Chuyện thật như đùa: Lệnh Tạm Giam của phó chánh án tòa án Q.2 ký lại giả

VRN's - Sài Gòn
Lệnh tạm giam của tòa án Q2 phát ra:
Thật hay giả???!!!
Chuyện đùa như thật: Toà án quận 2 bị mạo danh?
 Hôm qua, trên trang www.chuacuuthe.com, chúng tôi đã đăng bài "Lệnh tạm giam của Toà án?" (*) do luật sư Thái Hà trả lời cho một vị chức sắc tôn giáo nêu thắc mắc với VRNs. Ngay sau khi bài được đăng, phóng viên VRNs đã đến Toà án nhân dân quận 2, Sài Gòn, để tìm hiểu rõ ngọn nguồn.

Trước tiên chúng tôi đến Phòng tiếp dân, đề nghị cô thư ký cho chúng tôi được gặp ông Vũ Văn Lệ, Phó chánh án, Toà án nhân dân quận 2. Yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng ngay sau đó ít phút.

Phòng làm việc của ông Phó chánh án ở lầu một, phía đầu nhà bên trái. Ông Vũ Văn Lệ là một người nói chuyện cởi mở và thân thiện. Thậm chí có vẻ như ông đang đợi chúng tôi đến để trả lời những thắc mắc.
Chúng tôi đưa cho ông xem hai văn bản, một do thẩm phán Phạm Thao, chánh án – Toà án nhân dân quận 2 ký quyết định phân công ông Vũ Văn Lệ giải quyết vụ án liên quan đến vị chức sắc tôn giáo, cần chúng tôi tư vấn thắc mắc.

Văn bản thứ hai là Lệnh Tạm Giam của chính ông Vũ Văn Lệ, phó chánh án – Toà án nhân dân quận 2 ký ngày 26.01.2012, ra lệnh tạm giam vị chức sắc này 90 ngày, kể từ ngày 31.01.2012.

Cầm văn bản trên tay, ông Vũ Văn Lệ, như có sẵn câu trả lời, nói ngay:

- Văn bản này chúng tôi không ban hành!

Như vậy tại sao văn bản lại có chữ ký của ông và con dấu của Toà án? Đây là chữ ký giả, con dấu giả?

- Không, con dấu thật, chữ ký thật 100% – Ông lấy viết và giấy nháp ký ngay tại chỗ cho chúng tôi xem và so sánh chữ ký của ông vừa ký và chữ ký trên văn bản hoàn toàn giống nhau.

Thấy chúng tôi tỏ ra khó hiểu, ông giải thích có thể do chữ ký và con dấu này đã được scan lại từ một văn bản khác, rồi dùng kỹ thuật ghép vào.

Nói với VRNs, ông giải thích: Văn bản này là một mẫu văn bản cũ, đã từ lâu không còn sử dụng. Theo ông Vũ Văn Lệ, quy định của cơ quan ông khi sử dụng một mẫu in sẵn thì không được dùng máy in để in thêm thông tin như tên người, năm sinh…, mà phải viết tay cho ngay ngắn. Ở Toà án có Thừa phát lại đưa thư, chứ không gửi thư loại này bằng bưu điện. Ông lưu ý ngày 26.01.2012 là ngày mùng 4 tết, là ngày nghỉ, nên Toà không thể ban hành văn bản. Nhất là ông khẳng định, Toà án không có chức năng ra lệnh tạm giam như thế này. Toà chỉ ra lệnh tạm giam cho những ai đã có án, nhưng chưa đến ngày có hiệu lực thi hành mà thôi. Thời gian này cũng chỉ là 45 ngày.

Ông Vũ Văn Lệ còn khẳng định: Toà án hoạt động theo địa giới, chúng tôi quận 2, mà đương sự không thuộc quận của chúng tôi thì sao tôi có thể ra lệnh gì được!

Trả lời cho câu hỏi, vậy văn bản này xuất phát từ đâu?

Ông Vũ Văn Lệ cho biết, trường hợp của vị chức sắc tôn giáo này không phải là trường hợp đầu tiên, mà là thứ 5 trong những ngày qua. Trong đó có cả trường hợp ra lệnh bắt tạm giam ông Lê Hoàng Quân, sinh năm 1953, Uỷ viên trung ương đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM. Một trường hợp khác cũng là một nhân vật lớn, đó là ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn.

Theo ông Vũ Văn Lệ thì chỉ cơ quan điều tra của công an mới có thể trả lời chính xác ai là tác giả hoặc nơi nào phát hành các văn bản này. Ông Lệ cho biết thêm thông tin, khi nhận được Lệnh tạm giam này, ông chủ tịch Lê Hoàng Quân đã suy diễn rằng do ông ký nhiều quyết định thu hồi đất quá, nên người ta trả thù.

Cũng theo ông Lệ, ông đã trả lời cho Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ về sự việc này.

Một điểm khác, ông Vũ Văn Lệ nói cho chúng tôi rõ, đó là theo thông thường thì chỉ có phổ biến Lệnh tạm giam cho bị cáo, chứ không bao giờ phổ biến Quyết định phân công ra bên ngoài.

Chúng tôi nghĩ, ông muốn nói có ai đó cố tình muốn hạ thấp danh dự của lãnh đạo Toà án quận 2 khi cùng cho phổ biến hai văn thư này.
Quyết định phân của chánh án tòa Q.2 thật giả??!!

