Trung Quốc: Đảng viên cao cấp tháo gỡ độc tài?

Nguyễn Thanh Văn
http://www.viettan.org/spip.php?article11537



Một bản tin của hãng thông tấn AP hôm 29/8 [1] cho biết, một đoạn video ghi lại cảnh Thiếu tướng Jin Yinan thuộc Học Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Phòng Quốc Gia (Trung Quốc) đang trao đổi với học viên trong buổi học tập riêng cho các cán bộ cấp cao tại Học Viện Chiến Lược Quốc Phòng Quốc
Gia, bị tiết lộ ra bên ngoài và đang lưu hành trên mạng Youtube, đã gây “chấn động” dư luận Trung quốc. Với giới quân sự vẫn được coi là “kín miệng” thì phim video này là sự thất bại trong việc bảo mật, vì phim này có vẻ là phim chính thức của học viện vừa kể chứ không phải do các học viên quay lén rồi tung ra ngoài. Đoạn phim video này đề cập tới nhiều chi tiết bí mật và nhạy cảm về hoạt động của điệp viên Trung Quốc tại nước ngoài. Đoạn phim thu bài thuyết trình của tướng Jin đã được loan truyền rộng rãi trên mạng. Đoạn phim bị nhà cầm quyền Trung Quốc xóa khỏi trang Tudou.com nhưng tại Youtube.com thì vẫn còn xem được.

Những điều được tướng Jin Yanan nhắc tới trong phim hiển nhiên chỉ là một số nhân vật mà ông nêu ra một cách có chủ đích để cảnh giác các học viên, chứ không phải là toàn bộ những trường hợp tương tự mà người ta tin rằng đang đầy dẫn trong mọi ngành của trung Quốc.

Bài báo nêu trên của phóng viên Li Qian và Zhou Xinyi cho biết:

Tướng Jin nói về một số cán bộ cấp cao đã bị cắt chức vì làm gián điệp cho nước ngoài, mà trong nhiều trường hợp, chính quyền không thể kết án họ về tội làm gián điệp, nhưng công bố là họ vi phạm “các tội kinh tế”, vì Đảng thấy quá mất mặt nếu nói ra sự thật.

Một số những nhân vật được tướng Jin đề cập đến trong phim cho là:

Ông Tong Daning, cựu Trưởng Phòng An Sinh Xã Hội, bị xử tử năm 2006 vì ông đã cho Đài Loan biết dữ kiện về điều chỉnh hối suất đồng Nhân Dân Tệ và do đó giúp Đài Loan tiết kiệm được 200 tỉ đồng Đài Loan.

Ông Cai Xiaohong, con của cựu Bộ trưởng Tư Pháp Cai Cheng, đã cung cấp tin tức cho Anh Quốc khi đảm nhiệm chức Tổng thư ký Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc tại Hồng Kông. Ông Cai bị bắt năm 2003 và bị xử kín 15 năm tù.

“Vụ tai tiếng” lớn là trường hợp của ông Li Bin, sứ giả cho vụ Bán Đảo Triều Tiên. Li Bin trở thành điệp viên cho Nam Hàn khi ông được cử làm đại sứ Trung Quốc tại Nam Hàn. Khi trở về Trung Quốc, ông Li trở thành sứ giả đặc biệt cho vụ Bán Đảo Triều Tiên và tiếp tục cung cấp tin tức cho Nam Hàn. Tướng Jin nói hành động của ông Li khiến phía đảng CSTQ “thường rơi vào thế thụ động” trong các cuộc thương lượng 6 bên về các vấn đề nguyên tử. Nhà cầm quyền Trung Quốc vô cùng bực bội nhưng không thể trừng phạt ông Li quá nặng tay. Tướng Jin nói: “Đây là một vụ tai tướng lớn của chúng ta (nhà cầm quyền Trung Quốc). Li Bin bị kết án nhẹ, chỉ 7 hay 8 năm tù. Tại sao? Vì sĩ diện của đảng CSTQ. Có nước nào mà chính đại sứ của mình lại làm gián điệp cho nước khác không? Chỉ có đại sứ Trung Quốc mà thôi”.

Ông Kang Rixin, Tổng Giám Đốc và Bí Thư Đảng Ủy của Tập Đoàn Kỹ Nghệ Nguyên Tử, bị kết án năm 2010. Ông cũng là Ủy Viên Trung Ương Đảng và thuộc ban ngành Trung Ương. Theo tướng Jin thì ông Kang bị trừng phạt vì đã bán vật liệu nguyên tử cho tình báo nước ngoài. Vì sĩ diện, đảng CSTQ chỉ nói ông Kang có vấn đề về tài chính.

Tướng Jin cũng nhắc tới một số trường hợp gián điệp nhạy cảm khác có liên quan đến hàng ngũ quân đội Trung Quốc.

Báo Deutsche Welle trích lời nhận xét của các nhà phân tích rằng tướng Jin đã tiết lộ các vụ gián điệp dính líu tới các quan chức rất cao cấp. Các vụ này đã được giấu kỹ từ lâu và liên hệ đến nhiều điều tối mật. Theo các phân tích gia, đây là chuyện “chấn động” và cho thấy các quan chức CSTQ không còn tin tưởng vào tương lai của chế độ này nữa.

