Án lệ!

Tô Văn Trường

Có thể nói chưa bao giờ người dân lại háo hức chờ đón kết luận của Thủ tướng về vụ án Tiên Lãng như trong những ngày vừa qua. Đọc toàn văn kết luận của Thủ tướng và theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhìn chung người dân hài lòng dù niềm vui chưa trọn vẹn!

Đa số mọi người cảm thấy vui mừng khi Thủ tướng trực tiếp ra tay vụ Tiên Lãng nhưng điều đó cũng chứng tỏ một sự thất bại của hệ thống pháp luật nước ta ! Chẳng lẽ việc gì xảy ra không đúng ở hàng trăm quận huyện, hàng ngàn phường xã đều phải có Thủ tướng mới giải quyết được? Hệ thống Tòa án của nước ta hiện đứng ở đâu? Ngành Tư pháp đang làm
gì? Cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ người dân khi bị các quan chức chèn ép? Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn tất cả đều  hưởng thuế của dân để làm gì? Nếu chỉ trông chờ vào lòng tốt, ban ơn của cá nhân các quan chức, quan trên thì khi các cá nhân các quan này, chính họ không còn tốt nữa, chính họ tham nhũng, chèn ép người dân thì có cơ chế nào để phế truất họ? Người dân có quyền phúc quyết Hiến pháp, xây dựng pháp luật để bảo vệ mình? Người dân có quyền biểu tình phản đối chính quyền nếu có sai trái một cách đàng hoàng, chính thức?

Trị bệnh mà không trị từ gốc rễ thì trước sau sẽ còn có nhiều vụ Tiên Lãng khác nữa. Trước giờ, người dân phản đối “cưỡng chế” bằng nhiều cách khác nhau nhưng chưa có vụ nào dùng  súng hoa cải như Tiên Lãng! Người dân không dám chống lại chính quyền, không đồng nghĩa với việc họ yêu quý hay kính trọng chính quyền hay hệ thống pháp luật hiện tại! Chỉ vì  họ thấp cổ, bé họng, nếu thưa kiện thì Tòa án lại nằm dưới sự chỉ đạo của chính quyền thì kiện làm gì? Đó là lỗ hổng rất lớn mà đất nước sẽ phải chịu đựng đau đớn trong thời gian dài nữa!

Có thể hiểu việc phải  trảm một số “con sâu”  là việc làm để "tế thần", nhưng còn dám làm là dũng cảm và trước hết là để cứu chế độ. Hy vọng rằng từ vụ này và cách xử lý nghiêm minh từ cấp thành phố Hải Phòng đến huyện, xã là sự thức tỉnh về sự mất còn của chế độ - sự thức tỉnh chân thành. Nếu sau nầy, bọn bị xử lý mà "trệu trạo" cho "đầu thai" lên cái ghế ấm êm hơn ở chổ khác thì chẳng còn gì để mà nói.

Cuộc sống là bất phương trình chứ không phải phương trình cho nên có dư luận chê trách bí thư thành ủy Hải Phòng họp báo công bố kỷ luật chủ tịch huyện Tiên Lãng là qua mặt, không tôn trọng  chính quyền. Còn Thủ tướng "đề nghị" ngành tư pháp xét xử có chiếu cố tình tiết giảm nhẹ cho gia đình anh Vươn là rất hợp đạo lý,  vậy mà cũng có dư luận phê bình Thủ tướng  từ cơ quan hành pháp “lấn sân” sang  tư pháp!? Điều đó chứng tỏ người phê bình thật bàng quan, không hiểu luật pháp và tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay.

Các phát ngôn và thái độ vô trách nhiệm của ông Đỗ Trung Thoại phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Đỗ Hữu Ca giám đốc sở công an thành phố, ông Vũ Hồng Chuân trưởng ban tuyên huấn huyện Tiên Lãng  vv…thật tệ hại. Riêng về ông Đỗ Hữu Ca bộc lộ sự yếu kém về văn hóa, chính trị và nghiệp vụ công an thuộc vào loại điển hình (xem hình và phát ngôn của ông trên báo in và báo mạng). Nói nghe hoành tráng, huênh hoang nhưng để cho anh em ông Vươn trốn mất khỏi hiện trường mà không biết! Cũng chẳng hiểu lãnh đạo thành phố nghĩ gì khi thành lập tổ công tác thực thi quyết định chỉ đạo của Thủ tướng lại giao cho chính ông phó chủ tịch Đỗ Trung Thoại đầy tai tiếng mất uy tín trong nhân dân làm tổ trưởng? Giao cho công an Hải Phòng chịu trách nhiệm truy tố tội giết người của anh em ông Vươn chẳng khác gì vừa đá bóng, vừa thổi còi!?

Sự kiện Tiên Lãng  đã thức tỉnh nhận thức của Đảng và Nhà nước về ý chí, nguyện vọng của nhân dân, sự lạc hậu về mặt khoa học của thiết chế chinh trị, thiết chế bộ máy Nhà nước không còn phù hợp và hệ thống tổ chức gọi là các hội đoàn chính trị xã hội - tổ chức quần chúng là không còn đại diện cho hội viên của mình, kể cả hội cựu chiến binh. Nhưng với thiết chế nầy và với nguyên tắc tập trung dân chủ thì cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng suốt 30 năm không cách chức ai và Thủ tướng đuơng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng xử vụ Tiên Lãng, Hải Phòng  như vậy là đúng mực của cái thể chế không rõ ràng, giữa muôn trùng tầng nấc, và bây giờ thêm "các nhóm lợi ích"...người chủ trì như đứng giữa một rừng cạm bẫy…Chết như chơi, đừng ai nói giỏi (ngôn ngữ của Anh Hai Nam bộ Bẩy Nhị nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)!

