Vài lời bênh vực bức tranh “Tuyên Thề” của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ


Lê Nguyên Hồng

Từ ngày giỗ của cố nhà thơ Xuân Diệu- 18/12/2011 – bức tranh Tuyên Thề của tiến sĩ họ Cù đã được cư dân mạng Internet đem treo trên nhiều diễn đàn, Web, blog. Sẽ không có gì đáng nói, nếu bức tranh ấy không có tên là Tuyên Thề. Chắc chắn cái tên Tuyên Thề là do anh Cù Huy Hà Vũ đặt ra trước khi cầm cọ vẽ. Bức tranh này rất có thần thái… 

Nếu ai đó muốn nhận xét đánh giá bức tranh của anh Vũ cho công bằng và khách quan thì hãy đừng đem những kiến thức hội họa của nhà trường vào đề tài bình luận. Đơn giản là tiến sĩ Vũ không phải là họa sĩ chuyên nghiệp và tất nhiên là Anh không được đào tạo bài bản về Hội họa.


Không ai có thể phủ nhận tài vẽ ký họa của tiến sĩ họ Cù. Điều này khá tự nhiên, vì có rất nhiều người vẽ hoặc viết chữ đẹp chỉ đơn giản là nhờ có “hoa tay”. Ký họa chỉ cần đường nét, thần thái thông qua đường nét, nhiều lắm là sự đậm nhạt của nét vẽ, chứ không mấy liên quan đến mảng, khối, nhất là không cần phối kết màu sắc.


Nhưng đối với một bức tranh có màu thì lại khác: Không phải ai biết vẽ cũng có thể thành họa sĩ. Thiên tài đa năng - danh họa siêu phàm Leonardo Da Vince - đã từng vẽ hỏng bức tranh nổi tiếng: “Bữa tối cuối cùng” bởi vì khi vẽ ông đã không hiểu hết kỹ thuật của một tác phẩm Bích họa.



Bản thân một tác phẩm hội họa ra đời hoàn mỹ, chỉ có thể là sự kết hợp của cảm xúc, lý trí, kiến thức và kinh nghiệm cầm cọ, cầm bút, mà thôi. Như vậy thì tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ - thông qua bức vẽ Tuyên Thề - người xem có thể khẳng định là Anh sẽ thiếu 1 trong những yếu tố nói trên. Mặt khác, bức tranh Tuyên Thề đã được sao chụp bằng máy ảnh, sau đó tiếp tục post lên mạng Internet, thì những gì người xem nhìn được, đã bị “lăng kính hóa” đi so với việc trực tiếp xem tranh rất nhiều…



Chúng ta có thể khẳng định ngay rằng bức tranh Tuyên Thề đúng là Tuyên Thề - một lời tuyên thề dành cho cá nhân anh Vũ nhiều hơn là cho nhà thơ Xuân Diệu. Về đường nét thì có thể khẳng định bức tranh không tả thực khuôn hình mà chỉ khái quát hình ảnh anh Vũ mà thôi. Thứ hai - về màu sắc – mầu của mái tóc và bàn tay phải của anh Vũ là màu đỏ, đó chính xác là thể hiện màu máu trong tim óc, huyết quản. Một số người ghét màu cờ Đỏ sao vàng, ghét luôn màu máu là không khách quan! 



Vẫn là vấn đề màu sắc: Màu tóc đỏ có thể hiểu là mầu nhiệt huyết trong khối óc. Nhưng nếu như vậy thì màu đỏ của bàn tay nói lên điều gì? Anh Vũ không thể vẽ hình quả tim của mình đang nằm trong lồng ngực, vì vậy khi bàn tay đã đặt lên trái tim, tất nhiên màu máu của trái tim nóng, sẽ được lan truyền sang cánh tay. Đây có vẻ là lối suy nghĩ bắc cầu hết sức nghiệp dư về hội họa của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhưng nó lại khá logic với mái tóc màu đỏ. Tuy nhiên, chúng ta trân trọng suy nghĩ đó của Anh, và đó mới chính là điều anh Vũ muốn nói.



Về đôi môi thể hiện bằng gam màu xanh, đây có lẽ là một suy nghĩ dộc đáo. Hầu hết chỉ có các em bé tập vẽ mới tô màu lung tung. Còn anh Cù Huy Hà Vũ thì dùng màu xanh của đôi môi nói lên sự ôn hòa, hòa bình trong ngôn luận. Đó có lẽ chính là thông điệp mà Anh nhắm tới. Về màu sắc nền phía sau diễn tả rõ nét đó là bức tường đá của nhà tù. Màu da vàng nghệ vừa nói lên “ta là người máu đỏ da vàng” vừa có nét của người đang mang nhiều bệnh tật.



