Dương Thị Xuân
Vì sao người nông dân Hải Phòng hiền lành phải cầm súng bắn lại nhà cầm quyền và vấn đề Nhân quyền ở Việt Nam !
Mùa hè năm 2011 vừa qua, tôi liên tục tham gia biểu tình
phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam nên nhà cầm quyền Hà Nội đã tìm cách
"trục xuất" tôi ra vỉa hè đường sống. Những ngày mùa đông giá
rét này tôi đã phải ngủ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng và vườn hoa ven hồ Tây
nơi có tượng đài thanh niên CSVN mang tên Lý Tự Trọng cùng bà con dân oan cả
nước. Có đêm rét lạnh thấu xương khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10o
C, gió hồ Tây mùa đông thổi bạt cả nhóm chúng tôi người nào cũng khản hết
tiếng, lạc cả giọng.
Con trai tôi nói : mẹ giống câu khẩu hiệu của nước Anh nói
về đoàn biểu tình ở Luân Đôn vừa rồi: “Không
nhà cửa, không việc làm, không lương hưu và không sợ hãi”. Tôi
nói : “ Sợ hãi chứ! Ngủ ngoài đường thế này mẹ sợ công an lắm, họ đuổi luôn.
Con còn bé nên mẹ phải gửi con đi ở nhờ để tránh công an cho con đấy.
Tôi đi biểu tình chỉ có hô vang các khẩu hiệu trên đường phố
Hà Nội : “Tổ quốc Việt Nam muôn năm; Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam; phản
đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam...” và luôn mang biểu ngữ : “Đánh cho sử tri Nam Quốc Anh Hùng chi hữu chủ” (Lời của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ)
thế mà bị công an bắt giữ 11,12 lần, bị bẻ tay giật cánh khuỷu đầu đập vào
thành ô tô bị ngất đi mà còn bị vu cho là phản động và bị đẩy ra vỉa hè ngủ nằm
màn trời chiếu đất nên sợ công an lắm….
Hôm nay, gia đình ông Đoàn Văn Vươn 1 trí thức nông dân
quê gốc ở Hải Phòng phải có một tình yêu đất mãnh liệt nên khi bị dồn
vào đường cùng họ đã đứng lên vượt mọi sợ hãi để cầm súng bắn thẳng
vào lực lượng quân đội, công an của nhà cầm quyền cộng sản khi đến lấy
đất của gia đình ông.
Có nhà thơ trong nước đã từng viết : “Nơi ta đến là nơi
đất ở, khi ta đi đất cũng hoá tâm hồn…”
Nơi gia đình ông Đoàn Văn Vươn năm 1993 đến để khai hoang,
mở đất mang địa danh khu Cống Rộc – thuộc xã Vinh Quang (nguyên quán gia đình
ông Vươn ở sâu trong đất liền thuộc xã Bắc Hưng cách đê biển nơi ở mới 2 cây
số). Tên khu đất là Cống Rộc đã phản ánh rõ mảnh đất hiện nay ông Vươn có
được là đất bãi nằm ngập dưới mực nước biển mênh mông. Quanh năm sóng đánh
nước vào kéo ra biển biết bao tài sản của con người, người dân ở đây chỉ có khi
nào nuớc rút mới dám ra bắt con còng, con cáy mang về bán để sinh nhai nuôi
sống bản thân mình cùng cả gia đình trong nghèo khó trăm bề. Những năm biển
dâng nước lớn, sóng còn phá vỡ cả đê, dân trong đồng trong làng ông già con trẻ
phải gồng gánh dắt díu nhau chạy lụt khốn khổ nói gì đến đất bãi vùng ngập mặn
ngoài biển cả mênh mông kia.
Nhưng ông Vươn là một trí thức nông nghiệp, nặng lòng yêu
quê hưong không cam chịu nhìn biển cả uy hiếp dân lành, ông đã mang kiến thức
và trí tuệ của mình cùng gia đình lấn biển lập ấp mở mang đất đai cho mình, cho
quê hương.
