Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang trả lời phỏng vấn đài Chân Trời Mới: Như dã thú ăn thịt con mình
Nguyễn Thanh Giang
Hoàng Long: Trong suốt khoảng thời gian qua, chúng ta đều đã được biết đến những sự kiến nóng bỏng tại Việt Nam, gần đây là việc xét xử Ts. Luật Cù Huy Hà Vũ tại thành phố Hà Nội vào ngày 4 tháng 4 năm 2011. Xin Tiến sĩ có thể cho quý thính giả của Đài được biết cách nhìn của Tiến sĩ về vụ xử vừa nêu?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Vâng, vụ xử Ts. Cù Huy Hà Vũ ngày 4 tháng 4 vừa qua đã làm dấy lên như một cao trào về sự phản đối cái tính chất bất hợp lý của phiên tòa sơ thẩm đối với Ts. Cù Huy Hà Vũ ngày hôm đó.
Từ những bậc lão thành cách mạng kỳ cựu trong cuộc cách mạng vô sản là Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh . Cụ nói rằng: từ Cách Mạng tháng 8 đến bây giờ chưa có cuộc xử nào mà để lại nhiều tiếng xấu để cho dư luận nhiều nước phản đối đến như thế; Cụ ấy bảo rất lấy làm xấu hổ. Đấy là từ một Cụ già cách mạng lão thành. Cho đến giáo sư toán học Ngô Bảo Châu còn trẻ và được ăn học tại các nước phương tây, và hiện bây giờ là giáo sư ở các nước Pháp, Mỹ… cũng phải thốt lên rằng người ta không còn có một cách nào để làm nhục quốc thể như là cái phiên tòa ấy. Nhà giáo Phạm Toàn vốn là một nhà giáo rất mô phạm, vốn là nhà văn Châu Diên rất nhân ái; nhưng rồi vụ xử ấy làm cho ông ấy khi đài RFI và đài RFA hỏi thì đã không kìm được sự bực tức, mà ông đã gọi phiên tòa đó là “phiên tòa lưu manh”. Những dư luận như thế đủ chứng tỏ đấy là một phiên tòa xấu xa đến cái mức như thế nào.
Hoàng Long: Cũng xuyên qua phiên tòa mà nhà cầm quyền CSVN đã nói là một phiên xử công khai, thế nhưng họ cũng đã bắt bớ trên 30 người, và trong những người bị bắt bớ đó thì có Ls. Lê Quốc Quân và Bs. Phạm Hồng Sơn và họ đã giam một cách trái phép hai người chiến sĩ trẻ này trong vòng 10 ngày và tịch thu một số tài sản cá nhân cũng như có hành hung Ls. Lê Quốc Quân. Tiến sĩ có thể cho biết cảm nghĩ về những vụ bắt bớ trước một phiên tòa được gọi là “công khai” như vậy hay không thưa Tiến sĩ?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Phiên tòa ấy đã chà đạp lên công lý và sự thật một cách trắng trợn. Tuyên bố rằng toà xử công khai, nhưng không những không ai được vào mà đến nỗi không ai được đi qua chỗ phiên toà ấy. Hàng nghìn người ở các ngã đường bị chặn lại, làm tắt nghẽn cả giao thông, và làm nhiều người có việc muốn đi qua đấy thôi mà cũng không được qua. Thực trạng ấy đã gây nên tiếng vang trâng tráo về sự đối lập giữa lời tuyên bố với sự thật. Đặc biệt, trong khi phiên tòa chưa xử thì ở ngoài này họ đã bắt bớ hàng loạt người; người thì nói 30, người thì nói đến 60 người bị đầy lên ô-tô đưa sang một cái trại giam ở ngoại thành. Trong đó đặc biệt dã man nhất là họ đã bắt và đồng thời đánh đập Bs. Phạm Hồng Sơn và Ls. Lê Quốc Quân. Ngay lúc họ bắt Phạm Hồng Sơn thì Phạm Hồng Sơn đã gọi điện cho tôi và phàn nàn rằng họ đánh ngầm Phạm Hồng Sơn và một số người rất hiểm. Còn với Ls. Lê Quốc Quân thì một số người đã kể về chuyện họ đánh đập Ls. Lê Quốc Quân một cách thật tàn nhẫn. Như vậy chứng tỏ họ không những chà đạp nhân quyền mà còn chà đạp lên công lý, lên lẽ phải, lên pháp luật của chính nước Việt Nam chúng tôi.
