Cần một tinh thần mới của Ngày 30 Tháng 4


Đoàn Hùng


Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4, người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều tổ chức những sinh hoạt tưởng niệm biến cố đau buồn này. Có nơi thì tổ chức mít tinh trong tinh thần Quốc hận - Quốc kháng. Có nơi tổ chức trong tinh thần tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên đường vượt biên tỵ nạn Cộng sản. Có nơi thì tổ chức một loạt những sinh hoạt từ văn nghệ, hội thảo, đêm không ngủ….

Tất cả những nỗ lực nói trên nhắm vào việc hun đúc tinh thần Quốc hận và khẳng định quyết tâm chống lại sự cai trị bạo tàn của đảng Cộng sản Việt Nam.


Mặc dù nội dung sinh hoạt nói trên không hề thay đổi trong 36 năm vừa qua, nhưng phải nói là số người tham gia vào những sinh hoạt tưởng niệm ngày 30 tháng 4 ngày càng ít đi. Có thể những thế hệ ra đi tỵ nạn đầu tiên nay đã quá già và không còn tinh lực để tham gia các sinh hoạt. Có thể nỗi đau của quá khứ đã phai dần với thời gian khi con người không còn đối diện với nó nữa. Tuy có nhiều lý do đưa ra để giải thích sự suy giảm này, nhưng chúng ta cần phải nhận thức một điều là người ta không thể mãi mãi giữ sự thụ động trước những mất mát quá to lớn của cả một dân tộc, mà phải phấn đấu để đưa dân tộc vươn lên tìm lấy sự tự chủ trên đất nước của mình. Nghĩa là người Việt tỵ nạn không thể nào mãi mãi ôm mối nhục mất nước, mất nhà sống lưu vong suốt đời, mối nhục nhược tiểu và lạc hậu của đất nước, mối nhục của dân tộc bị cướp đi nhân phẩm, mà phải tìm cách đấu tranh để giành lại những gì đã mất, và để được tự do sống trên quê hương của mình.

Từ nhiều năm nay, tinh thần Quốc hận của 30 tháng 4 đã chuyển thành tinh thần Quốc kháng. Người Việt tỵ nạn đã không còn ngồi than khóc hàng năm vào dịp 30 tháng 4 mà đã xác định quyết tâm đấu tranh chấm dứt ách độc tài cộng sản để quang phục quê hương. Tuy quyết tâm là như vậy, nhưng phải nói là số người tin tưởng vào lẽ tất thắng của quyết tâm này không nhiều, nếu không nói là rất mong manh xa vời. Lý do dễ hiểu là cán cân sức mạnh của hai phía đã quá chênh lệch từ lúc khởi đầu. Trong khi đảng Cộng sản Việt Nam đã có tất cả mọi thứ trong tay từ guồng máy kinh tế, quân đội, công an, nhà tù cho đến hạ tầng cơ sở, bang giao quốc tế; người Việt tỵ nạn và cả những lực lượng đối kháng ở trong nước phải khởi sự từ con số không, hai bàn tay trắng và niềm tin đã hoàn toàn bị sụp đổ sau biến cố 30 tháng 4.

Xây dựng thế trận đấu tranh trên những đổ vỡ toàn diện từ tinh thần đến vật chất như vậy không thể nào chờ đợi sự chiến thắng nhanh chóng. Khắc phục được những khó khăn để duy trì cuộc chiến đấu tiếp tục lan tỏa cho đến ngày hôm nay, phải nói đó đã là một phép mầu do giòng lịch sử oai hùng của dân tộc hun đúc, nuôi dưỡng qua những tấm gương ngời sáng ngay từ ngày đầu mất nước.

Cuộc cách mạng nào cũng dựa trên sự tương quan của ba thế lực: 1/ Nhà cầm quyền tức đảng Cộng sản Việt Nam; 2/ Lực lượng đối kháng tức là những đoàn thể, đảng phái âm thầm tranh đấu trong suốt 36 năm qua; 3/ Đại khối quần chúng bao gồm dân oan, công nhân, thanh niên sinh viên, tôn giáo, người Việt tỵ nạn tại hải ngoại. Ba thế lực này có những hỗ tương và liên kết giai đoạn để tạo thành những thế trận làm xoay chuyển cục diện quốc gia.

Trong thời gian khởi đầu cuộc chiến đấu, phần lớn quyền lực khống chế xã hội đều nằm trong tay đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền đưa ra những luật lệ khắt khe và họ dùng bạo lực công an, bưng bít thông tin và giáo dục ngu dân như là ba chân vạc để triệt hạ tất cả mọi mầm mống phản kháng của quần chúng và đặt người dân trong tình trạng cảnh giác và xem chừng lẫn nhau. Tức là nhà cầm quyền không chỉ dùng bạo lực đàn áp mà còn tạo ra sự nghi ngờ lẫn nhau, triệt hạ mọi tin yêu trong xã hội. Lực lượng đối kháng tuy được hình thành nhưng không thể hoạt động hiệu quả vì bị cô lập trong dân chúng và ít có người dám tham gia hưởng ứng vì sợ bị chế độ trả thù.

