Khánh An, phóng viên RFA
Những người phụ nữ Việt Nam Chấp nhận làm vợ tù nhân chính trị sướng khổ thế nào: xã hội cách ly - người thân kỳ thị - nhưng tin vào chính nghĩa - tình yêu vượt qua tất cả. Chúng ta hãy nghe tâm sự của 2 phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, là vợ của cựu tù chính trị mới rời khỏi Việt Nam sang tị nạn ở Thái Lan, với phóng viên Khánh An trong chương trình phỏng vấn của đài RFA ngày 28-3-2011 dưới đây.
Khánh An mời quý vị và các bạn gặp gỡ hai vị khách đặc biệt của Café Wifi, đó là hai người vợ của cựu tù nhân chính trị hiện mới rời khỏi Việt Nam sang Thái Lan xin tị nạn.
Người phụ nữ đầu tiên là chị Mỹ Vân, vợ của anh Lau Sỹ Phúc - người đã bị bắt cùng với Linh mục bề trên Trần Đình Thủ và một số tu sĩ khác của dòng Đồng Công năm 1987 và bị kết án 18 năm tù giam với tội danh “âm mưu khủng bố chính quyền”. Anh Lau Sỹ Phúc ra tù năm 2003 và kết hôn với chị Mỹ Vân một năm sau đó.
Bây giờ thì Khánh An mời quý vị và các bạn cùng nghe chị Vân, cũng là một người bạn khá trẻ, kể những gian truân khi chị chấp nhận trở thành vợ của một người tù nhân chính trị như thế nào nhé.
Tin vào chính nghĩa
Chị Mỹ Vân: Em tên Trần Mỹ Vân, là vợ của anh Phúc từ năm 2004.
Khánh An: Chị Vân ở gần nhà anh Phúc à?
Chị Mỹ Vân: Dạ, cách xa nhà anh Phúc ít thôi, nhưng nhà bác em ở gần bên nhà anh Phúc. Em đi đám cưới bên đó thì gặp anh Phúc, thế là quen ảnh.
Khánh An: Chị Vân có biết về hoàn cảnh anh Phúc trước đó không?
Chị Mỹ Vân: Lúc mình quen rồi tìm hiểu thì ảnh cũng nói cho em biết là ảnh đã từng đi tù về vụ nhà dòng Đồng Công. Em lúc đó tuổi tác cũng không lớn cho nên mình cũng nghe người lớn nói lại là về tôn giáo mà ảnh bị đi tù như vậy là chính nghĩa, không có gì xấu hết. Mình cũng nghe người lớn phân tích như vậy thì em thấy đó cũng là một việc tốt chứ không phải xấu, em cũng rất tự hào về việc ảnh đi tù như vậy vì không phải mình đi tù vì vấn đề gì khác mà vì mình đấu tranh cho tự do, nhân quyền.
Em còn bé nhưng nghe người lớn nói như vậy thì mình cũng hiểu được phần nào nên cũng rất tôn trọng ảnh, tôn trọng quyền tự do của ảnh. Ảnh muốn làm gì mà đúng thì (em) vẫn ủng hộ cho ảnh làm việc. Nói chung mình là phụ nữ mà, cũng yếu đuối, sợ sệt lắm. Mỗi lần ảnh làm việc thì (em) rất lo lắng, nhất là công an mời, tụi em lo lắng lắm nhưng ảnh nói
“Không việc gì phải lo hết, anh đi làm là đi làm, không phải là ăn cắp ăn trộm gì nên không phải sợ”. Nhưng mà mình là phụ nữ mà, yếu đuối lắm, cứ mỗi lần thấy công an là sợ sệt, lo lắng.
Khánh An: Vậy sau khi cưới thì có lần nào chị thấy sợ nhất không?
Chị Mỹ Vân: Có chứ. Có khi người ta xuống 2, 3 người mời ảnh, nói là “Đi làm việc”. Nói chung việc làm của ảnh thì mình không có can, ảnh làm mình vẫn ủng hộ, nhưng mỗi lần công an tới mời thì em sợ lắm, sợ người ta bắt luôn mất chồng.
Xã hội cách ly
Khánh An: Trước đó khi chưa lấy anh, chị làm nghề gì?
Chị Mỹ Vân: Lúc đó em làm may cho những chỗ tư nhân, mình cứ hợp đồng đi làm. Lúc lấy ảnh, mình hết hợp đồng, người ta ngưng luôn, không ký hợp đồng với mình nữa.
Khánh An: Nhưng người ta có nói lý do gì không?
