Ngô Nhân Dụng (Người Việt)
Trong mấy tuần liền, trong khi thế giới chờ đợi, và Tổng Thống Barack Obama đã tuyên bố Gadhafi phải ra đi, chính phủ Mỹ vẫn tránh không ra tay. Họ để cho Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy dẫn đầu cuộc vận động Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc làm nghị quyết cho lập “vùng cấm không vận” ở Lybia.
Chắc nhờ ông Sarkozy mặc cả khéo nên Nga và Trung Quốc chỉ tránh mặt mà không phủ quyết! Cựu Nghị Sĩ Cha Rick Santorum phải kêu lên: “Mỹ để cho Pháp dẫn trước hay sao?” Cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich chế nhạo rằng Tổng Thống Barack Obama, “không phải là vị Tư lệnh Tối cao nữa mà chỉ là một Quan sát viên Tối cao thôi!”
Bị chỉ trích là quá rụt rè, xong rồi, hiện nay ông Obama đang bị chỉ trích là quá vội vàng hấp tấp. Nhiều đại biểu thuộc hai đảng phản đối việc ông cho quân Mỹ tham chiến tại Lybia mà không bàn luận, không xin phép Quốc Hội trước. Theo luật, chỉ có Quốc Hội Mỹ có quyền quyết định tham chiến; trừ khi cấp bách vì quyền lợi quốc gia bị nguy hại. Mà theo quyền lợi quốc gia của Mỹ thì Lybia không phải một trường hợp cấp bách! Có lẽ cố tránh những chữ “tham chiến” cho nên hôm qua Tòa Bạch Ốc vẫn không gọi những vụ không tập ở Lybia là một cuộc “chiến tranh” (war) mà nhấn mạnh đó là “một hành động quân sự có giới hạn trong thời gian và tầm mức” (time-limited, scope-limited military action). Trong lịch sử, nước Mỹ thành công lớn nhất trong những cuộc chiến tranh mà quân Mỹ tham dự trễ! Họ dự vào Ðại Chiến Thứ Nhất 3 năm sau khi bắt đầu. Ðợi Nhật tấn công Trân Châu Cảng rồi Mỹ mới nhảy vào Ðại chiến Thứ Hai. Ðợi cho các nước khác mệt mỏi rồi mới tham chiến, vừa được kể công lại vừa dễ thắng! Năm nay Mỹ vào Lybia cùng lúc với các nước khác, có sớm quá chăng?
Dù tham dự có giới hạn, nhưng các tướng lãnh Mỹ vẫn phải đứng ra chỉ huy cả cuộc hành quân. Vì chỉ có Không Quân và Hải Quân Mỹ mới đủ khí cụ để sẵn sàng làm và phối hợp những công việc như chụp ảnh tình báo; phân tích chọn và nhắm tọa độ; tiếp tế xăng giữa trời cho phi cơ chiến đấu; một cách hữu hiệu và nhanh chóng, vì họ đã quen từ chục năm nay rồi. Chỉ nước Mỹ mới có sức phóng ra trong một ngày đầu tiên hàng trăm hỏa tiễn Tomahawk, mỗi chiếc tốn từ một triệu đến triệu rưỡi đô-la, làm tê liệt hệ thống phòng không của Moammar Gadhafi! Ðúng là của đi thay người! Vì nếu không thì liên quân Anh Pháp Mỹ sẽ bị thiệt hại hàng chục, tới hàng trăm phi công - mỗi mạng người được cứu đáng mấy triệu đô-la!
Nhưng chính phủ Mỹ vẫn không muốn đóng vai trò lãnh đạo cuộc hành quân này. Ngày hôm qua, Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates báo trước có lẽ ngày mai, Thứ Bảy, sẽ chuyển giao quyền chỉ huy cuộc hành quân cho người khác. Chắc chắn phải chuyển sang danh nghĩa chung của Minh Ước Ðại Tây Dương (NATO). Sau khi chuyển giao rồi, một tướng Không Quân Mỹ vẫn chỉ huy các cuộc không tập, trinh sát và tiếp tế! Hội Ðồng Minh Ước NATO đã họp 5 ngày rồi mới thỏa thuận được với nhau để thay thế Mỹ. Vậy tại sao các chính phủ Anh, Mỹ, Pháp, Canada, đã gửi quân sang Lybia trước khi để cho Quốc Hội của các nước họ, cũng như Hội Ðồng NATO thảo luận?
