Ai ca ngợi ai?

Lê Thị Kim Dung - DienDanCTM

Một bản tin của BBC mới đây cho biết, cây bút của báo Nhân Dân ký tên
Nguyễn Đức đã gọi việc chính phủ Miến Điện công nhận đảng đối lập NLD (Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ) của bà Aung San Suu Kyi là “một bước tiến mới” trong quá trình  tiến tới dân chủ ở nước này. Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, là tờ báo có độc quyền tự do ngôn luận trên khắp nước Việt Nam nên nhất cử nhất động của báo này luôn được mọi người theo dõi, suy luận, bàn tán để tìm ra cái mà 14 ủy viên Bộ Chính Trị muốn giấu như mèo giấu cái cần giấu của nó.
Việt Nam có ca ngợi Miến Điện không và Việt Nam làm gì để hàn gắn những vết thương dân tộc mà phần lớn là do Đảng CSVN gây ra?
Điều dễ nhận thấy trước tiên:  Việt Nam không phải là Miến Điện và
Miến Điện khác nhiều với Việt Nam. Việt Nam luôn tự hào là một đất
nước anh hùng, có một đảng Cộng Sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện,
có ghi trong hiến pháp thành một điều luật bất khả tư nghị! Chua chát
thay, đảng CSVN chẳng những là một đảng chính trị độc quyền, mà còn là
một đảng ngay từ ngày đầu thành lập đã theo một chủ nghĩa quốc tế:
Quốc tế Cộng sản. Ngày nay, dù hệ thống quốc tế vô sản trên danh nghĩa
không còn tồn tại, nhưng một số rất ít các quốc gia vẫn công khai
khoác bộ áo chủ nghĩa xã hội và nhân danh chủ nghĩa xã hội để thống
trị đất nước. Việt Nam là một trong số nước ít oi đó nên có thể nói
đảng CSVN là một cường lực ngoại xâm, nghĩa là chưa bao giờ xuất phát
từ dân tộc.

Miến Điện trái lại, có cái “bất hạnh” là không có đảng cộng sản dù
Miến Điện cũng nằm trong số những quốc gia theo thể chế độc tài. Nhưng
chính sự bất hạnh đó lại là cái may mắn cho đất nước này. Chính phủ
quân nhân Miến Điện - trừ khoảng thời gian tướng Ne Win cầm quyền
tuyên bố xã hội chủ nghĩa -  đơn thuần chỉ là một nhóm quân phiệt, sau
thế chiến thứ hai trở thành những lãnh tụ độc tài khi đất nước sang
tay từ những thế lực thực dân da trắng. Quân phiệt từ quân đội mà ra,
do đó không có gì khó hiểu khi nói các lãnh tụ quân phiệt đại đa số
xuất phát từ dân tộc mà không từ một đơn vị quốc tế nào. Đấu tranh
giai cấp là một điều xa lạ với họ, trong lúc ở Việt Nam ngay thế kỷ 21
này, thứ lý thuyết xằng bậy ấy vẫn được đem ra dạy trong các trường
đại học và các học viện chính trị mang tên Hồ Chí Minh.

Câu hỏi được đặt ra: nhờ đâu Miến Điện đạt được những thành tựu gây
phấn khởi như ngày nay? Trước hết, phải nói chính dân tộc Miến chứ
không ai khác là người đã giương cao ngọn cờ đấu tranh quyết liệt cho
dân chủ tự do. Dân tộc ấy trải qua biết bao thử thách bằng xương máu
và nước mắt của mình để chứng minh cho thế giới thấy dân chủ, nhân
quyền là thước đo phẩm giá một dân tộc. Nhân tố cốt lõi nhất, dân tộc
ấy trong suốt hơn hai thập niên đầy sóng gió, đã được hướng dẫn bởi
một phương pháp đấu tranh hữu hiệu nhất được chứng minh bằng những
thành quả thật lớn lao không ai chối cãi được: phương pháp đấu tranh
bất bạo động. Lãnh tụ Aung San Suu Kyi, cũng như các đồng sự của bà
như Win Tin, U Tin Oo với hai bàn tay không đã kiên trì dẫn dắt cuộc
đấu tranh của dân tộc Miến Điện từng bước phá vở thành trì độc tài,
buộc thế lực quân nhân phải lùi bước.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Miến còn được sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc
tế bằng những cuộc cấm vận kinh tế ngặt nghèo, phần lớn tài sản các
quan chức chế độ gửi nước ngoài bị đóng băng mà điều kiện tháo gỡ gắn
liền chặt chẽ với tình trạng nhân quyền trong nước. Việt Nam thoải mái
hơn không phải đối đầu cấm vận với ai, tiền bạc tiêu xài vung vít nhờ
vay mượn dễ dàng, chỉ cần thỉnh thoảng “đối thoại nhân quyền” cho có
lệ với nước này nước nọ và tha hồ làm ngơ trước các khuyến cáo. 

