Băng Sơn - Mai Hương (Radio CTM)
Nếu sữa mẹ là món quí nhất về vật chất thì tiếng ru là món ăn tinh thần quí nhất đối với con người ngay từ ngày đầu tiên được làm người, dù sau này hạnh phúc hay gian nan thế nào đi nữa. Nhà thơ Mạc Phương Đình đã nói về lời ru của mẹ ông như sau:
Con khôn lớn bằng lời ru của Mẹ
những lời ru thấm đẫm bốn quai nôi
Mẹ đã mất nhưng lời ru còn đó
trong tim con tha thiết đến muôn đời.
những lời ru thấm đẫm bốn quai nôi
Mẹ đã mất nhưng lời ru còn đó
trong tim con tha thiết đến muôn đời.
Thật vậy, có đọc bài thơ Thèm Một Lời Ru của tác giả Nguyễn Hải Thảo mới thấu hiểu hết nỗi lòng của người con suốt đời đi tìm mẹ, suốt đời khao khát đi tìm một tiếng hát ru:
Tôi vẫn lênh đênh
Giữa dòng đời dâu bể
Một mình - một mình ...
Câu ca dao
Ai hát ru nhà bên
Quặn thắt lòng tôi
Ai hay ? Ai biết ?
Rằng đêm nay có người thao thức
Nửa đời
Thèm một tiếng hát ru ...
Giữa dòng đời dâu bể
Một mình - một mình ...
Câu ca dao
Ai hát ru nhà bên
Quặn thắt lòng tôi
Ai hay ? Ai biết ?
Rằng đêm nay có người thao thức
Nửa đời
Thèm một tiếng hát ru ...
Chưa có văn bản nào ghi chép, nhưng có thể nói không sai rằng con người đầu tiên được mẹ sinh ra, hẳn đã được mẹ ru, dù tiếng ru ấy không nhịp nhàng du dương như những bài ca đầy nghệ thuật sau này. Nó mộc mạc như vốc nước suối, như cái hạt cây rừng, như miếng thịt thú nướng trong hang, như cái lá cây vừa hái ...
Rồi cụ của cụ chúng ta, những thế hệ nghìn đời nối tiếp… Con cò xuất hiện khi tổ tiên biết đào gộc tre đẽo thành guốc võng. Con cò bay trong làn mi chớp chớp, vẫy gọi giấc mơ non nớt mà xao động, những trưa hè quả trứng nắng di động trên nền nhà mái tranh vách đất.
Cái cò ... sung chát đào chua ...
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Nguyễn Duy)
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Nguyễn Duy)
Bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em, tiếng ru như dòng sông vượt hết lạch này sang nguồn khác, qua lau lách rừng già để ra với biển cả mênh mông. Đó là dòng máu truyền đời, là mạch xoắn DNA trong mỗi con người dù ở phương trời nào, màu da gì, ngôn ngữ ra sao, sau khi thoát khỏi quả bầu tổ tiên hay ngọn tháp Baben đầy thách thức.
Tiếng Việt có từ bao nghìn năm? Hẳn không thể không nhờ một phần tiếng ru từ lồng ngực mẹ, những người phụ nữ Việt Nam .
Tuổi của tiếng ru có khi già bằng tuổi của gió. Nó có màu xanh da trời, có độ ẩm của ngọn lửa, và quí nhất vẫn là sự sống của mẹ cho con, là tình yêu, là niềm thương, là đắm đuối của mẹ (chả thế mà có câu: Cá chuối đắm đuối về con). Cái chép chép mụ dạy, cái huơ huơ bàn tay như nụ hoa, cái lớn lên như cậu Gióng ... đều là mẹ cho cả đấy thôi, đều ngấm sâu tiếng ru của mẹ, đó là điều chắc chắn.
Ban trưa. Căn nhà tranh vắng. Cây ngoài vườn cũng lim dim ngủ. Con mèo cuộn tròn mơ giấc mơ được chú chuột dâng con cá. Con trâu dưới bóng tre nhai lại sự đời trong ngẫm nghĩ ... Chợt âm thanh nào cất lên à ơi ... tiếng guốc võng nào kẽo kẹt như nhạc nền.
À ơi ...
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con trắm con trê
Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con trắm con trê
Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn
Mẹ còn đi cấy đồng xa. Em ơi hãy ngủ. Đó là chị ru em. Em bé bỏng. Chị cũng còn măng sữa. Tiếng ru ngắt quãng. Hẳn bàn tay của tiếng ru cũng xoa lên mặt chị nên chị cũng chập chờn với con trê con trắm, với cánh vạc cánh cò. Choàng dậy, nhún bàn chân đẩy tiếp, cánh võng chao đi. Tiếng ru lại điệp khúc. Trưa ơi, ngàn đời đấy ư?
Những buổi trưa như thế đi đâu mà chẳng gặp. Nó quen thuộc như hơi trầu của mẹ, hương bồ kết từ mái tóc mẹ, hơi sữa thơm từ vạt áo mẹ, như bát canh cua đồng, như màu xanh cây lúa, như hương hoa ngâu, như ánh trăng đêm hè, như hồi trống đình đêm giao thừa…
Chẳng biết có thật không, nhà thơ Quang Huy có lần nói từng được nghe một cô giáo trẻ ru con bằng Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo. Trao gửi tiếng lòng của người xưa, phải chăng cô giáo ấy cảm nhận rằng Lịch Sử còn là người Mẹ của mỗi chúng ta ?
Trong kho tàng ca dao Việt Nam, dù lục bát hay không lục bát, đều có thể hoá thành tiếng ru có ngọn núi, dòng sông, cây đa biển cả, có đom đóm, dây bầu, cành tre, ngọn gió ... Cái tai của bé em còn mỏng, con mắt của bé em còn trong, cái hồn của bé em còn trắng, tiếng ru là dòng in đầu tiên mẹ sẽ in vào trong đó. Thần tiên hoa lá cũng là từ tiếng ru sinh ra.
