Thư gửi con gái Trịnh Kim Tiến

Nguyễn Tường Thụy
Ngày 11/01/2012

Kim Tiến, con gái của ba;

Cuối cùng thì phiên tòa xử kẻ đánh chết cha con vẫn phải mở. Sự chậm trễ này, ba nghĩ người ta còn xin ý kiến, còn bàn bạc làm sao vừa nhẹ tay đối với kẻ thủ ác, vừa giữ được hình ảnh tốt đẹp của lực lượng gọi là công an nhân dân, vừa xoa dịu được dư luận. 

Gần một năm qua, con vất vả trên hành trình tìm công lý cho cha con. Ba chưa vội chúc mừng con vì còn phụ thuộc vào kết quả phiên tòa nhưng dẫu sao đây cũng là kết quả ban đầu nhờ vào sự nỗ lực của con trong gần một năm qua. 

Mà mừng làm sao được con, khi có thêm một người lâm vào cảnh tù tội nhưng không thể bỏ qua vì yêu cầu bảo vệ pháp luật. Hẳn con biết chuyện cụ Hồ đã từng gạt lệ khi ký bản án tử hình một cán bộ quân đội trong vở kịch “Đêm trắng”.
Ba biết, con cũng như ba, chẳng sung sướng gì khi kẻ đánh chết cha con phải chịu một lời tuyên án nặng nề. Nhưng rồi lại bị tâm lý giằng xé. Khi người ta đánh cha con, họ có nghĩ đến sự đau đớn của cha con không? Khi ngăn cản con cho cha ăn, khi không cho gia đình đưa cha con đi bệnh viện, khi cha con vào viện, tay còn phải đeo còng, khi nói với bác sĩ cha con là tội phạm … thì họ có chút nhân tính nào không? Mà kể chi đến nhân tính, họ bất chấp tất cả từ khi cha con nguy kịch đến tính mạng cho đến khi chết, có nghĩa là họ thách thức cả pháp luật.

Nhưng điều quan trọng hơn là, con muốn pháp luật phải được thực thi, oan khuất của cha con được sáng tỏ. Con muốn trên đời này không còn ai phải chịu nỗi đau mất cha, mất người thân bởi những kẻ coi thường pháp luật. Con không muốn những tai họa xảy ra đến với gia đình con còn có thể xảy ra đối với những gia đình khác. Một bản án nghiêm khắc, đúng pháp luật mới có thể răn đe những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hành hạ dân. Chỉ có bản án nghiêm minh, công bằng thì pháp luật mới được tôn trọng.

Ba hiểu, việc đòi hỏi công lý của con không xuất phát từ sự hận thù. Điều đó khiến ba tôn trọng và nể nang con.

Ba rất đau buồn và thất vọng trước hiện thực xã hội. Pháp luật đang bị chà đạp một cách trắng trợn. Cha con chỉ là một trong số hàng chục nạn nhân bị chết khi rơi vào tay công an trong mấy năm gần đây. Lối hành xử với dân của công an và những người có chức quyền ngày càng mang nặng tính bạo lực, coi thường luật pháp. Vì sao chúng có thể ngang ngược, lộng hành đến như thế? Ba đã trải qua gần chục năm khiếu kiện với nhiều vụ việc, của ba có, của bà con cùng sống chung một dải đất với ba có. Ba từng gặp những kẻ gọi là đầy tớ của dân trâng tráo, trây ỳ, vô liêm sỉ vô cùng. Trong các vụ ba theo đuổi, chính quyền, cơ quan tư pháp làm hết sức bậy bạ nhưng chưa có khi nào nhận sai về mình. Đó là ba nói về những công văn trả lời, còn đa phần, họ lờ đi vì không biết bênh vực cho cấp dưới như thế nào.

Cũng qua quá trình đi khiếu kiện, ba hiểu sở dĩ chúng dám như thế là vì chúng được cả một hệ thống bao che rất chặt chẽ từ trên xuống dưới, không làm gì được.

Con gái thương yêu;
Hai mươi tuổi, con đã phải gánh lên vai trách nhiệm của người chủ gia đình vì mẹ con quá đau đớn trước cái chết của cha con, tinh thần không còn đủ tỉnh táo. Lẽ ra tuổi con là tuổi yêu đương, tuổi học hành, tuổi vui chơi với bạn bè, tuổi còn được cha mẹ chiều chuộng không phải lo lắng gì. Thế mà, con vừa phải chất lên vai những việc cha con đang làm dở, vừa lo đi tìm công lý cho cha.
Con và các em con trở thành những đứa trẻ mồ côi, mẹ con trở thành người đàn bà góa bụa, bà con hơn 90 tuổi lâm vào cảnh “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời”. Trong khi đó, các con đẻ của ba có đầy đủ bố mẹ, được bố mẹ săn sóc từng ly từng tí, mặc dù chúng còn lớn tuổi hơn con. Điều đó khiến ba thương con vô cùng, một tình thương xa xót, đau đớn.

