Đầu năm phỏng vấn linh mục Chân Tín về Giáo hội và Đất nước

Nữ Vương Công Lý
Lm. Chân Tín38 Kỳ Đồng, Sài Gòn
Nhân dịp năm mới, Nữ Vương Công Lý có dịp phỏng vấn linh mục Chân Tín, C.Ss.R về hiện tình Đất nước, Giáo hội và những dư luận xung quanh cuộc đời đấu tranh cho công lý, cho nhân quyền mà ngài đã dành cả cuộc đời dấn thân. Chúng tôi trân trọng gửi tới quý độc giả nội dung cuộc trả lời phỏng vấn này.
*
1. Thưa cha, lời đầu tiên, NVCL xin kính chúc cha mạnh khỏe, bình an trong Thánh linh Chúa để có nhiều đóng góp cho Giáo hội và đất nước.
Linh mục Chân Tín: Xin chân thành cám ơn NVCL, nhân những ngày đầu năm Nhâm Thìn chúc tôi mạnh khỏe, bình an trong Chúa Thánh Linh để có nhiều đóng góp cho Giáo hội và đất nước. Với ơn Chúa, tôi ráng đóng góp ít nhiều cho Giáo hội và đất nước. Với tuổi 93, tôi là một trong những người chứng của lịch sử hiện đại của Giáo hội và đất nước, nên tôi thấy có trách nhiệm và cố gắng góp phần vào việc xây dựng đất nước và Giáo hội.

2. Trước hiện tình đất nước đang chịu họa độc tài cộng sản, Giáo hội Việt nam còn đó những vấn đề cần nói đến. Theo cha, điều gì cần thiết nhất đối với Giáo hội Việt Nam hiện nay?
Linh mục Chân Tín: Chúa Giêsu khi lập Giáo hội đã ban cho các vị lãnh đạo Giáo hội ba chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế.
Để đảm bảo chức năng tư tế, Giáo hội cần phải có một kế hoạch đào tạo linh mục độc lập với thế quyền, không thể để chính quyền, nhất là chính quyền cộng sản với chủ trương phá đạo, xía vào việc giáo dục đào tạo các linh mục, xen vào việc bổ nhiệm thuyên chuyển các giám mục, linh mục.
Để thực thi chức năng Vương quyền, Giáo hội Việt Nam phải có tự do phục vụ con người mà Thánh kinh gọi là chức năng Vương đế, chứ không phải quyền sống xa hoa vương đế. Phải để cho Giáo hội phục vụ người nghèo, những người đau khổ, người bị bóc lột, người bị áp bức. Thế nhưng, với chế độ cộng sản Việt nam, Giáo hội không được mở trường để giáo dục, không được mở bệnh viện để giúp bệnh nhân, không được tự do làm việc xã hội để giúp đỡ người cô thân, cô thế; không được làm ngành thông tin để nói lên sự thật…
Chức năng thứ ba là chức năng Ngôn sứ, chức năng rao giảng Tin mừng của Chúa cho mọi người, tức là quyền nói thẳng nói thật với chính quyền cộng sản về sự vi phạm tự do tôn giáo, quyền bênh vực nhân quyền, dân quyền. Hiến chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay cả Công đồng Vaticano II đã nói: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và nỗi lo âu của con người hôm nay, cách riêng của những người nghèo và của tất cả những ai đang đau khổ, đó cũng là vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của môn đệ Chúa Kito. Không có gì liên quan đến nhân loại mà không có tiếng van trong cõi lòng tín hữu Chúa Kito”.
Trong ba chức năng đó, Giáo hội Việt Nam cần phải tích cực thi hành chức năng Ngôn sứ. Chức năng này, trong hiện tình đất nước đầy dối trá, tình trạng đạo đức suy đồi, nhân quyền bị vi phạm, một bộ phận đảng viên cộng sản toa rập bòn rút tài nguyên đất nước như hiện nay, việc thực thi chức năng này là rất quan trọng và cần thiết. Giáo hội không thể làm thinh mặc đất nước bị tàn phá bởi một chế độ phá hủy tinh thần con người bằng chủ trương duy vật vô thần, trăng trợn vi phạm tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, tự do dân quyền. Giáo hội, đặc biệt các vị giám mục, không thể tiếp tục im lặng, nhưng phải lên tiếng bảo vệ con người, bảo vệ tôn giáo. Chính Đức Giêsu đã căn dặn các đồ đệ: “Anh em đừng sợ người ta. Điều thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày. Điều anh em nghe rỉ tai, hãy lên mái nhà rao giảng. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 26-28).
Hiện nay, phần lớn các giám mục Việt nam chọn cách thức im lặng, không dám lên tiếng bênh vực tôn giáo, bênh vực Giáo hội, bênh vực nhân quyền và dân quyền. Biện minh cho việc im lặng, có vị cho rằng Giáo hội không làm chính trị. Vị khác cho rằng “cần tu thân tích đức”, đất nước này có gần 90 triệu người chứ đâu chỉ có người công giáo. Có vị không những cho rằng “lên tiếng hay không lên tiếng” mà còn giảng dạy chủ nghĩa Mác xít trong nhà thờ cho giáo dân mà không hề phê phán để bảo vệ đức tin. Vị khác thì lại cho rằng “Ai không thích cộng sản thì đừng bắt chúng tôi theo họ”… Tôi không biết các vị nghĩ gì mà đã hành xử như vậy?

