Houston, Những Ngày Đáng Nhớ

Phạm Diễm Hương

Xin cảm ơn nhà văn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái đã giới thiệu tôi đến với Hội Bảo Tồn Văn Hoá và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation), để được quen và làm việc với chị Triều Giang, người chịu trách nhiệm về chương trình 500 lịch sử phỏng vấn của hội. Bên cạnh đó, tôi còn được quen biết quý anh chị thiện nguyện cho chương trình này tại Houston, như anh chị Đặng Thiệu và Tạ Quỳnh Hoan, chị Tuyết Mai, chị Nguyễn thị Linh, chị Loan Nguyễn, chị Nga, Luật sư Steven Dieu, anh Nguyễn Bá Quyền, anh Trần văn Anh, thuộc T.V.A Photo đến giúp đỡ về kỹ thuật quay hình, và anh Huỳnh Quốc Văn, thuộc VA Media, đã cho mượn máy quay phim cùng các em sinh viên thuộc hội VAHF như Roger Le, Nina Lu, và Jason Wang.

Hạnh phúc hơn nữa, tôi đã được chia sẻ những vui buồn, những kỷ niệm rất đáng quý với những vị tôi được hân hạnh phỏng vấn.


Hôm nay, công việc đã xong, tôi muốn ghi lại một chút kỷ niệm đã có với Houston trong thời gian chín ngày qua, từ ngày 27 tháng Hai tới ngày 7 tháng Ba, 2011.

Từ Sacramento, tôi lấy chuyến bay của hãng US Airway đến Houston, những tưởng rằng, rẻ hơn và thời gian chuyển tiếp tại Pheonix không lâu, nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Chuyến bay bị trễ vì thời tiết xấu tại Sacramento, thời gian chuyển tiếp kéo dài hơn, và phải trả thêm tiền hành lý. Sau cùng, tôi cũng đến được Houston vào thứ sáu ngày 25 tháng Ba lúc 8 giờ 45 tối giờ địa phương.

Trước khi đi, tôi đã liên lạc với hai người chị kết nghĩa là chị Châu Hà và chị Song Kim, nên chúng tôi đã có một buổi tối hội ngộ thật vui và nhiều tiếng cười, sau nhiều năm xa cách.
Chị Hà hỏi tôi đi sang bên này làm gì, thế là bao nhiêu hãnh diện dồn lên mắt, lên môi. Tôi sung sướng trả lời :

- Em đi làm việc thiện nguyện cho chương trình 500 lịch sử phỏng vấn của Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt.

- Em sẽ ở đây bao lâu?

- Cũng 10 ngày đấy ạ.

- Thế ăn ở ra sao?

- Dạ em ở chung với mấy chị cùng làm chương trình này. Chị Thục Viên, là bạn của chị Trùng Dương và Triều Giang từ thuở họ làm cho nhật báo Sóng Thần ở Sàigòn trước 1975, có nhã ý cho cả nhóm trú ngụ trong thời gian ở Houston.

- Thì cũng có lúc phải về nhà ăn uống chứ?

Tôi thoáng nghĩ đến những ngày làm việc thật bận rộn sắp tới, và tự đặt ra hàng rào kỷ luật cho mình:

- Chị đừng lo, nếu… xẹt về được là em… xẹt liền!

Chiều hôm sau, thứ bảy, tôi đến Nhà Việt trên đường Bellaire -- một loại Bolsa của Little Saigon ở Nam Cali -- để dự buổi họp đầu tiên của nhóm.

Người ta nói trước lạ sau quen, nhưng hình như chúng tôi chỉ cần gặp nhau là đã quen và chuyện nổ như pháo rang. Sao mà vui thế. Buổi họp gồm các anh chị thiện nguyện nòng cốt tại Houston như chị Tạ Quỳnh Hoan, anh Đặng Thiệu, chị Loan Nguyễn, anh Steven Dieu, chị Nga Dung, và những thiện nguyện viên ở xa như chị Trùng Dương và tôi. Tôi được chị Trùng Dương giới thiệu với mọi người và với chị Triều Giang, trưởng chương trình. Triều Giang thật xinh xắn, với kiểu tóc ngắn của các tài tử Hollywood thập niên 1960-70 đã khiến Triều Giang có vẻ dễ thương và tinh nghịch. Sau lời phi lộ của người trách nhiệm, chúng tôi phân chia công việc, rồi hẹn ra quân ngay ngày hôm sau, chủ nhật 27 tháng Hai.

