Tù nhân Trần Ngọc Sương - Bỗng dưng thành...tội phạm. Ảnh: internet |
Hiệu Minh
“Tù nhân” Ba Sương; “tội phạm” Văn Vươn
Đất là thiêng liêng, là mồ hôi, là nước mắt và trộn cả máu. Thời hội nhập, đất càng giá trị. Nếu không hiểu triết lý đơn giản này và chính quyền không biết đối xử với đất thì tiếng khóc còn đau đớn và máu còn tiếp tục đổ.
Đất là thiêng liêng, là mồ hôi, là nước mắt và trộn cả máu. Thời hội nhập, đất càng giá trị. Nếu không hiểu triết lý đơn giản này và chính quyền không biết đối xử với đất thì tiếng khóc còn đau đớn và máu còn tiếp tục đổ.
“Tội phạm” Trần Ngọc Sương
Nhiều người biết bà Trần Ngọc Sương là Anh hùng lao động, con gái của Giám đốc tiền nhiệm Trần Ngọc Hoằng. Người cha đã một nắng hai sương với hàng chục ngàn nông dân nơi đây, đưa Sông Hậu thành nông trường anh hùng.
Ngày 19/11/2009, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ đã đưa vụ án “Lập quỹ
trái phép” tại Nông trường Sông Hậu ra xét xử phúc thẩm. Tại đây, HĐXX
đã tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng đối
với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường.
Không ai có thể biết động cơ đứng đằng sau vụ án này là gì. Chỉ biết
rằng, hàng nghìn hecta đất của nông trường do mấy 16 ngàn nông dân đào
đắp, khai phá từ 30 năm nay, bây giờ có thể thành miếng mồi ngon cho các
nhà đầu tư.
Người ta ngạc nhiên về một người anh hùng, bị buộc tội dùng quĩ đen mấy tỷ đồng, mà cuối đời bà Sương không nhà, không cửa, ngủ trên một cái giường cá nhân với 8 năm tù đang đợi.
Nghịch cảnh rơi nước mắt.
Vụ án tưởng đi vào quên lãng, nhưng mới đây thôi, người ta lại định đưa bà ra xử. VTC News cho biết, số tiền “quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu đã có từ trước năm 1994, đến năm 2000 bà Sương mới làm Giám đốc, nên bà không phải là người “lập quỹ trái phép”.
Bà Sương đã viết đơn kêu oan gửi tứ phương và nói : “Đối với tôi bây giờ, sức khỏe đã tàn tạ, danh dự bị các cơ quan tiến hành tố tụng ở Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ cố tình bôi nhọ. Nếu họ cố tình xử tù tôi, vào tù thiếu thốn đủ thứ lại ốm đau bệnh tật cũng dễ chết sớm, đó là bước đường cùng mà Viện KSND TP Cần Thơ giao và Viện KSND huyện Cờ Đỏ muốn dồn tôi đến chỗ chết. Tôi nghĩ: thà rằng chết trước khi bị đưa ra xét xử còn được nén nhang của bà con cô bác, của hầu hết cán bộ, nhân viên Nông trường Sông Hậu vẫn hằng ngày quý mến và đòi chân lý cho tôi thắp cho hơn là chết ở trong tù trong nỗi oan ức triền miên và sự cô quạnh tột đỉnh”.
“Tội phạm” Đoàn Văn Vươn
Anh Đoàn Văn Vươn không nổi tiếng như bà Ba Sương. Cha của anh là đảng viên trung thành tuyệt đối, anh Vươn từng đi bộ đội, một nông dân hiền lành chất phác, chí thú làm ăn, bỏ đại học để chinh phục biển, nhưng bỗng anh trở thành tội phạm chống chính quyền.
Tấn công nhà anh Vươn. Ảnh: internet |
Đó là phóng sự về anh Vươn biến vùng đất khỉ ho cỏ gáy ven biển,
không ai thèm để ý, thành một khu đầm nuôi trồng thủy sản rộng hàng trăm
hecta. Họ được thuê đất 20 năm, kể từ năm 1993, nhưng nay mới là 2012
thì đã tiến hành thu hồi.
Theo báo CAND, một số người dân trên địa bàn cho rằng, việc thu hồi
đầm nuôi trồng thủy sản của UBND huyện Tiên Lãng có điều chưa minh bạch,
chủ trương chia lại đất trong quy hoạch phát triển sân bay vừa không
đúng với chủ trương giao đất nông nghiệp lâu dài, ổn định đã khiến cho
gia đình anh Vươn và một số chủ đầm khác phản ứng tiêu cực.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, một số chủ đầm đã gửi “tối hậu thư” đến cấp lãnh đạo huyện với nội dung nếu cuộc cưỡng chế xẩy ra, sẽ có đổ máu.
Mấy ngày qua, anh Vươn được lên mặt báo là do vụ đấu súng với chính quyền, làm sáu công an bị thương. Dân Hải Phòng không dọa suông, máu đã đổ thực sự.
Đất – mồ hôi, nước mắt và máu
Từ ngàn đời, để tạo nên những vùng đất phì nhiêu, nuôi sống con người, bao nước mắt và mồ hôi đã đổ xuống. Để bảo vệ đất có cả máu.
