Nhà Thơ BÙI CHÁT: “…Tương lai của các nền văn hóa bao giờ cũng thuộc thuộc về những vùng ngoại biên”

Song Chi phỏng vấn Bùi Chát

Nhà thơ Bùi Chát
Nhà thơ Bùi Chát, sinh năm 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa-Đồng Nai, tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp HCM năm 2001. Anh là một nhà thơ tự do và nhà hoạt động xuất bản độc lập, hiện sống tại Sài Gòn.

Nhắc đến Bùi Chát là nhắc đến nhóm Mở Miệng được thành lập năm 2001 gồm các nhà thơ thành viên: Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. Cái tên “Mở Miệng” là do Bùi Chát đặt, anh cũng là người đề xướng các khái niệm “thơ rác”, “thơ nghĩa địa”… Bùi Chát cùng với Lý Đợi là hai thành viên trụ cột của nhóm, đồng khởi xướng và cổ xuý cho phong trào in tác phẩm photocopy tại Việt Nam, đồng sáng lập Giấy Vụn - nhà xuất bản chuyên in ấn & phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền.

Cho đến nay, NXB Giấy Vụn đã xuất bản được khá nhiều ấn phẩm. Trong đó, bản thân Bùi Chát đã cho ra đời các tập thơ cá nhân: Xáo chộn chong ngày (tập thơ), nhà xuất bản Giấy Vụn 12/2003; Made in vietnam (conceptual art), 2004; Tháng tư gãy súng (tập thơ), nhà xuất bản Giấy Vụn 12/2005; Xin lỗi chịu hổng nổi (tập thơ nghĩa địa), nhà xuất bản Giấy Vụn 12/2007; Bài thơ một vần (tập thơ song ngữ Việt - Anh), nhà xuất bản Giấy Vụn 09/2009; các tác phẩm in chung với người khác gồm có: Vòng tròn sáu mặt (tập thơ in chung 6 tác giả), nhà xuất bản Giấy Vụn 1/2002; Mở miệng (tập thơ in chung 4 tác giả), nhà xuất bản Giấy Vụn 6/2002; Khoan cắt bê tông(tập thơ in chung 23 tác giả), nhà xuất bản Giấy Vụn 9/2005;Có jì dùng jì có nấy dùng nấy (tập thơ in chung 47 tác giả), nhà xuất bản Giấy Vụn 10/2007…


Vào tháng 12.2010, Bùi Chát có dịp qua Berlin tham gia một chương trình giao lưu văn học. Gọi điện thoại cho tôi từ thành phố Köln (Đức), rồi Paris (Pháp) nhưng phải đến khi Bùi Chát về lại Việt Nam, anh mới có thì giờ trả lời những câu hỏi của tôi. Và đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi…


1. SC: Được biết vừa rồi nhà văn Võ Thị Hảo, nhà thơ Bùi Chát và blogger Người Buôn Gió được mời sang Berlin trong một chương trình giao lưu văn học. Bùi Chát có thể nói rõ hơn về chuyến đi, những hoạt động của mình cũng như của ba người trong chương trình này?

Bùi Chát (BC): Vâng, chúng tôi được trung tâm văn học Literaturwerkstatt (xưởng văn) tại Berlin mời trong khuôn khổ chương trình Văn học đến từ Việt Nam do bộ Ngoại giao Đức tài trợ. Chương trình diễn ra trong hai đêm 24 và 25/12/2010, được mời tham dự ngoài những người từ trong nước còn có hai nhà văn gốc Việt là Monique Truong và Kim Thúy đến từ Mỹ và Canada.

Công việc của tôi, chị Võ Thị Hảo, anh Bùi Thanh Hiếu (blogger Người Buôn Gió) trong đêm 24/12 là đọc tác phẩm và trao đổi với khán giả…, nói chung cũng đơn giản thôi.

2. SC: Những câu hỏi của khán giả người Đức hôm đó chủ yếu xoay quanh những vấn đề gì? Theo anh, họ quan tâm gì đến Việt Nam và văn học Việt Nam?

BC: Những câu hỏi được đặt ra trong buổi gặp gỡ hôm đó xoay quanh nhiều vấn đề từ quan điểm thẩm mỹ đến chỗ đứng của văn chương hiện nay, mối tương quan giữa nghệ sĩ và chính quyền, khó khăn của những người cầm bút ở Việt Nam, hệ thống xuất bản và công chúng…, gồm những câu hỏi riêng cho từng tác giả và những câu hỏi chung. Theo tôi quan tâm chính của những người tham dự vẫn là tự do sáng tác ở Việt Nam, văn chương mạng và giới bloggers.