Sáng sớm chủ nhật, tại bản doanh đài Saigòn-Houston Radio của anh chị Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, chị Trùng Dương, chị Triều Giang, chị Quỳnh Hoan, Tiến sĩ Đặng Thiệu, Hoạ sĩ Dương Phước Luyến và Jason Wang đã mỗi người một việc, giúp trưng bày phần triển lãm các hình ảnh từ những lần phỏng vấn trước, và soạn tài liệu cho việc phỏng vấn như tiểu sử, các câu hỏi dự trù, chụp hình và máy quay phim.

Đài Saigòn-Houston đã dành cho VAHF một không gian thật ưu đãi và đầy đủ phương tiện: Hội Quán của đài rộng rãi để tiếp khách, và những phòng nhỏ để phỏng vấn thật yên tĩnh và ấm cúng.
Chúng tôi tiếp đón những người khách đầu tiên của chương trình 500 lịch sử phỏng vấn, với niềm hân hoan xen lẫn xúc động. Tưởng rằng sẽ rất bỡ ngỡ và khó khăn khi phỏng vấn một người lạ về những gì rất riêng tư, thế nhưng mọi việc đã trôi qua thật êm đềm, nỗi thương đau cũng như niềm hạnh phúc của từng người đã được chia sớt trong ân cần và thương cảm.

Trước khi đến Houston, tôi đã thử mường tượng đến khung cảnh làm việc, đến những người mình sẽ làm việc chung, nhưng không thể nghĩ được một điều là trong chín ngày ngắn ngủi tại Houston, tôi đã được sống với nhiều cuộc đời khác nhau, mà cuộc đời dài nhất đã hơn 80 năm, tôi đã được khóc khi nghe kể về những biến cố bi thương, dồn dập xảy đến cho nhiều người, đôi khi từ thuở ấu thơ.

Từng mốc điểm lịch sử của dân tộc đã là những thời khắc đáng nhớ của đời người. Chỉ có ai được sống với đất nước trong những lúc thăng trầm, mới hiểu được vì sao mình yêu nước nồng nàn, vì sao mỗi lần nghe nhắc đến cố hương nước mắt lại trào ra, vì sao không an phận ở xứ người mà cứ ngóng trông về quê cũ.

Những mốc thời gian…
Việt Nam những năm 1945, 1946

Miền Bắc trong những năm 1945, 1946, người dân sống giữa sự khủng bố của Việt Minh và ruồng bố của Pháp. Sinh mệnh của con người chỉ là một sự tình cờ. Trong muôn vàn khổ cực mà người dân miền Bắc phải hứng chịu, có gia đình của chị Phạm Tuyết Mai đã cùng dân làng chạy trốn vào một hang núi khi bị Tây bố ráp, thế rồi trước ánh mắt thảng thốt của cô bé Mai lúc ấy mới 9 tuổi, người cha bị bắn vào vai, vào ngực, tiếng đạn nổ chát chúa và máu tuôn lênh láng…

Miền Trung Việt Nam của năm 1945, 1946… tiêu thổ kháng chiến, làng mạc bị san thành bình địa… Dưới cái nắng khô khốc, ông Nguyễn Cự lúc ấy là một cậu bé khoảng 4, 5 tuổi, lúp xúp đi theo đàn trâu để hốt phân làm phân bón cho luống rau ở nhà, sau khi Cha, người Bác và người Chú đã bị cộng sản chặt đầu, chôn chung một hố.

Sau năm 1954, làng xã được chính quyền quốc gia tiếp thu, ông Nguyễn Cự có một cuộc đời mới, với đôi chân bé nhỏ, ông đã vượt đoạn đường 14 cây số đi về mỗi ngày, để có được hạnh phúc thật đơn giản và vô giá: được cắp sách đến trường.

Năm 1954 - Hiệp định Geneve - Đôi Bờ Bến Hải

Hiệp định Geneve năm 1954 chia đôi đất nước. Hàng triệu gia đình người Bắc đã di cư vào Nam, có nơi đi được cả làng, có gia đình đi đông đủ, nhưng cũng có gia đình bị chia ly.

Dạo trước, mỗi lần nghe nhạc phẩm “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, hay “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, tôi thường tưởng tượng về Hà Nội, và chìm đắm trong nỗi nhớ nhung thê thiết của tác giả… Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về. Lòng khách tha hương vương sầu thương. Nhìn em mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời, lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly…

Nhưng chín ngày ở Houston, làm việc với VAHF qua vai trò phỏng vấn viên, tôi đã khóc, đã thực sự cảm nhận được như chính mình bị mất mát, bị chia lìa. Làm sao không dõi hoài hình bóng của người thân bị bỏ lại. Làm sao cầm được nước mắt khi mường tượng đến hình ảnh bốn mẹ con người thiếu phụ đầu quấn khăn tang dắt díu nhau vào Nam.