Vì người ta sợ không can thiệp ngay thì sẽ quá trễ. Thế giới đã từng đứng ngoài chứng kiến những vụ tàn sát ở Rwanda, Darfur, rồi sau đó có can thiệp thì cũng không cứu được những người dân vô tội đã chết. Mà ông Gadhafi và con trai ông thì đã báo trước rằng, khi nào họ chiếm lại được các thành phố Tobruk và Benghazi, đoàn quân riêng của họ cùng các lính đánh thuê gốc Phi Châu sẽ đi lùng giết từng nhà một. Không những họ sẵn sàng thủ tiêu hết những người dám chống lại “nhà nước xã hội chủ nghĩa theo lối Lybia” của họ; mà những người lính thuộc bộ lạc này cũng sẵn sàng giết người thuộc bộ lạc khác mà không thấy gớm tay. Cha con Gadhafi tàn bạo không thua gì gia đình Saddam Hussein khi xưa. Mà ông ta lại không có học vấn bằng nhà độc tài Iraq, cho nên hành động của ông còn man rợ hơn nữa. Năm 1996, Gadhafi đã ra lệnh xử tử 1,270 tù nhân trong một khám đường ở thủ đô Tripoli, chỉ trong một ngày giết hết! Nếu Không Quân Anh, Pháp, Mỹ can thiệp trễ vài ngày, để quân của Gadhafi tiến vào Tobruk và Benghazi rồi, sẽ không còn người dân nào để cứu nữa!
Cho nên, nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh đến mục đích nhân đạo của việc thiết lập một vùng cấm bay. Tất nhiên Liên Hiệp Quốc không thể nói gì đến việc lật đổ chính quyền Gadhafi cả vì chính quyền đó vẫn là một thành viên của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc.
Nhưng ngoài lý do nhân đạo, các nước Tây phương còn phải nghĩ đến hậu quả của tình trạng bất động. Nếu để cho bọn đao phủ của Gadhafi tàn sát những người nổi dậy, các nhà độc tài khác ở vùng Trung Ðông, ở Châu Phi, và khắp thế giới, sẽ rút ra một bài học mà Gadhafi dạy họ: Bạo lực tất thắng. Giống như Mao Trạch Ðông từng dậy: Súng đẻ ra chính quyền. Ở Thiên An Môn năm 1989 các đệ tử của Mao đã thực hành đúng bài học đó. Nếu không ai can thiệp để cho Gadhafi chiến thắng, thì ngọn lửa phong trào tranh đấu ôn hòa đòi dân chủ tự do ở các nước Á Rập và Hồi Giáo sẽ tắt ngúm! Dân các nước Bahrain, Yemen, Syria, Algerie, Saudi, Iran, vân vân, sẽ phải chờ một thế hệ nữa mới có hy vọng!
Mỹ có nhiều lý do để ngần ngại. Một cuộc nghiên cứu dư luận của Pew Research trong tuần trước cho biết chỉ có 27% dân Mỹ nghĩ là nước Mỹ có bổn phận thiết lập một vùng không bay ở Lybia! Ngày xưa, nhiều dân Mỹ ủng hộ cho những vụ can thiệp vào Darfur (51%), Kosovo (47%), ít nhất là Bosnia cũng được 30%.