Vụ án bà Ba Sương và nay là vụ đổ máu tại Hải Phòng đều liên quan đến đất. Và còn nhiều vụ khác nữa mà truyền thông chưa có dịp được nói.
Người nông dân chất phác đổ mồ hôi, sôi nước mắt, biến một vùng khỉ ho cò gáy thành bờ xôi, ruộng mật, thì bỗng có kẻ dòm ngó. Chuyện còn lại là làm việc với người có “thẩm quyền”.
Đất ở ta là sở hữu toàn dân, nhưng quyết định dùng như thế nào lại nằm trong tay “đầy tớ của nhân dân”.
Phản ứng khi bị thu hồi đất, có người đi biểu tình, rồi khóc và dọa tự tử như bà Ba Sương. Nhưng có người thề chết như anh Vươn.
Câu hỏi ở đây là ai đã biến những anh hùng, người lính, đảng viên và cả những người nông dân hiền lành thành tội đồ một cách dễ dàng đến thế.
Khi tìm ra được nguyên nhân và giải pháp, chắc chắn không còn những
anh hùng Ba Sương – tù nhân và người lính Văn Vươn - tội phạm.
Vĩ thanh
Tôi chợt nhớ bài diễn văn của ông trùm da đỏ Seattle. Sau khi tạo nên khu vực bang Washington năm 1853, chính phủ Mỹ đã đề nghị người da đỏ ký các hiệp định để mua đất của họ. Người da đỏ biết là không thể nào từ chối được. Ông Seattle (1786-1866), trùm da đỏ, đã đọc một bài diễn văn thống thiết trước thống đốc Isaac Stevens. Diễnvăn này được coi là một tài sản văn hoá vô giá để đời và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng.
Trích đoạn “Làm
sao các người có thể mua bán khung trời và hơi ấm của đất? Ý nghĩ đó
đối với chúng tôi thật kỳ lạ. Thế nếu chúng tôi không sở hữu cái mát mẻ
của không khí và cái lung linh của mặt nước, thì các người làm sao mà
mua? Mỗi mẩu đất này đều thiêng liêng cho dân tộc chúng tôi.
Linh hồn những người da trắng đã quên xứ mình sinh ra khi đi vào
giữa các vì sao. Linh hồn những người chết chúng tôi không bao giờ quên
trái đất tuyệt vời này, vì trái đất là mẹ của người da đỏ.
Các ông (người da trắng) phải dạy cho con cháu là đất chúng bước
lên được tạo bởi tàn hương của tổ tiên. Dạy cho chúng biết tôn trọng
đất, bảo chúng là đất được giầu có bởi đời sống của dòng dõi. Dạy cho
con cái các ông những điều mà chúng tôi dạy cho con cái chúng tôi, là
đất là người mẹ. Cái gì xẩy đến cho đất sẽ xẩy đến cho con cái của đất.
Ai khạc nhổ lên đất là khạc nhổ lên chính mình.”
Triết lý “sống trong đất, chết vùi trong đất” của người da đỏ là thế.
Bà Ba Sương và 16 ngàn công nhân nông trường Sông Hậu, rồi hàng chục vạn nông dân “bỗng nhiên mất đất”, kể cả những chủ trại nuôi tôm ở Tiên Lãng (Hải Phòng), cũng yêu đất không khác ông Seattle cách đây 150 năm.
Nhưng liệu rằng, chính quyền có biết trên đời này có “tình yêu đất” như thế hay không?
3 comments:
Khi thế hệ cán bộ mới tiến lên nắm quyền mà số đất công đã bị thế hệ trước chia nhau hết rồi, họ sẽ bắt đầu cướp loại đất "bán công" như nông trường mà bà Ba Sương đứng đầu và cướp đất tư theo kiểu cưỡng chế như đất của gia đình anh Vươn.
Sẽ không còn ai an toàn đâu, dù "nhân thân" có tốt mấy đi nữa. Đã đến lúc không thể coi chuyện cướp đất là chuyện của người khác, không dính gì đến mình.
Cảm ơn tác giả Hiệu Minh đã viết bài nầy. Và cũng nhờ bài của tác giả viết nên tôi xin gửi đôi giòng đến những đồng hương đang trong cảnh âm u tại VN ngày hôm nay.
Thương thương lắm người dân vô tội
Suồt cả đời lặn lội mưu sinh
Sống đạm bạt, trung trinh đạo đức
Vì nghĩa nhân chung sức vun bồi
Thế mà, lắm kẻ ngồi trên trước
Dùng quy quyền mưu chước vô nhân
Cướp tài sản, hại dân diệt chủng
Tội tày trời, đất cũng gào lên
Thương ai đó lênh đênh trôi nổi
Mỗi một ngày là mỗi đau thương
Ngày đêm tối dằm sương dãi nắng
Thân tả tơi, cay đắng dâng trào
Thương ai đó phải vào tù ngục
Bởi thẳng ngay, bất phục tham ô
Toà án hay cái bô đạo tặc ???
Lọc và lọc để thâu nhặt, vét vơ.
Bao nhiêu công sức ông Vươn đã bỏ ra, nay bị cướp mất đã dồn ông vào đường cùng, đây là bài học để đừng tiếp tục làm như vậy nữa, phải biết tôn trọng tài sản của người dân.
Đăng nhận xét