Hoàng Long: Thưa Tiến sĩ, cũng trong vụ bắt bớ những người một cách trái phép, cụ thể là Bs. Phạm Hồng Sơn và Ls. Lê Quốc Quân thì đã dấy lên một làn sóng của những buổi cầu nguyện tại nhiều giáo xứ khác nhau, mà khởi đầu tại Giáo xứ Thái Hà tại thành phố Hà Nội. Theo cách nhìn của Tiến sĩ thì đây có phải là dấu hiệu cho thấy rằng người dân đã bắt đầu thấy những việc làm sai trái của nhà cầm quyền CSVN qua những hành động côn đồ của bộ máy công an hay không?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Không phải bây giờ người dân mới bắt đầu thấy những hành động sai trái của cái gọi là “chuyên chính vô sản” của ĐSVN, mà người ta thấy từ lâu rồi; nhưng nó đã bị nén chịu lại, và người ta sợ sệt, không dám bộc lộ, chứ cái chuyện người ta thấy thì lâu rồi. Điều tệ hại là càng ngày họ càng trắng trợn, càng lộ liễu, càng tàn bạo. Cho nên bây giờ sức phản ứng đã lan truyền từ cái gọi là dân oan cho đến trí thức. Không chỉ trí thức ngoài đảng, mà trí thức trong đảng. Không chỉ là trí thức xã hội học mà cả trí thức khoa học tự nhiên … cho đến cả những người từng là lãnh đạo trong đảng CSVN. Không chỉ những người lãnh đạo thấp mà những người lãnh đạo đã từng ở các vị trí cao, như các cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, và kể cả những uỷ viên BCT như ông Nguyễn Văn An. Cho nên, việc họ chà đạp lên Hiến pháp, luật pháp, đạo lý, quyền con người đã làm dấy lên một làn sóng phản đối, một sự căm phẫn, một sự phản ứng mạnh mẽ ngày càng mạnh trong toàn thể nhân dân Việt Nam.
Hoàng Long: Chúng ta được biết rằng vào ngày 26 tháng 4 Tòa án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ đưa ra một vụ án khác, đó là vụ án Phúc thẩm của một nhà dân chủ, ông Vi Đức Hồi. Ông Vi Đức Hồi từng là một đảng viên của trường đảng tại Lạng Sơn. Trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án tỉnh Lạng Sơn đã kết án ông Vi Đức Hồi một bản án khá nặng nề. Tiến sĩ có thể cho biết nhận định về vụ án này được không ạ?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Hôm nghe Ls. Trần Lâm thông báo cho tôi kết quả cuộc xử Sơ thẩm của Vi Đức Hồi thì tôi thực sự là choáng váng, và tôi không thể nào tưởng tượng được một kết quả nó lại trớ trêu đến mức như vậy. Vì hôm xử tôi biết nó cận kề ngày Tết cho nên tôi cũng như Ls. Trần Lâm hy vọng là chuyến này họ xử để rồi thả ngay sau phiên xử để ông Vi Đức Hồi được về ăn Tết. Không ngờ kết quả tàn nhẫn ngoài sức tưởng tượng đến mức như thế. Tám năm tù và 5 năm quản chế là một bản án hoàn toàn vô lý. Sau này tôi chỉ có thể giải thích được rằng có lẽ họ lo sợ quá; họ lo sợ rằng sức phản ứng nó đã lan tỏa không chỉ trong nhân dân và quân chúng bình thường, mà lan tỏa cả đến các đảng viên CS.
Cho nên họ dùng ông Vi Đức Hồi như vật tế thần để dằn mặt các đảng viên khác, vì ông Vi Đức Hồi không chỉ là một đảng viên thường; ông là một cán bộ đảng đã góp phần đào tạo nên những nhà lý luận cho đảng, nên những cán bộ lãnh đạo cho đảng, mà xử ông như vậy tức là muốn dằn mặt những đảng viên CSVN đang có chức có quyền là “hãy coi chừng”, họ sẽ không nương tay bất cứ một trường hợp nào.
Nhưng, việc hoảng hốt như vậy và trở nên tàn bạo như vậy của họ sẽ làm tan nát hết lòng tin của không chỉ người dân, mà cả chính đảng viên ĐCSVN.
Vì sao? Vì họ tàn bạo đối với những người ngoài đảng mà là người dân Việt Nam thì đã là tệ hại rồi. Một đảng mà nói rằng là đảng của toàn dân, đảng là lãnh đạo của đất nước mà lại tàn bạo đối với người dân của mình đã là tồi tệ, là đáng nguyền rủa rồi. Nhưng đảng mà tệ hại với chính đảng viên của mình, không chỉ là đảng viên bình thường, mà là đảng viên ưu tú, đảng viên có công thì khác nào đã ăn thịt con mình. Một người hoặc một sinh vật mà đi ăn thịt sinh vật khác giống loài của mình thì đã trái đạo lý nhà Phật. Một con vật mà đi ăn thịt chính đồng loại của mình, thì đấy là một dã thú kinh khủng, một con vật khốn nạn. Cho nên tôi không thể tưởng tượng được, không thể ngờ được tại sao họ lại xử ông Vi Đức Hồi một cách khốn nạn cao độ đến thế.