Vụ Tiên Lãng làm chúng ta giật mình vì bộc lộ tất cả sự yếu kém của thể chế và cơ chế vận hành của bộ máy quyền lực quốc gia trước tình hình Trung quốc tuyên bố "lợi ích cốt lõi ở Biển Đông" và Mỹ tuyên bố "Bảo đảm tự do lưu thông hàng hải của Biển Đông"...Họ nói thật và làm thật, và đang ùn ùn bày binh bố trận không ngừng. Tình hình nầy Đảng ta phải làm cái gì hơn cả hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4 với hai Nghị quyết hội nghị đề ra (vì khi hội nghị thì chưa có vụ Tiên Lãng)  nên chưa thấy hết "gót chân Asin”  mà ngay như thực hiện hai Nghị quyết ấy không biết phải bắt đầu từ đâu để không trùng vào "bánh xe" của các lần trước (đâu cũng vào đấy)! Lo cho chế độ, lo cho dân chúng và có cả cái tôi trong đó làm cho nhiều người mất ngủ!

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là số phận của anh Vươn sẽ  ra sao? Truy tố anh Vươn vào khung tội giết người mà ngay từ khi bắt giữ tra hỏi cả hơn tháng trời cũng không có mặt luật sư cùng tham gia là vi phạm trắng trợn luật tố tụng hình sự!

Nhìn nụ cười và phát biểu cám ơn Đảng, Nhà nước và Thủ tướng của gia  đình anh Vươn không phải chỉ  là nụ cuời hạnh phúc mà còn là nụ cười của niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ chờ đón gia đình bé nhỏ này ở phía trước. Điều đau lòng là họ không nghĩ sâu xa về kết luận của Thủ tướng: “Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.” Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng. Những người am hiểu về luật pháp còn đang tranh luận đây có phải là vụ chống người thi hành công vụ hay không mà ngay cả súng hoa cải cũng  không nằm trong danh mục bị cấm tàng trữ, thực tế hậu quả mới gây bị thương nhẹ cho 6 người đi cuỡng chế trái pháp luật đã vội kết luận phải  xử theo tội giết người liệu có thấu tình đạt lý!?

Xin lưu ý rằng theo Bộ luật hình sự, Điều 9: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Điều 93. Tội giết người thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Còn nếu chỉ bị khép và tội "chống người thi hành công vụ" thì khung hình phạt thấp hơn nhiều, chỉ "bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm". Nếu cố tình ghép tội anh Vươn thì cũng chỉ nằm trong Điều 257 là tội  chống  người thi hành công vụ chứ không thể tội giết người. Luật sư bào chữa trước tiên sẽ  phải bảo vệ quan điểm này. Sau đó là đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ đặc biệt cho anh Vuơn. Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Trong y học không ai đi điều trị triệu chứng mà phải trị nguyên nhân. Quản trị của tất cả các nước trên thế giới cũng đi theo quan điểm này, tìm nguyên nhân của vấn đề để điều trị, không điều trị ngọn. Mục đích động cơ của gia đình anh Vươn là bảo vệ cái đúng, vì lẽ phải của cuộc sống  nhưng hành vi là vượt quyền tự vệ chính đáng! Chính quyền sai, người thi hành công vụ cứng nhắc, mù quáng thiếu cái tính  (common sense), người dân bị dồn vào bước đường cùng bắt buộc phải phản kháng tự phát để nói lên tiếng nói của mình. Hãy trị nguyên nhân, những người làm sai phải từ bỏ áo mũ cân đai, người thi hành cứng nhắc phải đuợc nhắc nhở, nâng cao năng lực phán đoán trước khi hành động.

Vấn đề ở chỗ nếu nguời ta cứ xăm soi vào cái chỗ “dân chống chính quyền”  để ghép tội anh Vươn, thử hỏi  họ có tự vấn luơng tâm khi nghiên cứu vụ án tương tự đồng Nọc Nạn từ thời Pháp thuộc!? Nếu Thủ tướng và những người có trách nhiệm đã nhìn nhận ra là chính quyền sai và dân chỉ bảo vệ lẽ phải chống lũ cường hào, ác bá mới chứ không phải chống chính quyền thì là hồng phúc cho đất nứớc  và cho người dân. Tuy có lỗi nhưng hiện tượng anh Vươn đã giúp ích to lớn cho Nhà nước điều chỉnh chiến lược của cả một quốc gia và đó càng thể hiện sự dân chủ và một chính quyền do dân, vì dân.

Vụ án anh Vươn là vụ án rất khó căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành  còn nhiều bất cập. Một ngưòi bạn của tôi là luật sư được đào tạo ở Liên Xô kể rằng năm 1971 khi lần đầu tiên được nghe bài giảng của 1 viện sỹ (lúc đó là đương kim chánh tòa IC), ông mở đầu bài giảng như sau:

- Trong chế độ của chúng ta, luật pháp là gì?
-.....(im lặng)!
- Luật pháp là con lừa, nó đi đâu là tùy thuộc vào người ngồi trên lưng nó!

Trong bối cảnh luật pháp ở nước ta hiện nay, vụ án anh Vươn cần phải tạo ra ÁN LỆ có nghĩa là kết quả đuợc suy đoán theo hướng có lợi cho người bị hại dựa trên đạo lý và lương tâm của thẩm phán và nguyện vọng của nhân dân. Thăm dò ý kiến nhiều ngưòi dân quê tôi ở Thái Bình, đều mong muốn và tin tưởng anh Vươn được pháp luật THA BỔNG nghĩa là có tội nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Phải chăng đó chính là cái kết có hậu cho cả ngưòi dân và chính quyền!

T.V.T

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More