Ăn một nơi, ngủ một nơi

Trần Hoàng Lan



Câu chuyện “Ăn một nơi, ngủ một nơi”được nghe kể từ lâu nhưng không rõ xuất xứ. 

Cô con gái của nhà nọ vốn xinh đẹp nên có nhiều chàng đến xin cưới hỏi làm vợ. Bố mẹ thấy con đã đến tuổi lấy chồng, bèn hỏi ưng ai sẽ gả cho người ấy. Sau một hồi suy nghĩ cô gái đã chọn hai người.  

Họ ngạc nhiên hỏi lại thì được giải thích : Trong hai người một anh nhà giàu mà xấu trai, anh còn lại nhà nghèo nhưng lại đẹp trai. 


Cô lấy cả hai anh để ăn tại nhà anh giàu và ngủ ở nhà anh nghèo. Chuyện dừng lại ở đó, chẳng cần tiếp tục cũng rõ việc lấy cùng một lúc hai chồng của cô gái là không thể. Hôn nhân ở Việt Nam không cho phép lấy hai chồng. Vả lại nếu có, một ông chồng dù là dễ tính cũng không thể chấp nhận một người vợ ngày ở nhà mình, tối ở nhà người khác. Và cũng hiếm có người đàn ông dẫu nghèo “rớt mồng tơi”mà lấy vợ về với chỉ mỗi một mục đích là tối đến được ngủ cùng. Câu chuyện trên nhằm châm biếm, đả phá thói tham lam, ích kỷ, vụ lợi.  Mối quan hệ tay ba giữa cô gái và hai người chồng chỉ là ý tưởng không có trong thực tế. Nhưng kiểu quan hệ tay ba tương tự như vậy thì đã có chẳng hạn như mối quan hệ tay ba Việt – Mỹ – Trung hiện nay.

   Hai “chàng” cùng thích một “cô”

   Vì có những mục đích, ý đồ riêng nên cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều ra sức lôi kéo Việt Nam về phía mình. Mỹ thì sau khi bình thường hóa, bỏ cấm vận, ngoài buôn bán, làm ăn kinh tế còn muốn Việt Nam trở thành một nước tự do dân chủ như họ đã từng thành công với nhiều nước khác. Đặc biệt khi Trung Quốc lớn mạnh, không giấu diếm giấc mộng trở thành siêu cường, lăm le độc chiếm, đe dọa tự do giao thương trên biển Đông thì Mỹ càng muốn Việt Nam và các nước trong khu vực cùng với mình tạo một đối trọng kìm hãm quốc gia này.

   Các chính quyền Trung Quốc vốn có bản chất bành trướng và nước láng giềng Việt Nam luôn là mục tiêu đầu tiên. Từ ngàn xưa họ đã nhiều lần thôn tính Việt Nam nhưng không thành. Chính quyền cộng sản ngày nay của họ cũng không là ngoại lệ. Nhưng khác với những lần trước, lần này với chiêu bài “cùng là hai nước cộng sản anh em” họ sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn để Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc tiến tới trở thành một tỉnh hoặc khu tự trị của họ. Gần đây các cuộc cách mạng dân chủ liên tục nổ ra ở Bắc Phi Trung Đông hạ bệ nhiều chế độ độc tài. Các chế độ độc tài còn sót lại để tránh sụp đổ, bị trừng phạt đã đối phó lại bằng các cách : hoặc tiến hành cải cách chính trị như một số nước ở Bắc Phi hoặc từng bước tiến hành dân chủ hóa như ở Miến Điện hoặc trở nên hung hăng tàn bạo hơn với nhân dân với các phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ như ở Trung Quốc, Việt Nam. Trong nước Trung Quốc trước những bất công, tham nhũng, đàn áp tôn giáo,… làn sóng phản kháng của Tân Cương, Tây Tạng, công nhân, nông dân, trí thức,… ngày một dâng cao. Đây là những mồi lửa và nếu có một nước Việt Nam dân chủ nằm sát nách thì rất dễ bùng phát trở thành cách mạng lật đổ chế độ. Nhận thấy điều đó nên họ vừa tăng cường đàn áp các phản kháng trong nước, vừa giúp duy trì một chế độ độc tài độc đảng nhưng lệ thuộc vào họ ở Việt Nam. Việt Nam còn là nước mà theo luật biển quốc tế sở hữu phần lớn biển Đông nơi có vị trí chiến lược quan trọng, có trữ lượng dầu lớn. Điều này càng thôi thúc Trung Quốc vốn khát năng lượng, khát trở thành siêu cường tìm mọi cách đưa Việt Nam vào vòng kiềm tỏa của mình hòng độc chiếm biển Đông.