3.SC: Trở lại với công việc sáng tác của Bùi Chát. Tác phẩm mới nhất “Bài thơ một vần” của anh đã nhận được những ý kiến khen chê như thế nào của đồng nghiệp và đã đi được những đâu hay chỉ trong vòng bạn hữu, độc giả thân quen?

BC: Ý kiến về tập “Bài thơ một vần” cũng đa dạng lắm, khen chê đều có cả, nếu để ý chị cũng thấy nhiều diễn đàn có bài viết về tập thơ, nhìn chung là đánh giá tốt, nhất là từ phía đồng nghiệp. So với các tác phẩm trước, “Bài thơ một vần” có lẽ dễ được độc giả chấp nhận hơn.
Việc tập thơ đi tới những đâu thì tôi thực sự không thể kiểm soát được, ngoài việc gửi tặng bạn bè và công bố trên mạng, “Bài thơ một vần” còn được Eva Tas Books ở châu Âu in lại vào năm 2010 cùng với “Khi kẻ thù ta buồn ngủ” của Lý Đợi.
Lý Đợi, một trong những thành viên
trụ cột của nhóm Mở Miệng

4.SC:  Được biết “Bài thơ một vần” là một trong những ấn phẩm gần đây của NXB Giấy Vụn. Cho đến nay Giấy vụn đã xuất bản được bao nhiêu ấn phẩm?

BC: Sau “Bài thơ một vần” Giấy Vụn còn cho ra đời nhiều ấn phẩm nữa, có thể kể: “Bài thơ của một người yêu nước mình” của Trần Vàng Sao, “Khi kẻ thù ta buồn ngủ” của Lý Đợi, “Trại súc vật” của George Orwell qua bản dịch Phạm Minh Ngọc, và “Trước khi thành giấy vụn” của Trúc-Ty.
Đến nay nhà xuất bản Giấy Vụn đã ấn hành tổng cộng gần 30 tác phẩm.

5. SC: Anh có thể kể lại cho độc giả người Việt ở nước ngoài nguyên nhân từ đâu, ý tưởng nào dẫn đến việc ra đời của NXB Giấy vụn, những công việc mà Giấy vụn đã làm được trong thời gian qua và những khó khăn, hệ lụy từ đó?

BC: Việc ra đời Giấy Vụn gắn liền với những thực hành nghệ thuật của nhóm Mở Miệng, chúng tôi muốn tạo ra một kiểu thơ khác, một thứ nghệ thuật từ đời sống, một thái độ đối với nhiều vấn đề của đời sống này. Và để những thực hành nghệ thuật này đến với công chúng nhất thiết phải có một nhà xuất bản (lúc đó các trang mạng chuyên về nghệ thuật chưa có, hoặc chúng tôi không biết là có), mà làm thơ kiểu Mở Miệng thì chỉ có thể in theo kiểu Mở Miệng, thế là Giấy Vụn ra đời, mục đích ban đầu chỉ đơn giản thế. Sau này khi Giấy Vụn in tác phẩm của các nghệ sĩ ngoài Mở Miệng và in nhiều thể loại khác nhau thì mục đích đã không còn như ban đầu nữa, nó được nới rộng rất nhiều.

Những điều làm được của Giấy Vụn thì không ít, nhưng cái mà tôi muốn nhấn mạnh là thông qua sự tồn tại của mình, nxb Giấy Vụn đã giúp nhiều nghệ sĩ sáng tác ra những tác phẩm trung thực với suy nghĩ & quan điểm của mình, giúp cho nhiều tầng lớp độc giả thể hiện quyền tự do tìm kiếm, lựa chọn & đọc những những tác phẩm theo ý muốn của mình. Góp phần xây dựng một thế hệ công chúng độc lập, ngày càng có cái nhìn khách quan, tỉnh táo & hoàn toàn không bị kiểm soát hoặc lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông của chính phủ.

Khó khăn thì luôn đồng hành với chúng tôi từ khi Giấy Vụn ra đời, nói ra thì rất khó và rất nhiều, đành khất lại vậy.

6. SC: Tiếp theo sau Giấy Vụn, cho đến nay đã có những “nhà xuất bản độc lập” nào kiểu như vậy và đã xuất bản được những ấn phẩm nào?