Chính phủ Mỹ đã đợi cho Liên đoàn Á rập, ngày 12 tháng 3, chính thức kêu gọi các nước can thiệp cứu các thường dân Lybia. Ðây là chuyện khó tưởng tượng, trước đây vài tháng! Tổ chức này luôn luôn lên án chứ chưa bao giờ đồng ý cho người Tây phương can thiệp vào nội bộ một nước Á Rập, dù với lý do nhân đạo! Năm ngày sau đó, do các nước Âu Châu khởi xướng, Liên Hiệp Quốc mới hành động. Quyền lợi của Mỹ ở Lybia không quan trọng bằng các nước Âu Châu. Dân số Lybia chỉ lớn bằng một phần tư Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nhấn mạnh rằng mục tiêu rõ rệt của cuộc hành quân là “bảo vệ thường dân” ở Lybia, theo đúng sứ mạng do Liên Hiệp Quốc giao cho; tuy nhiên quân Mỹ không có mục đích phải thủ tiêu Gadhafi hoặc chế độ của ông ta. Và chính ông Gates cũng không thể quyết đoán thời hạn của cuộc hành quân này là bao lâu!
Nhưng một cuộc hành quân (nếu tránh không gọi là một cuộc chiến tranh) với mục tiêu nhân đạo, tự nó đã chứa đầy mâu thuẫn! Nó phải dùng vũ khí và bạo lực chiến tranh, đồng thời lại phải nhân đạo! Tòa Bạch Ốc không chịu gọi đây là chiến tranh, càng gây thêm mâu thuẫn! Không gọi là chiến tranh, tức là không theo đuổi một mục tiêu chính trị nào cả! Vì chiến tranh, như Clausewitz đã viết và Mao Trạch Ðông lập lại, chỉ là chính trị dưới một hình thức khác, hình thức bạo động. Mà sứ mạng của Liên Hiệp Quốc hoàn toàn không hề nêu ra mục tiêu chính trị nào! Nước Mỹ và liên quân sẽ chi tiêu mỗi ngày hàng chục triệu mỹ kim, nhưng không tính lật đổ chế độ Gadhafi! Nếu ông Gadhafi tiếp tục cầm quyền, sẵn sàng tàn sát dân chúng Lybia không đồng ý với ông, thì NATO sẽ phải tiếp tục duy trì “vùng cấm bay” để bảo vệ thường dân cho tới bao giờ?
Cuối cùng, nếu không đưa ông Gadhafi “đi chỗ khác” thì làm sao bảo vệ được thường dân Lybia? Tức là nếu không xác định một mục tiêu chính trị, không gọi là “chiến tranh,” thì làm sao hoàn tất sứ mạng của Liên Hiệp Quốc? Nói một cuộc hành quân không phải là chiến tranh, thì cũng mâu thuẫn không khác gì nói một phụ nữ mang thai nhưng không phải là có bầu, hoặc chỉ “hơi hơi có bầu” thôi! Chính nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã tạo ra tình trạng “hơi hơi chiến tranh” này!
Mối mâu thuẫn trên đây thấy rõ nhất khi Tổng Thống Barack Obama một mặt tuyên bố “Gadhafi phải đi;” mặt khác lại quyết định tham dự một “hành động quân sự” mà mục tiêu không phải là để lật đổ ông ta!
Chúng ta phải giả thiết rằng ông Obama không phải là người thiếu thông minh đến nỗi không trông thấy mối mâu thuẫn đó. Vậy tại sao ông lại nói và làm trái ngược nhau như vậy?
Chỉ vì trong tình trạng thế giới ngày nay, trên nguyên tắc người ta không chấp nhận quân đội của quốc gia này đi lật đổ chính quyền một quốc gia khác. Việc lật đổ đó dù được thực hiện cũng không được phép nói ra. Nó sẽ tạo ra một tiền lệ mà nhiều quốc gia sẽ lợi dụng. Thổ Nhĩ Kỳ có thể muốn thay đổi chính quyền của Armenia, Nga có thể muốn lật đổ tổng thống Ukraina, vân vân, nhưng họ không dám làm chỉ vì còn Liên Hiệp Quốc.
Nhưng nếu như vậy thì Mỹ và các nước Âu Châu cứ chịu đựng tiêu tiền bảo vệ “vùng cấm bay” ở Lybia cho đến bao giờ?
