Ký Giả Không Biên Giới
JTD phỏng dịch
24 tháng 4 2011
Trường hợp Phạm Minh Hoàng là điển hình. Một trang blog, dăm ba bài viết về đa nguyên chính trị, về vấn đề ô nhiễm: đủ bị coi là tội phạm chống Nhà Nước Việt Nam.
Việt Nam là một thiên đường đối với du khách ngoại quốc. Chính là địa ngục đối với những người ly khai và những ký giả muốn hoàn toàn độc lập khi làm việc. Chẳng cần là ký giả cũng có thể nếm trải thời gian lâu dài trong các nhà tù Việt Nam.
Phạm Minh Hoàng chẳng có vẻ gì là một blogger vô kỷ cương hay vô trách nhiệm, khi ông ta nhân danh sự trong sáng tuyệt đối đưa lên mạng những thông tin về các vấn đề quốc gia. Đây là một người năm nay 55 tuổi, là một người cha trong gia đình, là giáo sư toán của Trường Đại Học Bách Khoa Sài Gòn. Ông là công dân Pháp, đã sinh sống 20 năm tại Pháp trước khi quyết định định cư tại Việt Nam vào đầu thập niên 2000. Từ tháng 8 năm 2010 đến nay, ông đang ở tù. Chín tháng giam cầm; tạm giam để điều tra. Thực tế, chính quyền có thể giam giữ tới 12 tháng bất cứ ai có mắc mớ với luật pháp trước khi mở phiên tòa xét xử.
Nửa giờ xét xử, 20 năm tù
Thực ra người ta không thể trách cứ ông điều gì to tát. Dù sao thì trên quan điểm của chúng tôi, chúng tôi ngạc nhiên và lấy làm buồn khi thấy cái điều bình thường dưới vòm trời những nền dân chú cổ điển của chúng tôi lại biến thành một tội ác không thể tha thứ được ở nơi khác. Một trang blog, một số bài viết về đa nguyên chính trị, về dân chủ, về sự ô nhiễm do việc khai thác quặng mỏ bô-xít trên vùng Cao Nguyên. Nhưng ở Việt Nam, điều này đủ khiến ông trở thành tội phạm cấp Nhà Nước.
Một phiên toà sẽ được mở ra trong những tuần lễ tới để phán quyết về những cáo buộc về tội xâm phạm an ninh quốc gia. Ông Phạm Minh Hoàng có cơ bị nhiều năm tù, bỏ lại bà vợ và hai đứa con, cô đơn và không lợi tức, trong cơn hoảng loạn.
Người ta trông đợi nhiều hơn nữa từ chính quyền Pháp để giải cứu một trong những công dân của mình ra khỏi bước hiểm nghèo. Đúng là các biến cố trong những tháng gần đây tại Trung Đông đã thu hút sự chú ý và năng lực của chính quyền các nước và Pháp cũng thấy bị bận rộn trên hai trận tuyến Libye và Côte d’Ivoire. Nhưng, xin lỗi, cũng không thể viện cớ này, nhất là từ ban đầu, Bộ Ngoại Giao Pháp đã chỉ muốn can thiệp tối thiểu vào nội vụ. Ký Giả Không Biên Giới (RSF) đã tham gia một cuộc xuống đường do thân nhân (ông Hoàng) tổ chức trước Quốc Hội hôm thứ tư 13/4, để kêu gọi chính quyền Pháp thúc đẩy hồ sơ này.
Gia nhập được WTO năm 2007, Việt Nam tỏ ra là học trò giỏi trong giao thương quốc tế, là đối tác kinh tế lý tưởng của các cường quốc, nhưng Việt Nam vẫn không làm gì trên phương diện cai trị nhân đạo và tôn trọng nhân quyền. Từ mấy năm gần đây, ít có những quốc gia dám lên tiếng mạnh mẽ chống lại sự độc tài của đảng cộng sản và chất vấn về những sai trái độc đoán của chế độ. Ít người nhắc nhở cho họ về những vi phạm đối với chính bản Hiến Pháp của họ; các điều 50 và 69 xác quyết sự tôn trọng các quyền căn bản, trong đó có quyền hội họp, quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Ít ai tố giác những vụ vi phạm đối với một nền công lý công minh, những vụ xét xử chớp nhoáng, lạm dụng những cáo trạng xâm phạm an ninh quốc gia, không đếm xỉa đến quyền biện hộ và quyền tham khảo hồ sơ của các luật sư. Nửa giờ xét xử, không có luật sư và chày vồ chánh án nện xuống: 20 năm tù!
