Đinh Tấn Lực
“Quyền lực có thể tạm ém sự thật. Nhưng mà quyền lực thì có lúc lụi tàn, trong khi sự thật vẫn y nguyên và trước sau gì cũng sẽ hiển lộ”.
Giám quan Thư Long Kỳ, trong bộ phim truyền hình
dã sử cổ trang Hàn quốc Dong-Yi.
Báo QĐND, với tiêu chí “vì nhân dân phục vụ…”, hiện dồn sức đẩy mạnh chiến dịch phòng thủ be bờ với bài chính luận lộ hàng hoành tráng chưa từng thấy, nhân dịp lễ Phục Sinh năm nay: Chống “Diễn biến hòa bình” – Nhiệm vụ quan trọng.
Bài báo khẳng định rằng khái niệm diễn biến hòa bình dứt khoát “không phải là con ngáo ộp”, mà là sản phẩm thần kỳ của G.Kaiman, một tay “chiến lược gia xuất sắc nhất của Hoa Kỳ (thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai)”, với chủ trương thay thế vũ lực bằng nỗ lực đấu tranh ôn hòa làm “thay đổi tính chất chính quyền nhà nước XHCN”.
Nội dung bài chính luận này còn cực lực lên án ý niệm cốt lõi trong quyển “1999-chiến thắng không cần đến chiến tranh” của tác giả R.Ních-xơn (tức cựu TT Mỹ Richard Nixon), trích nguyên văn: “Rốt cuộc sự cạnh tranh giữa các hệ thống xã hội cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải vũ khí”.
Lịch sử thế giới cận đại đã và còn đang minh chứng rằng hai ý niệm (bị báo QĐND đồng thời vừa lên án vừa xiển dương) nói trên là đúng và cực kỳ …lợi hại, suốt già nửa thế kỷ qua, ngay trong hiện tại, và còn rất cao xác suất giữ nguyên giá trị trong những năm dài trước mặt. Khởi từ các cuộc cách mạng nhung/cách mạng màu làm thay đổi bản đồ châu Âu… cho tới các vụ tập họp trên đường phố làm nóng cả Trung Đông cùng Bắc Phi hồi đầu năm nay và hiện còn tiếp diễn.
Bức tường Quốc-Cộng ở Bá Linh đã bị kéo sập từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Bức tường Sợ Hãi các chế độ độc tài ở khắp nơi hiện đang lần lượt đổ, và tiếp tục tạo dư chấn làm rung chuyển nhiều khu vực khác. Bất luận là cộng sản hay không cộng sản. Bất luận là đã phát triển, đang phát triển, hay còn thuộc thế giới thứ ba. Bất luận là đang ngồi, đang ngáp hay đang ngáy trong phiên gác canh chừng nền hòa bình thế giới. Bất luận là cương thổ còn nguyên hay đã mất dần biển đảo…
Hệ quả của chuỗi chấn động rung chuyển đó, ở đây, hiển thị qua loạt bài chính luận dồn dập và hoảng loạn như trống hộ đê của tờ QĐND, chính là hợp âm sự chuyển dịch tất yếu của Nỗi Sợ, từ nhân dân sang nhà nước VN.
So với các trường hợp tiền lệ của các bạn Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long v.v… thì, các phiên tòa sơ thẩm cùng hai bản án tiền chế gần đây dành cho các bạn Vi Đức Hồi và Cù Huy Hà Vũ là những nấc thang đỉnh điểm Sợ Hãi của nhà nước CSVN.
Nói theo vị giám quan họ Thư ở thời hoàng cung dậy sóng vào cuối thế kỷ 17 của Hàn quốc, các bản án tiền chế này có thể giữ chân những người xiển dương Sự Thật một thời gian hữu hạn nào đó trong bốn bức tường của nhà tù nhỏ, nhưng nhất định là không tài thánh nào giam được chính Sự Thật, hay ngăn được sức lan tỏa của Sự Thật đã thấm đẫm lòng dân cả nước.