Thật bất hạnh cho ai không được nghe tiếng ru của mẹ trong thời thơ ấu. Cũng bất hạnh cho ai không biết hát ru để đưa con mình, em bé của mình vào xứ sở thần tiên mà tiếp tục vào đời như cây không sợ bão. Nhà thơ Mai Hà Uyên gọi những câu ru đầu đời ấy là lục bát mẹ:
Những câu lục bát ngày xưa
Mẹ ngồi mẹ hát gió lùa năm canh
Ru cho chiếc lá rất xanh
Ru cho cái vỡ lại lành, vẹn nguyên
Những câu ca buổi đầu tiên
Dạy con biết đứng thẳng lên làm người.
(Lục Bát Mẹ - Mai Hà Uyên)
Mẹ ngồi mẹ hát gió lùa năm canh
Ru cho chiếc lá rất xanh
Ru cho cái vỡ lại lành, vẹn nguyên
Những câu ca buổi đầu tiên
Dạy con biết đứng thẳng lên làm người.
(Lục Bát Mẹ - Mai Hà Uyên)
Đã có nhiều bản nhạc, bài thơ viết về tiếng ru, nhưng không thể nào thay chính tiếng ru. Giống như bài thơ tình không thể thay cho tình yêu. Cũng như không ai thay thế được mẹ. Không thể thay thế những hạt giống mẹ đã gieo trong tâm hồn ta bằng những hạt xa lạ nhặt ở đâu về.
Chỉ có hai thứ trên đời làm bé ngủ yên, đầy tin cậy, đầy hạnh phúc. Đó là bầu sữa mẹ kèm theo là tiếng ru đầy ân tình thương yêu của mẹ, cứ toả xuống giấc ngủ say sưa của con thơ. Chao ôi! thiêng liêng quá.
Bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe. Cháu như con chim non há mỏ chờ chim mẹ mớm mồi, cháu há miệng nghe từng lời của bà đầy thích thú. Mẹ ru con, mẹ là cánh cò lặn lội đường xa, ngoài đồng, trên rẫy, đầu sông, cuối bãi ... giọng mẹ đâu cần ngân vang lảnh lót, đâu có trong vắt bổng trầm như người đi hát lấy tiền. Với con, giọng mẹ là giòng sữa ngọt lành, là nguồn sống, là chỗ dựa cho con khôn lớn.
Tuổi thơ cần tiếng ru. Lắng nghe âm thanh, nhạc điệu, sự lan toả vô hình của yêu thương, chứ không cần hiểu nghĩa rạch ròi bao khái niệm. Đó chính là nhịp tim hằn vào vỏ não.
Không có gì thay thế được Mẹ. Cũng không có gì thay thế được lời mẹ. Mà tiếng ru là lời mẹ ngàn đời. đầy thần tiên cho tuổi thần tiên.
Cái hình ảnh con cò lặn lội bờ sông gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non ngày nào bỗng hoá thành bóng mẹ. Để con chợt hiểu, chợt biết thương cả những khổ đau của quê hương, những nổi trôi đời mẹ. Và cái tiếng à ơi cánh võng còn theo con mãi, còn ru con mãi trên đường đời.
Tôi thương đất nước tôi thương những son sắt hẹn thề
Thương cả những khổ đau và yêu mẹ
Yêu cánh cò ru tôi khôn lớn
Nỉ non một đời biển rộng sông sâu
Tóc mẹ điểm sương rồi tuổi thơ tôi về đâu?
Chỉ tiếng à ơi còn ở lại
Để máu tim tôi còn thắm đỏ
Để những vần thơ vương vấn mãi câu hò
(À ơi Cánh Cò – Hương Giang)
Chương Trình Chuyện Dân Tôi xin chân thành cám ơn tác giả Băng Sơn với bài viết Tiếng Ru. Mai Hương và Vương Đạo xin thân ái chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quí vị vào chương trình kỳ tới.
Mai Hương
Chương Trình Chuyện Dân Tôi (Radio CTM)
1 comments:
ời Ru Của Mẹ
Ầu ơ...
Chiêu chiều quạ nhắn với diều:
Cù Lao Ông Chưởng còn nhiều cá tôm...
Lại có người hát
Ầu ơ...
Bao phen quạ nói với diều:
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm. ...
___
Lời hò ru của mẹ
Như ánh trăng sáng ngời
Đưa con vào giấc mộng
Dẫn giắt con vào đời
Con đau đầu khó ngủ
Mẹ thức suốt canh thâu
Đốt đèn cầy soi muổi
Trong đôi mắt lo âu
Con lớn nhờ bầu sữa
Thân mẹ hiền héo hon
Cánh cò phơi trong nắng
Đem thấm ước màng sương
Tuổi già nùa hốc hác
Mộng ước con nen người
Những lời ru ngọt dịu
Mãi trôi theo dòng đời
Giơ con đà to tát
Kiếp lạc loài nỗi trôi
Cô hương luôn hoài vọng
Về nghe Mẹ ru đời
Đêm đông dài thao thức
Ôm ấp về tuổi thơ
Nhớ ca dao của Mẹ
Bất chợt mình trong mơ
Lời ru tuy mộc mạc
Lại hùng hồn vô bờ
Nối truyền theo thế hệ
Gắng liền từ tuổi thơ
Ôi tình yêu Mẫu tử
Nặng hơn cả thái sơn
Con mơ nghe Tiếng Mẹ
Ru bài ca Quốc hờn.
Đăng nhận xét