"Sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật"

Ngô Đình Thu - DienDanCTM

Nạn nhân Trịnh Xuân Tùng

Sau năm 1975, người dân Miền Nam có nhiều dịp đến những trụ sở công an phuờng, công an quận do đó cũng có nhiểu dịp để ngồi vừa chờ đợi “làm việc” với cán bộ công an, vừa ngắm ảnh “bác Hồ” bên trên hàng chữ màu vàng nền đỏ: “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Trải qua bao thăng trầm, cho đến bây giờ khẩu hiệu ấy vẫn còn nguyên giá trị của một khẩu hiệu tuyên truyền đầy gian dối.

Mới đây, một bản tin ngày 28/9/2011 trên một tờ báo tiếng Việt ở địa phương, dẫn nguồn tin trong nước cho biết: sáng sớm ngày 17/9/2011 ông Cao Trọng Lợi cư dân phường Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đang
ngồi trong một tiệm cà phê, bỗng dưng bị thượng tá công an tên Nguyễn Hoàng Tương và một số công an sắc phục xuất hiện buộc ông Lợi về đồn công an “làm việc”. Tự thấy không có tội gì, ông Lợi không đi, lập tức bị ông thượng tá Tương và những công an đi theo đánh đập, còng tay đẩy lên xe chờ sẵn. Tuy nhiên sau đó, vì ông Lợi không làm điều gì phạm pháp, công an phường phải thả ông ra.

Thái độ bất tuân của ông Lợi thật đáng khen ngợi, nhưng việc hành hung và bắt bớ người dân giữa quán cà phê của một sĩ quan cấp cao của công an Rạch Gíá và thuộc hạ khiến người ta tự hỏi: công an đang thi hành pháp luật hay bọn côn đồ xử luật giang hồ?

Mặt khác, theo VNExpress, một nhóm công an thị trấn Ngã Năm, thị xã Sóc Trăng bị cáo buộc bắt và đánh người đến chết. Đó là phó trưởng công an thị trấn Ngã Năm Võ Văn Út Đèo và hai công an thuộc cấp tên Danh Nhãn và Trần Tuấn Khải cùng một dân quân tự vệ tên Nguyễn Quốc Thắng. Nạn nhân là Trần Văn Dữ, 44 tuổi, bị đánh dập gan, bể lá lách chết nằm ngoài hàng rào UBND thị trấn Ngã Năm, Sóc Trăng, vào một đêm cuối tháng 3 năm 2010. Ông Dữ bị bắt về đồn công an về tội uống rượu say đánh mẹ ruột. Bất kể nạn nhân bị bắt về tội gì, việc đánh chết một người dân trong tình trạng câu lưu là tàn bạo hiếm có.

Nói một cách ngắn gọn, qua hai mẫu tin trên, người ta không thấy bóng dáng của hiến pháp và pháp luật nơi đâu. Trong một quốc gia hiến trị như nước Mỹ, hiến pháp là luật tối thượng và đã được tu chính nhiều lần cho phù hợp với quyền căn bản của con người. Các tu chính án đều nhằm nâng cao quyền của công dân trong xã hội dân chủ. Ở Việt Nam, tính từ năm 1945 tới nay, đã có đến 4 bản hiến pháp được biết: hiến pháp 1946, hiến pháp 1959, hiến Pháp 1980 và hiến pháp 1992 hiện nay. Các hiến pháp sau là sửa đổi, bổ sung của hiến pháp trước, tất cả chỉ nhằm mục đích củng cố một chế độ độc tài toàn trị.

Hiến pháp thì nhiều nhưng sự tôn trọng chẳng bao nhiêu. Điều dễ nhận thấy là tại đất nước nhiều hiến pháp nhất này, mỗi hiến pháp chỉ phục vụ cho một giai đoạn chính trị nhất định và đảng cộng sản là người quyết định cao nhất cho sự sửa đổi này. Nó cũng cho thấy bề mặt của một xã hội có quá nhiều biến động và mục tiêu con người chỉ là thứ yếu. Chẳng hạn hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) quy định công dân được quyền tự do ngôn luận (điều 69), tự do tôn giáo (điều 79), bất khả xâm phạm về thân thể (điều 71), tự do đi lại và cư trú (điều 68), tự do kinh doanh (điều 57). Nhưng trên thực tế, các quyền tự do của công dân đều đi kèm với câu “phải phù hợp với quy định của pháp luật.” Có nghĩa là tự do theo thủ tục xin-cho của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Trong vài năm gần đây, có quá nhiều vụ công an nhân dân đánh đập dân đến chết hoặc gây thương tích trầm trọng, bên cạnh những vụ bắt bớ giam cầm tùy tiện, phi pháp của các lực lượng an ninh. Điển hình nhất, vào chiều ngày 23/7/2010 anh Nguyễn Văn Khương 21 tuổi, ngụ huyện Việt Yên, Bắc Giang bị công an giao thông bắt về đồn công an huyện vì vi phạm luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm. Anh Khương đã bị công an đánh đến chết tại đồn ngay chiều hôm đó. Quá phẫn uất, gia đình và hàng ngàn dân chúng đã mang quan tài anh Khương đến công an huyện Việt Yên và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Giang đòi công lý. Đâu là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của anh thanh niên 21 tuổi bất hạnh kia?