Ngoài độ tuổi trung niên sung mãn ý chí, tri thức và nghị lực, những vị thức giả dũng cảm gióng tiếng cho Sự Thật đó còn có những điểm chung nào khác đã dồn hoàng cung Ba Đình ngày nay vào cơn khủng hoảng tâm thần?
Họ không ấp úng nhân danh lòng yêu nước. Họ công khai hiển thị hành động yêu nước.
Họ nghi ngờ cây thước đo công/tội cận đại. Họ phân ranh rõ ràng lợi/hại cho đất nước.
Họ gác qua bên cái biểu đồ thương/ghét. Họ phân định rạch ròi mọi việc đúng/sai.
Họ chẳng cần núp bóng các thần tượng một thời. Họ cất cao tiếng nói của Lương Tâm.
Họ bước qua mọi ngăn kệ toàn tập. Họ rọi đèn và vinh danh Sự Thật.
Họ cất đi những khuôn đúc giáo điều. Họ yêu cầu thực thi Công Lý.
Họ trân trọng tài nguyên đất nước. Họ phanh phui các âm mưu xà xẻo.
Họ khát khao một xã hội nhân bản. Họ phủ nhận mớ quyền lực tham/ngu.
Họ hết lòng yêu quý đất nước. Họ nhất mực đòi giữ biển đảo quê hương.
Họ hiểu rõ nguy cơ bùn đỏ. Họ phản biện chủ trương khoán đất Tây Nguyên.
Họ phản đối cho thuê rừng đầu nguồn.
Họ vạch trần âm mưu dâng hiến cương thổ cho ngoại bang.
Họ quyết tâm ngăn chận hiểm họa Bắc Thuộc.
Họ tạm quên ấm êm và bất chấp ngục tù.
Họ cất công xây dựng bệ phóng cho đất nước cất cánh.
Họ rèn luyện cho nhau kỹ năng đấu tranh bất bạo động.
Họ đã điểm vào tử huyệt của độc tài.
Nixon nói chí phải: “Cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải vũ khí”.
Cù Huy Hà Vũ và Vi Đức Hồi chưa hẳn đã từng gặp mặt nhau, nhưng đã giao thoa tư tưởng, và hiện đang cùng đối mặt với một hệ thống bạo lực tự nó biết rất rõ là đã bị cắt cùn móng vuốt.
Rõ ràng, vận nước “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có”.
Điểm đáng hãi là ở thời này, chính nghĩa dân chủ ngày một sáng, hào kiệt hiển lộ ngày một đông, quan trọng hơn nữa, lại được quần chúng nhân dân hết lòng hỗ trợ.
Họ không nhẫn nha chờ đọc lịch sử. Họ đang sát cánh làm lịch sử.
Không hãi mà được à?
Người ta đo lường độ cùn của bạo lực và độ hãi của nhà nước bằng
chính sức nặng của các bản án tiền chế.
Giờ này có lẽ các ngả tư đường và vỉa hè quanh tòa án đã đặc nghẹt công an. Phiên phúc thẩm của bạn Vi Đức Hồi đang sắp bắt đầu…
26-4-2011
Blogger Đinh Tấn Lực
1 comments:
"Họ" càng ngày càng đông.
"Họ" càng ngày càng dùng từ chính xác hơn, "nhường nỗi sợ hãi" lại cho kẻ gian.
"Họ" giờ, trái với xưa và thời gian trước đây một chút, "viết" nhiều hơn là "lách". Không ít người trong số "họ" chẳng còn thấy cần "lách" nữa nên thẳng thừng. Và đúng như bác Lực nhận xét, "họ" không còn nhẫn nha chờ đọc mà đang đi làm lịch sử.
Mời mọi người bước vào trang sử nước nhà! Không phải để nổi tiếng, mong danh lợi mà chỉ đơn giản là làm bổn phận công dân, làm người lính của Hai Bà
"cùng đứng trên bờ ôm nhau khóc,
khi Nhị Trưng sông Hát trầm mình" (thơ Bắc Phong).
Đăng nhận xét