Về 3 bộ luật của nhóm Luật của Sự Thật

Ngô Đình Thu - DienDanCTM

 
Gần như cùng khoảng thời gian với việc Nhà xuất bản Thế Giới của Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch cho in một số bộ luật Việt Nam bằng tiếng Hoa, bản Cẩm Nang Luật của nhóm Luật của Sự Thật được xuất bản bởi Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Luật của Sự Thật.

Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Trưởng Văn Phòng Luật Sư Thiên Ân tại Hà Nội được biết là một luật sư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ tự do tôn giáo, cũng như viết bài nghiên cứu, phổ biến luật pháp và các quyền tự do chính trị công dân ở Việt Nam. Ông bị bắt ngày 6/3/2007 cùng với Luật Sư Lê Thị Công Nhân, bị đưa ra tòa sơ thẩm ngày 11/5/2007 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam” với bản án 5 năm tù và 4 năm quản chế.

“Cẩm Nang Luật cho Bạn và Tôi” gồm 3 tập, phân tích cặn kẽ một số quyền tự do căn bản của công dân theo qui định của luật pháp và Hiến pháp Việt Nam cũng như hướng dẫn mọi người cách hành xử quyền tự do của mình sao cho tốt nhất. Toàn văn ba bản Cẩm Nang được đăng trong: http://camnangluat.blogspot.com/

                                                                       ******

Từ  những ngày đầu tháng 6/2011, những cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng của ngoại bang bị đàn áp bởi các lực lượng an ninh đã  đặt ra một số vấn đề cần tìm hiểu chung quanh quyền biểu tình cũng như các quyền chính trị khác của công dân.

Cẩm Nang Luật tập 1 đã đề cập và phân tích vấn đề này căn cứ trên luật pháp Việt Nam, gồm 13 câu hỏi và trả lời. Nội dung được chúng tôi  tóm lược và giữ nguyên phần quan trọng nhất như sau.

1 – Bạn có quyền biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước hoặc chính kiến của mình về một vấn đề gì đó không?

 Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 qui định tại điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của luật pháp.” Đây là một quyền hiến định và là một trong những công cụ pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực của mình như qui định tại điều 2 Hiến pháp 1992.

“Do vậy bạn có quyền thực thi quyền biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước hoặc bày tỏ chính kiến của mình về mọi vấn đề của đất nước.”

2 – Hiến pháp và luật pháp Việt Nam có cho phép và bảo vệ bạn khi bạn biểu tình bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa và trật tự không?

“Theo các qui định trong Hiến pháp và luật pháp như điều 7 Luật Tố Tụng Hình Sự, điều 12, điều 50 và điều 71 Hiến pháp 1992  thì các quyền về chính trị của bạn như quyền biểu tình được tôn trọng và bảo đảm thực hiện.”

3 – Bạn có vi phạm luật pháp Việt Nam khi cùng bạn bè thực hiện quyền biểu tình để bày tỏ chính kiến của mình một cách hòa bình không?

Quyền biểu tình là một trong những quyền con người về chính trị đã được Hiến pháp trao cho bạn. Chưa có bộ luật nào qui định việc hạn chế quyền biểu tình của công dân Việt Nam.

“Do đó khi bạn thực hiện quyền biểu tình của mình trong hòa bình thì hoàn toàn không vi phạm pháp luật.”

4 – Khi bị công an đòi bắt đem về đồn, bạn có quyền hỏi lý do và có quyền từ chối không đi cho tới khi có lý do chính đáng không? Nên đi theo công an về đồn hay không?

Theo qui định tại điều 71 Hiến pháp 1992 “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.” Và tại điều 6 Bộ luật TTHS “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm Sát, trừ trường hợp phạm pháp quả tang.”