Công an là những người thừa hành pháp luật, hay nói cách khác họ nắm pháp luật trong tay do đó có khuynh hướng sử dụng pháp luật như một công cụ của bạo lực và trấn áp. Chỉ vì một vi phạm nhỏ mà đánh người đến chết thì thật là tàn bạo, nhưng đó là cách “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” mà công an Việt Nam thường rêu rao. Chữ “luật” ở đây được hiểu là luật riêng của những người công an đại diện cho chế độ và họ có toàn quyền làm theo luật riêng đó trên cả những luật chung đã ban hành. Nhất là họ không hề tỏ ra sợ bất kể thứ luật lệ nào khác trong hệ thống tư pháp nhà nước.

Chưa hết, chuyện công an lộng hành cứ tiếp diễn như “chuyện thường ngày ở huyện”, dù là lần này nó xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội - thủ đô Hòa Bình – theo cách gọi đầy hãnh diện của những người cầm quyền. Sáng ngày 8 tháng 3 năm 2011, ông Trịnh Xuân Tùng ngụ đường Hai Bà Trưng , Hà Nội vi phạm luật giao thông đã bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh và thanh niên tự quản phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đánh trọng thương giữa công lộ. Ông Trịnh Xuân Tùng sau đó chết trong bệnh viện vì bị gãy cổ.

công an Nguyễn Hải Minh đạp mặt người biểu tình
Cũng khởi đi từ một vi phạm nhỏ về giao thông, viên trung tá công an đã hành xử như một tên côn đồ bất chấp luật pháp, ra tay một cách tàn bạo. Sự tàn bạo còn thấy ở hình ảnh viên công an mặc thường phục tên Nguyễn Hải Minh đứng trên xe buýt, đạp thẳng vào mặt một thanh niên bị bắt trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 17 tháng 7/2011. Lòng thù hận đối với những người yêu nước được thể hiện một cách không khoan nhượng như thể muốn chứng minh lòng trung thành của chế độ đối với kẻ xâm lược, hơn là sự bảo vệ an ninh trật tự thông thường.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng CSVN thông qua tại đại hội đảng lần thứ 11 ghi một cách trang trọng: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.” Đã là nhà nước pháp quyền, ắt “luật là tối thượng”, các cơ quan công quyền thi hành quyền cai trị của mình đối với người dân phải thượng tôn pháp luật là chính. Nhưng thực tế ở Việt Nam ngày nay đã chứng minh ngược lại. Việt Nam là quốc gia có đầy đủ luật lệ không thua kém bất cứ một quốc gia văn minh nào trên thế giới, nhưng lại được người dân đánh giá là “luật rừng”.

Ông Trịnh Hồng Dương, trước đây đã từng ngồi ở chức vụ chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã chứng minh cho hai chữ “luật rừng” bằng một câu nói đáng ghi vào lịch sử tư pháp Việt Nam: “Luật ở Việt Nam xử sao cũng được!” Lời tuyên bố này được ghi nhận trong kỳ họp thứ 9 của quốc hội khóa X, cho đến ngày nay vẫn còn là một sự thực không thể chối cãi, dù ông Dương đã qua đời nhiều năm! Cái gọi là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã dựng lên biết bao phiên tòa đổi trắng thay đen với những bản án bỏ túi theo chỉ thị của các cấp ủy đảng. Các phiên tòa xử các nhà dân chủ, những thanh niên yêu nước, các tu sĩ lên tiếng bảo vệ tôn giáo mình chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ và tuyên án thật nặng. Chẳng những xét xử tùy tiện, không cần chứng cứ mà còn dựng đứng tội trạng như blogger Điếu Cày bị vu vạ “tội trốn thuế” để xử 30 tháng tù. Sau khi mãn hạn tù, “luật rừng” được áp dụng để tiếp tục giam giữ Điếu Cày vô thời hạn. Đó là thứ pháp quyền gì?

