DienDanCTM (Bản tin 22-10-2011)
Qua báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2011 được gửi tới các đại biểu quốc hội chiều thứ Sáu 21-10-2011, Bộ công an CSVN kết luận rằng chưa phát hiện "có tham nhũng, tiêu cực" trong vụ công ty Securency của Úc bị cáo buộc hối lộ các quan chức Việt Nam để được thầu in tiền polymer.
Báo chí nhà nước hôm 22-10 đã đồng loạt đưa tin với chi tiết giống nhau rằng "Về thông tin Công ty Securency hối lộ Công ty CFTD của Việt Nam trong cung cấp chất nền in tiền polymer, báo cáo của Chính phủ cho hay Bộ Công an đã có báo cáo kết quả xác minh bước đầu và chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực trong vụ việc này". Và "hiện Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao được giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi vụ việc này từ phía Thụy Sĩ và Úc...".
Vụ tai tiếng hối lộ để nhà thầu Úc được thầu in tiền đã đổ bể từ hơn 2 năm qua. Từ tháng 5 năm 2009, tờ báo The Age ở Úc đã tố giác với nhiều bài điều tra chi tiết về số tiền hối lộ cho ông Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Ðức Thúy và cả những viên chức cao cấp Hà Nội có thể cũng đã dính líu đến vụ hối lộ này.
Chi tiết rõ ràng nhất mà tờ báo đề cập tới là người môi giới Lương Ngọc Anh, đại tá ngành an ninh CSVN. Loạt điều tra của Úc nói ông Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD, người đóng vai trò trung gian trong việc công ty Securency in tiền polymer cho Việt Nam, chính là nhân viên tình báo VN, mang cấp bậc đại tá. Dựa trên những tài liệu đưa ra từ khoảng năm 1998, cho biết là Lương Ngọc Anh có rất nhiều họ hàng làm quan chức cấp cao trong chính phủ vào lúc đó, tài liệu điều tra của Úc cũng cho thấy là bố vợ của ông ta là một quan chức rất cao trong chính phủ từng là bộ trưởng bộ nội vụ
Liên quan đến Cựu Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước VN Lê Ðức Thúy, tờ báo chỉ nêu chi tiết là Securency có chuyển ít nhất $50,000 đô la hối lộ cho con ông trong lúc du học tại đại học Durham bên Anh Quốc hồi năm 2003. Riêng Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc Công Ty Phát Triển Công Nghệ AFTD ở Hà Nội, người đứng làm môi giới cho Securency trúng thầu đã nhận số tiền hối lộ lên đến $20 triệu đô la, chuyển qua các trương mục bí mật ở Thụy Sĩ và Hongkong.
Trong diễn gần đây, theo báo The Age ở Úc đưa tin hôm 10-8-2011, cảnh sát liên bang Úc đã cáo buộc thêm một cựu viên chức hàng đầu của công ty Securency với tội danh đưa hối lộ số tiền lên tới $17.2 triệu đô hầu có thể giành lấy được các hợp đồng in tiền nhựa cho Việt Nam. Ông Clifford John Gerathy, 60 tuổi, cựu giám đốc điều hành công ty Securency, là viên chức cao cấp thứ 8 bị cảnh sát liên bang Úc bắt giữ trong hồ sơ điều tra vụ bê bối tại công ty Securency. Trước đó, hồi đầu tháng 7, đã có 7 viên chức cao cấp của Securency và công ty in tiền NPA (Note Printing Australia) bị cảnh sát liên bang bắt giữ và truy tố với tội danh hối lộ trong vụ in tiền polymer trong những năm 2001-2006.
Tờ báo này cũng xác nhận Lương Ngọc Anh, Đại tá công an CSVN, chính là kẻ đứng ra lãnh nhận số tiền hối lộ $17.2 triệu đô nói trên.
Ngoài ra tin tức còn cho biết, công ty AFTD có một công ty con là “Banktech” do Lê Ðức Minh, con trai ông Thúy làm giám đốc. Khi vụ việc đổ bể thì Minh bỏ chạy khỏi chỗ này.
Cũng liên quan đến vụ hối lộ cho Việt Nam để thắng thầu in tiền Polymer của Securency, hồi cuối tháng 9-2011 vừa qua, một thương nhân người Anh, ông William (Bill) Lowther, đã bị truy tố tội "âm mưu hối lộ" qua việc "chi trả học phí" cho con trai cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy trong lúc đang tu nghiệp sau đại học tại Anh. Tòa Tiểu hình thuộc Hệ thống Tòa án Hoàng gia Anh, tại Westminster, London, quyết định đưa vụ này ra xét xử ở Tòa Thượng thẩm ở London vào đầu tháng 12 tới đây.
Theo cáo giác của ký giả McKenzie, báo The Age, thì phía Việt Nam từ đó đến nay đã không cộng tác giúp đở cảnh sát Úc trong việc điều tra vụ hội lộ tai tiếng này. Theo ông, việc chính phủ Việt Nam tham gia giúp đỡ là rất quan trọng, nhưng cho đến nay thì mọi việc cho thấy là dường như những quan chức trong chính phủ Việt Nam đang muốn che giấu vấn đề này. Lý do tại sao, ký giả McKenzie từng nhận định và có thể lý giải là "có thể bởi vì các quan chức cao cấp của chính phủ có tham gia vào vụ này, mà chính phủ Việt Nam muốn bảo vệ những người này nên không muốn hợp tác".
5 comments:
Phải như vậy , nếu như điều tra cho rốt ráo thì sẽ phải đưa ra hết cả toàn bộ chính trị có ăn chia trong vụ này.
Ở Việt Nam không có cán bộ đảng viên nào tham nhũng, vì có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiêm chủ tịch Ban Chỉ Đạo phòng, chống tham nhũng! Khỏi sợ ai hết.
Rất lạ !
Dân chưa phạm luật, chỉ mới biểu tình ôn hòa đúng theo Hiến pháp cho phép, chỉ đội có cái nón lá ghi chữ thì công an đã tìm ra người để bắt ngay rồi.
Còn một vụ tham nhũng đã kéo dài mấy năm trường với đầy đủ tên tuổi, và chính phủ Úc còn có trong tay cả số trương mục của các quan chức VN tại ngân hàng Thụy Sĩ để nhận tiền hối lộ thì công an ta vẫn không tìm ra sai phạm nào cả.
Hóa ra bòn rút công quĩ trong phạm trù đã được phân chia trước trong nội bộ thượng tầng Đảng thì không có tội gì cả!
Ừ khép lại đi, khui ra bct tụi mình còn gì cái bản mặt mốc.
Cháy nhà rồi mà mặt chuột chưa lòi?
Đăng nhận xét