Quê người một sớm heo may đến
Có ai gửi lại cuộn phim buồn
Nửa thế kỷ rồi sao vẫn nhớ
Nhớ ngày tất tả chạy vào Nam

Ba đứa con khờ còn ăn bám
Mẹ gánh oằn vai một núi sầu
Cha tôi vừa mất vài hôm trước.
Mộ còn chưa ráo những thương đau

Lén lút mẹ con dắt díu nhau
Bỏ nhà bỏ cửa chạy đi đâu?
Ngoái trông chốn cũ sau màn lệ
Vội vã theo nhau bước xuống tàu
(Thơ Nguyên Nhung)

Và làm sao không thắt cả ruột gan khi nghe chuyện một thanh niên miền Bắc quyết định vượt tuyến vào Nam năm1957? Chuyến đi muộn màng với bao nhiêu hiểm nguy đang chờ, bao nhiêu bất trắc đang giăng bẫy, thế nhưng hai chữ Tự Do đã khiến người thanh niên gan dạ thực hiện được giấc mơ của một đời người.

Lời kể chậm rãi, pha chút vui nhộn, khiến tôi như được đi chung với người ấy trên những đoạn đường gian nan. Phân vân hồi hộp khi phải chọn đoạn đường men theo sườn núi để tránh ánh trăng sáng vằng vặc trên cánh đồng. Nín thở thụp đầu sâu xuống nước để tránh ánh đèn đang quét trên bờ đá, hoặc tránh chiếc xuồng đi câu ban đêm. Và những giọt nước mắt hạnh phúc đã lăn nhanh trên má, khi biết người ấy đã vịn được thành cầu Hiền Lương thuộc miền Nam Tự Do.

Miền Nam Tự Do khởi đầu từ năm 1954 với nền đệ nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chính phủ đã giúp ổn định đời sống của một triệu người dân miền Bắc di cư, xây dựng ấp chiến lược để chống du kích cộng sản xâm nhập khuấy rối miền Nam. TT Ngô Đình Diệm không muốn có quân đội Hoa Kỳ trên đất nước, và đệ nhất Cộng Hòa chấm dứt năm 1963 với cái chết thê thảm của ông cùng bào đệ là ông Ngô Đình Nhu.

Miền Nam Tự Do tiếp tục với nền đệ nhị Cộng Hoà của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Quân đội Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, cộng sản đưa quân vào miền Nam, chiến trận gia tăng. Những thế hệ trẻ của miền Nam đã bỏ học đường ra chiến trường bảo vệ miền Nam Tự Do.
Cuộc chiến đột ngột kết thúc vào cuối tháng Tư năm 1975, cộng sản miền Bắc giành được phần thắng.

Những người trong cuộc của miền Nam mà tôi có dịp được phỏng vấn tại Houston, đã bày tỏ những nhận định khác nhau về hai nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà, đã có những chua chát, những ngậm ngùi. Nhưng tất cả đều có một đồng thuận là quân dân miền Nam trong 21 năm, 1954-75, đã được sống một cuộc đời đáng sống. Người miền Nam đã không ngại đổ máu đào để bảo vệ Miền Nam Tự Do, bảo vệ tinh thần dân tộc tự quyết và nền độc lập quốc gia.

Năm 1975 - Trại Tù - Biển Mở Đường Đi…

Biến cố 30 tháng Tư năm 1975, đã khiến mảnh đất tự do duy nhất của đất nước bị mất. Mọi người lâm vào thảm kịch: Bị đi tù cải tạo, bị đánh tư sản mại bản, bị cướp nhà, bị đuổi đi kinh tế mới, bị bắt, bị hãm hiếp, bị chết trên đường vượt biên vượt biển.

