Đại hội thường niên của tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa kỳ - Đánh dấu 50 năm thành lập


Ghi nhận của : Đoàn Thanh Liêm

Vài chuyện đáng ghi nhớ tại Đại hội thường niên của tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa kỳ 
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập : Amnesty International (1961 – 2011) 
Được tổ chúc tại thành phố San Francisco California vào ba ngày 18, 19 và 20 tháng Ba năm 2011

Đại hội thường niên năm 2011 của tổ chức Amnesty International Phân bộ Hoa kỳ AI USA (Annual General Meeting AGM 2011) vừa diễn ra tại khách sạn Fairmont thành phố San Francisco trong ba ngày 18,19 và 20 tháng Ba năm 2011. Năm nay cũng là để kỷ niệm 50 năm thành lập của Amnesty tại thành phố Luân Đôn Anh quốc (1961 – 2011), nên kỳ Đại hội này đã được chuẩn bị hết sức chu đáo với sự tham dự của trên 1000 thành viên và quan khách từ nhiều quốc gia khác, cũng như từ nội địa nước Mỹ.

Chương trình nghị sự trong suốt 3 ngày làm việc liên tục, gồm nhiều phiên họp khoáng đại với các đề mục tổng quát, và các buổi họp riêng của các nhóm chuyên biệt để thảo luận về từng chương trình hành động cụ thể. Nói chung, thì Đại hội đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ về nhiều mặt, cụ thể như kiện toàn cơ cấu tổ chức nội bộ, cũng như đề ra được một kế hoạch hành động thích hợp với tình hình thay đổi mau lẹ của thế giới hiện đại, điển hình như cuộc cách mạng hoa lài hiện đang vũ bão diễn ra tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông từ đầu năm 2011.
Để quý bạn đọc dễ dàng theo dõi tiến trình của Đại hội, trong bài này người viết xin ghi lại một số điều thật đáng ghi nhớ như sau, trước khi trình bày chi tiết trong những bài khác về nội dung của các cuộc thảo luận trao đổi, và sau cùng về các quyết nghị do Đại hội biểu quyết thông qua.
A – Một số diễn giả thật lôi cuốn đối với cử tọa.
Có đến mấy chục diễn giả được Ban Tổ chức sắp xếp để trình bày trong các phiên họp khoáng đại (plenary session) ở đại sảnh là phòng Grand Ballroom với sức chứa lên đến cả ngàn chỗ ngồi. Thường mỗi người chỉ trình bày thật súc tích ngắn gọn trong 7-8 phút, nhưng do nhân cách và thành tích nổi bật của mình, nên nhiều diễn giả đã có sức lôi cuốn được cử tọa với thành phần trẻ dưới 40 tuổi chiếm đến trên phân nửa số tham dự viên. Nhiều vị diễn giả đã được đa số cử tọa bật đứng dậy và nồng nhiệt hoan nghênh với những tràng pháo tay vang dội kéo dài đến một vài phút (standing ovation).
Các nhà hoạt động dân chủ bị tù đày
tại Việt Nam được Ân Xá Quốc Tế giới thiệu
• 1 - Tổng thống Jimmy Carter – Năm nay đã vào tuổi 87, đi lại khó khăn, nên Tổng thống đã cho thu hình và ghi âm bài phát biểu của mình nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập của Amnesty. Bài phát biểu qua video của ông vào sáng Thứ Bảy 19 tháng Ba đã được cử tọa im lặng và kính cẩn theo dõi, và tất cả đã đồng loạt vỗ tay tán thưởng, làm vang dội cả hội trường lúc Tổng thống kết thúc bài trình bày chỉ kéo dài chừng 6-7 phút.
• 2 - Bà Aung Sang Suu Kyi từ Miến Điện đã phát biểu với cử tọa qua điện thoại viễn liên vào chiều tối ngày Thứ Bảy 19 tháng Ba. Trong dịp này, Bà cũng đã trực tiếp trả lời một số câu hỏi của cử tọa đã được ghi sẵn và do Mike O’Reilly người điều khiển chương trình hội thoại chuyển đến cho bà. Cả hội trường đã chăm chú theo dõi lời phát biểu của nhân vật tranh đấu bất bạo động kiệt xuất này từ xứ Miến Điện trong suốt nhiều năm qua.
• 3 - Nữ danh ca Joan Baez năm nay đã vào tuổi thất tuần, nhưng vẫn còn say sưa hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, như cách nay đã trên 40 năm. Trong buổi trình diễn văn nghệ để vinh danh người nữ ca sĩ này, ngay sau lễ khai mạc Đại hội vào chiều tối ngày Thứ Sáu 18 tháng Ba, nhiều bạn nghệ sĩ đã cùng với Joan hát những bài ca nổi tiếng từ mấy thập niên nay. Joan Baez đặc biệt được giới trẻ hoan hô nhiệt liệt và vỗ tay liên tục, có khi còn ca hát theo với chị nữa.