Do đó, ở Miến Điện, trong lúc lãnh tụ Aung San Suu Kyi nắm vững hai yếu tố
then chốt - lòng dân và áp lực quốc tế lên chế độ độc tài – như một
nhà phân tích chính trị đã chỉ ra, thế lực quân nhân không còn con
đường nào khác ngoài con đường trở về với dân tộc, nơi mà từ đó họ đi
lên tột đỉnh vinh quang. Chính ra, họ quay về một phần vì muốn bảo vệ
số tài sản kết sù họ đã tích góp lâu nay, cũng như vì tham vọng duy
trì quyền lực trong một thể chế nới lỏng có kiểm soát. Lộ trình bảy
bước của Than Shwe trước khi về hưu là một cố gắng trong thiện chí của
giới quân nhân cầm quyền mà chính phủ dân sự Thein Sein và cuộc bầu cử
quốc hội 7/11/2010 được tính như bước thứ năm. Hàng ngàn tù chính trị
đã được thả ở Miến Điện trong lúc các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam
không hề được ân xá trước thời hạn.

Từ lâu nay, so sánh với Miến Điện, Cộng Hoà XHCN Việt Nam chẳng những
không có vẻ gì lùi bước mà còn ra sức đối đầu với nhân dân bằng những
vụ đàn áp, bắt bớ tràn lan. Thậm chí Hà Nội còn từ bỏ hẳn con đường
pháp quyền tương đối bằng cách giam giữ Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vô
thời hạn, bắt giam hai năm không qua xét xử bà Bùi Thị Minh Hằng,
khuyến khích hình thành một xã hội hỗn loạn mà công an mật vụ là lực
lượng khủng bố lớn nhất. 

Những lời tuyên bố về chủ quyền Biển Đông hay Luật biểu tình cũng chỉ 
mua vui được “một vài trống canh” hay để đấm bóp thời cuộc một cách 
ranh mãnh của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tình hình sự phản kháng
càng ngày càng lan rộng. Đầu năm nay, đảng cầm quyền kêu gào chỉnh 
đốn để bảo vệ quyền lợi và quyền lực đảng hơn là chú trọng tới nhu cầu 
nới lỏng dân chủ, tôn trọng nhân quyền của người dân.

Điều đáng nghi ngờ hơn hết, đảng CSVN không hề đưa ra một lộ trình dân
chủ nào khả dĩ làm tiền đề cho những cải cách chính trị lâu dài giống
như quốc  gia Miến Điện đang đi từng bước: bầu cử quốc hội, chính phủ
dân sự, thả tù chính trị, công nhận đối lập, quyền đình công, quyền
biểu tình. Đảng kiên trì nắm mọi thứ trong tay. Do đó, mọi suy luận
Việt Nam rồi sẽ đi theo con đường cải cách của Miến Điện là hơi sớm và
quá lạc quan. Nói một cách khôi hài, lộ trình dân chủ của Việt Nam nếu
có, cũng giống như một anh mù được tặng cho cây đèn thần soi đường mà
ngọn đèn đã tắt tự bao giờ! Những nhà dân chủ, bất đồng chính kiến chỉ
ra khỏi nhà tù khi mãn án, thậm chí hết hạn tù vẫn bị giữ lại “phục vụ
công tác điều tra” vô thời hạn như blogger Điếu Cày.