3. Cha nghĩ gì về tiến trình Tòa thánh bổ nhiệm các giám mục Việt Nam như hiện nay?
Linh mục Chân tín: Về việc bổ nhiệm các giám mục, Công đồng Vaticano II, trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ của các Giám mục trong Giáo hội, số 20, nói rõ về quyền tự do của Tòa thánh trong việc chỉ định và bổ nhiệm các giám mục: “Nhiệm vụ Tông đồ của các giám mục đã được Chúa Giê su thiết lập và theo đuổi mục đích thiêng liêng siêu nhiên, nên Thánh Công đồng chung tuyên bố quyền chỉ định và bổ nhiệm các giám mục là quyền riêng đặc biệt và tự nó độc hữu thuộc thẩm quyền Giáo hội. Vì thế, để bảo vệ đúng mức sự tự do của Giáo hội, để thăng tiến lợi ích của các Kito hữu cách thích hợp và dễ dàng hơn, Thánh công đồng ước mong sau này các chức quyền dân sự không còn hưởng các quyền lợi hoặc đặc ân nào về việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề cử hay chỉ định chức vụ giám mục. Về phần các chính quyền dân sự, Thánh Công đồng tri ân và kính trọng thịnh tình của họ đối với Giáo hội và hết sức nhã nhặn xin họ hãy đồng hành với tòa thánh tự ý từ bỏ những quyền lợi hay đặc ân kể trên”.
Bộ Giáo luật 1983 nhắc lại những gì Công đồng đã nói về sự tự do chọn lựa giám mục: “Từ nay, các chính quyền dân sự không còn quyền hay đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, giới thiệu hoặc chỉ định các giám mục nữa” (Gl 1983, điều 337, đoạn 3).
Theo thánh Công đồng và bộ Giáo luật 1983, rõ ràng là từ nay: “các chính quyền dân sự không còn quyền hay đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, giới thiệu hoặc chỉ định các giám mục nữa”. Thế nhưng, trong thực tế, trên đất nước Việt Nam hiện nay, việc tuyển chọn các giám mục “phải được sự đồng ý của nhà nước cộng sản vô thần” là đi ngược lại với Công đồng và Giáo luật.
Trong khoảng thời gian hơn hai chục năm gần đây, tất cả các giám mục được tuyển chọn đều phải được sự đồng ý của chính quyền cộng sản. Trong một chế độ độc tài đảng trị với chính sách tiêu diệt tôn giáo một cách có hệ thống như tại Việt Nam, thì việc để chính quyền cộng sản nhúng tay vào việc bổ nhiệm các vị giám mục là một việc làm nguy hiểm và việc thời gian qua, hầu hết các vị giám mục chọn thái độ im lặng, theo tôi, là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Cộng sản hiểu rất rõ chỉ cần nắm các giám mục thôi là có thể điều khiển được Giáo hội. Vì thế, việc để cộng sản Việt Nam tham gia vào việc tuyển chọn giám mục đã tạo điều kiện và cơ hội cho họ dễ dàng nắm các giám mục hơn.
Đức Giáo hoàng Benedict 16 đã từng lên án những giám mục nào muốn yên thân, không dám lên tiếng chống lại bạo quyền. Ngài gọi các giám mục ấy bằng một từ hết sức nặng nề “Chó câm”. Tôi thiết tưởng, bao lâu Giáo hội còn để chính quyền cộng sản nhúng tay vào trong việc bổ nhiệm các giám mục, bấy lâu còn thấy sự “Im lặng đáng sợ của Giáo hội” trước sự xuống cấp về đạo đức xã hội, trước những bất công, trước những bắt bớ, đàn áp những người yêu nước, những thanh niên công giáo nhiệt tâm với nhà Chúa như từng thấy trong thời gian qua.