BC: Rất nhiều các nhà xuất bản độc lập khác đã ra đời và hoạt mạnh, dĩ nhiên trong một lúc không thể nhớ hết được nhưng cũng xin kể vài trường hợp: Nhà xuất bản Tùy Tiện của Bỉm, đến nay đã cho ra đời 8 đầu sách: Ch[tr]ào (thơ Bỉm – 2007), Vết bẩn (thơ Michelia – 2007), 7749 (tập thơ của 7 tác giả - 2008), Thực thể mòn ruỗng tôi (thơ Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - 2009), Phụt (thơ Bỉm – 2010)…. Nxb Cửa của nhóm các anh Trịnh Cung, Nguyễn Viện... cũng được gần chục đầu sách: Nội tình cái hẻm/Thơ từ từ điển (thơ của Trịnh Cung/eL. – 2008), 26 lần tờ bờ lờ (tiểu thuyết Nguyễn Viện – 2008), Cơn bấn loạn bằng phẳng (tiểu thuyết Nguyễn Viện – 2008)… ngoài ra ở Sài Gòn còn các nhà xuất bản khác như Lề bên trái của nhà văn Đào Hiếu, Vỉa Hè của nhà văn Nguyễn Đình Bổn, Lá Chuối của nhạc sĩ Tuấn Khanh, Một Mình của nhà văn Cung Tích Biền, nxb @ của nhà văn Bùi Hoằng Vị, Eutopia của nhà thơ Lê Hải, Lưu Ly của nhà thơ Âu Thị Phục An, Dieucay Books của nhóm anh em thân thiết với nhà báo tự do Hoàng Hải (blogger Điếu Cày), nxb Maya của Đoàn Quỳnh Như, nxb Kông Kốc, nxb Tân Hình Thức…; ở Bình Dương có nxb Phía Chúng Ta của nhà thơ Lưu Vân…; ở Đà Nẵng có Da Vàng của Huỳnh Lê Nhật Tấn, Minh Châu của Đoàn Minh Châu, Mũi Tên của Liêu Thái…; ở Hà Nội có nxb Bạn Bè…

7. SC: Có vẻ như dòng văn học ngoài luồng phát triển ở phía Nam – nhất là Sài gòn, mạnh hơn ở phía Bắc? Theo anh thì tại sao như vậy?

BC: Đúng là dòng văn chương ngoài luồng phát triển mạnh hơn cả ở Sài Gòn, để lý giải một cách tường tận có lẽ phải bắt đầu bằng lịch sử mấy trăm năm của khu vực này và chắc hẳn phải tốn rất nhiều thời gian. Tôi chỉ muốn nói đến một khía cạnh mà theo tôi rất quan trọng đó là sự cởi mở, luôn chấp/tiếp nhận những yếu tố mới lạ của những cư dân tự do trên một vùng đất ít có truyền thống gắn mình với quyền lực chính trị. Mặt khác người miền nam có đặc tính tốt là luôn hết mình trong mọi việc, nhất là khi đã hết mình vì nghệ thuật thì luôn ý thức rằng phải tin vào nghệ thuật hơn tin vào những khen thưởng của chính quyền.

8.SC: Cho đến nay, chúng ta đã có thể nói là đã có một dòng văn học ngoài luồng ở Việt Nam hay chưa, diện mạo và những khuôn mặt tiêu biểu của dòng văn học này?

BC: Bên cạnh dòng chảy chính thống bao giờ cũng tồn tại một kiểu văn chương ngoài luồng, điều này gần như hiển nhiên ở tất cả các nền văn hóa. Tại Việt Nam, văn chương phi chính thống chỉ trở nên xôm tụ, thậm chí lấn át dòng chính thống khi xuất hiện các phương tiện hiện đại như máy photocopy, computer, máy in cá nhân, và đặc biệt là sự phát triển của internet khoảng hơn chục năm nay. (Xin nói thêm internet là một trong hai sự kiện quan trọng nhất làm thay đổi gần như toàn diện nền văn học Việt Nam, trước đó là sự xuất hiện của báo chí – xuất bản thời Pháp thuộc).

