Cái khẩu trang, hay còn gọi là khẩu trang y tế, được dùng để che mũi và miệng tránh khói bụi và tránh các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thông thường khẩu trang được dùng trong bệnh viện, dành cho các bác sĩ trong phòng mổ hoặc chăm sóc bệnh nhân. Những bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cũng phải đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây nhiễm cho người khác.
Khi có bệnh dịch, như dịch SARS năm 2003, dịch cúm A mấy năm gần đây, người dân ở vùng có dịch cũng thường xuyên phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng.
Không khí ở những thành phố này hiện đang ô nhiễm nặng. Hơn chục năm trước, chỉ có những cô gái sợ nắng mùa hè làm đen da mới mang khẩu trang hoặc quấn kín mặt khi ra đường, nhưng rồi dần dần bất kể mùa hè hay mùa đông, người ta bắt đầu cảm thấy khó chịu khi cứ phải hít khói xăng và bụi cát bay ngoài đường, nên số người mang khẩu trang ngày càng nhiều. Các phương tiện giao thông không ngừng gia tăng, khói thải ô tô xe máy không được kiểm soát cũng tăng nhanh chóng, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị. Ngoài ra hàng loạt các công trình xây dựng lớn nhỏ tưởng chừng không bao giờ kết thúc và cũng chẳng được che chắn đầy đủ cũng gây nên tình trạng bụi bay mù mịt trong không khí. Thậm chí có những tuyến đường xây dựng dở dang mãi không xong đã được báo chí trong nước đặt tên cho là “con đường đau khổ”.
Giờ thì chuyện mang khẩu trang khi ra đường không còn là độc quyền của chị em phụ nữ nữa, mà cánh đàn ông cũng đã phải mang khẩu trang. Nếu không, chỉ cần gặp một nút giao thông đông đúc, mà ở Hà Nội và Sài Gòn thì đường phố không chỉ đông đúc mà còn thường xuyên kẹt xe, đi ngoài đường hít khói xăng xong về nhà người chỉ muốn ốm. Có một nhà báo nước ngoài đã ví von người tham gia giao thông ở Việt Nam là “những Ninja đi xe máy”.
Mà chả cứ là những người đi xe máy xe đạp, ngay cả những người đi bộ cũng phải mang khẩu trang khi đi ngoài đường. Vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối, ta có thể nhìn thấy những người mặc đồ ngủ phấp phới hoặc quần cộc áo ba lỗ, miệng bịt khẩu trang đi bộ tập thể dục quanh mấy cái hồ ở Hà Nội. Giữa khu phố cổ, một đoàn xe xích lô chở khách du lịch nước ngoài đi thăm quan, những vị khách ngoại quốc mặt ai cũng bịt một cái khẩu trang, tay cầm máy ảnh máy quay phim quay cảnh phố phường. Những người du khách đó khi về nước mang theo những tấm hình chụp đường phố Thủ đô của Việt Nam, bạn bè người thân của họ sẽ nói gì nhỉ?
Cái khẩu trang ở Tây chỉ dùng trong y tế hoặc trong trường hợp bệnh dịch khẩn cấp, ở ta lại là chuyện dùng phổ biến hàng ngày. Không chỉ mở rộng đối tượng và phạm vi sử dụng, khẩu trang ở Việt Nam còn không ngừng được nâng lên về nội dung và tác dụng. Thời gian đầu người ta chỉ dùng khẩu trang bịt mũi và miệng, dần dần khẩu trang cải tiến có thể che gần hết khuôn mặt, che cả cổ và gáy, mang khẩu trang mà quấn kín như những người phụ nữ đạo Hồi. Khẩu trang từ may hai lớp vải nâng lên may ba lớp, bốn lớp vải, hình như vẫn chưa đủ để lọc bụi và chất độc, chất liệu làm khẩu trang còn chuyển từ vải thường sang vải sợi than hoạt tính. Hôm trước đi đường tôi đã nhìn thấy một người đeo cái khẩu trang có cả bộ lọc hình tròn trước mũi trông như cái mặt nạ phòng độc. Cái khẩu trang “khủng” khiến khá nhiều người chú ý. Nhưng tôi chợt nghĩ, nếu tình trạng không khí đô thị cứ xuống cấp như thế này, có lẽ những cái khẩu trang kiểu mặt nạ phòng độc như thế sẽ không còn hiếm trên đường phố. Thậm chí biết đâu sẽ có ngày người dân phải đeo cả mặt nạ phòng độc khi ra phố.
Nhật Bản mới trải qua tai họa động đất và sóng thần, dẫn đến nhà máy điện hạt nhân bị hư hỏng, gây ra ô nhiễm phóng xạ. Người dân bỗng nhiên bị đẩy vào cảnh phải sống cùng thảm họa môi trường, cả thế giới quan tâm, chính phủ phải xin lỗi dân chúng mặc dù đây là thảm họa do thiên tai gây nên. Còn người dân Việt Nam hàng ngày vẫn đang sống trong môi trường bị xuống cấp và ô nhiễm, nhưng không được ai quan tâm cả. Vì cái sự ô nhiễm ở ta là ô nhiễm từ từ, nguồn nước, không khí, tất cả đều xuống cấp mỗi ngày một chút, môi trường trở nên ô nhiễm lúc nào cũng không ai để ý. Và người dân Việt Nam cũng giỏi chịu đựng, môi trường sống xuống cấp cũng vẫn chịu được, không kêu ca gì. Mà thực ra thì kêu với ai? Và kêu có tác dụng gì không? Vì thế nên hàng ngày chúng ta vẫn cứ đeo khẩu trang ra đường đi, và cái khẩu trang sẽ vẫn còn tiếp tục được đồng hành cùng người dân và không ngừng được cải tiến.
Không biết chừng sau này người Việt Nam sẽ phát minh ra loại khẩu trang tốt nhất thế giới đấy!
Hoàng Lan
2 comments:
Tác giả chắc viết cho vui thôi mà đọc sao thấy buồn quá trời!
Chào bạn HL,
Nói chuyện về Khẩu Trang thì chao ôi, mình đeo không quen, ngộp quá trời, nhưng đeo riết thành thói quen bạn ạ. Bạn HL chắc là có nhiều ý khôi hài lắm đúng không, đọc bài của bạn, mình thấy vui vui về cái KT và cũng buồn cho đất nước mình...Có lần 1 người bạn nói là, chút nữa ra ngoài đường, bạn sẽ gặp Ma với Qũy...lúc đầu mình không hiểu, cho nên cứ hỏi tiếp và cần sự giải thích...Sau đó thì mình mới hiểu được câu nói đó của bạn mình, mình LA bạn mình qúa trời....vì đã ví von như thế và vô tình xúc phạm đến mọi người đang đi trên đường trong đó có cả chính bản thân mình....thế là 2 đứa phá lên cười, rồi sau đó mỗi người im lặng với những dòng suy nghĩ riêng của mình...hôm nay đọc bài KT của bạn, mình mới mạo hiểm mà kể cho nghe câu chuyện vui buồn như thế...Cám ơn bạn HL đã chia sẽ bài viết...hy vọng mỗi ngày bạn chọn ra một đề tài và post lên cho mọi người đọc và chia sẽ nhé.
KQHV
Đăng nhận xét