Có thể trong vòng dưới một năm, nhiều lắm là vài năm. Chi phí cho việc oanh tạc trong xứ Lybia sẽ nhỏ dần vì số mục tiêu càng ngày càng thưa hơn. Anh, Pháp, Qatar, các nước vùng Vịnh (Saudi và United Arab Emirates) sẽ gánh bớt trách nhiệm tài chánh với Mỹ. Trong khi đó, cuộc “hành quân” có thể mở rộng. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng đủ mơ hồ để cho phép liên quân oanh tạc những căn cứ quân sự, kho vũ khí, quân dụng, kho nhiên liệu, doanh trại của quân chính phủ. Một cuộc “chiến tranh tiêu hao” sẽ tiếp theo các cuộc oanh tạc. Quân đội của Moammar Gadhafi không lớn lắm, nhưng chi phí cũng sẽ là một gánh nặng cho gia đình ông ta, khi cả thế giới cấm vận, các trương mục ngân hàng bị phong tỏa. Các nguồn tài chánh sẽ cạn dần. Ðạn, bom sẽ đến ngày hết mà không thể thay thế vì bị bao vây. Chế độ Gadhafi sẽ chấm dứt khi những người theo họ nhìn thấy tình thế không có đường thoát. Các đại tá, thiếu tướng sẽ phải đào ngũ sớm trước khi Gadhafi đổ! Gadhafi cũng không thiếu thông minh đến độ không biết tìm đường trốn trước khi quá trễ. Nhiều nước ở Phi Châu đã từng được ông ta cho tiền chắc sẵn sàng đón ông sang tị nạn!
Nước Mỹ có mong cho thời gian chờ đợi này càng ngắn càng tốt hay không? Ngắn quá, không chắc đã có lợi cho Mỹ. Hàng ngũ lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Lybia rất phức tạp, không khác gì ở Afghanistan hồi 1980; nơi chính phủ Mỹ đã giúp, sau cùng nhóm Taliban ăn cả. Trong số các lãnh tụ nổi dậy có những người từng theo nhóm al Qeada. Nếu có thời gian, người ta có thể thanh lọc thành phần lãnh đạo phe đối lập để biết chắc đa số là những người chấp nhận lối làm chính trị dân chủ tự do.
Hôm rồi, khi một phi công Mỹ bị bắn hạ phải nhảy dù xuống Lybia, anh ta trốn trong một chuồng cừu. Nhiều người dân Lybia đã tới cứu anh, ôm anh mừng rỡ, và cảm ơn anh hết lời; vì anh phi công Mỹ này đã bỏ bom xuống xứ họ! Hôm Thứ Tư, người ta còn tổ chức một cuộc biểu tình ở thành phố Benghazi để tạ ơn anh phi công! Nếu không có các phi công như anh, thành phố này chắc đã bị tắm máu!
Người Mỹ ít khi được người dân các nước Á Rập hoan nghênh như vậy. Nếu cảnh đó tiếp diễn trong vòng 6 tháng, một năm nữa, cũng đáng công đưa máy bay và hỏa tiễn sang Lybia, mặc dù rất tốn kém!
Ngô Nhân Dụng
Cho nên, nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh đến mục đích nhân đạo của việc thiết lập một vùng cấm bay. Tất nhiên Liên Hiệp Quốc không thể nói gì đến việc lật đổ chính quyền Gadhafi cả vì chính quyền đó vẫn là một thành viên của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc.
Nhưng ngoài lý do nhân đạo, các nước Tây phương còn phải nghĩ đến hậu quả của tình trạng bất động. Nếu để cho bọn đao phủ của Gadhafi tàn sát những người nổi dậy, các nhà độc tài khác ở vùng Trung Ðông, ở Châu Phi, và khắp thế giới, sẽ rút ra một bài học mà Gadhafi dạy họ: Bạo lực tất thắng. Giống như Mao Trạch Ðông từng dậy: Súng đẻ ra chính quyền. Ở Thiên An Môn năm 1989 các đệ tử của Mao đã thực hành đúng bài học đó. Nếu không ai can thiệp để cho Gadhafi chiến thắng, thì ngọn lửa phong trào tranh đấu ôn hòa đòi dân chủ tự do ở các nước Á Rập và Hồi Giáo sẽ tắt ngúm! Dân các nước Bahrain, Yemen, Syria, Algerie, Saudi, Iran, vân vân, sẽ phải chờ một thế hệ nữa mới có hy vọng!