Những khuôn mặt gắn liền với dòng văn chương này ở Việt Nam hiện nay (kể cả những tác giả từng xuất hiện như những nhà văn trong luồng), theo tôi thấy: Cung Tích Biền, Tô Hải, Phan Đan, Trần Vàng Sao, Bùi Hoằng Vị, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, Phạm Mạnh Hiên, Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Nguyễn Quang Tấn, Đoàn Minh Hải, Lê Thánh Thư, Nguyễn Đạt, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Tấn Cứ, Trịnh Cung, nhóm Ngựa Trời, Đào Hiếu, Lê Hải, Trần Wũ Khang, Võ Thị Hảo, Người Buôn Gió, Phạm Lưu Vũ, Đặng Thân, Âu Thị Phục An, Nguyễn Đình Bổn, Thu Phong, Phan Bá Thọ, Vũ Thành Sơn, Vương Văn Quang, Trúc-Ty, Liêu Thái, Bỉm, Trần Thiên Thị, Lê Nguyên Vỹ, Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Na Thị Chua, Lưu Mêlan, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Tam Lệ, Đoàn Minh Châu, Phan Thị Lan Phương, Phạm Vũ Văn Khoa, Tiểu Anh, Chiêu Anh Nguyễn… và dĩ nhiên không thể thiếu Mở Miệng.
Nói một cách công bằng thì văn chương ngoài luồng ngày càng thâm nhập và tác động đáng kể vào dòng chính thống, làm thay đổi cả diện mạo và quan điểm về cách tiếp cận văn chương hiện nay.

9. SC:  Thái độ của chính quyền đối với những hoạt động và những anh em văn nghệ sĩ ngoài luồng, cụ thể trong trường hợp của nhóm Mở Miệng, ra sao?

BC: Thực sự tôi không đủ thông tin để nói chính xác về thái độ của chính quyền đối với nghệ sĩ ngoài luồng, nhưng chắc chắn họ không thích thú gì. Mở Miệng chúng tôi thỉnh thoảng vẫn phải làm việc với bộ phận an ninh, hoặc bị họ theo dõi một cách cẩn thận, chủ yếu họ gây áp lực về mặt tâm lý là chính. Chỉ một chút khó khăn mà bỏ cuộc thì thật phi lý và thật khó để giải thích cho độc giả, tôi nghĩ chính vì thế văn chương loài luồng vẫn còn tiếp tục.

10. SC: Anh có băn khoăn rằng một khi phải chịu cảnh tồn tại vô hình đối với hệ thống truyền thông báo chí nhà nước cũng như trong đời sống sinh hoạt văn nghệ công khai, làm thế nào để văn học ngoài luồng đến được với người đọc rộng rãi hơn và từ đó truyền tải được những gửi gắm của tác giả?

BC: Để tác phẩm của những nghệ sĩ ngoài luồng đến được với độc giả một cách rộng rãi dĩ nhiên là có nhiều cách, tùy theo kinh nghiệm và cách phát hành của mỗi người, vấn đề là độc giả thực sự có nhu cầu đọc tác phẩm ngoài luồng hay không. Không chỉ riêng tôi, hầu như ai góp mặt vào dòng chảy phi chính thống cũng đều băn khoăn những điều như chị đã đề cập, cái hay nhất là mọi người đều biết chắc rằng cho dù là vô hình nhưng mình vẫn đang hiện hữu và ngày càng làm cho mọi sự rõ ràng hơn.

11. SC: Theo anh, có một cơ hội nào cho sự phát triển của dòng văn học ngoài luồng ở VN trong vòng năm, mười, thậm chí hai mươi năm nữa không?

BC: Người ta vẫn nói tương lai của các nền văn hóa bao giờ cũng thuộc về những vùng ngoại biên, nó luôn vận động và chỉ ngừng phát triển khi trở thành dòng chính. Tôi có thể chia sẻ được ít nhiều từ quan điểm trên, và cũng từ những quan sát của mình tôi thấy thông qua mạng lưới internet, sự phát triển văn chương phi chính thống đã giành được sự quan tâm đáng kể từ phía công chúng, tôi nghĩ một tác phẩm in ở các nhà xuất bản chính thống 1500 – 2000 bản chưa chắc có nhiều người đọc như Lạc đường của Đào Hiếu, hay Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

SONG CHI
3-1-2011
_____________________

GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA NHÀ THƠ BÙI CHÁT:
4 bài thơ chọn từ tập “Bài thơ một vần”, nxb Giấy Vụn 2009

