Thomas Việt - VRNs
VRNs (17.12.2011) - Sài Gòn – Đây là cuộc phỏng vấn giữa Thomas Việt, VRNs, với Ông Lý Thái Hùng, một thuyết trình viên tại Hội Nghị Dân Chủ Á Châu, lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 25-26.11 sau nhiều năm Nhật không lên tiếng trước tình trạng vi phạm nhân quyền và không có tự do dân chủ tại một số nước độc tài tại Á Châu.
Mời quý vị lắng nghe hay xem bài phỏng vấn sau: http://www.divshare.com/direct/16399441-b6f.mp3
Thomas Việt: Hội Nghị Dân Chủ cho Á Châu diễn ra ngày 25 và 26 tháng 11 vừa qua chưa có đại diện của các nước dân chủ tại Á Châu và các nước lớn khác, Ông Lý Thái Hùng có thể cho biết là đã mời mà họ ngại không đến hay chưa tới lúc phải mời họ?
Lý Thái Hùng: Thưa anh, Ban Tổ Chức Hội Nghị Dân Chủ Hóa Á Châu vừa qua tại Tokyo đã đặt ra ba mục tiêu chính: Thứ nhất là muốn lắng nghe nguyện vọng và quan điểm của các dân tộc tại một số quốc gia độc tài ở Á Châu. Thứ hai là hiểu biết rõ hơn về những nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ của các dân tộc đang bị áp bức. Thứ ba là người Nhật Bản có thể làm gì để hỗ trợ những cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức hầu giành lại tự do dân chủ.
Vì chỉ gói ghém trong ba mục tiêu chính như vậy, Ban Tổ Chức đã chỉ mời đại diện của một số lực lượng thuộc các dân tộc đang bị chế độ độc tài áp bức như Miến Điện, Việt Nam, Trung Quốc, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Bắc Triều Tiên tham dự mà không mời những quốc gia dân chủ tại Á Châu hay các nước khác như Hoa Kỳ, Pháp, Úc tham dự là vì vậy.
Theo như phát biểu của bình luận gia Kasei, Chủ tịch ủy ban Dân chủ hóa Á Châu thì những người Nhật Bản trong Ủy Ban này, muốn tự mình tìm đến và cùng với các dân tộc bị độc tài áp bức để tranh đấu cho tự do dân chủ. Đồng thời họ muốn qua đó, dấy lên một làn sóng trên toàn quốc Nhật Bản hỗ trợ các phong trào dân chủ hóa Á Châu. Điều này cho thấy là hiện nay nguời Nhật chỉ muốn giới hạn khuôn khổ ở trong nước Nhật và chưa muốn làm lan rộng ra các quốc gia dân chủ khác.
Thomas Việt: Những chính sách hỗ trợ các nhà hoạt động dân chủ tại các nước độc tài Á Châu là như thế nào, khi nào sẽ bắt đầu và mức độ hỗ trợ ra sao?
Lý Thái Hùng: Thưa anh, hiện nay phải nói có là còn quá sớm để biết rõ là Ủy Ban Dân Chủ Hóa Á Châu sẽ có những hoạt động và chính sách hỗ trợ cho các hoạt động dân chủ tại các quốc gia độc tài tại Á Châu ra sao vì hai lý do:
Thứ nhất là trong 6 tháng vừa qua, Ủy Ban với hình thành xong khung sườn gồm cơ chế, chủ trương, đường lối hoạt động trên lý thuyết.
Thứ hai là tập trung nỗ lực tổ chức Hội Nghị Dân Chủ Á Châu trong 2 ngày 25 và 26 tháng 11 vừa qua tại Tokyo nên chưa có nhiều thì giờ để xúc tiến những chính sách cụ thể.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ giữa các thành viên lãnh đạo của Ủy Ban Dân Chủ Hóa Á Châu của Nhật Bản và các đảng phái của các dân tộc bị độc tài áp bức như Miến Điện, Việt Nam, Tây Tạng, Trung Quốc và Nội Mông thì chúng tôi được biết Ủy Ban sẽ xúc tiến bốn công tác như sau:
Một là đại diện Ủy Ban sẽ xin gặp trực tiếp Thủ tướng Noda, Nhật Bản, để trình bày về chủ trương của Ủy
Ban và sau đó đề nghị chính phủ yểm trợ cụ thể.
Hai là hoàn thành cuốn DVD tóm lược về thành quả của hai ngày Hội nghị để sau đó phổ biến trong dư luận Nhật và thế giới.
Ba là tổ chức một loạt các buổi nói chuyện về nhu cầu Dân Chủ Hóa Á Châu tại các trường đại học ở Nhật Bản để qua đó vận động sinh viên tham gia vào Ủy Ban.