Trong những năm gần đây, với sự thức tỉnh của nhân dân Trung Quốc, đảng CSTQ đang phải đối diện với cơn khủng hoảng quyền hành chưa từng có. Ngày càng đông các quan chức đào thoát. Vào tháng 9/2009 hãng China News tường thuật hơn 4000 quan chức đã bỏ chạy khỏi Trung Hoa lục địa, đem theo tổng số tài sản khoảng 50 tỉ mỹ kim.

Giới bình luận trên mạng cho rằng đây là những quan chức thức thời. Họ biết đảng CSTQ không có hy vọng tồn tại lâu dài nên rút kinh nghiệm cho riêng họ.

Ông Chen Yonglin, một nhà ngoại giao thuộc Lãnh Sự Quán Trung Quốc tại Sydney, Australia, đã đào thoát năm 2005. Ông Chen nay kêu gọi các quan chức và nhân dân Trung Quốc hãy tự cứu mình bằng cách rời bỏ đảng CSTQ.

Ông Hao Fengjun, một cựu sĩ quan an ninh thuộc Phòng 610, Cục An Ninh Quốc Gia tại Tianjin, đã đào thoát qua Australia, mang theo một số lớn tài liệu mật về các hành vi truy bức tín đồ Pháp Luân Công. Là nhân viên thuộc Phòng 610, ông vạch trần những cách thức mà đảng CSTQ dùng ban ngành đặc biệt này để truy bức tín đồ Pháp Luân Công. Những dữ kiện này làm sửng sốt tất cả mọi người.

Năm 2009, ông Li Fengzhi, một viên chức tình báo của Bộ Công An Trung Quốc, sống tại Hoa Kỳ, công bố ngay tại Sứ Quán Trung Quốc rằng ông ly khai đảng CSTQ. Ông cũng đọc tuyên bố ly khai của bố ông.

Những dữ kiện vừa nêu cho thấy, cơn dịch tuôn ra công luận những điều gan ruột của đảng CSTQ đã lên tới mức báo động, khiến đảng phải mở ra những chương trình học tập chính thức cho cán bộ cao cấp nhằm mục đích vừa đề đề phòng, vừa để răn đe. Tuy nhiên, qua sự kiện ngày càng có nhiều tin tức thuộc hàng “mật” hay “tối mật” bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy có thể có hai xu hướng trong thành phần các quan chức cao cấp (vì chỉ có những giới chức cao cấp mới được quyền tiếp cận với các lại tin tức vừa kể để có thể “rò rỉ” ra ngoài sau đó).

Loại 1 là những người lo cứu lấy thân, vì họ thấy tuy nước sơn bên ngoài của chế độ tuy còn rất mỹ miều trước mắt thế giới, nhưng tại cốt lõi của bộ máy đã lung lay, và họ biết với thời đại tin học ngày nay, càng ngày nhân dân Trung Quốc sẽ càng thức tỉnh. Khi nhân dân thức tỉnh thì đảng CSTQ không có hy vọng tồn tại lâu dài.

Loại 2 là những người còn lương tâm, muốn tháo gỡ chế độ độc tài từ bên trong bằng cách cho công luận thấy bản chất và sự thật về sức mạnh của guồng máy cai trị. Những chi tiết này giúp thế giới thấy có nên còn tiếp tay với chế độ không, cũng như giúp dân chúng thấy chế độ có thực sự mạnh hay không…

Ngoài ra, theo những con số không chính thức thì trong năm 2006 Trung Quốc có khoảng 90 ngàn cuộc biểu tình phản đối các cấp nhà nước trên toàn quốc. Đến năm 2009 con số các cuộc biểu tình như vừa kể đã lên đến 230 ngàn [2], tức là một ngày có khoảng 650 cuộc biểu tình chống nhà nước. Với tình hình dân chúng và cán bộ như vừa kể, Trung Quốc chắc chắn không phải là một quốc gia có tình hình chính trị ổn định và đáng tin cậy. Thế nhưng, trong một tuyên bố mới đây, tướng Nguyễn Chí Vịnh cứ làm như thể trên thế giới này chẳng có quốc gia nào đáng tin cậy hơn Trung Quốc. Ông Vịnh nói: “nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc Xã hội chủ nghĩa láng giềng, với hơn 1 tỷ 350 triệu dân, đang phát triển, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên thế giới,..”

Hiển nhiên lời tuyên bố trên không phải là quan điểm riêng của tướng Nguyễn Chí Vịnh. Từ hai thập niên qua, tinh thần nô lệ Tàu của đảng CSVN ngày càng thể hiện rõ ràng hơn từ lời nói đến hành động. Thậm chí trước sự gây hấn và xâm thực hiện nay của Tàu, câu khẩu hiệu “Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm” cũng bị cấm [3]… Tuy nhiên, người ta cũng tin tưởng rằng, trong guồng máy của nhà nước hiện nay cũng có rất nhiều người không muốn tiếp tục núp bóng chế độ để thi hành những việc phản dân hại nước, đồng thời đóng góp cho tương lai dân tộc bằng cách tháo gỡ guồng máy độc tài từ bên trong qua nhiều hình thức. Chính vì vậy mà đảng CSVN đã không ngừng cảnh giác “chống tự diễn biến” .

— -

[1] http://www.huffingtonpost.com/2011/08/29/jin-yinan-chinese-general-youtube_n_940092.html
[2] http://libcom.org/news/58000-mass-incidents-china-first-quarter-unrest-grows-largest-ever-recorded-06052009
[3] http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/tuong-thuat-ac-biet-22h-tu-ha-noi.html (Nguyễn Xuân Diện, Tường thuật đặc biệt từ Hà Nội)

DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More