Chị Mỹ Vân: Người ta nói là sau khi chị lập gia đình, chồng chị là cựu tù chính trị, lại có nước da đen, tóc xoăn nữa, lúc lấy chồng em làm được một thời gian ngắn nữa, (thời gian đó) cũng ngại lắm vì người ta cứ nói ra nói vô, rồi người ta xa lánh mình dần dần, từ bạn bè cho tới các sếp làm việc, người ta coi mình khác lắm, rồi hết hợp đồng là người ta ngưng luôn.
Khánh An: Rồi sau đó chị có đi xin làm ở chỗ nào khác không?
Chị Mỹ Vân: Tụi em cũng đi xin ở chỗ khác nhưng người ta lắc đầu không nhận là thôi, phải ở nhà. Sau đó ở bên đường có chỗ trống, thấy nhà người ta ở mình cũng làm cái chòi lên ở, bỏ mấy cái ghế ra bán cà phê lóc cóc bên đường để mưu sinh rồi đi chợ hằng ngày. Nhưng sau đó công an xuống bắt dẹp luôn cả chỗ ở đó, kéo sập hết, khiêng đồ đi hết.
Mình ở như vậy thì không mất tiền nhà trọ, còn nếu không cho mình ở như vậy thì mình lại phải xoay sở thêm tiền nhà trọ nữa. Mấy nhà khác họ có người ở trong phường thì không bị, còn mình thì ảnh làm như vậy người ta biết nên không cho mình ở, bắt mình dẹp luôn.
Khánh An: Rồi khi đi xin việc không được, không có công ăn việc làm và gặp những chuyện như vậy thì chị có buồn không?
Chị Mỹ Vân: Buồn thì phải buồn thôi, vì mưu sinh mà chị, ngày nào mình cũng phải ăn, ngày nào con cũng đòi hộp sữa thì cũng phải cho nó uống chứ làm sao bây giờ. Mình tìm cách này hay cách khác để mưu sinh, nói chung là chật vật lắm.
Người thân kỳ thị
Khánh An: Rồi bạn bè cùng trang lứa của chị thì sao, họ có nhìn thấy hòan cảnh của chị như vậy và giúp đỡ chị không?
Chị Mỹ Vân: Dạ không, tại vì lúc mình chưa lấy chồng thì người ta còn chơi với mình. Còn khi mình lấy chồng rồi, người ta thấy mình lấy chồng Mỹ lai, da đen, người ta cũng kỳ thị lắm; người ta từ từ bỏ mình luôn kể cả bạn thân hay hàng xóm họ cũng không chơi với mình nữa. Tụi em đi hết chỗ này đến chỗ kia cũng vất vả lắm. Chẳng hai chơi với mình hết. Em thì cũng còn bé, sinh năm 1978. Mình đi đường mình gặp người ta nhưng người ta cũng không nhìn mình đâu.
Khánh An: Còn người thân của chị thì sao?
Chị Mỹ Vân: Người thân như Cha Mẹ thì Cha Mẹ nói chung đâu có bỏ con cái, họ vẫn còn dòm đến mình. Anh chị thì không hoan nghênh cho lắm, chỉ có còn Cha Mẹ thôi. Khi sanh em bé ra mình còn bị kỳ thị hơn, tội nghiệp nó lắm. Bây giờ nó lớn rồi. Mình ghi tên cho nó học, nó cũng không được đi học nữa. Ở đâu người ta cũng không nhận.
Khánh An: Tại sao người ta không nhận? Người ta có nói lý do không?
Chị Mỹ Vân: Người ta nói cha nó là tù chính trị, người ta sợ nhận thì sẽ dính líu tới chính trị, tới mấy người tù chính trị thì người ta cũng bị rắc rối, cho nên chẳng ai chịu nhận hết.
Khánh An: Quý vị và các bạn vừa rồi đã nghe tâm sự của chị Mỹ Vân, vợ của cựu tù nhân chính trị Lau Sỹ Phúc.
Một mảnh đời khác là chị Nhung, vợ của cựu tù nhân chính trị Trần Văn Long, người đã bị kết án tù chung thân với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền, nhưng nhờ sự can thiệp của Tổ chức Ân xá thế giới nên đã được phóng thích sau 20 năm. Hiện anh Trần Văn Long cùng với gia đình cũng đã đến Thái Lan xin hưởng quy chế tị nạn. Khánh An mời quý vị cùng làm quen với chị Nhung ngay bây giờ nhé.
Chị Nhung: Khánh An ơi, chị tên là Nhung.
Khánh An: Dạ, chị với anh Long cưới nhau bao lâu rồi?
Chị Nhung: Anh vừa ra tù thì chị lấy luôn tại anh chị gần nhà mà.