Để có được một trang trại đầm nuôi thuỷ sản như hôm nay, đại
gia đình ông từ Cha Mẹ già cả đến các cháu, con thơ bé dại… tất cả các anh em
giai, dâu, rể đều phải lao động cật lực không kể ngày đêm. Mỗi hạt cát, viên
đá, cây bần trên đất trang trại của ông đã thấm đậm không chỉ nước mắt, mồ hôi
mà cả máu của đại gia đình ông đã đổ xuống.
Năm 1993, ông mới khởi công khai hoang nhưng cơn lũ lịch sử
năm 1995 biển đã tràn vào xoá sạch công sức của gia đình ông. Dân làng ở trong
đê năm đó cũng còn phải sợ hãi chạy sơ tán nên đất bãi thì làm sao mà còn giữ được
với trời. Ai cũng nghĩ sau trận lụt này ông trắng tay, như vậy chắc ông sẽ phải
chịu thua biển cả mênh mông, con người làm sao dám đánh bạc với Trời.
Năm 1997, ông lại quyết chí lấn biển, ông gom góp mượn tiền
của bạn bè nâng niu từng cây bần một, dầm mình trồng được cả một rừng bần chắn
sóng biển, nên đầm của ông đã thành công. Nhờ có đầm của ông đứng chân vững
trước sóng gió nên con đê biển xung yếu luôn đe doạ dân làng trở nên hiền lành,
dân làng đã sung sướng không phải chạy lụt như các năm trước từ đó đến nay.
Nhiều người dân thấy ông đã chinh phục được biển cả như vậy đã khích lệ họ cùng
nhau theo ông ra lấn biển mở mang bờ cõi quê hương. Có nhiều người đã làm giàu
lên, cuộc sống của dân làng đã khá lên trông thấy, quê hương thay da đổi thịt
hàng ngày. Người nông dân quê ông không chỉ còn đứng trông trời, lạy trời mà đã
biết cùng ông chinh phục biển, trời. Họ ngoài biết cấy lúa đã có thêm còn biết
làm bao nghề nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản khác do đã có đầm của ông chắn sóng
và nhiều đầm khác trong vùng cũng làm theo mô hình phát triển của đầm ông Vươn.
Nhà nước không làm được việc lấn biển, mở mang nghề nghiệp, bảo
vệ đê biển tại khu Cống Rộc nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, nhưng
người trí thức, người nông dân chân thật chất phác yêu ruộng đồng Đoàn Văn Vươn
và đại gia đình ông đã làm được.
Báo chí trong nước đã viết bài đăng tin tôn vinh ông là bậc
kỳ tài chinh phục thiên nhiên trên mảnh đất ven biển Tiên Lãng. Người dân quê
mới nơi ông đang ở rất nhiều người còn nói : Nếu sau này ông Đoàn Văn Vươn về với tổ tiên thì chúng tôi sẽ lập miếu
thờ như cha ông ta đã tôn thờ những người có công mở đất, lập ấp.
Ông Vươn là người Anh hùng trong môi trường lao động sáng
tạo là vậy, trời biển còn phải nhường bước trước ý chí quyết tâm lấn biển mở
đất của ông, nhưng ông bị nhà cầm quyền cộng sản huyện Tiên Lãng và xã Quang
Vinh – Hải Phòng đã đẩy ông ra khỏi khu đất này chỉ bằng một tờ giấy vô cảm
mang tên "Lệnh cưỡng chế".
Một chính quyền nhân danh “của dân, vì dân, do dân” mà hành
xử vi hiến ngang nhiên chà đạp luật pháp và đạo lý: không đền bù bồi thường công sức của đại gia
đình ông, họ thản nhiên đẩy ông ra đường với hai bàn tay trắng.
Nhưng "khi ta đi đất
cũng hoá tâm hồn", đất bằng đã nổi sóng, anh em họ hàng ông họ
cũng không cam chịu nhìn ông bị bất công như vậy, nhất là những người nông dân
hiền lành nhưng cũng rất khảng khái như câu thề trên Tấm bia Tuyên Thệ mà tôi
đã dừng chân đọc trên quê hương ông những ngày đến vùng biển Tiên Lãng này :
"Đứng chân trên mảnh đất này
Đánh tan giặc cướp mới về quê hương"
(bia ghi đánh tan giặc Mỹ)
Nên họ đã đứng lên đấu tranh đòi công lý, đòi công bằng
xã hội và những gì đau lòng đã diễn ra : nhà cầm quyền người bị
thương, người lo sợ và anh em họ hàng ông vướng vào vòng lao lý.