Về việc tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có dùng gương để soi chân dung rồi tự họa hay không? Có thể dự đoán rằng không! Vì nếu như vậy thì bức tranh phải rất giống với bề ngoài hiện tại của anh Vũ. Chuyện tóc rẽ ngôi bên trái hay bên phải lại là bằng chứng để một số người khẳng định là anh Vũ vẽ qua gương. Rất có thể đây là một ẩn ý của người vẽ: Câu chuyện vụ án (đang mang trên đầu) của anh “trái” đã thành “phải” và ngược lại, chứ không có vấn đề tả thực máy móc…



Tất nhiên xem tranh là cả một nghệ thuật và cũng rất cần có tâm trạng. Vả lại mỗi người đều có quyền đưa ra nhận xét của mình. Nhưng chốt lại vấn đề, bức tranh Tuyên Thề đúng là lời tuyên thề của anh Vũ rằng: Anh vẫn giữ nguyên quan điểm đấu tranh của mình. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ chưa phải là một nhà dân chủ, chưa phải là một nhà chính trị, và cũng chưa phải là một vị anh hùng. Nhưng anh thực sự là một người dũng cảm, một tấm gương đấu tranh bất khuất cho rất nhiều người noi theo…


Lê Nguyên Hồng http://lenguyenhong.blogspot.com/2011/12/vai-loi-benh-vuc-buc-tranh-tuyen-cua.html

DienDanCTM


Phụ lục: bài viết "Về bức tự họa “Tuyên thề” của ông Cù Huy Hà Vũ" của VN


   Để bức “Tuyên thề” có ý nghĩa, theo thiển ý của tôi, ông Hà Vũ phải vẽ lại mái tóc. Hoặc, “Tuyên thề” không phải là bức chân dung tự họa của ông Cù Huy Hà Vũ”. 

Tôi được biết ông Cù Huy Hà Vũ – một tiến sĩ luật, khoảng 2, 3 năm nay.  Nhưng biết về ông – một họa sĩ nghiệp dư thì chỉ mới gần đây. Bức tranh ông vẽ đại tướng Võ Nguyên Giáp thật đẹp, có hồn, với nét bút tài hoa (hình 2). Tôi đã thấy bức chân dung này, được thể hiện trên chất liệu đồng, ở Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ trong một lần ghé thăm một người bạn đồng nghiệp sống tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội.

    Mới đây, nhân ngày giỗ của nhà thơ Xuân Diệu (18/12) bà Nguyễn Thị Dương Hà – vợ ông Cù Huy Hà Vũ có nhờ báo (BôxitVN) cho đăng bức tranh “Tuyên thề”, ông Vũ đã vẽ ở trong tù để thể hiện tấm lòng biết ơn của ông đối với nhà thơ Xuân Diệu, “như một nén hương dâng lên người đã nuôi dạy ông trưởng thành”.

   Bức “Tuyên thề” được nhiều người biết đến vì nhiều báo mạng đã đăng tải, hiện nó được “treo” thường xuyên trên trang TTHN.
Tôi chưa thấy ai có nhận xét gì về ý nghĩa hay tính “nghệ thuật” của bức “Tuyên thề” của ông Vũ. Là người có chút “máu mê” hội họa, tôi xin mạo muội có vài nhận xét về bức tranh này.

   Những bức vẽ của ông Vũ mà tôi được thấy trên mạng là những bức kí họa. Chúng được vẽ với những nét bút cô đọng nhưng thanh thoát, bay bướm, tài hoa. Tuy mỗi bức họa chỉ có rất ít nét nhưng đã thể hiện được “cái thần” của người được vẽ. Duy chỉ bức “Tuyên thề” được ông Vũ vẽ bằng chất liệu sơn dầu màu, trên toan trắng. Được biết đây là bức tự họa, ông Vũ vẽ mình trong tù. Màu sắc hài hòa, bố cục chặt. Vẻ mặt người cương nghị, bất khuất, tay đặt lên ngực, mắt nhìn thẳng. Đúng là dáng vẻ của người đang tuyên thề. Màu chủ đạo của bức tranh có màu đen, xám – màu u ám, màu của nhà tù. Người trong tranh mặc áo “cổ vuông”. Loại áo cổ vuông này rất phổ biến cách đây hơn 4 chục năm ( phổ biến như áo lót ba lỗ nam hiện nay). Hồi nhỏ tôi đã mặc loại áo cổ vuông này, nó được may bằng vải bông, xẻ rãnh trên một vai và có nút cài. Bộ đội, học sinh nội trú…ngày ấy hay mặc. Tôi không rõ ông Vũ trong tù có mặc áo này không, vì đã lâu không thấy loại áo này. Vậy tại sao ông Vũ vẽ chiếc áo “cổ vuông”? Có thể, ông muốn thể hiện ông là chiến sĩ, thuộc lớp người trước đây!? Trong tranh, tóc và bàn tay được tô màu đỏ. Bàn tay đặt nơi ngực có thể coi như nơi trái tim người – màu đỏ là hợp lý. Màu của trái tim nhiệt huyết, yêu nước. Nhưng tại sao tóc lại có màu đỏ? Tóc che toàn bộ đầu não. Vậy coi như tóc thể hiện màu “cách mạng” của trí óc, của tư tưởng.
Thế tại sao đôi môi lại tô màu xanh dương -  một điểm xanh duy nhất trên bức tranh?
Màu xanh dương là màu sắc phong thủy tuyệt vời. Xanh dương đậm, là sắc màu tượng trưng cho sự tĩnh lặng và yên bình. Khi tô đôi môi màu xanh dương, ông Vũ muốn nói với chính quyền, rằng tuy đầu óc và tim ông “nóng” nhưng ông chỉ đấu tranh ôn hòa, bất bạo động.
Thường màu sắc đôi môi còn nói lên sức khỏe của con người. Mắt trắng, môi “thâm” là cơ thể không được khỏe. Điều này hoàn toàn đúng với hoàn cảnh hiện nay của ông Vũ. Bà Dương Hà – vợ ông Vũ cũng đã nhiều lần đề nghị chuyển trại cho ông vì lý do này.
Đấy là nói về thể chất vật lý. Còn ý nghĩa tinh thần của những màu sắc này là gì? Có thể, ông Vũ muốn nói rằng: trong tù, dù vật chất thiếu thốn, sức khỏe sa sút nhiều nhưng nhiệt huyết, tinh thần “cách mạng” của ông vẫn rất cao .

