Ngô Đình Thu (DienDanCTM)
Trên bàn đàm phán hiện nay về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, Công hàm Đồng quả thực là một cục xương khó nuốt cho Hà Nội.
Một mặt, nhà cầm quyền nước CHXHCNVN hiện nay dùng mọi phương cách để phủ nhận giá trị pháp lý của chữ ký cố Thủ Tướng Phạm văn Đồng “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của chính phủnước Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa…”. Mặt khác, nhà cầm quyền Cộng sản cũng nhiều lần khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, kể cả viện dẫn những chứng cứ về quản lý, bảo vệ hai quần đảo này của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, mặc dầu có vẻ bất đắc dĩ.
Thái độ này thực ra thể hiện một đường lối rất mâu thuẫn, vì trước năm 1975 Hà Nội chưa bao giờ lên tiếng về chủ quyền Biển Đông, trong lúc Việt Nam Cộng Hoà dũng cảm chống lại hải đội xâm lược của Trung Quốc và can trường trong chiến bại năm 1974. Vì lý do gì Hà Nội im hơi lặng tiếng trong suốt một thời gian dài mãi đến năm 1979? Đó là điều không có gì bí mật với hai ông Hồ Chí Minh - Phạm Văn Đồng và các lãnh đạo cao cấp của đảng Lao động Việt Nam từ khi họ chuẩn bị xâm lược Miền Nam! Hoặc nói như ký giả Frank Ching của Tạp chí Kinh Tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review) số tháng 10/1994: “Những gì xảy ra hôm nay mà có liên hệ đến hai quần đảo này chỉ là những hậu quả của sự dàn xếp mờ ám của hai người cộng sản anh em trong quá khứ.”
Công hàm Đồng cũng chưa bao giờ được chính quyền Hà Nôị công khai giải thích, ngoại trừ gần đây trước áp lực nhiều mặt của tình hình, ngày 20/7/2011 báo Đại Đoàn Kết của Mặt Trận Tổ Quốc đã biện minh bằng những lập luận không thuyết phục được được ai mà chỉ làm trò cười cho mọi người, tưởng không cần nhắc lại!
Về phía Trung Quốc, lập trường của họ luôn luôn khẳng định “chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là bất khả tranh cãi” và “không có gì để thương thuyết”. Thậm chí mới đây, Trung Quốc còn thẳng thừng bác bỏ đề nghị thương thuyết về Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài những chứng cứ đưa ra
không có giá trị thuyết phục, luận điểm chủ yếu của Trung Quốc bao giờ cũng là Công hàm Đồng: “ Thủ Tướng các anh đã ghi nhận và tán thành chủ quyền của chúng tôi từ 1958!”. Trung Quốc luôn tỏ ra cứng rắn trong việc thể hiện chủ quyền của họ trên Biển Đông bằng những hành động của kẻ mạnh, gần đây nhất là vụ chận chiến hạm Ấn Độ trong vùng biển quốc tế để “bắt xưng danh và nói lý do đến Việt Nam”.
Tranh cãi đã nhiều, hội nghị cũng không ít, thương thảo song phương giữa Việt – Trung khi bí mật khi công khai nhưng tất cả đều dừng lại chỗ lập trường đó của Trung Quốc... Hay như lập luận bán chính thức nhưng phản ảnh phần nào lý lẽ của kẻ mạnh, Giáo sư Lý Kim Minh của Viện nghiên cứu Đông nam Á, Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến: “Theo quy tắc estoppel của luật pháp quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện nay cần tuân thủ sự công nhận từ trước đó.”
Vậy lối thoát cho Việt Nam nằm ở đâu?
“Không một ai trong cộng đồng thế giới muốn bước vào để dàn xếp sự bất đồng giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.” (Frank Ching). Quả thực, chính Việt Nam chứ không ai khác phải là người làm chuyện đó. Đơn giản là Việt Nam phải có một hành động dũng cảm tương tự Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, nếu coi Công hàm Đồng là không có giá trị pháp lý ràng buộc, Quốc Hội của CHXHCNVN - thực thể đang cai trị Việt Nam - phải lập tức ra tuyên bố Hủy Bỏ Công Hàm Đồng ngày 14/9/1958. Hủy bỏ Công hàm Đồng, Việt Nam đạt được ba điều lợi lớn: hỗ trợ mạnh mẽ cho việc khẳng định chủ quyền trên Biển Đông về phương diện lịch sử, quyền chiếm hữu hợp pháp đã được xác lập theo đúng luật quốc tế và quyền “thừa kế” từ chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam, sau khi Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa.
Điều lợi lớn thứ hai là vô hiệu hóa yêu sách và lập luận của Trung Quốc dựa trên Công hàm Đồng, biến Trung Quốc thành kẻ xâm lược trong con mắt cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, cho cộng đồng thế giới thấy Việt Nam có quyết tâm và có lập trường nhất quán trong vấn đề chủ quyền Biển Đông mà không phải là một kẻ muốn chơi đểu. Riêng đối với nhân dân Việt Nam, hành động đó ít ra cũng xóa bớt những hình ảnh lệ thuộc quá mức của một nhà nước luôn đề cao hai chữ độc lập.
Những điều lợi lớn ấy chính là tiền đề mở ra sinh lộ cho Biển Đông Việt Nam, trong một trận chiến pháp lý quốc tế, có sự tham gia của tất cả các nước liên quan, được hiểu là có quyền lợi thiết yếu trong khu vực tranh chấp. Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp biên giới Cambodia – Thái Lan phải đặc biệt được xem xét.
Không lập tức hủy bỏ Công hàm Đồng, Hà Nội chỉ có thể tiếp tục bán nước.
Ngô Đình Thu
4 comments:
- Trước hết phải ra cho được cái Luật biểu tình đi đã. Bảo toàn lực lượng và tăng thêm số lượng.
Sự việc đã đến nổi nầy mà nhà nước hiện nay còn cố gắng chải chuốt cho những người lảnh đạo trong quá khứ nào là sáng suốt là đã thông hiểu chủ tâm của Trung Quốc. Hãy xem những thông tin khoảng hai tháng nay trong một số Blogger ở VN và một vài mạng truyền thông tại hải ngoại thì sẽ rõ ngay. Nếu là sáng suốt thì tại sao lại có cảnh dâng và hiến đất biển trong thời gian qua. Và bây giờ thì hô hoán lên như là người không biết gì hết ? Với những nhà lảnh đạo kiểu nầy thì là hết thuốc chữa rồi!
Mơ ước sẽ có "Luật biểu tình" tự do và mơ ước công an tôn trọng luật đó ... sẽ mãi là ước mơ thôi bác Ẩn Danh ạ.
Chúng ta không thể quên lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn dùng hệ thống pháp luật làm phương tiện riêng của họ để cai trị. Không có công dụng nào khác!
Điều này đã được chứng minh hàng nửa thế kỷ qua.
Đăng nhận xét