Nguyễn Yến
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, giá xăng, điện tăng theo giá thị trường nhưng lại không có sự cạnh tranh và không có sự thỏa thuận giữa người bán và người mua. Như vậy là "bất bình đẳng" với người tiêu dùng.
Tăng là cần thiết nhưng…
Bình luận về động thái tăng giá xăng lên 19300 đồng/lít vào sáng qua (24/2), các chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm “đây là việc làm cần thiết”.
Ông Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, lần điều chỉnh giá xăng, điện này thực chất là đưa giá cả quay lại đúng theo cơ chế thị trường, đã được thực hiện từ cuối 2009 đến giữa 2010. Từ cuối năm 2010, do nhiều yếu tố kinh tế – chính trị, Chính phủ đã phải thực hiện các biện pháp kìm giá.
Tuy nhiên, đứng từ góc độ của người tiêu dùng thì quyết định tăng giá xăng lần này, một lần nữa đặt người dân vào thế bị động, lặp lại bản trường ca “Nhà nước tăng giá, dân cứ thế làm theo”.
Người tiêu dùng chấp nhận mua xăng hay điện theo giá thị trường, tức là chấp nhận chuyện tăng và giảm giá. Nhưng tăng, giảm bao nhiêu, người dân có quyền được biết lý do và vì sao lại tăng mức đó. Cụ thể phần giá tăng thêm người dân phải gánh là bao nhiêu? Phần nào tăng thêm là do lỗi của doanh nghiệp?
"Những con số nói "nhà xăng" đang lỗ là do doanh nghiệp và Bộ Tài chính nói"
Ngay sau khi tăng giá xăng, hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đã giải thích trên báo chí, ngành xăng dầu cho đến nay đã lỗ 16,4 nghìn tỷ đồng, nếu điều chỉnh đủ thì giá xăng phải tăng khoảng 34-45%, tức là tăng 6.500 đồng/lít so với mức giá hiện nay.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những con số được đưa ra vẫn chỉ do phía Bộ Tài Chính nói và các doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ. Còn người tiêu dùng, vẫn không biết được mức tăng như vậy có hợp lý không và các doanh nghiệp xăng dầu vẫn đang phải bù lỗ cho mình hay không.
“Các doanh nghiệp cứ kêu lỗ, rồi được Nhà nước chấp nhận mức tăng giá để bù lỗ, và người dân thì mặc nhiên phải mua theo giá mới đó”, bà Lan bày tỏ.
Nhà nước và người dân cùng chia sẻ khó khăn, nhưng phải công khai, minh bạch về thông tin, ví dụ như giá mới đó được hình thành trên cơ sở nào, nhà nước bù lỗ bao nhiêu, dân gánh bao nhiêu.
“Nếu thông tin minh bạch như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thì người dân chắc chắn sẽ không bao giờ bị “sốc” vì tăng giá”, bà Lan nhấn mạnh.
Giá thị trường nhưng không được mặc cả
Đó là thực trạng mà người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang hàng ngày, hàng giờ phải sống chung. Giá điện, giá xăng theo định hướng là phát triển theo giá thị trường. Nhưng thực tế ở VN, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, điện và xăng về cơ bản vẫn mang tính độc quyền. Điều đó cũng có nghĩa là không có cạnh tranh, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn dịch vụ và kéo theo đó là không thể “mặc cả” về giá được.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lấy dẫn chứng, theo quy định thì một doanh nghiệp được xem là độc quyền nếu chiếm trên 50% thị phần. Hiện Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam Petrolimex là đầu mối xăng dầu lớn nhất trên thị trường, lại đang chiếm hơn 60% thị phần bán lẻ xăng dầu trong cả nước, như vậy về “lý” doanh nghiệp này đang độc quyền. 30% thị phần còn lại được chia cho hơn 10 doanh nghiệp khác. Nhưng chỉ cần Petrolimex tăng hoặc giảm giá bán lẻ, các doanh nghiệp khác không thể không theo.
Thị trường là nơi người bán, người mua, có quyền như nhau. Ở VN, mặc dù doanh nghiệp luôn nói “khách hàng là thượng đế”, nhưng thực tế, người tiêu dùng lại đang bị áp đặt giá.
“Muốn có giá thị trường theo đúng nghĩa người dân được hưởng lợi thì phải phá thế độc quyền. Tức là người tiêu dùng được quyền lựa chọn doanh nghiệp bán xăng rẻ nhất cho mình và thỏa thuận về mức giá đó”, bà Lan nói.
Mặt khác, theo bà Lan, việc độc quyền giá xăng, giá điện sẽ gây ức chế lớn cho người tiêu dùng vì không giống như một chén nước chè, nếu không uống ngoài quán, thì có thể về nhà tự đun để uống. Điện và xăng nếu không mua thì người dân cũng không biết lấy ở đâu về dùng. Vì vậy, mặc dù tăng giá nhưng ai cũng vẫn phải dùng.
"Nhà" điện, "nhà" xăng đã bớt chi phí để giảm lỗ chưa?
Bên cạnh đó, đã là giá thị trường thì phải có những cam kết, giải trình kèm theo. Ví dụ như khi giá lên, người dân chấp nhận móc hầu bao nhiều hơn, nhưng bù lại doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đưa ra phương án làm gì để giảm lỗ, giảm giá thành, chứ không nên chỉ đẩy một chiều vào người tiêu dùng.
Đồng thời, giá tăng phải xác định rõ nguyên nhân, nếu là lỗi do ngành điện như: làm thất thoát điện nhiều, chi phí quản lý và chi phí nhân lực lớn, cách thức đầu tư bất ổn, kéo dài thời gian thi công công trình, chất lượng thì công kém, dẫn đến việc nhiều nhà máy chưa hoàn thành đã hư hỏng, đội giá lên cao so với dự toán ban đầu, thì ngành điện phải chịu, chứ không thể để người dân gánh phần chi phí này.
Còn người tiêu dùng trả rẻ, không thể đầu tư mở rộng sản xuất được, thì việc tăng giá đó là hợp lý, người dân chắc cũng dễ chấp nhận.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp không nên chỉ biết tăng giá, mà nên cho người tiêu dùng thấy những nỗ lực cắt giảm chi phí của mình để người dân tin và yên tâm hơn với số tiền mình đã phải bỏ ra”.
N. Y.
Nguồn: bee.net.vn
0 comments:
Đăng nhận xét