 “Như  vậy, khi bạn tham gia biểu tình mà bị cảnh sát hay an ninh đòi bắt giữ thì bạn có quyền yêu cầu họ nói rõ lý do bắt bạn, yêu cầu họ cho biết bạn vi phạm luật nào và điều nào? Trong trường hợp họ sử dụng vũ lực để cưỡng bức bạn về đồn cảnh sát, bạn nên tạm thời chấp hành để tránh việc họ vu khống cho bạn chống người thi hành công vụ. Nhưng khi họ làm việc thì bạn cương quyết yêu cầu họ nói ra lý do bắt bạn.”

5 – Công an có quyền tạm giam bạn bao lâu trong tiến trình điều tra? Bạn có quyền yêu cầu để được gặp luật sư của bạn không?

Theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự tại điều 87 về thời hạn tạm giữ:

 “Thời hạn tạm giữ tối đa là 9 ngày.”

Trong khi bị tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Đối với việc gia hạn tạm giam để điều tra, điều 120 của Bộ luật Tố Tụng Hình Sự qui định thời hạn tạm giam cho tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như sau:

“Thời hạn tạm giam tối đa là 16 tháng.”

Theo qui định của điều 11 Bộ luật TTHS: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.”

“Như vậy bạn có quyền yêu cầu gặp luật sư của bạn ngay từ khi bạn bị tạm giữ. Bạn có quyền không trả lời bất cứ câu hỏi nào của cơ quan cảnh sát và bạn cũng có quyền từ chối làm việc với cơ quan cảnh sát cho đến khi bạn gặp được luật sư của bạn.”

6 - Nếu bạn bị công an đánh, la lối, sĩ nhục thì bạn nên làm gì?

Điều 7 Bộ luật TTHS qui định: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản.”

“Như vậy khi bị công an đánh, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của bạn thì họ đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bạn cần học thuộc điều này để nhắc nhở họ, yêu cầu gặp cấp trên của họ để khiếu nại. Sau khi được tự do, bạn có quyền làm đơn tố cáo hành vi vi phạm luật pháp của những công an đó với Viện Kiểm Sát hoặc kiện họ ra tòa.”

7 - Bạn có quyền yêu cầu được liên lạc với gia đình khi bạn bị công an giam giữ hay không?

Theo qui định của điều 85 Bộ luật TTHS  về việc thông báo cho gia đình người bị bắt giữ:

“Bạn có quyền yêu cầu cơ quan đang giam giữ bạn phải thông báo cho gia đình bạn biết về việc bạn bị bắt.”

8 - Bạn có nên ký giấy nhận tội hay không? Nếu bị ép phải ký giấy nhận tội thì bạn nên ứng xử ra sao?

Theo qui định của Bộ luât TTHS tại điều 9: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

“ Như vậy, chỉ có Tòa án mới có quyền phán quyết bạn là người có tội hay không. Bạn cương quyết từ chối việc ký nhận tội.”

9 - Bạn có thể làm gì nếu công an áp lực nơi hãng xưởng hoặc công ty nơi bạn đang làm việc để đuổi bạn?

“Nếu có bằng chứng, bạn có quyền tố cáo hành động vi phạm pháp luật đó với cơ quan cấp trên của người công an đó. Đồng thời bạn có quyền kiện chủ công ty ra Toà Lao động.”

10 - Nếu công an đe dọa gia đình bạn thì bạn có thể khiếu nại nơi đâu?

Điều 74 hiến pháp 1992 qui định: Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước hoặc bất cứ cá nhân nào.

“ Như vậy, khi công an đe dọa gia đình bạn thì bạn có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đó với cơ quan cấp trên của họ.”

11 - Một số điều nên và không nên làm hoặc nói trong khi bị công an hỏi cung.

Theo qui định tại điều 63 Bộ luật TTHS về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự:

“Nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật thuộc về cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Bạn không phải trả lời các câu hỏi của cơ qua điều tra, có quyền giữ im lặng cho đến khi bạn bị đưa ra tòa để xét xử. Bạn có quyền yêu cầu luật sư của bạn có mặt trong buổi hỏi cung, có quyền tham khảo ý kiến luật sư về câu trả lời của bạn.”