• 4 - Gia đình của Ladis Kristof từ Oregon – Ông Ladis là một giáo sư về môn chính trị học và là một nhân vật tranh đấu kiên cường cho nhân quyền. Ông vừa qua đời cách đây hơn một năm ở tuổi 91. Phu nhân của ông là bà Jane 79 tuổi, cùng với con trai là Nicolas và cháu nội đã đại diện cho Quỹ Học bổng Ladis Memorial Fellowship để trao Giải thưởng cho một sinh viên từ tiểu bang Michigan đã có thành tích xuất sắc về tổ chức và phục vụ trong lãnh vực nhân quyền. Ông Ladis xuất thân từ nước Rumania và đã được cứu thoát khỏi chế độ cộng sản hà khắc tại đây vào đầu năm 1950, để rồi cuối cùng được định cư tại Hoa kỳ.
• 5 - Bà Annette, phu nhân của cố Dân biểu Tom Lantos – Bằng một giọng thật xúc động, bà Annette thuật lại rằng vào năm 1944, lúc quân đội Đức quốc xã đến chiếm đóng Hungary, thì nhờ có sự cưu mang của nhà ngoại giao Thụy Điển là Raoul Wallenberg mà thiếu niên Tom Lantos 16 tuổi mới thoát được cảnh bị tiêu diệt trong lò sát sinh (Holocaust). Vì thế mà trong suốt cả cuộc đời sau này trên đất Mỹ, ông bà đã dấn thân hết mình cho công cuộc tranh đấu cho nhân quyền trên thế giới. Cử tọa đã chăm chú theo dõi chứng từ rất trung thực và lý thú của vị nữ lưu xuất thân từ xứ Hungary này.
• 6 - Michael Posner, đương kim Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ là nhân vật được chú ý đặc biệt trong buổi hội luận cuối cùng vào trưa Chủ nhật 20 tháng Ba, trước khi kết thúc Hội nghị. Ông là một luật sư đã gắn bó lâu dài với phong trào tranh đấu nhân quyền từ nhiều năm nay. Sự tiết lộ của ông về việc Tổng thống Obama đang chịu nhiều áp lực, nên vẫn chưa thể đóng cửa trại tù Guantanamo như ông đã hứa lúc vừa mới nhậm chức vụ lãnh đạo ngành Hành pháp của nước Mỹ vào đầu năm 2009, thì đã làm cho cử tọa rất sôi nổi và đồng loạt lên tiếng kêu gọi là “ Phải đóng cửa ngay tức khắc Guantanamo” (Let’s close Guantanamo, right now!).
• 7 – Vị Tổng thư ký Salil Shetty của Amnesty International đến từ Luân Đôn cũng là người được cử tọa hoan nghênh nhiệt liệt. Salil còn rất trẻ, mới có 50 tuổi, nhưng lại có lối trình bày thật khúc chiết rành rọt, mặc dầu nói tiếng Anh với giọng Ấn độ. Ông khẳng định rằng : “Trong 20 năm nữa, nước Mỹ vẫn còn là một cường quốc, và vẫn phải có trách nhiệm trong công cuộc xây dựng hòa bình, dân chủ, tự do trên thế giới. Như vậy, các bạn người Mỹ đừng có quá bận tâm đến sự việc xảy ra tại các nơi khác, mà phải tập trung vào phong trào tranh đấu cho sự tiến bộ về nhân quyền ngay trong nội bộ cường quốc này. Rồi từ đó mới có thể góp phần với thế giới được…”
• 8 – Vị Giám đốc Điều hành Larry Cox của Amnesty International USA là nhân vật chủ chốt trong công cuộc tổ chức Hội nghị, thì cũng có lối phát biểu đày ngọn lửa nhiệt thành, sôi nổi làm say mê cử tọa, nhất là đối cới các thành phần trẻ ở tuổi 30 – 40. Larry thuật lại : Bộ trưởng Hillary Clinton đã nhiều lần nhắc lại với tôi vào hồi đầu năm 2011 là : “Xã hội Dân sự ở Ai cập còn quá yếu kém, nên chưa thể thay thế được chế độ của Tổng thống Mubarak đâu ! Ấy thế mà như các bạn biết đấy, quần chúng nhân dân tại xứ này chỉ trong vòng có mấy tuần lễ ngắn ngủi mà đã xóa sổ cả một chế độ độc tài đã đứng vững trên 30 năm ở xứ này. Rõ ràng đây là một biểu lộ tuyệt vời của “Quyền lực Nhân dân” đích thực vậy đó (People’s Power). Như vậy thì nhất quyết chúng ta sẽ xây dựng được một “Phong trào vững mạnh cho Nhân quyền khắp nơi trên thế giới ngày nay”. Các bạn có đồng ý như vậy không? Tức thì toàn thể cử tọa đều đứng lên vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Có bạn trẻ còn hô lớn tiếng “ Yes, yes, we love Larry!”
 Ông Larry Cox AIUSA Giám đốc điều hành của Tổ chức Ân xá Quốc tế
phát biểu tại ĐH ngày 20-3-2011