Cuộc cưỡng chế vô cảm đối với ông Vươn đã được nhà
cầm quyền huyện Tiên Lãng - Hải Phòng coi như đã xong. Cái họ thu được
chỉ là một mảnh đất có thể tính bằng tiền vì ngay hôm sau họ cho một
người tên là Đoàn con ông Tạo ở xã Tiên Hưng đến thầu lại ở đây. Nhưng cái
họ mất lớn hơn tất cả mà không ai có thể tính được đấy là cảnh kinh
hoàng của vụ cưỡng chế đã xảy ra và đọng lại trong tâm trí mấy ngàn
người đứng kín mấy cây số đường đê biển.
Nhiều người là cựu chiến binh, nói với dân làng và họ đã kể
cho tôi : “Bản thân họ đi bộ đội từ năm 1972 đã tham chiến ở thành cổ Quảng Trị
và sống đến giờ mới thấy vụ này công an, bộ đội bắn như vãi đạn còn hơn cả
trong chiến tranh trước kia”.
Khi xảy ra vụ việc sáng ngày 05/01/2012 thì ông Vươn lúc đó
đang ở trụ sở uỷ ban xã để nghe đọc lệnh cưỡng chế nghiệt ngã này, vợ ông và cô
em dâu đứng trên bờ đê thế mà họ cũng bị bắt, em dâu ông có nói mấy câu thì bị
đánh dã man trước mặt dân làng. Con trai ông Vưon tên là Quỳnh mới 15 tuổi, vừa
đi học về, vợ ông lo cho con nên đã bảo cháu: “con ơi chạy đi”. Tại sao cháu bé
này không làm gì, nghe mẹ đã chạy trốn vào bếp nhà ông cụ tên Thửa, vậy mà bị
công an đuổi theo lôi ra đánh đến khi có tấm thẻ học sinh rơi ra thì một ông
công an mới nói “ Thôi, nó trẻ con đừng đánh nữa”. Người dân ở đây họ bảo :
"Sao công an lại tàn ác quá vậy".
Dân làng còn kể hôm trước có mấy nhà báo nghe được dân làng
kể thì họ bảo “ Tại sao các ông bà không chụp lại để tố cáo những kẻ khoác áo công
an, bộ đội làm sai pháp luật, đã lạm dụng quyền hành đánh đập vô cớ người dân
như vậy ?”. Dân làng nói : “ chúng tôi nông dân làm gì có máy ảnh để chụp, mà
nếu có chụp đưa mấy ông bà nhà báo có dám đưa lên báo không, hay lại sợ mất
việc, mà ai cho đăng ?
Ngôi nhà 2 tầng của ông Vươn nó chả tội tình gì mà còn bị
đập nát vụn, ảnh cha ông và con gái bé của ông còn bị họ vứt thả ra biển kia là
bằng chứng đấy thôi. Ngày tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, rất nhiều gia
đình đang vui vẻ tổ chức đón năm mới nhưng gia đình ông Vươn biết về đâu bây
giờ khi ngôi nhà của họ bị đập phá tan hoang như vậy.
Tôi lang thang trong mưa gió rét trên quê ông chiều nay
đúng lúc vợ con ông được tạm tha về mà cùng đau với họ, họ biết về đâu
khi bỗng nhiên thành kẻ trắng tay vì những kẻ "sai nha". Người
dân quê ông họ rất tốt, tôi thấy họ người ít nhiều, người dăm mười nghìn,
người manh áo góp giúp vợ con ông.
Dân làng họ nói : thảm
họa này không đổ xuống riêng đầu gia đình ông Vươn đâu mà đây là thảm hoạ
đổ xuống đầu cả làng chúng tôi đấy.