4. Nhiều người cho rằng: trước đây linh mục Chân tín đã có thời “thân cộng sản”, điều này có đúng không và có phải vì có thời kỳ đó mà cha đã có nhiều kinh nghiệm với cộng sản hay không? Nếu có thể xin cha nói về vấn đề này?
Linh mục Chân Tín: Trước 1975, tôi và một số linh mục cùng một số giáo dân trí thức đã chống chế độ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vì đã bắt bớ sinh viên và những người hoạt động chính trị. Các sinh viên và những người này bị bắt và bị tra tấn. Chúng tôi, 8 linh mục đã điều tra cẩn thận, nên đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho họ. Cuộc đối đầu giữa sinh viên và chế độ Nguyễn Văn Thiệu kéo dài và tờ báo Đối Diện của tôi đã bênh vực các sinh viên ấy. Cộng sản lợi dụng cuộc đấu tranh đó và nghĩ là chúng tôi về phe họ. Nhiều người trong chế độ cộng hòa cũng nghĩ như vậy. Tôi quan niệm rằng có bất công dù ở chế độ nào thì tôi cũng lên tiếng vì đó là sứ mạng ngôn sứ tôi đã lãnh nhận. Sau khi cộng sản chiếm Miền Nam, tôi tiếp tục đấu tranh chống chế độ cộng sản. Dù bị cộng sản kết án 3 năm quản chế tại Cần Giờ, tôi vẫn tiếp tục chống cộng sản cho tới nay.
Dù sao, tôi rất thông cảm với những người, đặc biệt là những anh em, những công chức của chế độ Việt Nam cộng hòa đã bị cộng sản hành hạ, bắt bớ, tù đầy. Tôi mong anh em hiểu rằng tôi không bao giờ theo cộng sản.
Có anh em cho rằng tôi theo cộng sản, vì ngày 30/4/1975, họ thấy tôi ở trong trại cộng sản tại Phi trường Tân Sơn Nhất. Đây là một hiểu lầm. Ngày 28/4/1975, tướng Dương Văn Minh lên nắm quyền Miền nam. Qua ngày 29/4, tướng Minh đã gửi một phái đoàn của chính phủ cầu hòa với cộng sản nhưng bất thành. Chiều 29/4, tướng Minh có nhờ tôi cùng với giáo sư Châu Tâm Luân và luật sự Liễng – là những người được coi như thành phần thứ ba, không theo cộng sản cũng không ủng hộ chế độ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, làm trung gian vào trại Davis để điều đình cứu quốc. Khi biết các tướng tá cộng hòa đã tháo chạy từ sáng sớm, và như thế sẽ chẳng có chống đối kịch liệt, nên chúng tôi yêu cầu bộ đội cộng sản dừng pháo kích ồ ạt tàn phá giết hại đồng bào thành phố. Tướng Tuấn của cộng sản điện ra cho tướng Võ Nguyên Giáp nói lại yêu cầu của chúng tôi. Ông Võ Nguyên Giáp đồng ý và chúng tôi xin rút về nhà. Nhưng bấy giờ, bộ đội cộng sản đã tiến vào Tân Sơn Nhất, chúng tôi không còn đường ra nên phải ở lại trong trại Davis cho tới chiều 30/4 mới về nhà được.
Sự việc chỉ có thế, không như có người vì hiểu lầm bảo Chân Tín vào trại Davis đón cộng sản vào Sài Gòn.