B - Khách sạn Fairmont với nhiều biến cố lịch sử.
Địa điểm được chọn lựa cho Đại hội AGM 2011 này là khách sạn Fairmont tọa lạc trong khu downtown của thành phố San Francisco. Fairmont đã có mặt từ trên 100 năm qua, với nhiều tiện nghi thuận lợi cho các Hội nghị quốc tế, điển hình như Hội nghị của đại biểu các siêu cường đồng minh trong thế chiến thứ hai là Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô và Trung quốc (ngũ cường), mà đã hội họp tại đây vào mùa Xuân năm 1945 để bàn thảo về việc thành lập tổ chức Liên Hiệp quốc. Và bản Hiến chương Liên Hiệp quốc đã được các đại biểu ngũ cường cùng nhau soạn thảo nơi phòng Thư viện của khách sạn Fairmont này.
Những hình ảnh của các vị đại diện này, cùng với ảnh của Tổng thống Truman vẫn còn được trưng bày trên hai bức tường của một hành lang dài đến cả 100 mét trong khách sạn. Nơi đây, còn có nhiều hình ảnh của các nhân vật lãnh đạo chính trị, văn hóa, tôn giáo và các nghệ sĩ của nước Mỹ, cũng như của thế giới.
Và cũng nhân dịp Hội nghị này, nhà báo Huỳnh Lương Thiện của tuần bào Mõ San Francisco/Oakland ở địa phương, cùng với ký giả Mỹ Lợi, thông tín viên của truyền hình SBTN cũng đã đến chụp ảnh, quay phim về quang cảnh Hội nghị, và còn phỏng vấn các nhân viên Ban Tổ chức cùng các tham dự viên của Hội nghị này. Xin đính kèm một số hình ảnh đó để minh họa cho loạt bài này.
Bài viết đến đây kể đã quá dài rồi, nên xin được tạm ngưng bút tại đây. Và xin độc giả đón coi chi tiết về Nội dung của Hội nghị trong những bài kế tiếp vậy nhé.
Westminster, 25 tháng Ba 2011 
Đoàn Thanh Liêm



Ông Larry Cox AIUSA (trái) và Luật sư Đoàn Thanh Liêm (phải)

Phóng viên Minh Uyên SBTN (phải) phỏng vấn bà Wende Gozan Brown,
Giám đốc truyển thông của tổ chức Ân Xá Quốc Tế Hoa Kỳ,


Cô Đỗ Bùi Tiên (trái), phát ngôn nhân của Hội Phụ Nữ Vì Nhân Quyền Việt Nam
đang trả lời phỏng vấn đài truyền hình SBTN tại Đại hội.


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More