Cuộc cách mạng của thế kỷ 21!!!

* Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 117 (15-02-2011)

1- Các cuộc cách mạng long trời lở đất

Cách mạng 18 ngày tại Ai Cập
khiến Mubarak phải ra đi
Năm 1789, với việc phá nhà ngục Bastille, nhân dân Pháp đã tạo nên cuộc cách mạng dân chủ long trời lở đất đầu tiên trên thế giới, xóa sạch một chế độ quân chủ chuyên chế lâu đời, đưa vị vua đang cai trị là Louis 16 lên máy chém, viết ra bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền với 3 tiêu chí: Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ. Cuộc cách mạng này làm rung chuyển cả Tây Âu, khiến cho nhiều nước quân chủ chuyên chế phải chuyển sang quân chủ lập hiến. Tinh thần tự do, bình đẳng, huynh đệ của Cách mạng Pháp, cộng với kinh nghiệm đau thương về hai trận thế chiến, đã khiến sinh ra bản Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, rồi hai Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966.

Sau đó đúng hai thế kỷ, vào năm 1989, với việc phá sập bức tường Berlin, nhân dân Đức lại mở đầu cho cuộc cách mạng nhân quyền cũng long trời lở đất không kém, lôi kéo toàn thể các nước Đông Âu vào cuộc, xóa sạch một chế độ chà đạp nhân phẩm chưa từng thấy trong lịch sử là chế độ cộng sản. Cùng năm 1989 ấy, bên trời Đông Á, cũng xảy ra một toan tính thay đổi chế độ tại Trung Hoa, tức biến cố Thiên An Môn, do các sinh viên thực hiện. Tiếc là cuộc nổi dậy do các bạn trẻ này đã bị dìm trong biển máu. Dẫu sao thì việc thanh toán chế độ CS tại nơi đã sinh ra nó là Liên xô với các chư hầu khối Varsovie cùng với kinh nghiệm tiếp tục về các chế độ CS còn sót lại, đã đưa tới Nghị quyết năm 2006, kêu gọi Quốc tế lên án tội ác của những chế độ Cộng sản toàn trị.


Nay sang thế kỷ 21, với cuộc tự thiêu của một sinh viên thất nghiệp bán hàng rong là Mohamed Bouazizi ngày 17-12-2011 tại Tunisia, một cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền mới, cũng không kém long trời lở đất, đã và đang tiếp tục nổ ra trong thế giới Hồi giáo, ở các nước A Rập vùng Bắc Phi và Trung Đông, nơi mà nhiều chế độ chuyên chế, với những lãnh đạo chính trị tham quyền cố vị, cộng với tinh thần Hồi giáo không mấy ưa dân chủ, đang dìm dân chúng trong cảnh nghèo khổ, thất nghiệp và đất nước trong cảnh chậm tiến, độc tài.

Cái chết của anh Bouazzi nhằm phản đối chính quyền áp bức của tổng thống Ben Ali (vốn đã cai trị 24 năm trời) và cuộc sống đắt đỏ không còn chịu đựng nổi đã là mồi lửa châm ngòi cho cuộc vùng dậy của nhân dân Tunisia. Trong một tháng liên tiếp, toàn quốc đã xuống đường biểu tình chống nạn vật giá leo thang, nghèo đói thất nghiệp, gian tham hối lộ, chống chính sách cai trị độc tài, bịt miệng báo chí, đàn áp đối lập. Người dân đã dùng các phương tiện thông tin hiện đại như Internet, Facebook và Twitter để huy động nhau biểu tình. Trước áp lực mạnh mẽ của toàn dân, chỉ chưa đầy một tháng, ngày 14-01-2011 tổng thống Ben Ali cùng với gia đình đã phải trốn sang A Rập Saudi xin tị nạn.

2- Các phản ứng dây chuyền mãnh liệt

Như vết dầu loang, tựa phản ứng dây chuyền, ngọn lửa dân chủ Tunisia lập tức lan sang các nước trong vùng, gây nên hàng chục vụ tự thiêu và hàng ngàn vụ xuống đường khác để phản đối các chính thể độc tài, yêu sách tự do dân chủ, đòi hỏi cải tổ chế độ. Bắc Phi thì có Mauritani, Maroc, Angiêri, Lybia, Soudan, Ai Cập; Trung Đông thì có Syria, Jordan, Yemen, A Rập Saudi, Iran...  Kể từ ngày 12-01-2011 đã có thêm 8 đuốc lửa. Ở Algeria, một thường dân tự thiêu trước tòa thị chính phản đối chính quyền để dân thiếu việc làm. Tại Mauritani, một thầu khoán tự thiêu phản đối nhà cầm quyền bất công với bộ lạc thân tộc.