Đặc biệt khi tôi nghe chuyện không chỉ là xử tù ông Vi Đức Hồi, mà còn bắt vợ con ông ấy phải nộp trả cho nhà nước 56 triệu đồng vì những khoản tiền mà ông ấy nhận được giải thưởng của Human Rights Watch cùng một số tiền ông nhận hộ để trao lại cho những người khác; trong khi vợ ông chỉ là một giáo viên tiểu học, lương không được bao nhiêu cả; nghèo khổ lại phải nuôi hai người con. Hỏi rằng họ thu khoản tiền ấy để làm gì? Và vì sao lại phải nộp? Ví dụ như họ tịch thu thuốc lá lậu, họ tịch thu những hàng cấm thì họ phải hủy đi. Nhưng bây giờ họ tịch thu 56 triệu đồng của gia đình ông Vi Đức Hồi để làm gì? Để họ tiêu à?... Tàn bạo, dã tâm, man trá đến mức không thể nào tưởng tượng được
Hoàng Long: Trong những ngày qua đã có một Thỉnh Nguyện Thư đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho ông Vi Đức Hồi. Thế thì trong phiên tòa Phúc thẩm sắp tới ngày 26 tháng 4 này, Tiến sĩ có nghĩ rằng ông Vi Đức Hồi sẽ được nhà cầm quyền CSVN lắng nghe qua những chữ ký của bản Thỉnh Nguyện Thư này không?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Tôi hy vọng rằng dù họ có điên cuồng mấy, có lú lẫn mấy thì những tiếng nói phản ứng đối với các phiên tòa xử ông Ts. Cù Huy Hà Vũ và kết quả đảng viên trong ngoài đảng phản ứng về vụ Vi Đức Hồi, cũng làm cho họ phải tỉnh ngộ đôi phần. Và họ sẽ kịp thời sửa sai những sai lầm qúa chừng tệ hại, qúa chừng dã man đối với bản án của Vi Đức Hồi. Cho nên tôi mong rằng bản án của Phúc thẩm sẽ là một bản án chống lại hoàn toàn bản án Sơ thẩm; nghĩa là ông Vi Đức Hồi sẽ được thả tự do ngay sau phiên tòa.
Hoàng Long: Một câu hỏi cuối cùng trước khi chấm dứt buổi phỏng vấn ngày hôm nay: Xuyên qua hai vụ án của Ts. Cù Huy Hà Vũ và vụ án Phúc thẩm sắp tới của ông Vi Đức Hồi thì Tiến sĩ có cách nhìn ra sao về vấn đề tam quyền phân lập tại Việt Nam ạ?
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Có lẽ tôi là một trong một số ít người đã công khai nói sớm nhất điều cần phải thực hiện tam quyền phân lập ở Việt Nam, nhưng điều đó không được tiếp thu vì việc đó nó khác hoàn toàn với cái gọi là “chuyên chính vô sản”. Cái chuyên chính vô sản thực sự là một thứ quái gở, một thứ phản động so với luật pháp của nhân loại, của quốc tế. Ngày nay họ đang nhích khỏi chuyên chính vô sản để xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng họ lại tập trung dân chủ vào cho đảng. Đã tập trung vào chỉ một đầu mối thôi thì không thể sáng suốt được, không thể công tâm được; cho nên tam quyền phân lập là con đường không thể tránh khỏi để giữ cho luật pháp được thượng tôn và đạo lý xã hội được bảo đảm. Tôi tha thiết kêu gọi những người lãnh đạo đảng CSVN hãy nhanh chóng, phải mạnh dạn, hãy vì lương tâm mà nhanh chóng thực hiện chế độ là tách ba quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp ra để tư pháp có thể độc lập; xét xử được độc lập, giữ đạo lý và công lý cho xã hội Việt Nam.
Hoàng Long: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã dành cho đài cuộc phỏng vấn này, và xin chúc Tiến sĩ luôn tràn đầy sức khoẻ.
Ts. Nguyễn Thanh Giang: Tôi xin cảm ơn quý vị thính giả đã để thì giờ nghe buổi trả lời phỏng vấn này.
0 comments:
Đăng nhận xét