Khánh An: Chị không sợ anh mang án tù chính trị sao?
Chị Nhung: Sợ gì em? Không sợ! Tình yêu mà, không phân biệt gì cả. Khi yêu rồi thì thế nào cũng được, kể cả ngoại hình An ơi. Lúc ấy, anh có 39 kg thôi, mới ra tù mà.
Khánh An: Lúc đó chị quen với anh như thế nào?
Chị Nhung: Thực sự mà nói là cũng chả biết nhau, nhưng tình cảm thì khi ảnh về, vì gần nhà nhau mà, nên thấy tình cảnh ảnh vậy thấy thương, từ thanh niên mà cho tới lúc ra tù là đã mất tuổi thanh niên, tự nhiên mình thấy có gì đó xót xa cho cuộc đời của anh. Mình coi như tự hiến đi để đền bù, bù đắp cho anh phần nào, giúp anh trong những lúc như lúc bấy giờ anh ấy có nghề nghiệp gì đâu, bệnh hoạn nữa, có 39 kg thì em biết là không được khỏe rồi. Chị muốn làm một người vợ và là người đi bên cạnh để bù đắp phần nào cho tuổi thanh xuân mà anh đã mất.
Khánh An: Khi chị quyết định đám cưới với anh, chị biết được hết quá khứ trước đây của anh phải không?
Chị Nhung: Ừ, chị biết hết vì anh ấy có kể.
Khánh An: Và chị không sợ những khó khăn có thể gặp phải đối với xã hội tại Việt Nam sao?
Chị Nhung: Không, chị chả sợ. Chị cũng có thể hình dung ra được nhưng chị không sợ. Chị thực sự không biết sợ. Sau này thực tế chị đã bị mà chị cũng chẳng cảm thấy sợ. Chỉ thấy buồn thôi em ạ. Buồn là vì mình không được như những người phụ nữ khác. Thực sự có buồn, đôi lúc nằm cảm thấy buồn nhưng vì tình yêu thì lại đứng dậy nhanh được em ạ, lại quên nhanh được những chuyện đó. Em đừng tưởng, anh ấy là Phật giáo, chị là Công giáo, có ngăn cản lớn ấy chứ nhưng chị vượt qua hết. Phải nói là tình yêu mạnh mẽ lắm em ạ.
Chỉ sợ công an
Khánh An: Sau khi lấy anh, chị có gặp trở ngại gì không?
Chị Nhung: Có nhiều chứ em, nhiều lắm. Chị lấy được anh khoảng 2 năm trở lại thì anh lại bị bắt một lần nữa. Lúc bấy giờ chị rất đau khổ vì thứ nhất là mới lấy nhau, thứ hai là cuộc sống khó khăn mà anh ra thì không biết làm gì cả, chỉ có chị bươn chải thôi. Có ra được một cửa hàng cho thuê băng hình, rồi người ta nghe bị bắt một cái là (cửa hàng) bị lung lay, bị dòm ngó, gần như là bị phá sản.
Thành thử chị buông tay luôn từ lúc đó tới bây giờ. Chị bị áp lực rất nhiều. Cứ đi ra đường thì khó chịu. Còn anh thì nay người ta mời, mai người ta gọi, mà chị là một công dân bình thường, nhìn thấy công an chị sợ lắm. Nhìn thấy họ vô nhà là chị đã run lên rồi mà cứ nay gọi chồng mình lên hỏi, mai gọi chồng mình lên hỏi. Chị nói với em là chị rất sợ họ, vậy mà lần bị bắt lần hai, công an làm việc với chị cả tuần lễ.
Cứ lên là chị khóc ầm lên và chị bảo ‘Bây giờ anh không hỏi được tôi nữa vì dù sao đi nữa tôi chỉ là một người vợ, mà vợ thì không bao giờ có thể nói hết được những cái gì của chồng. Các anh khai thác gì cứ khai thác bên chồng tôi, chứ còn tôi không biết gì hết”. Như thế họ mới thôi đấy.
Khánh An: Đối với cả hai người phụ nữ trên, mong ước lớn nhất của họ là cả gia đình được bình an. Cả hai chị cho biết mặc dù đã đến Thái Lan nhưng nỗi lo sợ bị bắt trở lại trong thời gian chờ được cấp quy chế tị nạn vẫn ám ảnh họ ngày đêm. Khánh An cùng chương trình cầu chúc các chị sớm có được một cuộc sống bình yên như bao người phụ nữ khác.
1 comments:
Vô cùng ngưỡng mộ những người phụ nữ Việt Nam trân quý tình người này!
Đăng nhận xét