12 – Thông báo của UBND thành phố Hà Nội ngày 18/8/2011 có hạn chế được quyền biểu tình của công dân không?

Khoản 2 điều 1 Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND và UBND như sau: Văn bản qui phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân được ban hành dưới hình thức quyết định, chỉ thị.

“Như vậy việc UBND thành phố Hà Nội ra Thông báo ngày 18/8/2011 là không đúng với qui định trên, do đó không phải là văn bản qui phạm pháp luật, không có giá trị pháp lý để người dân cư trú trên địa bàn Hà Nội phải chấp hành.”

13 - Nghị định 38/2005/NĐ-CP qui định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng có hạn chế được quyền biểu tình của công dân không?

Về mặt pháp lý, khái niệm “tập trung đông người nơi công cộng” và khái niệm “quyền biểu tình” rất khác nhau. Quyền biểu tình được qui định tại điều 69 Híến pháp năm 1992 là quyền hiến định, là một trong những công cụ pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực của mình.

“Do vậy nghị định 38/2005/NĐ-CP để hạn chế công dân thực hiện quyền biểu tình là vi hiến, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người về chính trị.”

                                                                        ******

Cẩm Nang Luật tập 2

 Trong tập 2, tác giả đề cập đến Quyền tự do hội họp, lập hội, lập đảng là những quyền con người về chính trị được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật và được tôn trọng cũng như thực thi trong thực tế. Cũng giống như Cẩm Nang Luật tập 1, tập 2 được trình bày dưới hình thức 12 câu hỏi và trả lời căn cứ trên Hiến pháp 1992 và văn bản pháp luật hiện hành, được tóm lược như sau.

1 - Bạn và những người cùng chính kiến hay quan điểm chính trị có quyền hội họp hay không? Có cần phải xin phép trước hay không?

Căn cứ Luật số 101/SL-L-103 ngày 20/5/1957 và Nghị định số 257-TTg ngày 14/6/1957 vẫn còn nguyên giá trị pháp lý thì: “Quyền tự do hội họp của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do hội họp.”

“Như vậy bạn và những người thân quen có cùng chính kiến, quan điểm chính trị hoặc bạn và những người trong cùng một tổ chức, đảng phái đã được thành lập hợp pháp có quyền tự do hội họp mà không cần phải xin phép.”

2 - Sự giống nhau và khác nhau giữa hội và đảng phái chính trị như thế nào?

“Đảng phái chính trị là một hình thức hội đặc biệt. Nhưng hội và đảng phái chính trị chỉ khác nhau về tên gọi còn về tất cả các phạm vi hoạt động, nguyên tắc tổ chức, điều kiện, thủ tục thành lập, quyền lợi và nghĩa vụ đều giống nhau.”

3 – Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam, có điều nào cấm người dân không được quyền thành lập một đảng phái để bày tỏ chính kiến của họ trong hòa bình hay không?

Trong bốn bản hiến pháp của Việt Nam từ 1946 đến 1992 cũng như toàn bộ các văn bản pháp luật không có điều nào cấm công dân Việt Nam thành lập đảng phái chính trị.

“Như vậy công dân Việt Nam có quyền lập hội , lập đảng.”

4 – Vào năm 1945, chính phủ đầu tiên của Việt Nam là một chính phủ đa đảng, vậy tại sao ngày nay các đảng phái  lại không được cho phép hoạt động?

“Đảng Cộng sản vì muốn duy trì quyền lực tuyệt đối, họ không muốn có các đảng phái chính trị khác ra đời và hoạt động ở Việt Nam. Điều này hoàn toàn không phù hợp với Hiến pháp và tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam. Cơ quan an ninh của đảng Cộng sản luôn dò xét trong mục đích và cương lĩnh hoạt động của các đảng phái xem có nội dung chống lại họ hay không? Nếu có thì họ sử dụng điều 79 Bộ luật hình sự để bắt giữ, truy tố và xét xử các thành viên của đảng phải đó. Do vậy các đảng phái chính trị khác nên nghiên cứu mục tiêu, cương lĩnh hoạt động của mình sao cho phù hợp để tránh bị tổn thất và giảm thiểu những lý cớ mà chính quyền có thể qui chụp.”