Gần đây nhất, sự bắt bớ giam giữ đủ mọi hình thức đã diễn ra trên một quy mô lớn, từ Hà Nội, Vinh đến Sài Gòn không khác gì những đợt khủng bố trắng dưới thời thực dân đô hộ. Con số 15 thanh niên sinh viên Thiên Chúa Giáo đã bị bắt giam từ 30/7 đến 19/9/2011 đã nói lên tầm mức đàn áp của nhà cầm quyền CSVN đối với những người yêu nước và bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình.

Cho nên người ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi nghe ông Nguyễn Văn An, một thời là chủ tịch quốc hội diễn tả trong một bài viết của ông: “Hiến pháp đã ghi rất rõ: Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ thị, nghị quyết của đảng mới là tối thượng.” (Lỗi hệ thống). Nhưng ông không nói thêm, đảng là tối thượng, đảng ngồi xổm trên pháp luật, là vì hiến pháp 1992 còn hiện diện điều 4 như lưỡi gươm Damocles, chẳng những đe dọa pháp luật mà còn cho phép đảng hành xử như tổ chức côn đồ có giấy phép của hiến pháp.

Hơn hai tháng trước, 11 cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc diễn ra tại Sài Gòn và Hà Nội nhưng thật ra phải coi đó là những màn công khai tố giác thái độ hèn nhục của nhà cầm quyền CSVN đối với Bắc Kinh, bên trong thì đàn áp dân chúng, bên ngoài thì hạ mình trước ngoại bang. Sự hèn nhục này đã đến lúc không thể che giấu trước sự thức tỉnh của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người trẻ, dù sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ nhưng đã cảm nhận được chiều hướng thay đổi tất yếu của đất nước, sự không cam chịu trước cảnh lộng hành của công an mật vụ.

Để chận đứng những cuộc biểu tình chống độc tài sau này, mà những người cầm quyền cộng sản gọi là “bị kích động và xúi giục”, chiều ngày 28 tháng 9 vừa qua Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra trước phiên họp quốc hội, đề nghị “xây dựng luật biểu tình”. Đây đúng là một trò hý lộng khi Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố giao cho Bộ Công An soạn thảo văn bản luật này, một chuyện đi ngược lại tiến trình thông thường trong hoạt động của quốc hội. Vì ai cũng biết, các tiểu ban quốc hội mới là người soạn thảo luật và đưa ra quốc hội thảo luận. Nay giao Bộ Công An đảm trách việc này cũng giống như giao trứng cho ác hay “trao duyên lầm tướng cướp”. Luật biểu tình nếu được quốc hội thông qua trong tương lai, chỉ là những hạn chế gắt gao có lợi cho nhà cầm quyền và phục vụ nhà cầm quyền cũng như các lực lượng an ninh. Quyền lợi của nhân dân sẽ không được công an tính tới mà quyền quản lý xã hội chặt chẽ, chống thù địch nước ngoài sẽ là lá bùa hộ mệnh cho công an mật vụ tiếp tục hoành hành mạnh bạo hơn.

Luật biểu tình do Bộ Công An soạn thảo, quốc hội giơ tay biểu quyết, chánh phủ ban hành, Công an thi hành thì quyền biểu tình của nhân dân có nguy cơ trở thành “Luật cấm biểu tình” trong một xã hội đầy mầm mống đối kháng như xã hội Việt Nam hiện nay.

Giao cho Bộ Công An “xây dựng” luật biểu tình là cách mà đảng CSVN nắm vững chuyên chế vô sản hơn nữa trong thế yếu, khi các cột trụ chống đỡ chế độ độc tài đang bị lung lay bởi sức tiến công âm thầm nhưng hiệu quả từ mọi hướng.

Đừng hy vọng thấy công an mật vụ “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” do chính họ soạn thảo ra. Ngay bây giờ phải làm cho họ sợ và tuyệt vọng như đang đứng dưới giá treo cổ.

Ngô Đình Thu

2 comments:

Sự căm phẩn chắc chắn dâng tràng nếu ai đọc qua bài viết này. Một nhà cầm quyền mà gia tăng hành vi côn đồ cho thấy nhà cầm quyền đó đến thời kỳ mạc vận.

Chế độ nào cũng vậy, khi sắp đến ngày tàn cũng ra sức đàn áp dân chúng một cách dữ dội. Nhưng càng đàn áp dữ dội, càng mau sụp đổ. Sự sụp đổ của các chế độ độc tài áp bức gần đây cho phép người ta kết luận như vậy.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More