   Mỗi “chàng” một vẻ

   Mỹ thì giàu có với đồng đô la đã là đồng tiền chung của thế giới và quan trọng là luôn hào phóng với các khoản viện trợ đặc biệt là các khoản viện trợ nhân đạo cho những nước nghèo. Chất lượng cuộc sống, hàng hóa, nền giáo dục Mỹ thuộc hàng đầu thế giới. Mỹ cũng là nơi cưu mang một số lượng đông đảo Việt kiều mà hàng năm vẫn đều đặn gửi về Việt Nam ngót nghét chục tỷ đô ( một số tiền không nhỏ nếu so với thu nhập quốc dân của Việt Nam). Mỹ có những điểm mà nhà nước Việt Nam không ưa là hay cổ xuý cho dân chủ hay can thiệp vào công việc nội bộ của các nước nhất là các vấn đề về tự do,  nhân quyền. Bởi vậy nên nhiều khi nhà nước Việt Nam đã gọi các hành động đó là “tiếp tay cho các lực lượng thù địch”, thậm chí còn chỉ đích danh họ là “các thế lực thù địch”.

    Trung Quốc thì không giàu và hào phóng bằng Mỹ nhưng bù lại Trung Quốc có nhiều điểm “tâm đầu ý hợp” với Việt Nam hơn. Chẳng hạn như cả hai nước đều cùng ý thức hệ cộng sản. Cả hai đều muốn duy trì chế độ độc tài, độc đảng, không chấp nhận  đa nguyên, đa đảng. Đều hạn chế, không thực hiện các quyền tự do dân chủ cho người dân theo các công ước quốc tế đã ký kết. Thường xuyên đàn áp, bắt bớ, bỏ tù những nhân vật bất đồng chính kiến, đấu tranh đòi tự do dân chủ. Không muốn và luôn phản đối các nước khác can thiệp vào nội bộ. Cả hai đều có bạn là các chế độ độc tài trên thế giới, có chung kẻ thù  là “các lực lượng thù địch”, và các tổ chức quốc tế về tự do nhân quyền. Cả hai nước đều có nhiều vụ đàn áp phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, tự do tôn giáo bị dư luận quốc tế lên án, phản đối. Trung Quốc có các vụ “Thiên An Môn”, “Tân Cương”, “Tây Tạng”, “Pháp Luân Công”,…đẫm máu thì Việt Nam có Đồng Chiêm, Tam Tòa, Bát Nhã, Cồn Dầu, Mường Nhé,… tàn bạo không kém. Và rất có thể Trung Quốc đã ngầm cam kết  giúp đỡ can thiệp để bảo vệ chế độ hiện nay của Việt Nam  khi chế độ này bất lực trước các phong trào nổi dậy chống đối.

  Đô la của Mỹ, “hữu nghị” của Tàu

   Chuộng cuộc sống có chất lượng cao, nền giáo dục tiên tiến nên con cái các lãnh đạo cao cấp, con cái nhà giàu ở Việt Nam nô nức sang Mỹ du học. Điển hình là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có con trai du học, vừa có con gái lấy chồng ở Mỹ. Khát đô la nên nhà nước Việt Nam ra sức tuyên truyền, mời gọi các nhà đầu tư của Mỹ. Việt Nam rất sợ bị Mỹ đưa vào danh sách “các nước đáng quan ngại về tự do tôn giáo” vì bị đưa vào danh sách này đồng nghĩa với việc bị cắt đi nhiều khoản viện trợ. Việt kiều sinh sống ở Mỹ khi xưa chạy trốn chế độ bị nhà nước Việt Nam gọi là “ma cô đĩ điếm” giờ đây có đô la gửi về nước lập tức được tôn vinh là “những khúc ruột ngàn dặm”. Đảng nhà nước Việt Nam còn dành hẳn nghị quyết 36 để vận động Việt kiều ở hải ngoại ủng hộ cho chế độ, khuyến khích họ đầu tư và gửi nhiều tiền về nước. Dù rất quan tâm tới việc làm ăn kinh tế với Mỹ nhưng nhà nước Việt Nam thường phớt lờ những yêu cầu cải cách chính trị, thực hiện các quyền tự do dân chủ, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến bị giam giữ.