Bốn là tổ chức các sinh hoạt gây quỹ trong giới Nghiệp đoàn và các công ty để tạo một nguồn tài chánh dồi dào hầu hỗ trợ các hoạt động của Ủy Ban và của Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu. Được biết là Ủy Ban Dân Chủ Hóa Á Châu đã nhận được sự hậu thuẫn tích cực của Tổng Nghị Hội Lao Động Nhật Bản với 8 triệu thành viên trên toàn quốc.
Thomas Việt: Xin ông cho biết hoạt động thường kỳ của Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu như thế nào, vai trò và nhiệm vụ của từng thành viên ra sao?
Lý Thái Hùng: Thưa anh, trong Hội Nghị vừa qua, một số vị lãnh đạo trong Ủy Ban Dân Chủ Hóa Á Châu qua sự ủng hộ đông đảo của quý vị chính giới và đại diện các Nghiệp Đoàn Nhật, muốn những đảng phái, tổ chức đại diện các dân tộc bị độc tài áp bức ở Á Châu có chung một cơ chế liên lạc, hầu giúp cho sự hỗ trợ của Ủy Ban từ phía Nhật Bản đạt được kết quả khả quan hơn. Chính trong tinh thần này mà Hội Nghị đã tán đồng việc thành lập Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu với dự trù là sẽ mời tất cả những đoàn thể, đảng phái chính trị của các nước Á Châu đang chống lại độc tài quân phiệt hay độc tài cộng sản tham gia.
Hiện tại, Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu có 5 thành viên lãnh đạo lâm thời gồm có Tiến sĩ Pima Gyalpo (Tây Tạng), ông Tim Win (Miến Điện), ông Thừa Văn Lập (Trung Quốc), ông Ihman Mahnut (Uyghur) và cá nhân tôi là Lý Thái Hùng đại diện Việt Nam. Hiện tại thì Ủy Ban Lâm Thời đã ủy thác cho Tiến sĩ Pima Gyalpo đại diện Tây Tạng làm Tổng Thư Ký của Hội Đồng để tiến hành hai nỗ lực:
1/ Soạn thảo một số chủ trương và nguyên tắc điều hành Hội Đồng.
2/ Soạn thảo một lá thư gửi đến các đảng phái, tổ chức đấu tranh của các dân tộc Á Châu để vận động sự tham gia vào Hội đồng.
Ngoài ra, Hội Đồng đã chính thức ủy thác cho các đoàn thể, đảng phái của các dân tộc Á Châu bị độc tài áp bức đang sống tại Nhật thành lập một ủy ban liên lạc để xúc tiến các công tác cụ thể với Ủy Ban Dân Chủ Hóa Á Châu của Nhật, như đi nói chuyện tại các đại học Nhật để dấy lên một làn sóng hỗ trợ dân chủ hóa Á Châu trong giới trẻ Nhật Bản; vận động thêm những hợp tác cụ thể và sự tham gia từ những tổ chức, đảng phái của các dân tộc tại Á Châu.
Thomas Việt: Khi nào sẽ có tiếp một Hội Nghị Dân Chủ cho Á Châu nữa? Quy mô, đặc điểm và thành phần tham gia?
Lý Thái Hùng: Theo như dự trù của Ủy Ban Dân Chủ Hóa Á Châu thì sang năm sẽ có hai hội nghị:
Một là Hội nghị của Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu tại Tokyo để chính thức công bố về các chương trình hoạt động của Hội Đồng và đây cũng là dịp ra mắt thành phần lãnh đạo và điều hành của Hội Đồng.
Hai là Hội nghị Dân Chủ Hóa Á Châu lần thứ 2 sẽ diễn ra vào mùa Thu năm 2012 nhằm đúc kết những thành quả vận động sau một năm hoạt động. Hy vọng là Hội Nghị lần này sẽ có sự hỗ trợ tích cực hơn từ chính giới Nhật Bản và nhất là có nhiều phái đoàn Á Châu tham dự.
Thomas Việt: Đối với vấn đề dân chủ cho Việt Nam, Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu có dự định mời các đảng phái khác như đảng Dân Chủ, đảng Vì Dân, đảng Người Việt Yêu Người Việt, đảng Thăng Tiếng, Việt Nam Quốc Dân Đảng …?
Lý Thái Hùng: Chắc chắn là sau khi Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu soạn xong các văn kiện sẽ gửi đến các tổ chức, đảng phái của Việt Nam để mời tham gia. Chúng tôi hy vọng là các tổ chức mà anh vừa đề cập sẽ cùng tham gia vì đây là một nỗ lực nhằm tạo sự liên kết của phong trào dân chủ Á Châu.