5 - Dựa vào đâu mà nhà nước Việt Nam cản trở không cho một đảng phái khác ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam hoạt động?

“Chính quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam đang dựa vào Điều 4 Hiến pháp 1992 qui định về quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội của đảng Cộng Sản Việt Nam.”

6 – Trong những năm gần đây, có rất nhiều công dân Việt Nam bị bắt và xử án tù rất nặng vì họ đã có ý thành lập một đảng riêng của họ hoặc tham gia  một đảng phái khác. Vậy thì dựa vào luật pháp Việt Nam, việc một công dân thành lập hoặc tham gia một đảng phái ngoài Đảng CSVN thì có phạm luật hay không?

Theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam, công dân Việt Nam có quyền thành lập đảng, có quyền tự do vào đảng hay ra khỏi đảng.

“Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng chính quyền trong nhiều năm qua đã lạm dụng điều 79 của Bộ luật hình sự để qui kết và xử án tù nhiều công dân Việt Nam, nhưng trên thực chất thì những người này chỉ nói lên tiếng nói yêu nước hoặc phản ảnh một số phê bình trên một số chính sách của chính phủ. Việc sử dụng luật pháp một cách tùy tiện để bắt bớ hoặc cấm người dân thực thi quyền bày tỏ chính kiến của mình qua việc thành lập đảng là vi hiến và vi phạm pháp luật Việt Nam.”

7 – Có điều nào trong Hiến pháp Việt Nam qui định rằng đất nước Việt Nam chỉ được phép có một đảng duy nhất tồn tại và hoạt động không?

“Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, sau đó là Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp 1980 và hiện nay là Hiến pháp 1992 không có điều nào qui định rằng ở Việt Nam chỉ cho phép một đảng Cộng sản được tồn tại và hoạt động.”

8 - Nếu muốn thành lập đảng thì phải làm sao? Nên có những bước cụ thể nào?

Điều kiện và thủ tục thành lập hội, thành lập đảng được qui định tại chương II Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của chính phủ.

9 - Những đảng phái đã từng tham gia chính quyền trong quá khứ hoặc đã có công đóng góp dành độc lập cho đất nước Việt Nam, tức là những hoạt động của họ đã từng được công nhận như Đảng Dân Chủ, Đảng Xã Hội, Quốc Dân Đảng… những đảng phái này có quyền phục hoạt hoặc tái hoạt động hay không?

“Theo hiến pháp và luật pháp hiện hành của Việt Nam, không có qui định nào cấm các đảng phái chính trị đã tự tuyên bố giải thể nhưng nay muốn phục hoạt trở lại.”

10 - Nếu như các quyền công dân được ấn định trong Hiến pháp và luật pháp Việt Nam bị xâm phạm, người công dân đó có quyền khởi kiện không? Và hiện nay Việt Nam có một cơ quan tài phán độc lập nào để giải quyết các tranh chấp mà không bị tác động hoặc ràng buộc bởi nhà nước hay không?

“Ở Việt Nam hiện nay, tất cả các cơ quan tư pháp đều dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản cầm quyền. Do vậy, sự độc lập của các cơ quan tài phán là một sự xa xỉ. Mục tiêu đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong đó đã bao gồm việc xây dựng một hệ thống các cơ quan tài phán độc lập.”

11 - Nếu đất nước có dân chủ với thể chế chính trị đa đảng thì có lợi hay có hại cho sự phát triển và tồn vong của quốc gia đó?

Trên thế giới những quốc gia giàu có, hùng mạnh và văn minh đều là những nước có thể chế chính trị đa đảng. Nền chính trị dân chủ sẽ là cơ sở quan trọng, tạo cho công dân có cơ hội chính trị tham gia một cách bình đẳng trong việc xây dựng đất nước .

