Tòa Bến Tre sắp xét xử 7 nhà dân chủ

Gia Minh, biên tập viên RFA

Dự kiến ngày 30/5, tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre sẽ xét xử bảy người. Trong số này có ba người bị cho là thành viên của Đảng Việt Tân, một tổ chức có trụ sở tại Mỹ và bị chính quyền VN cho là khủng bố.

Trước khi phiên xử diễn ra, Gia Minh hỏi chuyện thân nhân và luật sư của một trong bảy bị cáo, cũng như một người khiếu kiện lâu nay và có biết những bị cáo.

Giúp dân oan là có tội

Bảy người gồm mục sư Dương Kim Khải phụ trách một hội thánh Tin Lành Memnonite tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, và Trần Thị Thúy ở Đồng Tháp, ông Nguyễn Thành Tâm, Phạm Văn Thông, Nguyễn Chí Thành, Cao Văn Tình và bà Phạm Thị Hoa. Những người này bị bắt hồi giữa năm ngoái và bị giam tại Bến Tre từ đó cho đến nay.

Mục sư Dương Kim Khải, Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm được nói là thành viên của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Việt Tân.

Theo cáo trạng thì những người trên bị cáo buộc âm mưu lật đổ chế độ theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Kể từ khi bị bắt cho đến nay gần một năm, nhưng thân nhân của những người vừa nói không được gặp mặt như trình bày của anh Trần Thanh Tuấn, em của bà Trần Thị Thúy sau đây:

“Từ ngày bị bắt đến giờ chỉ gửi quà chứ chưa được gặp mặt.”

Luật sư Huỳnh Văn Đông là người nhận bào chữa cho bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông, cho biết mức độ được tham gia để chuẩn bị bào chữa cho hai người này trước tòa như sau:

“Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre chỉ cho chúng tôi đọc hồ sơ, ghi chép, nhưng không cho chúng tôi sao chụp những tài liệu đó. Tôi thấy rằng như vậy là trái qui định của pháp luật; tuy nhiên chúng tôi cũng có đủ thời gian để nghiên cứu hồ sơ một cách thoải mái.”

Mẹ của bà Trần Thị Thúy trình bày lại sự việc cơ quan chức năng đến bắt giam bà Thúy, cũng như những hành xử đối với gia đình bà:

“Khi không cả mấy chục người ùa lên đầu trên, đầu dưới bắt và còng trói mẹ con tôi. Chuyện oan ức của gia đình tôi liên quan đến mấy chục công đất ở dưới Tam Nông, họ lấy đất của mẹ tôi, chị tôi và của tôi mấy chục năm nay. Khu sau hè nhà tôi bồi thường có 10.500 tôi không nhận tiền. Giờ làm như vậy bức xúc gia đình tôi quá.”

Mục sư Dương Kim Khải phụ trách hội thánh
Tin Lành Memnonite tại quận Bình Thạnh



Anh Trần Thanh Tuấn bày tỏ quan điểm về những việc làm của chị Trần Thị Thúy:

“Chị giúp hướng dẫn cho những người dân không biết để viết đơn từ. Thực sự chị tôi không làm điều gì vi phạm điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền. Việc giúp cho dân oan lẽ ra chị tôi là người có công chứ không phải có tội.”

Nạn nhân thành tội phạm?

Về những hoạt động của bà Trần Thị Thúy, cũng như của ông Phạm Văn Thông bị phía kiểm sát buộc vào điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam thì luật sư Huỳnh Văn Đông có lập luận:

“Qua xem xét hồ sơ và qua tiếp xúc với hai khách hàng của mình trong trại, cả chị Thúy và anh Thông đều không thừa nhận hành vi đó là hành vi phạm tội. Cáo trạng và kết luận điều tra chỉ dựa chủ yếu vào một điểm là hai người đã tham gia vào tổ chức Đảng Việt Tân. Theo nhận định của nhà nước Việt Nam thì tổ chức Việt Tân là ‘phản động, chống đối Nhà Nước’, thì chị Trần Thị Thúy tham gia Đảng Việt Tân mặc nhiên phạm tội. Đó là ý mà trong cáo trạng và kết luận điều tra mà tôi nhận thấy. Ngoài ra những hành động cụ thể của hai khách hàng của tôi thì họ chưa làm gì hoặc làm những việc có ích cho xã hội. Đơn cử như cơ quan chức năng có thu giữ hoặc họ có khai báo chuẩn bị phát tán những tài liệu khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Quy kết những hành vi đó là âm mưu lật đổ chính quyền, chúng tôi thấy không thuyết phục.”


Mặc dù nhận bào chữa cho bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông, luật sư Huỳnh Văn Đông có ý kiến như sau:

"Tôi không tin tưởng sẽ có sự thuyết phục đối với Hội đồng Xét xử của Việt Nam. Qua kinh nghiệm của tôi với những vụ án như thế này, các tòa án khác theo tôi làm theo chỉ đạo buộc tội những người này, nên phiên xử chỉ mang tính hình thức mà thôi. Bây giờ tôi có thể khẳng định là mỗi người đã có bản án riêng cho họ rồi.
Về bản án nặng hay nhẹ tùy theo tòa, chúng tôi không thể đưa ra nhận định họ phải chịu bao nhiêu năm tù; nhưng chắc chắn một điều là những hành vi, hoạt động họ không được đánh giá một cách đúng. Những án tù mà họ bị mang trong phiên xử sắp tới là điều chắc chắn.”


Một người khiếu kiện nhà đất suốt 18 năm nay, bà Bảy Lượng tại An Giang, từng biết bảy người sắp ra tòa cho biết ý kiến về phiên xử sắp đến:

“Những người dân đi khiếu kiện là nạn nhân bị mất mát chứ không phải tội phạm. Tại sao đưa ra tới tòa xử? Tôi phải bằng mọi cách đến để xem tòa xử thế nào? Tại sao đưa họ ra xử làm tôi ngạc nhiên quá.
Tôi không tin tưởng vào công lý ở đây, vì ở đây không có công lý. Rồi cũng không có luật pháp. Tôi rất vô vọng, không còn tia hy vọng gì. Nhưng như trong gia đình tôi mà cha mẹ bức xúc quá với con cái, thì tôi tin tưởng những người láng giềng sẽ không bỏ tôi.”


Tại những quốc gia mà ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp có sự độc lập rõ ràng, thì những phiên xét xử tại tòa được người dân kỳ vọng rất nhiều, bởi tại đó công lý sẽ chiếm thế thượng phong, và công - tội sẽ được tranh biện một cách minh bạch. Tuy nhiên, những phiên xử như phiên sắp diễn ra đối với bảy người đang bị giam ở Bến Tre, cả những người trong và ngoài cuộc đều có thể hình dung ra trước kết cục của phiên xử và bản án sẽ tuyên.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More