Tuy nhiên, nếu để ý, bức tự họa “Tuyên thệ” có một khiếm khuyết nhỏ. Nhỏ nhưng nếu suy ra thì là lớn.
Theo như tôi hiểu thì đây là bức “tự họa” của ông Vũ. Nghĩa là ông Vũ tự vẽ chính mình lúc ở tù. Tôi nghĩ nhiều người cũng nghĩ theo hướng này. Và tôi sẽ tiếp tục “mổ xẻ” bức  “Tuyên thề” theo hướng ấy.

   Như rất nhiều người đàn ông, tóc ông Vũ rẽ đường ngôi bên trái (hình 3), cùng phía với tim ông. Nhưng trong “Tuyên thề” tóc ông Vũ rẽ ngôi bên phải. Trong một bức tự họa khác ông Vũ cũng rẽ ngôi bên phải (hình 4).
Tôi chưa bao giờ vẽ chân dung tự họa, nhưng tôi đoán, nhiều người vẽ chân dung tự họa qua gương. Ông Vũ chắc cũng làm như thế. Đến khi vẽ bàn tay đặt lên ngực, ông dùng tay trái đặt lên ngực phải, rồi dùng tay phải cầm bút vẽ bàn tay này.
Cho nên theo logic, đây là bức chân dung tự họa qua gương. Vậy, khi ta nhìn “Tuyên thề” là ta chỉ nhìn thấy “chân dung” của ông Vũ trong gương.
Nói theo ngôn ngữ quang hình học, “Tuyên thề” chỉ là “ảnh ảo” của ông Vũ qua gương phẳng mà thôi.  Nghĩa là, trong thực tế bàn tay trái của ông Vũ đang đặt lên ngực phải , chứ không đặt lên trên tim mình (bên trái, cùng bên với đường rẽ ngôi tóc của ông). Đây không phải là hành động của tuyện thề.
Một người khi tuyên thề thường sẽ dùng tay phải đưa chéo qua ngực và đặt lên tim mình phía bên trái (cùng phía với đường rẽ ngôi tóc bên trái của người ấy).
Chuyện sẽ không có gì đáng bàn luận, nếu bức tranh không có tên là “Tuyên thề” đầy ý nghĩa, mà như bà Dương Hà, vợ ông Hà Vũ đã viết khi đề nghị “dâng lên như một nén hương” với “lòng biết ơn” cố thi sĩ Xuân Diệu nhân ngày giỗ.

    Để bức “Tuyên thề” có ý nghĩa, theo thiển ý của tôi, ông Hà Vũ phải vẽ lại mái tóc. Hoặc, “Tuyên thề” không phải là bức chân dung tự họa của ông Cù Huy Hà Vũ”.
VN  

http://chhv.wordpress.com/2011/12/25/v%E1%BB%81-b%E1%BB%A9c-t%E1%BB%B1-h%E1%BB%8Da-tuyen-th%E1%BB%81-c%E1%BB%A7a-ong-cu-huy-ha-vu/

2 comments:

Tuy tôi không hiểu biết gì về nghệ thuật hội họa nhưng khi nhìn bức họa trên thì theo tôi là TS. Cù Huy Hà Vũ không phải tự họa mình mà là họa hình một người khác theo sự suy nghĩ của mình. Nói rõ hơn nữa là TS. Cù Huy Hà Vũ họa hình của một người mà ông rất mến phục nhưng chưa gặp mặt và cũng không biết đó là phái Nam hay Nữ. Và bức họa trên chỉ là một thông điệp để gửi đến người ông quý mến mà thôi. Mong rằng sự nhận định nầy sẽ không làm buồn lòng bạn Lê Nguyên Hồng.

Khi nhìn tổng quát bức hoạ thì là một người đàn ông, nhưng nhìn vào đôi môi, đôi lông mày, những ngón tay và cái cằm thì đó là của phái nữ. Cũng vì vậy nên tôi rất đồng tình với sự góp ý của bạn Như Ngọc.
Tuy nhiên tôi mong rằng sự góp ý nầy sẽ không gây thêm phiền lụy cho TS. Cù Huy Hà Vũ hay là chị Dương Thu Hà.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More