“Với Việt Nam, dân chủ hóa xã hội hiện nay là nguyện vọng của tất cả mọi người dân. Thực hiện dân chủ hóa tức là đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng các quyền con người về chính trị của công dân Việt Nam như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, lập đảng, quyền biểu tình.”

12 – Trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong việc xây dựng chế độ dân chủ xã hội?

“Thực hiện các quyền con người về chính trị là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả của mỗi công dân Việt Nam. Đó còn là sự biểu hiện của lòng yêu nước, của trách nhiệm không chỉ đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay mà cả các thế hệ mai sau. Thực hiện các quyền con người về chính trị cũng là thực hiện việc đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước. Đó là con đường chính nghĩa, phù hợp với sự vận động, phát triển tất yếu của xã hội và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.”

                                                                         ******

Cẩm Nang Luật tập 3

Trong tập 3 này, tác giả đề cập đến quyền tự do ngôn luận và quyền được thông tin là một trong những quyền tự do căn bản của con người về chính trị mà không thể bị hạn chế hay cướp đoạt. Theo tác giả, trong tất cả các quyền căn bản được liệt kê trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị thì đây là một trong những quyền thường bị các chế độ độc tài vi phạm nhất.

1 – Trong Hiến pháp và Luật pháp Việt Nam, có điều khoản nào bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền được thông tin của người dân không?

Quyền tự do ngôn luận và quyền được thông tin được qui định tại điều 68 Hiến pháp 1992, được cụ thể hóa trong Luật báo chí 1989, sửa đổi bổ sung năm 1999. Ngoài ra, quyền tự do ngôn luận còn được bảo vệ tại điều 19 Công ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam gia nhập vào ngày 24/9/1982.

“Như vậy trong trường hợp các qui định của pháp luật Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin chưa đầy đủ, thì các qui định về điều này của Công ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị được áp dụng thay thế ở Viêt Nam.”

2 - Quyền tự do ngôn luận và quyền được thông tin khác nhau chỗ nào?

Tự do ngôn luận là quyền tự do phát biểu ý kiến, quan điểm của mình về tình hình đất nước và thế giới. Công dân có quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với nhà cầm quyền, tổ chức xã hội và thành viên tổ chức đó. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến khác nhau.

Quyền được thông tin qui định trách nhiệm của chính quyền phải thông tin đầy đủ đến người dân về các vấn đề của đất  nước không thuộc bí mật quốc gia.

Như vậy công dân Việt Nam có quyền sử dụng mọi hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện thông tin đại chúng khác, không phân biệt ranh giới quốc  gia.

3 - Hiện nay tại Việt Nam có quyền được tự do ngôn luận và quyền được thông tin không?

Ở Việt Nam, trong Hiến pháp và pháp luật có ghi nhận quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin như đã trình bày trong câu số một.

“Trong thực tiễn, tại Việt nam không có quyền tự do ngôn luận và quyền được thông tin.”

4 - Cả nước Việt Nam hiện nay có một cơ quan truyền thông hay truyền hình tư  nhân nào không, hay tất cả đều trực thuộc cơ quan nhà nước?

Hiện nay Việt Nam có trên 600 tờ báo, đài phát thanh, truyền hình nhưng đều do các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương quản lý và kiểm soát, thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Ban Tuyên giáo Trung ương, không có truyền thông tư nhân.

5 - Nếu tôi và một số bạn bè muốn đề xuất một tờ báo tư thì tôi có cần xin phép không và xin ở đâu?

Điều 69 Hiến pháp 1992 qui định công dân có quyền tự do báo chí, tức có quyền bày tỏ chính kiến quan điểm của mình trên các phương tiện truyền thông và có quyền xuất bản báo chí tư nhân. Nhưng Luật báo chí 1989 chỉ qui định thủ tục cấp phép thành lập cơ quan báo chí cho cơ quan hay tổ chức chính phủ.