5. Theo cha, liệu chế độ cộng sản có thể tồn tại “muôn năm” như họ thường huyênh hoang tuyên bố, cha nghĩ gì về điều này?
Linh mục Chân Tín: Chế độ cộng sản Liên xô và Đông âu dù mạnh đến đâu cũng đã tan rã, vì một chế độ không được lòng dân, không tôn trọng nhân quyền, thì chắc chắn rồi cũng sẽ tan rã. Cộng sản Việt Nam đâu mạnh bằng cộng sản Liên xô – Đông âu. Một khi người dân ý thức hơn quyền lợi của họ, ý thức chế độ cộng sản là vô nhân đạo, giống như Ba lan mấy chục năm trước, chế độ cộng sản Việt Nam sẽ tới lúc tan rã, bởi chính sự vô nhân đạo của nó. Ngay khi chế độ cộng sản Ba lan và Đông âu sụp đổ, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Có thể là đơn giản khi nghĩ rằng Đấng Tối cao đã gây ra sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản tự nó sụp đổ, vì hậu quả của những lỗi lầm và sự đối xử tồi tệ của riêng nó. Chủ nghĩa cộng sản tự nó sụp đổ vì sự yếu kém riêng của nó”. Cộng sản Việt Nam là gì mà nó tự ảo tưởng và huyễn hoặc cho rằng tồn tại muôn năm như họ thường huyênh hoang. Một chế độ đi trật đường Thiên Chúa, thì rồi cũng trật đường rầy, lăn xuống hố cả lũ.
Trong bài giảng về Công lý và Hòa bình, Chúa nhật 30/10/2011, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, tôi đã đề cập cập tới những lối đi trật đường Thiên Chúa của cộng sản: trật đường thứ nhất là chủ thuyết vô thần áp đặt cho toàn dân; thứ hai là sự dối trá tràn lan; thứ ba là chế độ cộng sản không tôn trọng nhân quyền; trật đường thứ tư là độc tài đảng trị; thứ năm là tham nhũng tràn lan từ trung ương tới địa phương; thứ sáu là cộng sản bán nước cho Trung cộng để bảo đảm an toàn cho đảng cộng sản Việt Nam, còn đất nước quê hương không có ý nghĩa gì với họ. Một chế độ như thế sớm muộn sẽ sụp đổ như lời Đức chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói.

6. Thời gian qua, Nữ Vương Công Lý đã làm hết khả năng của mình theo đường hướng Sự thật, Công lý, Hòa bình, vì một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, xin cha cho biết cảm nghĩ của mình về NVCL? Theo cha, NVCL có nên tiếp tục theo đuổi đường hướng “sự thật sẽ giải thoát chúng ta” hay không?
Tôi rất hoan nghênh Nữ Vương Công Lý vì từ trước tới nay đã soi sáng cho độc giả biết sự thật, đã làm hết sức mình, đã phải chịu tiếng nọ tiếng kia của những người không thích nghe sự thật. Xin NVCL tiêp tục công việc Ngôn sứ của mình, vì đây là công việc cần thiết cho việc xây dựng đất nước và Giáo hội trong chân lý và tình thương.
Phải, sự thật sẽ giải thoát chúng ta.

7. Trong trường hợp nhiều người cho rằng không nên vạch áo cho người xem lưng những vấn đề không thể không nói đến trong Giáo hội, cha nghĩ gì về điều này?
Lưng ghẻ lở mà che dấu sẽ ghẻ lở thêm. Trái lại, phải nói thẳng nói thật để cùng nhau ý thức và cùng nhau chữa lành những vết thương cho đất nước và Giáo hội. Ghẻ lở mà che dấu sẽ tới lúc mùi hôi thối bốc lên và quan trọng là không chữa được nữa.

8. Xin cám ơn cha. Kính chúc cha có nhiều sức khỏe, được Thiên Chúa gìn giữ để đóng góp cho Giáo hội và xã hội nhiều hơn.
Xin chân thành cám ơn Nữ Vương Công Lý đã tạo điều kiện để một ông già 93 tuổi, gần trời xa đất, nói lên tấm lòng của mình với đất nước và Giáo hội. Chúc tất cả quý độc giả Năm mới khang an.
14/2/2012

nguồn: http://www.nuvuongcongly.net/

1 comments:

Cha Chân Tính kính mến,

Đọc những giòng chia sẻ của Cha làm con kính mến Cha hơn, vì mấy mươi năm qua Cha đã phải im lặng và nhận sự trách móc của nhiều người. Con tin rằng từ nay về sau mọi người sẽ hiểu Cha và xin lổi Cha. Con kính chúc Cha luôn an lành, an khương và nhiều tuổi thọ. Kính Cha.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More