tốt như ý muốn của ông ta?

Kềm kẹp siết ngón tay, được cho là dụng cụ của Uday Hussein, con trai Sadam Hussein, dùng để trừng trị cầu thủ bóng đá và những vận động viên nào khác mà không thi đấu được như ý muốn của Uday, từng là chủ tịch ủy ban Olympic Iraq. (Hình: Ahmad Al-Rubaye/AFP/Getty Images)

Việc đưa con các nhà độc tài lên nắm quyền cũng thường tạo ra các cuộc biểu tình phản kháng. Năm 2005, cảnh sát quốc gia Togo bắn chết hơn 400 người biểu tình sau khi chế độ cầm quyền tuyên bố đưa Faure Gnassingbe lên kế vị cha mình khi ông này qua đời. Bốn năm sau đó, bạo động nổ ra ở Gabon khi các giới chức bầu cử nói rằng Ali Ben Bongo được bầu làm tổng thống để thay người cha quá cố. Joseph Kabila lên nắm quyền ở Congo mà không gặp nhiều sự phản đối sau khi cha ông ta bị ám sát chết năm 2001, nhưng đây có thể coi là một trường hợp ngoại lệ.

Ở Uganda, Tổng Thống Yoweri Museveni có thể đang nghĩ đến việc đưa con trai mình lên kế vị.

Làm thế nào để các nhà độc tài tránh được khỏi vận hạn này? Có lẽ là chỉ có ba giải pháp. Một là giải pháp “sợi dây lụa” được các vị vua thời Ðế Quốc Ottoman. Họ thường ra lệnh giết con trai của mình-thắt cổ bằng sợi dây lụa vì máu hoàng gia không được đổ ra-để tránh hậu hoạn. Ðiều này có vẻ tàn bạo nhưng những người bênh vực cho truyền thống này nói rằng số người chết vì việc này quá nhỏ so với con số những người phải chết trong các cuộc chiến tranh giành ngôi báu ở Âu Châu.

Giải pháp thứ nhì là không có con. Ðó là con đường của George Washington -một số sử gia tin rằng việc mắc bệnh đậu mùa khi còn nhỏ khiến ông không thể có con- và điều này có thể có ảnh hưởng lớn lao đến lịch sử Mỹ. Ý hướng duy trì nền quân chủ vẫn còn rất mạnh mẽ ở thời của ông Washington và ông được sự trọng vọng của dân chúng đến nỗi nếu ông có con trai, có thể sẽ có nhiều áp lực để đưa người con thành tổng thống. Ðiều đó có thể đã đưa Hoa Kỳ về một hướng đi hoàn toàn khác.

Khi người ta tự hỏi tại Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những quốc gia cường thịnh nhất trong thế giới Hồi Giáo tại Trung Ðông, ta không nên bỏ qua sự kiện là cha già khai sáng quốc gia này, Kemal Ataturk, không có con. Cũng giống như Washington, ông được sự kính nể của cả quốc gia và có thể dễ dàng đưa con trai mình lên kế nghiệp.

Và giải pháp thứ ba là: Có con gái thay vì con trai. Lịch sử từng cho thấy là con gái của các nhà độc tài thường trở thành những nhà lãnh đạo giỏi, nhiều khả năng. Trong số này, ta có thể kể Megawati Sukaroputri ở Indonesia, Benazir Bhutto ở Pakistan, Sheikh Hasina ở Bangladesh, và Indira Gandhi ở Ấn Ðộ. Họ có vẻ được thừa hưởng khả năng lãnh đạo và chỉ huy quyền lực, và dù rằng họ cũng không vượt qua được sự tham nhũng, họ có vẻ cởi mở hơn, sẵn sàng thỏa hiệp hơn và ít ham thích những điều như đua xe, sử dụng ma túy và tra tấn.

Ðáng tiếc cho ông Mubarak là quá trễ để dùng đến 'sợi dây lụa' và ông cũng không có con gái.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126971&z=1

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More