Mỹ có nhiều lý do để ngần ngại. Một cuộc nghiên cứu dư luận của Pew Research trong tuần trước cho biết chỉ có 27% dân Mỹ nghĩ là nước Mỹ có bổn phận thiết lập một vùng không bay ở Lybia! Ngày xưa, nhiều dân Mỹ ủng hộ cho những vụ can thiệp vào Darfur (51%), Kosovo (47%), ít nhất là Bosnia cũng được 30%.
Chính phủ Mỹ đã đợi cho Liên đoàn Á rập, ngày 12 tháng 3, chính thức kêu gọi các nước can thiệp cứu các thường dân Lybia. Ðây là chuyện khó tưởng tượng, trước đây vài tháng! Tổ chức này luôn luôn lên án chứ chưa bao giờ đồng ý cho người Tây phương can thiệp vào nội bộ một nước Á Rập, dù với lý do nhân đạo! Năm ngày sau đó, do các nước Âu Châu khởi xướng, Liên Hiệp Quốc mới hành động. Quyền lợi của Mỹ ở Lybia không quan trọng bằng các nước Âu Châu. Dân số Lybia chỉ lớn bằng một phần tư Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nhấn mạnh rằng mục tiêu rõ rệt của cuộc hành quân là “bảo vệ thường dân” ở Lybia, theo đúng sứ mạng do Liên Hiệp Quốc giao cho; tuy nhiên quân Mỹ không có mục đích phải thủ tiêu Gadhafi hoặc chế độ của ông ta. Và chính ông Gates cũng không thể quyết đoán thời hạn của cuộc hành quân này là bao lâu!
Nhưng một cuộc hành quân (nếu tránh không gọi là một cuộc chiến tranh) với mục tiêu nhân đạo, tự nó đã chứa đầy mâu thuẫn! Nó phải dùng vũ khí và bạo lực chiến tranh, đồng thời lại phải nhân đạo! Tòa Bạch Ốc không chịu gọi đây là chiến tranh, càng gây thêm mâu thuẫn! Không gọi là chiến tranh, tức là không theo đuổi một mục tiêu chính trị nào cả! Vì chiến tranh, như Clausewitz đã viết và Mao Trạch Ðông lập lại, chỉ là chính trị dưới một hình thức khác, hình thức bạo động. Mà sứ mạng của Liên Hiệp Quốc hoàn toàn không hề nêu ra mục tiêu chính trị nào! Nước Mỹ và liên quân sẽ chi tiêu mỗi ngày hàng chục triệu mỹ kim, nhưng không tính lật đổ chế độ Gadhafi! Nếu ông Gadhafi tiếp tục cầm quyền, sẵn sàng tàn sát dân chúng Lybia không đồng ý với ông, thì NATO sẽ phải tiếp tục duy trì “vùng cấm bay” để bảo vệ thường dân cho tới bao giờ?
Cuối cùng, nếu không đưa ông Gadhafi “đi chỗ khác” thì làm sao bảo vệ được thường dân Lybia? Tức là nếu không xác định một mục tiêu chính trị, không gọi là “chiến tranh,” thì làm sao hoàn tất sứ mạng của Liên Hiệp Quốc? Nói một cuộc hành quân không phải là chiến tranh, thì cũng mâu thuẫn không khác gì nói một phụ nữ mang thai nhưng không phải là có bầu, hoặc chỉ “hơi hơi có bầu” thôi! Chính nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã tạo ra tình trạng “hơi hơi chiến tranh” này!
Mối mâu thuẫn trên đây thấy rõ nhất khi Tổng Thống Barack Obama một mặt tuyên bố “Gadhafi phải đi;” mặt khác lại quyết định tham dự một “hành động quân sự” mà mục tiêu không phải là để lật đổ ông ta!
Chúng ta phải giả thiết rằng ông Obama không phải là người thiếu thông minh đến nỗi không trông thấy mối mâu thuẫn đó. Vậy tại sao ông lại nói và làm trái ngược nhau như vậy?
