NHẬT BẢN “báo động cao nhất” VỀ KHỦNG HOẢNG HẠT NHÂN

Chính phủ Nhật Bản hôm nay 29/3/2011 đã được đặt trong tình trạng “báo động cao nhất” nhằm quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, khi phóng xạ cao vẫn đang tiếp tục rò rỉ, dấy lên lo ngại về khả năng có thể bình ổn được nhà máy Fukushima I.
Với gương mặt mệt mỏi nhưng đầy quyết tâm, và trong chiếc áo khoác lao động màu xanh quen thuộc của các nhà lãnh đạo Nhật Bản kể từ khi xảy ra động đất, Thủ tướng Naoto Kan tường trình với quốc hội rằng đất nước Nhật Bản đang phải đối phó với những vấn đề tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

“Trận động đất, sóng thần và biến cố hạt nhân này là những cuộc khủng hoảng lớn nhất Nhật Bản. Từ bây giờ trở đi, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đối phó với nó ở mức cảnh báo cao nhất”.

Trận động đất 9.0 độ Richter ngoài khơi đông bắc Nhật Bản hôm 11/3/2011 đã gây ra trận đại hồng thủy ập vào các khu dân cư ít phút sau đó, san phẳng nhiều thành phố, phá hủy hệ thống điện tại nhà máy điện hạt nhân ven biển Fukushima I.

Cảnh sát cho hay cho đến nay hơn 11.000 thi thể đã được tìm thấy, nhưng số người chết dự kiến sẽ vượt 18.000. Hàng trăm ngàn người vẫn vô gia cư, bởi nhà và kế sinh nhai của họ đã bị phá hủy. Theo chính phủ, thiệt hại ước tính lên tới 310 tỷ Mỹ kim, con số thiệt hại kỷ lục đối với một thảm họa tự nhiên.

Trong bối cảnh thảm họa nhân đạo vẫn chưa qua, khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân lại tiếp tục xấu đi, với các công phân phải vật lộn với nhiều vụ cháy, nổ, nỗi lo phóng xạ…để ngăn chặn lò phản ứng tan chảy
hoàn toàn.

Phóng xạ từ nhà máy đã rò rỉ ra bên ngoài, tìm đường nhiễm vào trong rau, sữa tươi, nước máy ở tận Tokyo. Người dân trong vòng bán kính 20km từ nhà máy đã được lệnh di tản và một số quốc gia đã cấm nhập cảng một số thực phẩm từ vùng Fukushima.

Phóng xạ plutonium cực độc là phóng xạ mới nhất được tìm thấy ngấm trong đất bên ngoài nhà máy. Mặc dù giới chức về an toàn cho rằng lượng phóng xạ này không gây nguy hại cho con người, nhưng những gì tìm thấy chứng thực nghi ngờ suốt mấy ngày qua rằng nước nhiễm xạ cao đang rò rỉ từ các thanh nhiên liệu hạt nhân và các thanh nhiên liệu này có thể đã hư hại một phần.

Theo viên chức Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản Hidehiko Nishiyama, plutonium thoát ra từ các thanh nhiên liệu khi nhiệt độ tăng cực cao. Và việc phát hiện thấy plutonium chứng tỏ tính nghiêm trọng của vấn đề.

Theo các chuyên gia, khi plutonium phân tách, nó phát ra phân tử alpha, một phân tử khá lớn, mang theo nhiều năng lượng. Khi phân tử alpha tấn công các mô của cơ thể, nó có thể gây hư hại cho DNA của một tế bào và dẫn đến sự biến đổi gây ung thư.

Ngoài ra, plutonium phân hủy rất chậm, vì vậy tiếp tục là nguồn phóng xạ nguy hiểm cho hàng trăm ngàn năm sau đó.

“Tình hình rất u ám”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Edano cho biết với các phóng viên ngày hôm nay. “Chúng tôi đang làm hết sức để kềm chế hư hại đó”.

Trong khi đó, hàng loạt sai phạm, trục trặc đã làm gia tăng lo ngại về cách giải quyết thảm họa, với chính phủ chỉ trích kịch liệt công ty điện lực Tokyo (TEPCO). Nhật báo Yomiuri cho hay chính phủ đang xem xét tạm thời quốc hữu hóa TEPCO, mặc dù cả ông Edano và giới chức TEPCO đều phủ nhận tin này.

Còn cá nhân Thủ tướng Naoto Kan cũng phải đối mặt với chỉ trích từ các nghị sĩ đối lập, khi khủng hoảng hạt nhân đã kéo dài sang tuần thứ ba.


MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHỤP SAU 3 TUẦN LỄ XẢY RA VỤ ĐỘNG ĐẤT TẠI NHẬT (11/3/2011- 29/3/2011)


Một người đàn ông dựng một tấm bảng ghi “Ngõ vào Horanosawa”, tên một khu dân cư thuộc Rikuzentakata, tỉnh Iwate, đã bị tàn phá bởi trận động đất 9.0 độ Richter và tiếp đó là sóng thần vào cùng ngày 11 tháng Ba, 2011. Ảnh chụp ngày 29/3/2011, Reuters


Nhựa đường được sử dụng để vá những con đường bị hư hại bên ngoài Tokyo Disneyland ở Urayasu, phía đông Tokyo . Công viên giải trí này đã đóng cửa từ sau trận động đất ngày 11/3/2011. Ảnh chụp ngày 29/3/2011, AP



Các công nhân đang dựng một cây cột tại nghĩa trang dành cho các nạn nhân của trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 tại thị trấn Kamaishi, tỉnh Iwate vào ngày 29/3/2011. Trên cột ghi “Nơi an nghỉ của các nạn nhân trong Đại Thảm họa Tohoru”. Ảnh: Reuters


Một cô giáo khóc trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường mẫu giáo Ashinome ở thị trấn Kessenuma, tỉnh Miyagi, ngày 28/3/2011. Một học sinh và vài phụ huynh của trường đã mất tích trong trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters



Các xe hơi Suzuki mới tinh, bị hư hại trong trận sóng thần, dồn đống trong khu vực của công ty ở Sendai, tỉnh Miyagi. Kỹ nghệ xe hơi của Nhật Bản, nhà cung cấp xe lớn thứ nhì thế giới, hầu hết đã ngưng hoạt động trong 2 tuần sau thảm hoạ ngày 11/3/2011. Mặc dù chỉ có vài nhà máy bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất, nhưng nguồn cung cấp nước và điện hạn chế đã làm cho nhiều nhà máy sản xuất xe hơi không thể tái hoạt động. Ảnh: AP



Không có đèn hiệu hướng dẫn và nhân viên tại phi trường Sendai, tỉnh Miyagi, Trung sĩ kỹ thuật quân đội Hoa Kỳ Raymond Decker, thuộc Phi đội Chiến thuật Đặc biệt 320, đã lái xe gắn máy dẫn đường cho một máy bay chở hàng C-130. Ảnh: AFP, ngày 29/3/2011

Tính đến ngày 29/3/2011, con số người chết được xác định là 11,102 và số người mất tích là 16,493.

1 comments:

Chính phủ Nhật quan tâm như vậy là phải lắm vì đó là một chính phủ biết lo cho dân và luôn nghĩ tới tương lai của nước Nhật.
Thảm họa Fukushima đã làm cho thế giới phải suy nghĩ lại về năng lượng điện hạt nhân, điển hình là Pháp, nước có năng lượng điện hạt nhân cao nhất thế giới.
Trong khi thế giới văn minh phải suy nghĩ lại chính chắn về những rủi ro và tác hại lớn lao do điện hạt nhân đưa đến thì nhà cầm quyền độc tài CSVN vẫn thản nhiên cho tiến hành kế hoạch xây dựng một loạt 8 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với một kinh phí khổng lồ 30 tỷ Mỹ kim!
Một nước còn nghèo và chậm phát triền như Việt Nam hiện nay, điện hạt nhân dứt khoát không phải là một giải đáp đứng đắn để phát triển đất nước. Ngay chính sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân nầy cũng không có gì bảo đảm với tình trạng thiếu chuyên viên có đủ trình độ, phương pháp và chi phí quản trị, bảo trì, tinh thần kỹ luật, tệ trạng tham nhũng v.v... đó là chưa tính tới số tiền khổng lồ 30 tỷ Mỹ kim đó đang hết sức cần thiết để cải thiện y tế, giáo dục, hạ tầng cơ sở vốn đang yếu kém hiện nay của nước ta....
Sau biến cố Fukushima, trong khi thế giới tìm cách thoát ra khỏi thảm họa to lớn điện hạt nhân nầy thì CSVN lại đẩy nhân dân Việt Nam đi vào tử lộ nầy! Điếu ấy chứng tỏ chế độ độc tài CSVN đã rất coi thường sinh mạng của người dân Việt Nam, chỉ có sự tồn tại và uy quyền của chế độ độc tài nầy mới là quan trọng!....
Cao Thị Hồng, Hà Nội.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More