Võ sư Đặng Thông Phong và môn võ biểu tượng của nhân nghĩa

Chu Tất Tiến

GS Đặng Thông Phong

Ngày 14 tháng 8 năm 2010, Võ Sư Đặng Thông Phong kỷ niệm 60 năm theo nghiệp võ. Trừ những môn võ cổ truyền dân tộc đã có từ cả ngàn năm trước và đã được truyền lại cho những võ sư có gần cả đời người tung hoành võ học, đây là lần đầu tiên trong lịch sử võ thuật được phổ biến ở Việt Nam Cộng Hòa có một ngày kỷ niệm đặc biệt như thế. Sau khi miền Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, không còn bị đô hộ bởi người Pháp và không bị khống chế bởi Việt Minh Cộng Sản, các môn võ Việt Nam dần dần trở lại võ đường. Bên cạnh môn Boxing của Âu Châu, là sự du nhập của các môn võ ngoại quốc mà chủ yếu là Đại Hàn và Nhật Bản. Các môn võ này đã bước đầu được người Việt yêu thích và dần dần biến thể, trở thành những môn võ chính trong các võ đường, các trường học, và các đơn vị quân đội. Võ sư Đặng Thông Phong là một trong những “bậc tiền bối” khai phá các môn võ ngoại này, nổi bật nhất là Hiệp Khí Đạo (Aikido), Nhu Đạo (Judo), và Thái Cực Đạo (Karate). Ông cũng là một trong những võ sư Đệ Tứ Đẳng của môn Kiếm Đạo (Kendo).
Về phía võ dân tộc, cùng với vài vị trưởng thượng, Võ Sư Đặng Thông Phong là một trụ cột của một môn võ Việt Nam độc đáo: Hàn Bái Đường, môn phái nổi danh một thời Trấn Sơn, Bảo Quốc. Vị Tổ Sư của môn võ này, Đại Võ Sư Lê Bái, đã từng làm rạng danh dân Việt trên các võ đài của người Trung Hoa. Tổ Sư Lê Bái đã từng đoạt chức vô địch tại những miền Quảng Đông và Quảng Tây, nơi tụ họp nhiều võ sư Trung Hoa lừng lẫy. Vì những thành tích hiển hách như thế, Tổ Sư Lê Bái đã được nhà vua tặng cho chữ “Hàn”, từ đó danh hiệu “Lê Bái” được đổi thành “Hàn Bái” và môn võ của ông trở thành Hàn Bái Đường.

Với những danh hiệu lớn lao, Võ Sư Đặng Thông Phong xứng đáng là một trong những bậc tiền bối võ thuật Việt Nam lừng danh. Trong suốt 60 năm theo đuổi, đặt nền móng, và chấn hưng võ nghiệp cho lớp trẻ Việt Nam, Võ sư Đặng Thông Phong chú trọng phát triển nhiều nhất môn Hiệp Khí Đạo, môn võ tiêu biểu cho lòng “Nhân” của một người có tinh thần thượng võ.

“Nhân” có nghĩa là lòng thương người. Nhân còn là nhân nhượng, nhân từ nữa. Môn võ Hiệp Khí Đạo không dậy môn sinh đấm đá hung bạo, mà chỉ dùng những thế nhu hòa, uyển chuyển nhằm làm cho địch thủ mất đi sức mạnh, từ đó mà khuất phục. Nếu địch thủ nhận thua ngay, thi không sao. Nhưng nếu cứ cứng cỏi mà không chịu khuất phục, lúc đó, mới có những đòn mạnh, buộc kẻ địch phải đầu hàng trong đau đớn, có khi gẫy cổ tay, gẫy cánh tay, gẫy chân, hoặc cả chả vai. Dĩ nhiên, Hiệp Khí Đạo cũng có những đòn tử, một cái vung tay là một mạng lìa đời, nhưng chỉ để áp dụng trong trường hợp nguy cấp phải bảo vệ mình trước một đám đông hung dữ với vũ khí đàn áp hoặc khi sức khỏe mình đã bắt đầu xuống dốc, phải ra tay thật nhanh, thật mạnh mới mong giữ được mạng sống. Vì thế, nói chung, Hiệp Khí Đạo là môn võ rất “nhân” đạo, nhân nhượng và nhân từ.

Ngoài ra, Hiệp Khí Đạo lại dựa trên nguyên lý “Âm Dương”, nên rất dễ tập luyện cho cả nam lẫn nữ, người lớn tuổi hay người trẻ tuổi. Vì là Âm Dương, nên có trái có phải, có tiến có lui, trước khi tiến lên, phải nhường một bước. Âm Dương lại luôn luôn tương hợp, nên vừa lui là lập tức trả đòn, vừa kéo tay địch thủ xuống, lập tức quật ngược lên cao, vừa đẩy đối phương sang bên trái lại có thể kéo đối phương lộn sang bên phải, khiến đối phương bị lúng túng, đang tấn công bỗng thành kẻ bị dẫn đi vào một mê hồn trận, chẳng biết bên nào là trái, hướng nào là phải, hoàn toàn như một kẻ mù cho đến khi tay gẫy, chân lìa mới tỉnh giấc thì đã muộn.

Hiệp Khí Đạo cũng có những thế quật cho địch thủ bay tung lên như con diều đứt dây rồi rơi xuống đất, rời rã trong khi đó, người xử dụng Hiệp Khí Đạo lại ung dung như đang Thiền định, tâm trí bình ổn, hơi thở điều hòa, không hổn hển như vừa tay đấm chân đá xong. Điều đặc biệt nhất của Hiệp Khí Đạo là ít thấy môn võ nào lại ít xử dụng đến bắp thịt như thế. Người yếu mà tập Hiệp Khí Đạo thì không còn lo sợ kẻ mập mạp, to con hơn mình gấp bội vì đã được tập luyện từ trước, dùng sức mạnh của kẻ địch mà đánh địch. Càng to con, hùng hổ bao nhiêu thì càng chạm phải sức phản chấn của người xử dụng Hiệp Khi Đạo bấy nhiêu và càng đau hơn.

Võ Sư Đặng thông Phong, người đã được nhận danh hiệu Đại Võ Sư (Grand Master) Quốc tế, cũng là người đã đã từng được mời vào Hàn Lâm Viện Võ Thuật Thế Giới. Danh hiệu này là một danh hiệu cao quý mà có lẽ chưa có người Việt Nam thứ hai được nhận lãnh. Đã bao năm, ông đi dậy Seminar cho không biết bao nhiêu võ sư khác. “Đệ Tử “ của ông gồm các võ sư quốc tế, có đẳng cấp rất cao, có thể là Giám Đốc võ đường, có thể là “sư phụ” của nhiều võ sư khác. Với một nhân dáng trung bình, giọng nói hiền hòa, Võ sư Đặng Thông Phong là niềm hãnh diện cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.

Chu Tất Tiến

Nguồn: http://hung-viet.org/blog1/2011/08/01/vo-s%C6%B0-d%E1%BA%B7ng-thong-phong-va-mon-vo-bi%E1%BB%83u-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-c%E1%BB%A7a-nhan-nghia/

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More