Ông Vươn hiền lành chịu khó làm ăn, lao động cần cù cả ngày không
biết mặc bộ quần áo đẹp, không biết chơi bời có được cơ ngơi như vậy mà bây giờ
trắng tay thế này, chúng tôi nay ai dám làm ăn nữa, ai dám vươn lên làm giàu
nữa. Dân làng đông như thế mà không dám ra bênh vực nhà ông Vươn, họ nói: họ chỉ
nghe ông Vươn nói là có lệnh cưỡng chế, nhưng ông Vươn còn đang đi thưa kiện,
còn uỷ ban xã, huyện đến bây giờ thu hồi đầm hồ, phá tan nhà ông Vươn rồi
mấy hôm nay mới suốt ngày đọc loa thanh minh việc mình làm, thế thì dân chủ,
nhân quyền, công lý, lẽ phải ở đâu, ở đâu ??? Mà cưỡng chế đất sao
công an, quân đội, an ninh lắm thế, đông thế, người dân ở đây sợ công
an lắm. Con nhà ông Vươn trốn vào bếp nhà cụ ông Thửa 80 tuổi bị công
an lôi ra đánh dã man mà chả ai dám can nữa là. Ông cụ Thửa chỉ dám kể lại
với dân làng giọng run vì sợ : khổ quá thằng bé nó lại chui vào bếp nhà tôi,
sao nó không chạy đi…Ai đứng quanh đấy còn không dám ho nữa là….
Còn ông Tào, người mà Tivi thành phố Hải Phòng đưa hình là
người “đại diện cho nhân dân làng biển” này thì dân làng cho biết : ông Tào này
nguyên bí thư chi bộ thôn đã khuất tất trong việc chi tiêu 15 triệu đồng tiền
làm đường 212 nên bị nhân dân bãi miễn, nay ông đại diện cho ai, mà ông này họ
hàng với anh em ruột chủ tịch huyện Tiên Lãng - Lê Văn Hiền và chủ tịch xã
Quang Vinh - Lê Văn Liêm nên họ cho phát biểu đấy. Ngay sau ngày ông Tào
lên truyền hình dân làng đã làm vè và rải tờ rơi chung quanh nhà ông Tào
để giễu ông ta :
“Tào ơi có thiếu tiền đâu
Cớ sao cam chịu làm trâu cho Hiền ?"
Tôi trên đường về Hà Nội mà chỉ biết thương cảm thay cho
gia đình ông Vươn những người dân lành ở vùng phên giậu phòng thủ cho Tổ quốc bỗng
bị thảm cảnh khốn khổ vậy. Chúng tôi ở đất liền được yên ổn làm ăn nhờ có
những người như ông đã tình nguyện chắn gió bão biển từ ngoài khơi xa. Vậy
mà ông đại diện uỷ ban huyện Tiên Lãng phát biểu thản nhiên : “ Cái ông
Vươn này đắp đê, lấn biển để làm giàu cho gia đình ông ấy, xã hội này được
gì... Dứt khoát phải thu hồi....”.
Người dân ở đây chua chát nói :
“Công anh đấp đập be bờ
Để cho thằng khác vác lờ đến đơm”.
Nên người dân đã phải vùng lên để bảo vệ đất đai của mình
khi bị chính quyền cưỡng đoạt trái luật như nhà ông Vươn.Nhân quyền ở Việt Nam
bị xâm phạm nghiêm trọng như vậy đấy, liệu xã hội có còn bình yên khi
người dân mất lòng tin vào nhà cầm quyền. Treo biểu ngữ phản đối Trung
Quốc trong vườn rau ở một ngõ nhỏ, cũng tại thành phố biển Hải Phòng này
như nữ nhà thơ Phạm Thanh Nghiên bị vu án, gán tội 4 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Đi biểu tình thì bị đưa vào trại giáo dưỡng để gọi là phục hồi nhân phẩm
như chị Bùi Thị Minh Hằng, bị trục xuất phải "tỵ nạn" ngay
trên đất thủ đô như hoàn cảnh của tôi – một người viết báo tự do. Nêu chính
kiến của mình mong đất nước được đổi mới thực sự, để đời sống người dân
được nâng cao như nhiều nhà tranh đấu dân chủ trí thức có tâm huyết với đất
nước khác như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, linh mục tranh đấu Nguyễn
Văn Lý, kỹ sư tin học Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, thạc sỹ
Nguyễn Tiến Trung, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nông dân Hồ Thị Bích Khương,
nhà giáo Đinh Đăng Định, cựu quân nhân Lê Thanh Tùng, nhạc sĩ Việt
Khang…vv ... và rất nhiều những người yêu nước khác cũng bị vu án gán tội
với những bản án tù giam nặng nề, bất công.