Tôi đã được nghe nhiều và đã có cơ hội đọc nhiều tài liệu, và ngay chính gia đình mình cũng đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương của thời kỳ sau năm 1975. Thế nhưng, tôi không thể quên đươc dòng nước mắt của một vị cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, ông Phạm Bá Hoa năm nay đã ngoài 80, khi ông nhắc đến những ngày cuối cùng của miền Nam: “Tôi không di tản năm 75, là cấp chỉ huy tôi không thể bỏ anh em, những ngày cuối cùng chúng tôi gặp nhau, khóc với nhau vì vận nước…”

Tôi không thể chia sớt, dù một chút, nỗi buồn của một người em khi nhắc đến người chị, nỗi khổ tâm của một người dì, khi nhớ đến đứa cháu mới lên 7 đã mất tích trên đường vượt biển.
Tôi không thể thấu hiểu nỗi lòng tan nát của người Mẹ phải bỏ lại đứa con tật nguyền mới 6 tuổi cho mẹ già để đi tìm tự do.

Tôi không cầm lòng được khi nghe kể chuyện về người con trai trưởng đã chết trong chuyến vượt biển vì anh lo cứu người khác. Và tôi không làm sao chia xẻ được nỗi bi thương khi một người phải gửi Mẹ lại một ngôi chùa để ra đi?

Bước Đường Lưu Vong - Về Miền Đất Hứa

Người Việt Nam đổ dồn ra biển tìm tự do. Những trại tỵ nan dưới sự tài trợ của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc được nhanh chóng thành lập tại các nước Đông Nam Á.

Những người đi sớm vào những ngày cuối tháng Tư 1975, khi cập bến Phillipines, vẫn còn bàng hoàng khi kể lại: “Chúng tôi đến Phillipines, thì được lệnh là phải hạ cờ vàng ba sọc đỏ, phải xóa các dòng chữ Hải Quân Việt Nam trên tàu, và không ai được mặc quân phục của miền Nam Việt Nam… Chúng tôi đã đứng chào cờ lần cuối và hạ cờ trong nước mắt và uất nghẹn. Những người lính hải quân nghẹn ngào cởi bỏ quân phục. Buồn quá!”

Những người đi sau đó, đến được các trại tỵ nạn Mã Lai, Hồng Kông, Thái Lan, bình tĩnh hơn, đã nhanh chóng thành lập một cơ cấu cộng đồng để bảo vệ nhau và làm sợi dây liên lạc giữa người tỵ nạn và Cao ủy Tỵ nạn LHQ.

Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Chí Thiệp, tuy mới chân ướt chân ráo đến trại tỵ nạn sau những ngày gian nan trên biển, nhưng với tinh thần muốn bảo tồn và phát huy văn hoá, người Việt tỵ nạn tại Mã Lai đã thực hiện một cuộc triển lãm, khi có một yếu nhân người Pháp đến thăm trại. Chính nỗ lực này đã đem lại thêm 100 visa khác ngoài quota mà nước Pháp dành cho người Việt tỵ nạn.

Từ trại tỵ nạn, người Việt toả đi khắp nơi trên thế giới. Tuy gặp khó khăn về ngôn ngữ và phong tục tập quán, nhưng với không khí tự do dân chủ, sau hơn 35 năm kể từ năm 1975, người Việt ở khắp nơi đã khá ổn định.

Riêng tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt đã có những khu phố mang tên Little Saigòn, cờ Vàng ba sọc đỏ đã được nhiều tiểu bang và nhiều thành phố công nhận.

Nhiều người thuộc thế hệ định cư thứ nhất đã trở lại ngành nghề cũ. Hoạ sĩ Dương Phước Tấn tại Houston đã tâm tình rằng, ngày còn ở trong nước, ông đã xếp bút nghiên rời bỏ trường Mỹ thuật Huế để vào lính, nay ra đến hải ngoại, ông trở về nghề vẽ. Ông đã vẽ rất nhiều và đã tham dự nhiều buổi triển lãm. Tác phẩm của ông là những bức tranh sơn dầu vẽ một góc Sàigòn, một chiều mưa Sàigòn, vài tà áo dài thướt tha… Ở đâu cũng là quê hương.

Thế hệ thứ hai thành công ở nhiều lãnh vực và tham gia vào dòng chính. Nhưng cả hai thế hệ đã cùng thành công trong việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống Việt.

Làm sao không vui, không hãnh diện khi nghe ông Bùi Đăng Trình kể rằng: Ông đã mua một miếng đất tại Houston, xây nhà để ông bà cha mẹ con cháu quây quần bên nhau. Con đường vào ngôi làng gia tộc đó mang tên là Bùi Dr.
Những di sản văn hoá Việt đã luôn luôn được gìn giữ dù ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như trong cái nghèo tận cùng của năm 1945, 1946, tại miền Trung, tình thương yêu gia đình vẫn nở hoa, cha mẹ hy sinh cho con, không ngại tảo tần nắng mưa, nhưng anh chị lo cho em đã là những ơn nghĩa không thể quên và không thể đáp đền. Người anh của nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân đã bán nhẫn cưới để mua cho em chiếc đồng hồ khi em thi đậu đệ thất. Ông Đặng Xuân Ngô vì luôn nhớ ơn anh nuôi ăn học, đã đem con của người anh đi vượt biên và để con ruột của mình ở lại.