Thomas Việt: Theo Ông thì một khi các dân biểu Nhật quan tâm nhiều đến vấn đề dân chủ và nhân quyền, tiến trình dân chủ tại Á Châu sẽ có tác động như thế nào?
Lý Thái Hùng: Khi chúng tôi nhận được thư mời tham dự Hội Nghị Dân Chủ Á Châu vừa qua ở Tokyo, phải nói là trong lòng thì vừa vui và hãnh diện, nhưng lại vừa rất lo vì không biết Hội nghị có được dư luận Nhật quan tâm hay không và kết quả sẽ ra sao. Lý do dễ hiểu là dư luận Nhật nói chung và chính phủ Nhật nói riêng đã hoàn toàn im lặng và không có bất cứ hành động nào lên tiếng can thiệp tình trạng vi phạm nhân quyền tại Á Châu trong nhiều thập niên vừa qua.
Tuy nhiên sau khi tham dự Hội Nghị và nhất là được tiếp xúc và trao đổi với một số giáo sự đại học nằm trong Ủy Ban Dân Chủ Hóa và gặp một số vị dân biểu quốc hội thì họ có những cái nhìn thay đổi và tích cực hơn.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là đa số những vị này đã biểu hiện một sự hổ thẹn về việc im lặng của chính phủ và dư luận Nhật trước các cuộc tranh đấu dân chủ hóa tại Á Châu trong mấy thập niên qua, mà đáng lý ra một cường quốc dân chủ hàng đầu ở Á Châu như Nhật Bản đã phải lên tiếng ủng hộ.
Cảm nhận thứ hai là giới trí thức và nghiệp đoàn Nhật Bản rất phấn chấn về cuộc cách mạng Hoa Lài tại Bắc Phi và những dấu hiệu dân chủ hóa tại Miến Điện gần đây, nên họ nghĩ đã đến lúc Nhật không để đứng bên ngoài các biến động Á Châu mà phải tích cực tham gia cùng với các dân tộc bị áp bức.
Qua những cảm nhận như vậy, tôi nghĩ rằng nếu dư luận Nhật thật sự quan tâm vào vấn đề dân chủ hóa Á Châu thì sẽ có tác động rất lớn lên những biến chuyển trong vùng. Đặc biệt là với mối quan hệ giữa chính quyền Nhật Bản và Cộng Sản Việt Nam hiện nay, nếu Nhật đứng về phía dân chủ sẽ tạo nhiều thuận lợi cho phong trào dân chủ bộc phát mạnh mẽ hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thomas Việt: Xin cảm ơn và chúc bình an.
5 comments:
Áp lực của TQ ngày càng lớn dần trong khu vực và những động thái ngang tàng của Bắc Kinh đã ảnh hưởng nặng nề đến an ninh và kinh tế Nhật và khiến người Nhật lo ngại .
Khi người Nhật bắt đầu nhúng tay vào vì quyền lợi của họ thì họ mới hợp tác cụ thể và tích cực hơn, thay vì cứ im lặng, khoanh tay đứng nhìn trong mấy thập niên qua.
Người Nhạt vốn quen làm việc tập thể và những lên tiếng của họ phải đáp ứng điều gì đó cho tập thể chung. Từ trước đến nay Nhật không lên tiếng về Nhân quyền tại Á Châu vì phải nói là họ chưa có sự đồng thuận trong chính họ... và nó phải mang đến 1 cái gì đó có lợi cho họ.
Nay một số người Nhật bắt đầu quan tâm - biểu hiện cho một tập thể nhỏ mong muốn dân chủ hóa Á Châu chuyển mình - rõ ràng là người Nhật đã nhìn thầy xu hướng dân chủ hóa Á Châu tất phải xảy ra và như thế áp lực của TQ đối với họ sẽ giảm.
Có lẻ từ những lý cớ này mà Nhật Bản đã tổ chức Hội Nghị Dân Chủ Á Châu.. Thật đúng lúc.
Ở đây cũng chúc mừng ông Lý Thái Hùng đã đại diện phía VN tham dự cũng rất là đúng lúc.
Ủy Ban Dân Chủ Hóa Á Châu ra đời tuy hơi muộn, nhưng có còn hơn không. Mong Ủy Ban có những hành động thiết thực trong tương lai gần để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đến sớm hơn ở các nước đang sống dưới các chế độ độc tài.
Day la co hoi moi cho A chau, cach mang hoa lai bay gan den VN
Vậy là nhân dân Nhựt Bản yêu chuộng dân chủ,nhân quyền sẽ nhập cuộc để đẩy lùi các chế độ độc tài tàn bạo tại Châu á nói chung và Việt Nam nói riêng,thế kỷ nầy là thế kỷ tự do,thịnh vượng tại Á Châu mà.
Đăng nhận xét