Làm giàu bằng máu, nước mắt, mồ hôi công sức lao động
cật lực vất vả của mình thì bị đẩy vào con đường phải vùng lên đấu
tranh chống lại cường quyền…để rồi cuối cùng bị đàn áp khốc liệt, gia
đình tan nát như ông Vươn.
Nhưng tôi biết những người luôn tâm niệm rằng :
"Ôi Tổ Quốc ta yêu như máu thịt
Như Mẹ như Cha như vợ như chồng
Ôi Tổ Quốc nếu cần ta sẽ chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi, con sông".
Những người sống có lý tưởng ái quốc như vậy, họ đã không
quản hy sinh tính mạng và không cam chịu để bất công xã hội hoành hành trên đất
nước này. Cũng như tôi tin mọi người có lương tri sẽ thấu hiểu tình yêu đất lớn
lao của gia đình ông Vươn và họ đứng vào đội ngũ tranh đấu không chỉ cho mình
ông Vươn mà cho tất cả mọi người bị đàn áp để nhiều người dân trên mảnh đất này
không phải :"Một ngày tức
tưởi nhập dòng oan" (trích
Văn tế dân oan- thơ của Võ Thị Hảo).
Nhưng công bằng xã hội chỉ đến với được mọi người dân và với
riêng gia đình ông Vươn khi thành quả lao động của ông được xã hội trân trọng
và được chính quyền công nhận, cũng như xã hội không còn tồn tại việc người dân
sợ công an và buộc đứng lên chống lại nhà cầm quyền khi Nhân quyền ở Viêt Nam
được tôn trọng.
Mọi người dân phải có quyền được Tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tự do ứng cử, bầu cử, tự do lập hội...vv… Nhà nước Việt Nam phải thực hiện các quyền con người mà
Tuyên Ngôn Nhân Quyền toàn thế giới của Liên hợp quốc đã nêu và nhà nước
CHXHCN Việt Nam
này đã ký và cam kết thực hiện. Những quyền Con Người mà tạo hóa đã ban
cho họ và không ai có quyền tước đoạt, chỉ khi đó con người mới không bị dồn vào
đường cùng buộc phải đứng lên cầm súng bắn lại nhà cầm quyền như vụ việc
vừa qua ở Hải Phòng.
Viết tại Đầm Cống Rộc, xã Quang Vinh, huyện Tiên
Lãng, ngoại vi TP- Hải
Phòng những ngày mưa rét đầu và giữa tháng 01-2012
Dương Thị Xuân - người viết báo tự do
Điện thoại liên lạc : 0125-8736-869
Hiện nay tôi đang phải ngủ màn trời chiếu đất ngoài vườn hoa Mai Xuân Thưởng – Hà Nội
Email lien lac : hoabinhdantoc2007@yahoo.com
3 comments:
đau sót cho gia đình ông vươn quá
Đọc những giòng chữ của chị làm tôi rất xót xa cho chị cùng gia đình chị trong cảnh màn trời chiếu đất hiện nay. Chị cùng gia đình chị cũng như anh Vươn cùng gia đình và những đồng hương đang trong cảnh tù ngục hiện nay là nạn nhân của một chế độ độc đoán vô nhân nầy. Và tôi mong rằng chế độ dã man nầy sẽ được thay đổi tận gốc rễ trong năm nay. Cầu chúc chị cùng gia đình luôn an lành, may mắn và vạn sự như ý trong năm Nhâm Thìn nầy.
Người xưa có câu" cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan"
thật đúng trong vụ anh Đoàn văn Vươn.
Đăng nhận xét