Vì sao mà Việt Nam ngày càng nhiều “bọn phản động” thế?

Đỗ Việt Khoa

Người dân Việt Nam trải qua thời kỳ chiến tranh tàn khốc, được định hướng tư tưởng, kiên định chuyên chính vô sản,… nên hễ nghe đến 3 chữ “Bọn phản động” là ghét lắm. Ghét cay ghét đắng. Đến nay đa số người dân vẫn ghét như vậy.

Hồi 1986 chúng tôi mới vào đại học năm nhất, có chuyện: Ở khoa Sử có ai đó viết bài cho rằng chiến tranh hai miền Nam Bắc thực chất là nồi da xáo thịt của anh em một nhà. Sau đó trưởng khoa này bị cách chức. Tôi thấy ghét luôn cái đứa viết láo viết lếu kia. Ghét thật lòng.

Từ đó đến nay, liên tục có tin bọn phản động chống phá chỗ này, xuyên tạc chỗ kia… nghe thế tôi nhất trí hết rằng phải bắt lũ ấy bỏ tù tất… Nhiều người bây giờ vẫn nghĩ vậy.
Lợi dụng tâm lý này của người dân, người ta hay gán ghép cho những kẻ không ưa bằng 2 chữ: Phản động. Cá nhân tôi đã từng bị viên hiệu trưởng và tay chân ông ta gán cho là phản động.
Câu chuyện Cù Huy Hà Vũ vừa qua khiến tôi chợt nghĩ: Bọn phản động kia là ai? Sao chúng ngày càng nhiều? Mà toàn là luật sư, trí thức vậy?

Nhờ Internet, đọc nhiều và cuối cùng tôi cũng ngẫm ra cái sự thật.

1) Sau ngày 30-4-1975, nếu chính quyền biết thực hiện hòa hợp dân tộc một cách thực tâm, thì chắc chắn không có chuyện 3 triệu người bỏ tổ quốc ra đi. Hàng chục ngàn binh lính của chính quyền cũ bị đi học tập cải tạo (hay là đi tù?) có cần thiết không? Nhiều người trong đó là nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Đến nay, những người đó hỏi có mấy phần hối hận vì đã ra đi, đã chống cộng?
Rất đông trong số này bị gọi là ”bọn phản động”. Mà “bọn phản động” này có lực lượng thật là hùng hậu, có tiền, có trình độ nhưng lại không hề có ý định thỏa hiệp.
Đó là “Bọn phản động” cũ.

Chiến tranh đã đi qua 36 năm, nhưng sự chia cắt lòng người vẫn rất sâu. Cứ hỏi đến những người đó là họ chửi cộng sản, chửi chính quyền. Cá nhân tôi một lần được mời lên diễn đàn Pantalk, vừa mở lời được mấy cây cũng bị họ gọi là ”thằng CS bị nhồi sọ” khiến phải bỏ chạy không dám trở lại diễn đàn nữa.
Người ta đã đem chuyện này ra so sánh với sự sát nhập Đông Đức- Tây Đức, hay chiến tranh Nam Bắc Hoa Kỳ để phê phán tư duy của những người có trách nhiệm. Liệu lãnh đạo nào của Việt Nam hiện nay dám lên tiếng, dám hành động để xóa bỏ lòng hận thù của lực lượng đó?

2) Từ sau 1975, liên tục có các vụ bắt bỏ tù những người có tư tưởng chống đối, đòi dân chủ nhân quyền… Vài năm nay đa số bị bỏ tù là luật sư, trí thức, phóng viên, linh mục… nay sắp tới đây là Ls Cù Huy Hà Vũ. Đó là “Bọn phản động” mới.

Tôi quan tâm tới anh Vũ vì sau vụ tiêu cực thi cử 2006 anh mời tôi tới thăm và biết anh là con của nhà thơ Cù Huy Cận. Có ý kiến cho rằng: Nếu xét theo tình hình Việt Nam hiện nay bảo anh Vũ vi phạm cũng được mà không cũng được. Đúng sai phải đợi 15-20 năm nữa (như ý kiến Ls Trần Đình Triển).

Vậy thì tại sao người ta không dừng lại cái việc bỏ tù Cù Huy Hà Vũ và những cá nhân tương tự để rồi lịch sử 20 năm nữa sẽ phán xét lại? Liệu nhà tù có cải tạo nổi tư tưởng của họ không hay là sau khi ra tù, họ càng cứng rắn hơn trở thành “bọn phản động” đúng nghĩa, sẵn sàng đi tiên phong trong cách mạng Hoa Nhài mà họ đang cổ vũ khắp các trang mạng hiện nay?

Vừa qua tôi tình cờ đọc được tin “Người tù lâu năm nhất thế giới Trần Văn Thiêng mãn hạn tù” thì muốn hỏi ông Thiêng và những người như ông rằng ra tù rồi các ông sẽ từ bỏ tư tưởng chống đối hay là lại chống mạnh hơn?