Sợ hãi Hoa Lài
18 nhà ly khai hay những người bảo vệ nhân quyền năng nổ trên mạng hiện đang nằm sau chấn song nhà tù Việt Nam; 3 phóng viên khác cũng cùng chung số phận. Đại hội toàn quốc của đảng CSVN tại Hà Nội hồi tháng Giêng là thời điểm chế độ tỏ ra cứng rắn hơn đối với mọi phê bình chỉ trích. Nhưng chính thực là những biến động ở Trung Đông đã tạo nên phản ứng nghi ngờ và co cụm của bộ máy Nhà Nước.
Cuộc Cách Mạng Hoa Lài chưa hết gây làn sóng dư chấn tới tận Á Châu, tới Trung Quốc và đặc biệt tới Việt Nam, là các nước luôn bị ám ảnh bởi sự ổn định chính trị, luôn cấm cửa về chủ thuyết đối với những chỉ trích và tranh luận tương phản. Nhân dân Ả Rập đã nêu lên một tấm gương hy vọng, chứng minh rằng mọi chuyện đều có thể đạt được, những năm dài toàn trị có thể bị quét sạch trong vài tuần lễ, một cuộc nổi dậy của nhân dân có thể thắng được độc tài, báo giới quốc tế có thể rọi đèn cho những người đối kháng, lột trần những bất công và những lạm dụng.
Những phong trào ủng hộ dân chủ đang đặt nhà cầm quyền một số nước trong tình trạng bất an nên đã có những phản ứng đáng tiếc là đàn áp mù quáng. Hơn 30 nhà ly khai hiện đang bị bắt giam biệt tích tại Trung Quốc, tách xa gia đình, thân nhân, cô lập với nhân quần xã hội, mà nhà cầm quyền Trung Quốc cũng chẳng thèm thông tin về số phận của họ. Người khổng lồ chân đất sét? Có thể… Trung Quốc đang run sợ, và thằng em út Việt Nam thường cóp nhặt Bắc Kinh như khuôn mẫu để điều khiển đất nước, quản lý việc công và đàn áp, cũng đang run lên với nó.
Gilles Lordet
Giám Đốc Thông Tin
Ký Giả Không Biên Giới
Ký Giả Không Biên Giới
"Không có một nền báo chí tự do, không có một cuộc đấu tranh nào được biết đến. Tại một số quốc gia, một ký giả có thể ngồi tù nhiều năm chỉ vì một chữ hay tấm ảnh. Bởi vì bỏ tù hay giết hại một ký giả, là loại đi một nhân chứng chủ yếu và đe dọa quyền được thông tin của mọi người. Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới (RSF), được xây dựng năm 1985, hoạt động hàng ngày cho quyền tự do báo chí."
Nguồn: www.slate.fr/tribune/37135/rsf-vietnam
1 comments:
Theo dõi vụ này người ta mới thấy khi hữu sự mấy "me xừ" Tây ứng xử coi bộ kém xa con cháu chú Sam. Người đấu tranh mang quốc tịch Mỹ lỡ "sa cơ" thường nhận được can thiệp nhanh chóng, mạnh mẽ từ chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ nên sớm hưởng tự do.
Còn chính phủ và quốc hội Pháp hình như chỉ giỏi tuyên bố là yêu chuộng dân chủ, công bằng.. nhưng nay có kiều dân (PMHoàng) bị CSVN giam giữ trái pháp luật mà chẳng có hành động gì đáng kể để bảo vệ công dân mình...Thật là đáng thất vọng !!!
Đăng nhận xét