Ở miền đất hứa, người Việt với hai bàn tay trắng đã xây dựng được sự nghiệp, cũng như tại miền Nam Việt Nam sau năm 1954, một triệu người dân miền Bắc đã có đời sống hạnh phúc yên ấm chỉ sau một thời gian ngắn. Những làng xã được chính quyền quốc gia tiếp thu năm 1954, cũng được người dân ra sức dựng xây. Thành phố Quy Nhơn là một ví dụ, theo lời nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, năm 1946 thành phố là một bình địa bởi phong trào tiêu thổ kháng chiến, nhưng sau năm 1954, thành phố Quy Nhơn đã dần dần trở thành một thành phố tươi đẹp, sầm uất và thịnh vượng.

Đoạn kết

Tôi xin được gọi Chương trình 500 lịch sử phỏng vấn của hội VAHF là một gạch nối liền của lịch sử Việt kể từ năm 1945. Vì chương trình này được bắt đầu thực hiện vào năm 2008, những người được mời phỏng vấn chỉ có 500 người định cư tại Hoa Kỳ, và những vị lớn tuổi nhất chỉ có thể trên 80, nên gạch nối liền này chắc chắn sẽ mỏng manh, nhưng trung thực và cần thiết.

Qua chín ngày làm việc tại Houston, tôi cảm nhận được một điều: những người được phỏng vấn là những người được viết tiếp dòng sử Việt, từng cuộc đời được dàn trải sắp xếp kế bên nhau, cùng có chung những hạnh phúc, và những nhọc nhằn với đất nước và luôn luôn minh chứng rằng: Người Việt muốn được sống như những con người và phải được sống như những con người.

Gạch nối liền lịch sử này có đầy đủ những chứng tích thương đau của thời kỳ sau khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945; cuộc di cư vĩ đại của một triệu người dân miền Bắc khi đất nước bị chia đôi năm 1954; khổ cực, nghèo nàn, lạc hậu của người dân miền Bắc được phơi bày sau năm 1975; thương đau người dân miền Nam phải gánh chịu sau năm 1975.

Và đặc biệt cuộc di cư bằng thuyền vô tiền khoáng hậu của người dân Việt Nam sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975.

Nhưng trên gạch nối lịch sử này đã có những lóng lánh của tình nghĩa người Việt dành cho nhau, mà chúng ta hãnh diện gọi là văn hóa Việt.

Những chuyến vượt biên đầy kinh hãi bởi sóng gió và hải tặc, nhưng vẫn không xóa được tâm tình nhân hậu của người Việt Nam. Đến xứ người một thời gian, vừa có công ăn việc làm, đã vội nghĩ đến người thân còn ở lại. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Lá lành bên đây đùm lá rách ở quê nhà.

Người Việt luôn luôn muốn sống gần nhau. Ông bà muốn nghe con cháu nói tiếng Việt, đi thưa về trình, con cháu muốn chăm dưỡng ông bà cha mẹ lúc tuổi già. Nếu vì công ăn việc làm phải xa nhau, thì nỗi buồn có thể làm người cao niên héo hắt. Nếu phải gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão thì tâm tư con cháu không lúc nào yên.

Sợi dây gia tộc chòm xóm đã cột chặt mọi người từ đời này sang đời khác. Những ràng buộc văn hoá, lễ giáo, đôi lúc như nặng nề, vướng bận trong đời sống thực dụng ở xứ người, nhưng đây chính là di sản quý báu của dân tộc mà người Việt đã đem theo khi bỏ nước ra đi.