Khi gặp nhau, con gọi ba, ba gọi con rất tự nhiên, như là một sự sắp đặt của thượng đế dành cho những kẻ khốn khổ, nạn nhân của sự lộng hành, coi thường phép nước. Mà cũng lạ con ạ, không biết có xảy ra ở nơi nào nữa không chuyện những người là nạn nhân của công an, của chính quyền tự nhiên trở thành đối tượng bị theo dõi, thậm chí bị coi là phản động tới mức đi ăn sáng cũng có kẻ cập kè theo dõi. Có còn ở nơi nào nữa không hở con?

Ba không sinh ra con, ba cũng không nuôi con được ngày nào. Ba là một cựu chiến binh về hưu sớm, không có điều kiện giúp con về vật chất. Ba cũng chưa bao giờ mua được món quà nào tặng con. Nhưng ba biết, cha con mất đi, con thèm một tiếng gọi cha như thế nào. Làm sao có thể đem cha về cho con? Vậy thì tiếng con gọi ba, ít ra cũng lấp đi cho con một khoảng nào đó hụt hẫng, dù là phần nghìn, phần vạn. Ngược lại, về phía ba, ba muốn che chở, an ủi con với hy vọng bù đắp cho con phần nào nỗi đau mất cha, dù cũng chỉ là phần nghìn, phần vạn.

Khi nhập ngũ, ba đã từ bỏ tất cả kể cả gác lại giấy gọi đi du học nước ngoài để làm nghĩa vụ công dân. Trở về sau chiến tranh, ba không có thân thế gì. Nói rõ hơn là ba cũng có anh em, bạn bè có chức có quyền nhưng lối sống, lối nghĩ của họ khiến cho ba không thể đồng hành vì ba là người có liêm sỉ. Ba chỉ có ngòi bút với tiếng nói trung thực thốt ra từ trái tim biết yêu, biết ghét.

Cái chết của cha con đã làm cho con thức tỉnh các vấn đề xã hội. Rồi ba con mình gặp nhau trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Qua đó, ba thấy con cứng cáp lên rất nhiều. Ý thức, trách nhiệm công dân của con cũng được nâng lên. Trước hết là trách nhiệm đối với Tổ quốc, tiếp theo là trách nhiệm đối với nỗi thống khổ của đồng bào là nạn nhân của bạo lực, của áp bức, bất công.

Con còn trẻ lắm. Ba không dám đòi hỏi con nhiều về sự chín chắn. Làm sao có thể đòi hỏi con về những điều mà phải nhiều chục năm nữa con mới thấu. Các con đẻ của ba cũng thế thôi. Nhưng ba biết, con có những suy nghĩ mà lứa tuổi hai mươi như con không dễ gì có được. Từ trong đau khổ, con vụt đứng dậy, sáng chói. Con biết vượt lên chính mình, biết vượt qua nỗi sợ hãi, biết bất bình khi công lý chưa tới được những người dân thấp cổ bé họng. Con có tuổi trẻ để hành động một cách thông minh và khôn ngoan. Con có những điều mà khi còn ở tuổi con, ba không có được.

Ba tin rằng, con sẽ đóng góp sức mình một cách có hiệu quả trong việc đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cho công bằng xã hội.

Con gái yêu quí,
Hãy cứ gọi ba như thế con nhé. Con hãy cất lên tiếng “ba ơi” để nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau mất cha. Con hãy cứ gọi “ba ơi” để nhắc nhở ba luôn giữ bầu máu nóng đối với những nạn nhân của bạo quyền. Ba mong một bản án nghiêm minh trong vụ xử ngày 13/1 này để linh hồn cha con được siêu thoát, để pháp luật được thượng tôn.

Ba và những người yêu Công lý và Sự thật luôn ở bên con -  Kim Tiến, con gái yêu quí của ba ạ.

Ba của con
Nguyễn Tường Thụy

1 comments:

Nhìn Kim Tiến, cùng sánh vai đi biểu tình chống TRung Quốc, thật dễ thương, nén nỗi đau buồn mất cha, đặt tổ quốc lâm nguy lên hàng đầu, xứng đáng con cháu bà Trưng bà Triệu.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More