Thí dụ điển hình đầu tiên về hiện tượng “phản ứng dây chuyền” là trường hợp vương quốc Jordan. Kể từ ngày 14-01, nhiều cuộc biểu tình chống nghèo khó và bất công đã xẩy ra liên tục. Tình hình này khiến chính quyền lo ngại và quốc vương Abdullah II đã phải cố gắng xoa dịu nỗi bất mãn của dân chúng. Sau cuộc xuống đường rầm rộ của hàng ngàn dân hôm 28-01 đòi hỏi cải cách chế độ và thay đổi chính phủ, ngày 01-02 vừa qua, vua Abdullah đã cách chức thủ tướng để thay thế bằng một cựu thủ tướng, cựu cố vấn quân sự của ông.

Tại Soudan, ngày 30-1-2011, dân chúng đã xuống đường ở nhiều thành phố lớn. Hàng trăm sinh viên tham gia các cuộc biểu tình, hô những khẩu hiệu phản đối giá cả tăng cao, chính phủ độc tài và Tổng thống tàn bạo. (Ông này, Omar Hassan al-Bashir, cai trị từ năm 1993, là nguyên thủ quốc gia đương chức đầu tiên bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã về tội ác chiến tranh và tội ác diệt chủng). Thế nhưng các sinh viên đã bị cảnh sát đàn áp, bắt giam 113 người và bắn chết một. Dù vậy họ vẫn không nao núng, và nhiều cuộc biểu tình còn tiếp diễn.

Tại Syria, nơi cha con Tổng thống Bashar al-Assad cai trị với bàn tay sắt trong hơn 40 năm trời, phong trào phản kháng cũng manh nha thời gian gần đây. Sau khi nổ ra các biến cố tại Tunisia, Tổng thống Syria đã không ngần ngại gọi phong trào phản đối trong khu vực là một "loại bệnh tật" và cho rằng "các vi trùng lây nhiễm" này khó xâm nhập đất nước ông vốn rất ổn định. Thế nhưng, hôm 01-02, trên mạng Facebook, một lời kêu gọi đã được tung ra để yêu cầu dân Syria tập hợp vào ngày thứ sáu 04-02 (gọi là “ngày thịnh nộ”) để phản đối tình trạng "tham nhũng, chuyên chế và bạo ngược" tại nước họ.

Tại Cộng hòa Yemen, hôm 03-02, hàng chục ngàn công dân đã tập hợp tại đại học Sanaa, thủ đô Yemen, để đòi hỏi Tổng thống Ali Abdullah Saleh, vốn đã cai trị từ 32 năm nay, phải từ chức. Ông này chẳng những dự định tiếp tục tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa mà còn thúc giục các nghị sĩ trong đảng cầm quyền của ông điều chỉnh Hiến pháp để ông được làm Tổng thống trọn đời. Chưa hết, ông cũng đang âm mưu để người con trai trưởng lên kế vị.

Nhưng cho đến nay, phải nói ảnh hưởng dây chuyền mạnh nhất vẫn là Ai Cập, một quốc gia với hơn 80 triệu dân. Tại đây, kể từ ngày 25-1-2011 đã có nhiều cuộc biểu tình kéo dài với sự tham dự của hàng trăm ngàn người ở nhiều thành phố lớn. Đặc biệt tại thủ đô Cairo, dân chúng đã liên tục tập hợp tại quảng trường Tahrir. Ngày 1-2-2011 số người tham dự lên tới gần một triệu. Tất cả đều nhằm đòi Tổng thống Hosni Mubarak, vốn đã cai trị 30 năm và đang định truyền ngôi thế tử, phải từ chức. Dù có khoảng 1.000 người bị bắt và hơn 300 người bị giết, phong trào nhân dân vẫn có khả năng tập hợp lực lượng đủ lớn để làm cách mạng. Góp phần vào việc này chính là các bạn trẻ. Như tại Tunisia, họ tận dụng mọi phương tiện hiện đại là Internet, Facebook và Twitter để kêu nhau xuống đường đòi tự do dân chủ.