Ở Miến Điện hiện nay ,đảng NLD đã công khai hoạt động là một tổ chức
chính trị mạnh nhất sau hơn 20 năm kiên trì đấu tranh bất bạo động.
Việc bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử quốc hội bổ túc là một cử chỉ
thân thiện của chính phủ Thein Sein để phô bày bộ mặt cải cách của
mình với quốc tế, mua sự bãi bỏ cấm vận từ Tây phương và bảo vệ các
chương mục gởi nước ngoài. Đó cũng là cơ hội cho các lãnh đạo NLD
chứng tỏ khả năng tranh thủ quần chúng và tỏ ra hữu hiệu trong vai trò
cân đối quyền lực đôi bên. NLD có làm được điều đó hay không còn tùy
thuộc vào cái tài và sự khôn khéo của người làm chính trị, hai thứ mà
bà Aung San Suu Kyi  tỏ ra không thiếu từ cuộc bầu cử quốc hội năm
1990.

Quay về Việt Nam, bài học nào học được từ nước láng giềng Miến Điện
này? Nhu cầu cải cách chính trị, hòa giải dân tộc, xây dựng đất nước
là nhu cầu bức thiết nhưng phải đến từ phía chính quyền. Ngày nào đảng
CSVN còn đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi dân tộc, ngày nào
đảng chưa từ bỏ vị trí độc tôn chính trị, chưa chấp nhận sinh hoạt
đồng đẳng với các đảng phái, tổ chức chính trị khác, chưa chấp nhận
đối lập công khai thì chuyện học theo Miến Điện hãy còn xa vời như
chuyện mò kim đáy biển, chú cuội ngồi gốc cây đa.

Do thi hành một thể chế độc tài khắc nghiệt, siết chặt quyền công dân,
bóp nghẹt tư tưởng, Việt Nam không chấp nhận bất cứ một hình thức đối
lập nào. Mọi hoạt động đảng phái đều bị cấm và nếu cần bị liệt vào
“khủng bố.” Nếu phải so sánh với Miến Điện ở bất cứ điểm nào, người
dân Việt Nam chỉ có thể đem những trang lịch sử chống xâm lăng oanh
liệt từ thời xưa để làm bằng chứng hãnh diện. Ngày nay, thái độ vô
cảm, bàng quan, an phận thủ thường trong miếng cơm manh áo của số đông
phần nào làm thui chột ý chí phấn đấu chung. Một dân tộc kiên cường
trong quá khứ nhưng ý thức chính trị tê liệt trước bạo quyền trong
hiện tại là một điều thật đáng ngạc nhiên. Đối với các phong trào dân
chủ và đảng phái không cộng sản, dù càng ngày càng được củng cố về
lượng và chất, cán cân giữa đối lập và chính quyền độc tài vẫn còn quá
chênh lệch cũng là một vấn đề nhức nhối.

Việt Nam không thể giống Miến Điện vì những lẽ đó. Những điều còn đọng
lại là nhiệm vụ của một “NLD Việt Nam”, của các phong trào đấu tranh
dân chủ và của từng cá nhân còn quan tâm đến tương lai đất nước. Nhất
là không băn khoăn giữa hai giòng nước, phải kiên trì phương pháp đấu
tranh bất bạo động và kiên quyết tháo gỡ từng phần tiến tới tháo gỡ
toàn bộ chế độ độc tài.

Chắc chắn, bài học sâu sắc nhất từ Miến Điện cho thấy những gì nền dân
chủ đạt được không hề là kết quả của một cuộc đọ súng nào giữa bà Aung
San Suu Kyi và Hội đồng tướng lãnh được trang bị tận răng.

Lê Thị Kim Dung

2 comments:

Đảng CSVN muốn độc quyền để vơ vét, đến lúc VN là một tỉnh của Trung quốc, lại bị cúng nạp cho chủ mới.
Nhân dân VN cùng đứng lên không thể chấp nhận bọn bán nước.

Nhìn qua bài này, không độc giả nào có hứng thú để đọc, vì bài được đưa lên một cách lấy có, nếu không nói là cẩu thả, coi thường người đọc. Mong Diễn đàn lưu ý!

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More