Thói

- Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/chồng chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được thở nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bình đẳng trước pháp luật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được suy nghĩ khác với các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chống tham nhũng nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do ngôn luận nhé!
- Các ông cho chúng tôi được lập hội vỉa hè nhé!
- Các ông cho chúng tôi được viết bài thơ này nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ghét các ông chống đối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do biểu tình nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bầu cử tự do nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc nhé!
- Các ông cho chúng tôi được học ngoại ngữ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa – Trường Sa nhé!
- Các ông cho chúng tôi được giỏi hơn các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi chùa đi nhà thờ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đọc bản Tuyên ngôn nhân quyền nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sở hữu mảnh đất tổ tiên chúng tôi để lại nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tố cáo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được là người Việt Nam nhé!
- Các ông cho chúng tôi được giữ gìn truyền thống nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu thêm gia đình bạn bè ngoài các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xây dựng đất nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết diện tích mặt đất và biển đảo của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết tên của đất nước chúng tôi 20 năm nữa nhé!
- Các ông cho chúng tôi được không theo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sống riêng tư không bị dòm ngó nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đá đít các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi bằng đôi chân của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xuất bản bài thơ này sau khi viết xong nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé!
- Các ông cho chúng tôi được từ chối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ước gì chúng tôi chẳng ước điều gì nhé!
- Các ông cho chúng tôi được mưu cầu hạnh phúc và mưu cầu không hạnh phúc nhé!
- …………………………...
Xin các ông/bà
Các ông/bà đừng xin chúng tôi nữa!

Man Teiv

Em đổ bộ vào tôi
Như những cuộc chiến
Ôi Man Teiv

Là một dân tộc cô đơn!?
Đã theo tôi vào từng giấc ngủ
Man Teiv
Khi anh em chúng ta xuống đường đòi đất
Đòi biển đảo và bị đàn áp
Ai đã khóc giùm họ
Ai đã ngăn dòng nước mắt của biển
Chảy đi đâu những giọt máu đào
Man Teiv

Có thể một hôm nào đó thức dậy
Em đã bay đi theo Gióng, chẳng ngại ngần
Thì Man Teiv. Tôi ơi!
Còn bao chiến trường khác dai dẳng em để lại


Cộng sản là cái quái gì cóc cần biết, nhưng chắc chắn…

Sau cộng sản là sự sống chồng sự sống
Sau cộng sản là ngày dài vô tư không ngã rẽ
Sau cộng sản là ngẩng cao đầu
Sau cộng sản đi không trở lại
Sau cộng sản có người buồn bã không định hướng
Sau cộng sản là định mệnh
Sau cộng sản tạm thời chưa ai rõ
Sau cộng sản là cộng trừ nhân chia nhiều cấp độ
Sau cộng sản là em yêu tôi đâu cần chứng
Sau cộng sản là nhà xuất bản Giấy vụn quang vinh mười lăm năm
Sau cộng sản là niềm tin ơi chào mi
Sau cộng sản ánh sáng cởi mở

Khi đó chúng ta thoải mái làm người

Hoa sữa

Đến từ đâu
Nồng, tanh. Hoa sữa
Nào phải ai cũng đều được biết

Trông thấy dáng cây từ xa, tôi thiệt sự muốn chết
Hoa sữa gợi nỗi đau chuyện bị chèn ép
Chúng cướp dưỡng khí, dường cô lập tôi giữa rừng người

Trong những bài thơ và những bài hát
Ngợi ca hoa sữa. Khiến thời gian nực cười
Vẻ lãng mạn tồi tàn
Mùi hoa nhắc nhớ mùa thu đương trị

Đã quen với việc hiện diện của chúng
Người ta có thể dễ chấp nhận. Trên mảnh đất này
Một kiểu chánh trị đậm mùi. Hoa sữa

1 comments:

Nền văn học ngoài luồng là bàn tay kéo phăng bức màn tre bưng bít sự thật do các chế độ độc tài dựng lên. Nhờ internet và những thành tựu về mặt tin học như điện thoại di động đầy đủ chức năng, skype, dụng cụ vượt tường lửa, những bức màn sắt, màn tre đã bị bung từng mảng. Khi tác dụng của bức màn che dấu sự thật không còn, các chế độ độc tài chỉ còn nằm tênh hênh, trần trụi một cách đáng ghét. Và nó sẽ bị vứt vào nơi đã được dọn sẵn cho nói: sọt rác lịch sử.

Sớm thì có Đông Âu, Liên Xô, Mông Cổ. Muộn hơn một tí là Trung Đông và Bắc Phi. Rồi cũng phải tới TQ và Việt Nam thôi.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More