Việc làm của Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) qua chương trình 500 lịch sử phỏng vấn đã đóng góp thật nhiều vào nỗ lực giữ gìn và phát huy những giá trị di sản đó. Nhưng việc làm của Hội không thể nào trọn vẹn nếu không có những trợ giúp, vận động đóng góp tài khoản từ cộng đồng người Việt khắp nơi tại Hoa Kỳ. Khởi đầu là các em sinh viên của 119 trường đại học thuộc Liên Hội Sinh Viên Việt Nam vùng Bắc Mỹ đã đi rửa xe, bán phở để kiếm tiền cho Hội, sau đó là những hội đoàn, cá nhân và bây giờ tại Houston, vị Thầy trụ trì của chùa Liên Hoa, Hòa Thượng Thích Huyền Việt đã và đang vận động đồng hương đóng góp ngân khoản để Hội có thể hoàn thành được phần chương trình còn lại. Một đóa hoa tươi thắm xin được gửi đến mọi người. (PDH, 03/2011)


Hình ảnh:



Bên trên là collage gồm một số hình ảnh về đợt phỏng vấn cho chương trình 500 lịch sử truyền khẩu của hội Bảo tồn Văn hoá và Lịch sử Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation, VAHF) tại Houston, từ ngày 27 tháng Hai tới ngày 7 tháng Ba, 2011, với trên 90 cuộc phỏng vấn có thu hình đã được thực hiện. Hình 1-3: Các tình nguyện viên sửa soạn cho cuộc triển lãm “Phụ nữ và Trẻ em trong Cuộc chiến Việt Nam” tại hành lang lối vào đài Sàigòn-Houston, Houston, Texas. H. 4: Các tình nguyện viên đang thử lại dụng cụ quay phim. Hình 5: Thượng toạ Thích Huyền Việt đang kể lại hành trình đi tìm tự do tôn giáo của mình. Hình 6: Bác sĩ Mùi Quý Bồng đang chia sẻ chuyện đời mình. Hình 7: Tình nguyện viên Trùng Dương phỏng vấn cô Vũ Phương Anh, nguyên nhân công xuất cảng trong chương trình cứu đói giảm nghèo của Việt Nam Cộng sản hiện tị nạn chính trị tại Mỹ sau khi bị chính quyền VNCS đe dọa trừng trị vì đã đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của công nhân Việt bị chủ bóc lột, hành hung và bỏ đói, trong khi toà đại sứ Việt Cộng tại Jordan bỏ rơi vào năm 2008. Hình 8: Phỏng vấn viên Linda Ho Peché, mặt, và thu hình viên Hoàng Thành chụp hình lưu niệm với ký giả Vũ Thanh Thủy, một cựu thuyền nhân, trước khi phỏng vấn. Hình 9: Phỏng vấn viên Triều Giang Nancy Bùi và thu hình viên Roger Lê và Cụ Nguyễn Thượng Khâm Thiên, một nghệ sĩ tạo hình, người đã vượt biên tìm tự do bằng đường bộ; và ông đã kiếm tiền dộ nhật bằng việc nặn những con giống bán. Hình nhỏ trên góc trái, ông đang tô mầu con giống Tôn Ngộ Không mà ông nặn trong lúc kể chuyện đời mình và tặng lại cho người phỏng vấn ông. Hình 10: Nữ thẩm phán Hoàng Bảo Khanh đứng giữa thu hình viên Jason Wang và người phỏng vấn bà, Bùi Đăng Khoa. Hình 11: Linh mục Anthony Tâm Phạm, ngồi, với phía sau là Triều Giang, chuyên viên thu hình Hoàng Thành và phỏng vấn viên Tạ Quỳnh Hoan. Hình 12: Hoạ sĩ Dương Phước Tấn, ngồi, với Jason Wang và phỏng vấn viên Phạm Diễm Hương. Hình 13: Dân biểu tiểu bang Texas Hubert Võ với Jason Want và người phỏng vấn ông, Tina Võ. Hình 14: Nhà văn Dõan Quốc Sỹ, mặc đồ đen đeo kính đứng giữa, và các tình nguyện viên. Hình 15: Một tham dự viên của chương trình 500 phỏng vấn lịch sử ký ngân phiếu đóng góp vào quỹ “Việt’s Story”. Hình 16: Chị Nguyễn Nga Dung đang kể chuyện về người chị và đứa cháu gái mất tích trên đường vuợt biển tìm tự do. Hình 17: Các tình nguyện viên chụp hình lưu niệm với các tham dự viên chương trình 500 phỏng vấn lịch sử, từ trái: chị Phạm Tuyết Mai, Võ sư Văn Bình, Trùng Dương, Nguyễn Bá Quyền, Tạ Quỳnh Hoan, ngồi, và Triều Giang. Hình 18: Triều Giang và Trùng Dương, phải, tham dự cuộc hội thoại trên đài Sàigon-Houston với cặp ký giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy về chương trình 500 phỏng vấn lịch sử và về báo chí. (Ảnh và collage của Trùng Dương)

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More