“Dựa vào những điều trên, bạn có quyền thực hiện tự do báo chí như điều 69 của Hiến pháp mà không cần xin phép, nhưng phải cẩn trọng vì có thể bị gán ghép tội danh tuyên truyền chống nhà nước.”

6 - Nếu tôi cùng một số bạn bè phân phát những tờ bướm hay truyền đơn để cổ vũ cho nhóm, hội hay một quan điểm chính trị ôn hòa thì việc này có được bảo vệ trong quyền tự do ngôn luận hay không?

Theo qui định của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị, bạn có quyền sử dụng mọi phương tiện khác nhau để tỏ bày quan điểm của mình, miễn nội dung không cổ vũ bạo lực, không vu cáo, phỉ báng, không kích động hành vi dâm ô, không kích động hằn thù dân tộc, không đòi lật đổ một chính quyền hợp hiến.

7 - Gần đây có một số tâp truyện và sách xuất bản bị Sở Thông Tin cấm hoặc thu hồi, việc làm này có đúng với pháp luật Việt Nam không?

“Trong thực tế, có những cuốn sách phản ảnh rất  đúng đắn thực trạng xã hội, được người dân yêu thích trong khi chính quyền cho là không có lợi cho chế độ. Do vậy, chính quyền căn cứ vào điều 10 của Luật xuất bản  để đình chỉ phát hành, thu hồi , tịch thu, cấm lưu hành hoặc tiêu hủy.”

8 - Những phương tiện mạng xã hội như web, facebook, blog…thì sao?

“Bạn có quyền tham gia, tự thành lập, kết nối bạn bè hoặc chuyển tải thông tin qua các phương tiện mạng xã hội khi nhà cung cấp đặt ở một quốc gia khác. Luật pháp Việt Nam không có điều nào cấm bạn sử dụng các phương tiện mạng như vậy.”

9 - Tại sao một số blogs, websites và ngay cả facebook bị chính quyền chặn tường lửa hoặc cấm không cho người dân vào xem? Nếu bạn bị công an bắt, tra hỏi vì những bài vở bạn viết, bạn có phạm luật không và phải làm sao?

“Bạn phải thận trọng  khi sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình. Phải tuân thủ nguyên tắc không bao giờ lưu giữ thông tin, bài vở trong máy tính, trong nhà và nơi làm việc. Bạn không cần trả lời là biết hay không biết các bài viết đó, hoặc trả lời có phải là của bạn hay không, cũng như không cần ký xác nhận. Bạn có quyền từ chối mọi câu hỏi của họ.”

10 – Trong thời gian qua có nhiều bloggers bị bắt và chịu án tù vì họ viết những bài bày tỏ quan điểm của mình qua những vấn đề như bô-xít, bảo vệ chủ quyền Việt Nam, tham nhũng. Họ vi phạm tội gì và điều 88 Bộ luật hình sự nghĩa là như thế nào?

“Hầu hết bloggers bị cáo buộc tội danh tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam theo điều 88 Bộ luật hình sự, ban hành năm 1985 trong thời gian Việt Nam chưa hội nhập vào thế giới. Ngày nay mọi thứ đã thay đổi, nhu cầu dân chủ hóa xã hội, tôn trọng quyền con người là mong muốn của cả dân tộc Việt Nam. Do đó việc hủy bỏ những điều luật không còn phù hợp trong Bộ luật hình sự như điều 79, 87, 88, 89, 91, 258 là bước đầu tiên của tiến trình dân chủ hóa đất nước.

11 - Tự do thông tin hay tự do ngôn luận có lợi và hại như thế nào đối với xã hội và sự phát triển của đất nước?

Tự do thông tin, tự do ngôn luận hay tự do bày tỏ về các vấn đề chính trị xã hội là huyết mạch của bất cứ nền dân chủ nào.

“Tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do bày tỏ hoàn toàn có lợi đối với xã hội và sự phát triển  của đất nước. Các đường lối, chính sách của chính phủ về kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng không phải lúc nào cũng đúng đắn và chính xác. Do vậy chúng cần được người dân xem xét và tranh luận, khi đa số ngưới dân thấy không phù hợp, họ cần được tự do bày tỏ sự phản đối ôn hòa của mình.”

Trên đây là những tóm lược ngắn gọn nhưng đầy đủ để giới thiệu qua những nét chính của ba tập Cẩm Nang Luật cho Bạn và Tôi dưới hình thức những câu hỏi và trả lời, của tác giả Luật Sư Nguyễn Văn Đài. Vì là Cẩm nang Luật nên nó mang đến rất nhiều tác dụng hữu ích cho mọi người dân Việt Nam đang sống dưới chế độ độc tài.

Trong rất nhiều trường hợp trước đây khi phải tiếp xúc với công an, người dân luôn luôn bị o ép, làm khó dễ bởi  những người thừa hành luật pháp. Nay qua những hướng dẫn ngắn gọn này, người dân hiểu biết luật pháp hơn sẽ không để công an tùy tiện vẽ luật, làm luật ngay tại chỗ để hù dọa dân hay bắt giữ dân vô căn cứ.

Sự hiểu biết và nắm vững luật pháp cũng làm tăng thêm sự tự tin của dân chúng khi đối diện với công an hay các lực lượng an ninh khác ngay trên đường phố, trong các cuộc biểu tình ôn hòa cũng như ngay tại nhà riêng. Có tự tin, người dân mới có đủ can đảm vượt qua nỗi sợ hãi lâu nay đè nặng trong đời sống hàng ngày và biết mình có quyền làm gì để có tự do.

Trong khi các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước cũng như các chính phủ dân chủ trên thế giới ngày càng tạo áp lực mạnh mẽ lên nhà cầm quyền Việt Nam, sự ra đời của Cẩm nang Luật cũng gia tăng áp suất lên chế độ hiện nay, buộc họ phải đi theo và tôn trọng pháp luật do chính họ tạo ra. Trong chiều hướng khuyến khích dân chúng tìm hiểu pháp luật, sử dụng pháp luật như một công cụ quan trọng trong  khi phải đối phó với chính quyền, như làn sóng công khai khiếu kiện nhân viên hoặc cơ quan nhà nước gần đây. Những sự nhũng nhiễu và những hành vi vi phạm pháp luật của kẻ cầm quyền đương nhiên sẽ giảm bớt hay ít nhất họ sẽ e sợ phần nào khi muốn lạm dụng luật pháp. Cẩm nang Luật ra đời còn nâng cấp giá trị của ngành luật sư, đóng góp cho xã hội và dân chúng những cơ hội quý giá để thực thi quyền lực công dân của mình. Sự đóng góp vô vị lợi của các luật sư vì thế còn mang một giá trị cao cả đối với xã hội.

Điều quan trọng hơn, Cẩm nang Luật còn giúp việc xây dựng xã hội dân sự qua ba mặt: gia tăng sự tự tin, lòng tự trọng và sức mạnh của người dân trước nhà cầm quyền; giúp chính người dân tập dần lối sống theo đúng pháp luật cũng như giúp người dân mạnh dạn đòi hỏi nhà nước phải hành xử đúng luật pháp và tôn trọng luật pháp do chính họ lập ra.

Sự ra đời của Cẩm nang Luật này thực sự đánh dấu một nỗ lực vô cùng quan trọng, đó là phát triển xã hội dân sự ngay trong giai đoạn đất nước Việt Nam còn bị độc tài cai trị, đóng góp và thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa mau đi đến thành công.

Ngô Đình Thu

1 comments:

Ba tập cẩm nang rất đáng đọc và phổ biến rông rãi nhất là cho đồng bào trong nước. Trong hiện tình đất nước, sự hiểu biết luật pháp là cần thiết để sử dụng chính luật pháp đó chống lại nhà cầm quyền độc tài, hay ít nhất là để tự bảo vệ.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More