Chúng ta đã mất một thời gian rất dài, từ năm 1975 đến tận cuối năm 1991 khi mà Hà Nội bỗng chốc trở thành mồ côi giữa chợ do sự tan rã của đế quốc Cộng sản Liên Xô, dân chúng và các lực lượng đối kháng mới dần dần thoát khỏi sự khống chế toàn diện của đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1991, khi đảng Cộng sản Việt Nam mò mẫm mở cửa ra với thế giới bên ngoài, du nhập kinh tế thị trường để tìm phương tiện cứu nguy chế độ thì khả năng khống chế bị yếu đi, nên người dân đã vùng dậy khai thác những kẽ hở mở cửa để tìm cách cải thiện cuộc sống. Có thể nói từ năm 1991 đến năm 2004, xã hội Việt Nam rơi vào bối cảnh rối ren nhất, với những xung đột thượng tầng lãnh đạo về mức độ cải cách và nạn tham nhũng hoành hành ở mọi cấp. Đây là thời kỳ mà thế lực quần chúng đã có những thay đổi đáng kể, những cuộc đình công hàng loạt của công nhân, làn sóng khiếu kiện của dân oan, sự tụ tập cầu nguyện của giáo dân đòi trả lại ruộng đất, tài sản giáo hội và nhất là sự xuất hiện của nhiều nhà phản kháng trẻ đã tạo cho thế giới chú ý và tạo áp lực rất nhiều lên thế lực cầm quyền, khiến đảng CSVN không còn dám tự tung tự tác bắt giữ hay đàn áp mạnh mẽ như thời toàn trị.

Từ năm 2006, kể từ khi Khối 8406 ra đời cùng với sự xuất hiện ngay tại Việt Nam của một số đảng phái đấu tranh như đảng Thăng Tiến, đảng Vì Dân, đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng Việt Tân… đã tạo cho cục diện chính trị tại Việt Nam thay đổi rõ rệt với sự hiện hữu của ba thế lực: Nhà cầm quyền CSVN, các lực lượng đối kháng, khối quần chúng thầm lặng. Trong ba thế lực này, nhà cầm quyền CSVN đang cố dụ dỗ khối quần chúng thầm lặng để không chống lại chính quyền, đồng thời ngăn chận tất cả mọi sự tiếp cận giữa lực lượng đối kháng với khối quần chúng thầm lặng vì sợ bị huy động nổi loạn.

Với những chuyển biến giữa ba thế lực chính trị tại Việt Nam trong 36 năm vừa qua, chúng ta thấy rõ rằng khối quần chúng thầm lặng đã và đang chuyển mình, tuy chậm nhưng là khối nhân lực quan trọng để tạo sức ép thay đổi lên chế độ. Trong tiến trình hành động, khi các lực lượng đối kháng đến gần và huy động được khối quần chúng thầm lặng, cuộc cách mạnh sẽ bắt đầu bùng nổ lớn trên đường phố. Chúng ta phải tin tưởng viễn cảnh này không còn bao lâu nữa sẽ xảy ra trên quê hương Việt Nam. Các cuộc cách mạng mới đây và trong thời kỳ cận đại cũng đều phải đi qua những tiến trình tương tự, không phải một sớm một chiều. Khi các nỗ lực kết hợp trong nhiều năm tháng hội đủ điều kiện, sự thay đổi tất đến trong nháy mắt của lịch sử. Cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra tại Tunisia sau hơn 1 tháng tranh đấu, buộc nhà độc tài Ben Ali phải bỏ xứ lưu vong. Âm hưởng của cuộc cách mạng này đã lan sang Ai Cập, Bahrain, Syria, Libya… đang tạo một số những thay đổi tại vùng Cận Đông và Bắc Phi.

Đặc điểm của cuộc cách mạng Hoa Lài là sự nối kết đấu tranh giữa những con người can đảm trên các đường phố với những người khai dụng mạng Internet để truyền đạt các thông tin nhanh chóng đến người dân và thế giới, từng phút từng giờ, đã tạo một sức ép sinh tử lên chế độ. Mạng Internet còn đóng góp một phần rất lớn làm soi mòn sức mạnh của thế lực cầm quyền trong bối cảnh hiện nay là vô hiệu hóa sự bưng bít, độc quyền thông tin của đảng CSVN. Khi người dân có nguồn thông tin độc lập, có khả năng vận động qua mạng để kêu gọi tập họp theo phương thức đấu tranh bất bạo động, thế lực cầm quyền không thể nào ngăn cản nổi và phải tự sụp đổ như Tunisia, Ai Cập mà thôi.

Để cho tình hình nói trên xảy ra nhanh chóng tại Việt Nam và để cho hai thế lực quần chúng và lực lượng đối kháng có điều kiện tương hợp chống lại thế lực cầm quyền là đảng CSVN trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh tinh thần Quốc kháng ở khắp mọi nơi nhân dịp 30 tháng 4. Nói cách khác, chúng ta cần có một tinh thần mới của ngày 30 tháng 4. Đó phải là ngày quật khởi cho cuộc cách mạng Hoa Mai tại Việt Nam.

Trước hết là cần phải chấm dứt than khóc và trách móc quá khứ. Kế đến là làm tất cả những gì có thể làm để giúp cho dân oan, công nhân, thanh niên sinh viên, giáo dân có phương tiện tiếp tục cuộc đấu tranh. Ngược lại phải giới hạn nguồn tiền tiếp cứu cho chế độ Hà Nội mỗi năm 8 tỷ Mỹ Kim, bằng cách giới hạn bớt việc chuyển tiền về giúp thân nhân. Sau cùng là tích cực tham gia vào chiến dịch Tự Do Internet cho Việt Nam, để cùng hiệp sức phá vỡ mọi bức tường ngăn chận của Hà Nội, và giúp mọi người có thể thông tin nhanh chóng và dễ dàng. Nếu mọi người cùng sẵn lòng, dành một chút thì giờ tối thiểu tham gia những nỗ lực nói trên, không bao lâu Ngày 30 tháng 4 vĩnh viễn sẽ là ngày quật khởi đáng nhớ.

Đoàn Hùng
Ngày 28/4/2011

http://www.viettan.org/spip.php?article11059

1 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More