Chỉ vì trong tình trạng thế giới ngày nay, trên nguyên tắc người ta không chấp nhận quân đội của quốc gia này đi lật đổ chính quyền một quốc gia khác. Việc lật đổ đó dù được thực hiện cũng không được phép nói ra. Nó sẽ tạo ra một tiền lệ mà nhiều quốc gia sẽ lợi dụng. Thổ Nhĩ Kỳ có thể muốn thay đổi chính quyền của Armenia, Nga có thể muốn lật đổ tổng thống Ukraina, vân vân, nhưng họ không dám làm chỉ vì còn Liên Hiệp Quốc.
Nhưng nếu như vậy thì Mỹ và các nước Âu Châu cứ chịu đựng tiêu tiền bảo vệ “vùng cấm bay” ở Lybia cho đến bao giờ?
Có thể trong vòng dưới một năm, nhiều lắm là vài năm. Chi phí cho việc oanh tạc trong xứ Lybia sẽ nhỏ dần vì số mục tiêu càng ngày càng thưa hơn. Anh, Pháp, Qatar, các nước vùng Vịnh (Saudi và United Arab Emirates) sẽ gánh bớt trách nhiệm tài chánh với Mỹ. Trong khi đó, cuộc “hành quân” có thể mở rộng. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng đủ mơ hồ để cho phép liên quân oanh tạc những căn cứ quân sự, kho vũ khí, quân dụng, kho nhiên liệu, doanh trại của quân chính phủ. Một cuộc “chiến tranh tiêu hao” sẽ tiếp theo các cuộc oanh tạc. Quân đội của Moammar Gadhafi không lớn lắm, nhưng chi phí cũng sẽ là một gánh nặng cho gia đình ông ta, khi cả thế giới cấm vận, các trương mục ngân hàng bị phong tỏa. Các nguồn tài chánh sẽ cạn dần. Ðạn, bom sẽ đến ngày hết mà không thể thay thế vì bị bao vây. Chế độ Gadhafi sẽ chấm dứt khi những người theo họ nhìn thấy tình thế không có đường thoát. Các đại tá, thiếu tướng sẽ phải đào ngũ sớm trước khi Gadhafi đổ! Gadhafi cũng không thiếu thông minh đến độ không biết tìm đường trốn trước khi quá trễ. Nhiều nước ở Phi Châu đã từng được ông ta cho tiền chắc sẵn sàng đón ông sang tị nạn!
Nước Mỹ có mong cho thời gian chờ đợi này càng ngắn càng tốt hay không? Ngắn quá, không chắc đã có lợi cho Mỹ. Hàng ngũ lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Lybia rất phức tạp, không khác gì ở Afghanistan hồi 1980; nơi chính phủ Mỹ đã giúp, sau cùng nhóm Taliban ăn cả. Trong số các lãnh tụ nổi dậy có những người từng theo nhóm al Qeada. Nếu có thời gian, người ta có thể thanh lọc thành phần lãnh đạo phe đối lập để biết chắc đa số là những người chấp nhận lối làm chính trị dân chủ tự do.
Hôm rồi, khi một phi công Mỹ bị bắn hạ phải nhảy dù xuống Lybia, anh ta trốn trong một chuồng cừu. Nhiều người dân Lybia đã tới cứu anh, ôm anh mừng rỡ, và cảm ơn anh hết lời; vì anh phi công Mỹ này đã bỏ bom xuống xứ họ! Hôm Thứ Tư, người ta còn tổ chức một cuộc biểu tình ở thành phố Benghazi để tạ ơn anh phi công! Nếu không có các phi công như anh, thành phố này chắc đã bị tắm máu!
Người Mỹ ít khi được người dân các nước Á Rập hoan nghênh như vậy. Nếu cảnh đó tiếp diễn trong vòng 6 tháng, một năm nữa, cũng đáng công đưa máy bay và hỏa tiễn sang Lybia, mặc dù rất tốn kém!
0 comments:
Đăng nhận xét