Trước lúc chia tay, chúng tôi hỏi lại ông: Như vậy, Toà án nhân dân quận 2 không ban hành các văn bản này, và những người có tên trong các văn bản này không có trách nhiệm thi hành?

Ông Vũ Văn Lệ, phó chánh án – Toà án nhân dân quận 2, xác nhận đúng như vậy.

Nếu đúng như những gì ông Vũ Văn Lệ nói thì đây là chuyện đùa như thật. Tuy nhiên, chúng tôi lại thắc mắc, nếu Toà án quận 2 đã bị mạo danh đến lần thứ năm rồi sao vẫn chưa lên tiếng cảnh báo nhân dân, để nhân dân khỏi phải lo lắng khi bị những loại giấy tờ giả mạo này, hay có thể cộng tác với Toà án quận 2 bắt giao những người cố tình mạo danh này?

Xem lại hai văn bản với con dấu và chữ ký sắc nét, chúng tôi chưa dám tin đây là chữ ký và con dấu đã được nguỵ tạo bằng kỹ thuật vi tính. Như vậy có thể có ai hay những người nào đó cố tình vi phạm pháp luật để tạo ra văn bản này. Còn họ tạo ra vì mục đích gì thì chúng tôi chưa thể biết, hãy chờ xem! (Thuỵ Minh, VRNs)

* Lệnh tạm giam của Tòa án?
VRNs (02.02.2012) – Sài Gòn – Gần đây có một vị chức sắc tôn giáo hỏi VRNs về việc Toà án có quyền ra lệnh tạm giam không? Đây là một vấn đề cần phải được những người am hiểu pháp luật trả lời, nên chúng tôi đã hỏi luật sư thường xuyên tư vấn của chúng tôi. Vị luật sư này trả lời như sau:

Theo Quý vị cho biết: Một người nhận được lệnh tạm giam 90 ngày của Tòa án Quận A gởi qua đường Bưu điện, kèm theo là Quyết định phân công giải quyết vụ án hình sự. Trước đó, người này chưa bao giờ bị khởi tố, bị điều tra, nhận kết luận điều tra hoặc cáo trạng… Cũng chưa hề bị bắt, tạm giam…

Sau khi nghiên cứu chúng tôi cho rằng ngoại trừ trường hợp Tòa án Quận A đùa dai, bằng không thì ông Phó Chánh Án (người ký lệnh tạm giam) và Tòa án A này đang thực hiện việc làm trái pháp luật nghiêm trọng.

1.            Trước hết, theo quy định pháp luật, để Tòa án có thể ra Quyết định “tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án” như lệnh tạm giam đã nêu thì người ấy phải đã bị khởi tố bị can. Phải bị chụp ảnh, lập danh chỉ bản. Phải được giao Quyết định khởi tố có lập biên bản… Sau đó phải bị điều tra, bị hỏi cung và các thủ tục tố tụng khác. Nếu “có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm…” thì phải có Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Người này phải được nhận Bản kết luận điều tra. Và Viện Kiểm sát – nếu quyết định truy tố – phải có Bản Cáo Trạng, trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày có Bản Cáo trạng, Viện Kiểm sát phải thông báo cho bị can, giao Bản Cáo trạng cho bị can…

Như vậy, một người chưa hề bị khởi tố bị can, chưa “được”  hỏi cung lần nào, cũng không nhận được Bản kết luận điều tra, Bản Cáo trạng… mà nay Tòa án Quận A lại Ra lệnh tạm giam bị cáo[1] để đảm bảo xét xử thì đúng là coi trời bằng vung.

2.            Cũng theo thông tin thì người này bị Viện Kiểm sát nhân dân Quận A truy tố về tội: Phá rối an ninh – Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN theo khoản 1 Điều 89 – 88 của Bộ luật Hình sự. Đây là hai tội thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XI Bộ luật Hình sự). Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Tòa án Quận A không có thẩm quyền xét xử. Như vậy mà ông Chánh Án Quận A nhận hồ sơ, phân công thẩm phán và ông Phó Chánh Án Ra lệnh tạm giam thì đúng là điếc không sợ súng.

3.            Ngoài ra, cũng theo Quý vị cho biết thì Quyết định được ký vào ngày 26.01.2012 (tức ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn) là ngày nghỉ Tết, ghi sai địa chỉ nơi ở của người này thì đúng là Tòa án Quận A đã ăn ngọn nói hớt.

Ý kiến chúng tôi: Người này cần trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác liên hệ trực tiếp với Tòa án nhân dân Quận A tìm xem họ đùa dai hay họ “coi trời bằng vung”, “điếc không sợ súng”, “ăn ngọn nói hớt”…, để tùy trường hợp mà buộc họ xin lỗi vì xúc phạm danh dự nhân phẩm hoặc tố cáo hành vi “ra Quyết định trái pháp luật”; “giả mạo trong công tác”; “lợi dụng chức vụ quyền hạn…”.

Luật sư Thái Hà

[1]               Bị cáo: là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử (khoản 1 Điều 50 Bộ luật Tố tụng Hình sự)


DienDanCTM

2 comments:

Một bản tin nóng và lý thú. Hy vọng sẽ còn được đọc những diễn tiến sắp đến. (... Sẽ ra sau, ngày sau !?)

Chuyện xảy ra lần thứ năm nhưng toà án vẫn lặng câm , không giải thích cho nhân dân rỏ . Như vậy Toà án mặc nhiên chấp nhận tình trạng nhập nhằng này , chỉ khổ cho dân ...

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More