Điểm đáng lưu ý là suốt các cuộc biểu tình, quân đội Ai Cập đã giữ vị thế trung lập, không tấn công phe đối lập, dù trước đây họ được Tổng thống (cũng là một quân nhân) o bế. Cam kết của Tổng tham mưu trưởng rằng “quân đội không đàn áp những công dân xuống đường bày tỏ nguyện vọng của mình” là một sự bảo đảm an toàn, giúp cho cuộc biểu tình ngày càng lớn mạnh. Kết quả là tối ngày 11-2-2011, Tổng thống Mubarak đã phải ra đi sau 30 năm cai trị với bàn tay đàn áp và vơ vét (tài sản cướp được của ông ta ước tính từ 40 đến 70 tỷ đôla Mỹ).

3- Các chế độ độc đoán chờ ngày tan vỡ

Cơn thủy triều tự do dân chủ đang dâng cao trên khắp thế giới, đặc biệt ở Bắc Phi và Trung Đông như vừa thấy, là bước phát triển tất yếu trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Nỗ lực của các lãnh đạo và chính đảng chuyên chế, hoặc để đàn áp nhân dân, hoặc để xoa dịu công phẫn, đều không thể đi ngược với quy luật thời đại: dân chủ tự do là văn minh, độc tài đàn áp là lạc hậu. Theo ký giả Gregory White, báo Business Insider, 11 nước đàn áp độc tài đang đối mặt với nguy cơ trở nên như Ai Cập, ngoài Jordan, Syria, Yemen như vừa thấy, còn gồm: 1- Maroc, theo chính thể quân chủ lập hiến. Nạn thất nghiệp 25% trong thế hệ tốt nghiệp đại học và 9.1% trong lực lượng lao động, đang là một mối lo rất lớn cho vua Mohammed IV và chính phủ. Nếu nạn lạm phát không được kiểm soát và nạn thất nghiệp không được giải quyết, khả năng bộc phát một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện có thể diễn ra tại vương quốc này. 2- Saudi Arabia, theo chế độ quân chủ tuyệt đối, không chính đảng nào được phép hoạt động. Hoàng gia nắm giữ hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính phủ, nhưng đã nhiều lần bị quốc tế tố cáo là lạm quyền và tham nhũng. Vua Abdullah bin Abdul-Aziz là một kẻ già nua, bảo thủ và đang bị nhân dân chống đối. 3- Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad được bầu lên cách dân chủ nhưng thực tế nằm dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, vốn có quyền tuyệt đối về tôn giáo lẫn chính trị. Thành thử trong nước đã có nhiều cuộc nổi dậy. Tình trạng thất nghiệp: 14.6%, mức độ lạm phát: 13.5%. Nếu mức độ lạm phát tiếp tục gia tăng, có thể xảy ra một cuộc bùng nổ toàn diện. 4- Libya, quốc gia chịu đựng bàn tay sắt của Muammar al-Gaddafi từ 41 năm nay. Mức thất nghiệp là 30%, cao nhất vùng. Những cuộc biểu tình nhỏ đã bùng nổ tại các thành phố Darnah, Benghazi, Bani Walid. Với tình trạng thất nghiệp như vừa thấy, dù cứng rắn hay không, ngày tàn của chế độ độc tài al-Gaddafi đang điểm. 5- Pakistan, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo nhưng người dân luôn sống trong bất an, đe dọa. Mức lạm phát 15%, mức thất nghiệp 14%. Chính phủ của Thủ tướng Yousaf Raza Gillani đã tỏ ra yếu kém trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và đang mang nợ quốc tế hơn 100 tỉ. Các phong trào chống chính phủ sẽ bùng nổ ở mức độ rộng. 6- Venezuela, một cộng hòa đang chịu ách cai trị độc tài của tổng thống Hugo Chávez, theo khuynh hướng Mác-xít. 30% dân số sống dưới mức 2 đô la một ngày. Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2010 xếp Venezuela vào nhóm 15 nước tệ hại nhất trong 178 quốc gia được đánh giá. Tình trạng lạm phát 27.2% và thất nghiệp 8.1%. Cuối cùng là Việt NamTrung Quốc cộng sản, nơi đàn áp nhân quyền mạnh nhất, tỷ lệ bần cùng cao nhất, mức độ lạm phát lớn nhất nhưng đòi hỏi dân chủ ngày càng mãnh liệt.

BAN BIÊN TẬP







0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More