3) Quan tham nhũng, bọn ngụy Cộng sản được người ta gọi là giặc nội xâm. Đây mới thực sự là bọn nguy hại hơn bất cứ bọn phản động nào. Chúng nằm ngay trong bộ máy chính quyền, phá từ trong phá ra, phá từ trên xuống. Chúng phá hoại kinh tế, phá hoại niềm tin của nhân dân vào chính quyền, làm mọt rỗng, làm thối nát chính quyền. Chính bọn chúng sẽ làm sụp đổ chính quyền vô cùng nhanh chóng.
Rất nhiều người bức xúc với các tệ nạn xã hội, tin tưởng ở lời kêu gọi chống tham nhũng từ chính quyền nên đã đấu tranh với tham nhũng, bất công. Nông dân thì đòi đất đai.
Ông nông dân này đã gửi trên 2345 lá đơn tới các cấp, nhưng không hề có trả lời của bất cứ cấp nào. Ông ta liệu còn niềm tin vào Đảng, vào chính quyền không? (Tư liệu do cụ Lê Hiền Đức cung cấp)


Một kỷ lục Guiness chưa được ghi ở VN: Hoá đơn bưu điện gửi tố cáo nối dài hàng chục mét.

Họ đơn thư khắp nơi mãi không được giải quyết. Báo chí thì đưa tin: Người chống tham nhũng đều bị trù dập. Chuyện này không lạ khi bản thân tôi cũng đã từng kiên trì nhiều năm gửi hàng chục đơn tố cáo tham nhũng tiêu cực mà không hề được bất cứ cấp nào giải quyết, trái lại còn bị một số báo cấu kết với lãnh đạo quay ra hãm hại và bảo vệ bọn tham nhũng sai phạm. Quốc hội thì báo cáo rằng hơn 90% đơn thư tố cáo của dân không được giải quyết, chất thành kho.

Tôi đến thăm cụ bà Lê Hiền Đức - người đạt giải Liêm chính quốc tế duy nhất của VN - tại 7/56 Pháo đài Láng HN, thấy hàng trăm bộ hồ sơ tố cáo tham nhũng tiêu cực chất đầy các tủ. Cụ đã 82 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải đi gõ cửa chính quyền yêu cầu họ giải quyết việc tố cáo cho dân. Cụ cho tôi xem nhiều hồ sơ tố cáo, trong đó có các vụ mà trách nhiệm giải quyết thuộc Sở giáo dục và UBND Hà Nội: Giống y như vụ của tôi, các tố cáo không hề được giải quyết. Việc bảo kê cho lãnh đạo sai phạm rất là công khai trắng trợn. Cụ cho biết: Chúng nó (quan chức) đều trốn cụ cả, chúng nó đá đi đá lại như đá bóng mà không giải quyết. Chúng thối nát lắm rồi.

Những công dân khác khi đọc báo chí về các vụ tiêu cực, bao che tham nhũng, bảo kê sai phạm là họ rất bức xúc. Từ đó ngày càng nhiều người mất niềm tin vào lãnh đạo, rất có thể sẽ quay sang chống đối đòi thay đổi.
Đó là ”Bọn phản động” tiềm tàng ngay trong dân ngày càng nhiều là do vậy đấy.

Nếu đọc các phản hồi từ một bài trên diễn đàn BBC chẳng hạn thì sẽ giật mình thấy phản hồi của phe lề trái áp đảo tuyệt đối, phe lề phải thì lẻ loi.

Bệnh giả dối, hình thức, tham nhũng lãng phí hoành hành khắp nơi. Hàng chục năm nay trong ngành giáo dục vẫn duy trì cái trò giả dối: học - thi nghề phổ thông. Bệnh lạm thu trong nhà trường thực chất là tham nhũng và tình trạng ép buộc học sinh học thêm ngày càng tràn lan. Thi cử thì tiếp tục gian lận. Bầu cử các cấp mãi vẫn như diễn văn nghệ. Lãnh đạo thì yếu kém mọi mặt vì thực quyền không có hay không dám dùng quyền. Vị nào cũng giống nhau ở chỗ giỏi làm ngơ, xa dân, khó gặp và rất giàu. Thế thì làm sao bảo người dân tin tưởng được vào họ? Không tìm đâu ra người nào trong hàng ngũ lãnh đạo đủ khả năng thay đổi tình hình, tiến hành cải cách. Trong khi đó người láng giềng lớn phía bắc phát triển ào ạt, nguy cơ bị họ nuốt chửng ngày càng lớn.
“Bọn phản động” cũ, “Bọn phản động” mới, “Bọn phản động” tiền tàng ngày càng nhiều là như vậy đó.

Phải làm gì để giảm bớt số lượng bọn họ? Bắt bỏ tù thì hạ sách, bắt sao hết, chỉ chứng tỏ anh bịt miệng người ta và tác dụng ngược khiến họ nhiều lên. Tốt nhất là hãy thành thực với nhân dân.

Có thực mới vực được đạo. Khi mà lời nói và việc làm của quan chức là thật lòng, là vì dân vì nước, là hòa hợp dân tộc, là kiên quyết chống tham nhũng tiêu cực, là bảo vệ cái đúng, bài trừ cái sai, là công bằng, dân chủ văn minh thực sự thì tự người dân sẽ tin tưởng ủng hộ, phản động sẽ tự tiêu. Khi mà toàn là giả dối, tham lam bán nước hại dân thì người ta sẽ chống đối ngày càng nhiều. Lúc đó “Bọn phản động” đông đảo quá mà làm cách mạng như ở Tuynidi hay Ai cập thì nguy to.

Thầy Đỗ Việt Khoa
Nguồn: Blog GoVn

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More