Nguyễn Tây Ninh
Ngày mai 7/1, ngày này cách đây 33 năm quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Nam Vang lật đổ một trong những chế độ điên rồ tàn bạo nhất trong lịch sử thế giới, cứu dân tộc Khơ Me khỏi sự diệt vong khủng khiếp nhất mà họ đã trải qua trong 4 năm bắt đầu từ năm 1975.
Cuộc chiến nào cũng khốc liệt cả, người đi thì nhiều kẽ về thì ít đó là quy luật muôn thuở của chiến tranh. Đất nước nào đã trải qua binh lửa cũng để lại những vết đau khôn tả cho những người ở lại, vì nước quên thân, tuổi thanh xuân nào có tiếc gì, khí thế của những ngày xưa là vậy.
Trong số hàng chục nghìn bộ đội đã hy sinh trên đất Campuchia có cậu tôi, ngày cậu nhập ngũ rồi hy sinh thì mẹ tôi chưa lấy chồng. Ký ức về cậu tôi chỉ nghe qua lời ngoại kể và một tấm ảnh nhỏ còn sót lại lúc cậu lên đường.
Ngoại kể, nhà đi "hỏi vợ" cho cậu được khoản mươi ngày thì có lệnh tòng quân, hồi đó nghe nói sung quân đánh trận là nhiều thanh niên sợ lắm, mà suy cho cùng thì cũng phải bởi đất nước vừa trải qua chiến tranh, mới đánh nhau khủng khiếp với quân Mỹ cách đó có vài năm, cái chết chóc cái tàn bạo của binh đao khói lửa chưa kịp nguôi ngoa thì nay lại phải cầm súng đánh giặc ai mà chả khiếp.
Ngày đó cậu mới tuổi 18-20, nhà có 3 anh chị em thì chỉ có mỗi cậu là trai và là anh cả, trước đó thời Mỹ ông ngoại bị giặc Mỹ bắt nhốt tù gần cả chục năm vì quân giặc nghi ngờ ông ngoại là cộng sản. Ngày xã mang lệnh đến nhà bắt sung quân, cậu hoảng nên chạy lên rừng trốn, ngoại tôi kể vậy. Có thể chưa chắc cậu đã hèn nhưng vì sự tàn bạo của cuộc chiến với quân Mỹ mà cậu đã chứng kiến những đau thương mất mát khiến cậu nhụt bước nên cậu mới trốn lên rừng. Nhưng rồi cậu đâu có trốn được, ở đời làm trai phải vì nước quên thân, vài ngày sau cậu trở về và tình nguyện đến xã tiến hành nhập ngũ ngay, xã còn khen ông bà ngoại làm "công tác tư tưởng" tốt nữa chứ. Thế rồi cuối năm 1978 cậu xách ba lô lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng "bảo vệ tổ quốc", ngày xe lăn bánh tuyển cậu lên đường mẹ tôi mới có 16 tuổi, mẹ nói mẹ cùng với "vợ chưa cưới" của cậu theo xe lên mãi bãi tập kết quân trên huyện, thế là cậu đi...đi đánh giặc, đi mãi cậu không về.
Sau này lớn dần thì tôi biết cậu đi đánh quân PolPot, ngoại nói là cậu đi lúc gần tết và ăn tết xong tầm một tháng là có "giấy báo tử" gửi về, cả nhà đau lắm, đau xót biết bao khi cậu hy sinh ở tuổi đôi mươi. Ngoại nói giá mà lệnh tòng quân chậm lại vài tháng để cậu kịp cưới vợ, biết đâu cậu để lại cho bà chút cháu nội cũng nên, có thể thì cậu hy sinh bà cũng còn cháu để mà an ủi.
Tổ quốc lâm nguy thì thân xác trai trẻ nào có tiếc chi, có lẽ cậu hy sinh trên đường quân tình nguyện tiến vào Nam Vang. Nhà ngoại cũng như hàng chục nghìn thân nhân của các liệt sĩ cũng như đồng bào dọc biên giới Tây Nam có chung nỗi đau do bọn đồ tể PolPot gây ra nhưng có lẽ tất cả còn có thêm một món nợ, "nợ Tàu".
Ngày đó nếu không nhờ núp dưới cái bóng che chở, nuôi dưỡng của bọn quan thầy Bắc Kinh thì có thể bọn PolPot không bao giờ dám liều mạng nướng thân xâm lược biên giới của ta.
Món "nợ Tàu" là vậy, món nợ đã trả giá bằng thân xác của hàng chục nghìn bộ độ và thường dân nơi miền biên viễn, "nợ Tàu" đến bao giờ mới trả được...? Ngày mai thức dậy nhớ thắp nén hương kính cẩn linh hồn cậu và hàng chục nghìn đồng đội của cậu đã nằm lại nơi viễn xứ để khắc ghi món nợ của dân tộc, "nợ Tàu".
http://nguyentayninh.blogspot.com/2012/01/no-tau.html#more
DienDanCTM
2 comments:
Tàu đã vay nợ của Việt Nam trên ngàn năm rồi vậy thì ngày chúng phải trả lại sẽ không còn lâu nữa đâu. lạ là lần nầy mình không cần đi đòi nợ mà họ tự động xin phép được trả nợ. Chờ xem nhé bác Tây Ninh.
Xin hỏi tác giả, ĐCSVN có làm lễ truy điệu, vinh danh cho mấy mươi ngàn thanh niên "đi làm nghĩa vụ quốc tế" này không, vào ngày nào? ĐCSVN đã tìm được bao nhiêu hài cốt về an táng, như chính phủ Mỹ đã làm đối với lính của họ tại Việt Nam suốt hơn 30 năm ròng?
Đăng nhận xét