    Vì cùng ý thức hệ cộng sản, cùng là chế độ độc tài độc đảng nên quan hệ “hữu nghị” giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn được hai nhà nước ưu tiên hàng đầu. Và từ khi bắt đầu đến nay nó đã trải qua bao bước thăng trầm. Lúc thắm thiết trên “đầu môi chót lưỡi” thì là “núi liền núi, sông liền sông”, “môi hở răng lạnh” đỉnh cao là khẩu hiệu “4 tôt, 16 chữ vàng”. Lúc “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” thì  “dạy cho nhau một bài học”, coi nhau là kẻ thù ghi cả vào trong hiến pháp. Nhưng tựu trung trong quan hệ đó Trung Quốc vẫn luôn được coi là nước cộng sản đàn anh, là thần tượng. Vì họ đã viện trợ cho Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh, có chế độ là độc tài độc đảng mẫu mực, luôn đàn áp có hiệu quả những phản kháng của các tầng lớp nhân dân. Gần đây khi kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng đều đặn. Họ hiện đang là chủ nợ lớn nhất và cạnh tranh ngôi vị số 1 của Mỹ. Vì vậy Việt Nam đã sao chép, bắt chước hầu như tất cả những chủ trương, chính sách lớn, bé của Trung Quốc. Từ cải cách ruộng đất giết hại hàng vạn người vô tội, đày đọa văn nghệ sĩ trong vụ án “nhân văn giai phẩm” thực chất là khủng bố trí thức, các chính sách hợp tác hóa, cải tạo tư sản làm cho nền kinh tế tiêu điều suy sụp đến việc quay trở lại với nền kinh tế thị trường mà mạo nhận là đổi mới. Tệ hại hơn từ 1992 sau khi “cầu hoà” ở Thành Đô, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc quan hệ “hữu nghị” đó đã được nhà nước Việt Nam đặt lên trên cả  quyền lợi của đất nước, dân tộc. Các hiệp ước phân định lại biên giới, ranh giới trên biển ký với Trung Quốc thực chất là các hiệp ước nhượng đất, nhượng biển. Trung Quốc ngang nhiên vẽ ranh giới đường lưỡi bò, cấm đánh cá trên biển Đông, bắt bớ bắn giết ngư dân Việt Nam vì “tình hữu nghị”nhà nước Việt Nam chỉ phản đối lấy lệ xoa dịu dư luận. Bất chấp sự phản đối của nhân dân, của các vị cách mạng lão thành nhà nước Việt Nam vẫn để cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Nhiều người yêu nước biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bị nhà nước bắt theo yêu cầu của Trung Quốc. Hàng Trung Quốc giả rẻ, độc hại tràn ngập thị trường làm sản xuất hàng hóa ở Việt Nam đình trệ nhưng nhà nước Việt Nam vì “tình hữu nghị” nên không ngăn chặn. Các nhà thầu giá rẻ, chất lượng kém của Trung Quốc do hối lộ, được nhà nước Việt Nam “ưu ái” cho trúng thầu hầu hết các công trình trọng điểm. Tình hình biển Đông ngày một “nóng” lên nhưng các cuộc gặp gỡ cao cấp hai nước luôn đạt được kết quả tốt đẹp bằng khẩu hiệu “4 tốt, 16 chữ vàng”.

 Đi với Mỹ mất đảng, đi với Tàu mất nước!

    Lời cảnh báo trên của ai đó đã buộc nhà nước Việt Nam phải diễn vở kịch mà họ gọi tên là “khôn khéo trong ngoại giao” còn nhiều người vẫn lầm tưởng là “chính sách ngoại giao đu dây”. Nội dung vở kịch: Là thỉnh thoảng ngoại giao Việt Nam lại phản đối Trung Quốc bắt bớ ngư dân Việt Nam, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Gần đây trong phiên họp quốc hội khóa 13 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn thẳng thừng chỉ ra  Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa. Là mua sắm tàu ngầm, tên lửa, máy bay của Nga, của Mỹ. Là tổ chức tập trận trên không trên biển. Là ngược xuôi viếng thăm các nước lân bang. Là làm vẻ như bắt tay với Mỹ. Là đã để cho đúng 11 cuộc biểu tình yêu nước được xảy ra tại Hà Nội. Là…

   Nhưng bên trong “cánh gà” những kẻ “nhắc vở” vẫn luôn miệng “Trung Quốc là người bạn tốt của nhân dân Việt Nam”, “Việt Nam đời đời biết ơn…”, “quan hệ với Trung Quốc là quan hệ chiến lược”, “cam kết không để xảy ra tụ tập, biểu tình…”,  …Ngoài biển ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục bị bắt, bị đâm chìm tàu, bị… Sau cuộc biểu tình lần thứ 11 giữa tháng 8/2011  chính quyền Hà Nội đã chính thức cấm “biểu tình, tuần hành tự phát” bằng một văn bản trái pháp luật. Những người yêu nước thì liên tục bị sách nhiễu,  thậm chí bị đưa cả vào trại phục hồi nhân phẩm vì tội “gây rối”… Và gần đây, đã hai lần “ngôi sao thứ sáu” tự nguyện nằm trong quốc kỳ Trung Quốc. Thì vở kịch trên đã bại lộ: nhà nước cộng sản Việt Nam chọn con đường  “thà mất nước chứ không chịu mất đảng”.

                                                                      
1/2012 TRẦN HOÀNG LAN
DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More