Định Nguyên (RFA)
Di tích lịch sử về sự kiện lịch sử đồng Nọc Nạn còn đó
(japtiensinh.net)
|
Hai sự kiện. Một ở Nọc Nạn, Bạc Liêu, Biện Toại, kẻ “chống người thi hành công vụ” được tòa án thực dân tuyên bố trắng án.
Một ở Tiên Lãng, Hải Phòng, liệu ông Đoàn Văn Vươn có được hưởng một chút gì công bình dưới thể chế luật pháp của nhà nước Cách Mạng hôm nay. Định Nguyên có bài viết như sau:
Nhìn lại 84 năm trước
Biện Toại, người thừa kế 73 hecta ruộng do tổ phụ khai khẩn từ trước năm 1900. Chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ của quận Giá Rai, Bạc Liêu chỉ cấp bằng khoán tạm cho gia đình Biện Toại. Lợi dụng kẽ hở này, Bang Tắc, tên thật là Mã Ngân, một Hoa Kiều giàu có và nhiều thế lực của đất Bạc Liêu, âm mưu chiếm đoạt đất của Biện Toại qua con đường mua bán gian xảo.
Gia đình Biện Toại phản ứng quyết liệt, Bang Tắc nhắm nuốt không trôi, đem miếng đất chiếm hữu bất hợp pháp này bán cho bà Hà Thị Trân, mẹ vợ của tay huyện Lành, anh ruột của chủ quận Giá Rai Ngô Văn Huân.
Một liên minh cường hào ác bá hình thành từ đây nhằm cướp trắng công sức khẩn hoang và cày sâu cuốc bẫm của gia đình Biện Toại. Ngày 6 tháng 12 năm 1927 bà Trân xin được lệnh của tòa án tịch thu toàn bộ số lúa mà gia đình Biện Toại gặt được.
Ngày 16 tháng 2 năm 1928 máu đã đổ trên cánh đồng Nọc Nạn. Một cuộc chiến không cân sức giữa những lương nông quyết tâm bảo vệ đất cùng với thành quả đổi bằng mồ hôi và nước mắt với lực lượng cướp bóc của bọn Phú Lang Sa cầm quyền. Kết quả, 4 cái chết, nếu tính đủ là 5 vì trong đó vợ mười Chức, em dâu Biện Toại, đang mang thai, của những người trong gia đình Biện Toại. Về phía chính quyền có tay cò Tournier chết sau đó một ngày tại bệnh viện Bạc Liêu vì bị Mười Chức đâm.
Đây là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng đối với chính quyền thực dân. Không một ai nghĩ rằng gia đình Biện Toại sẽ thoát được lưỡi hái tử thần với nền tư pháp thuộc địa. Mặc dù tất cả báo chí Sài Gòn đều nhập cuộc tạo nên dư luận thuận lợi cho gia đình Biện Toại và luôn cả giới thực dân. Đặc biệt nhất là những bài viết của ký giả Lê Trung Nghĩa của báo Diễn Đàn Đông Dương.
Tòa Đại Hình Cần Thơ mở phiên xử vào ngày 17/8/1928. Gia đình Biện Toại được hai luật sư người Pháp là Tricon và Zévaco bào chữa miễn phí.
Công tố viên Moreau trước phiên tòa công bố rằng: “Những người không tình cảm đến giựt đất, rồi bọn quyền thế lại tiếp tay với bọn người sang đoạt.” Công tố viên Moreau yêu cầu Tòa tha bổng gia đình Biện Toại."
LS Tricon thì cho rằng:“Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của tình cảm cao đẹp.”
Còn LS Zévaco thì đề nghị mạnh mẽ hơn: “Đuổi cổ những tên (quan) bất lương ở cấp dưới cũng chưa đủ, phải đuổi những người ở cấp cao hơn mà bấy lâu nhà nước đã tin cậy.”
Cuối cùng Tòa tuyên án: tha bổng Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út của Toại) và Tía (con trai của Toại). Cô Nguyễn Thị Trọng, 6 tháng tù (nhưng đã bị giam sáu tháng rồi). Miều, chồng của Liễu (em rể của Biện Toại): 2 năm tù vì có tiền án ăn trộm.
Dù sao người dân Việt Nam vào thời điểm ấy cũng đã nhìn chính quyền thực dân với một chút thiện cảm qua bản án công bằng và Văn minh này.
Tiên Lãng 84 năm sau
Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng gần đúng 84 năm sau.
Dựa vào Luật Đất Đai rối rắm, một số cường hào mới huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã tiến hành cưỡng chế thu hồi vùng đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Sau khi đã lừa gia đình ông qua một trình tự pháp lý.
Ông Đoàn Văn Vươn tại trại giam, ảnh chụp tháng 02/2012. (Photo courtesy of anhp.vn) |
Ngày 5/01/2012 là một ngày định mệnh, khi chân lý “ở đâu có áp bức thì nơi đó có đấu tranh” do chính quyền cách mạng xiển dương được người dân Tiên Lãng mang ra áp dụng một cách cuồng nộ. Từ những quả mìn tự tạo đến những phát súng hoa cải nhắm vào lực lượng cưỡng chế. Họ không còn tin vào công lý; họ không nghĩ mình sẽ trở thành tội phạm “chống người thi hành công vụ.” Mục tiêu duy nhât là bằng mọi cách họ phải bảo vệ thành quả lao động mà họ đã làm nên bằng chính công sức mồ hôi trộn lẫn cả máu của họ.
Báo chí “lề phải” “lề trái” kể cả giới blogger đều nhập cuộc. Sự việc không còn cách nào bưng bít, xuyên tạc được nữa, người đứng đầu cao nhất của chính phủ phải lên tiếng. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, xác nhận việc ra quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế đối với ông Đoàn Văn Vươn là sai pháp luật.
Như vậy là rõ. Nhưng gia đình ông Vươn 4 người vẫn còn bị giam cầm mà lẽ ra họ phải được thả ngay sau khi có kết luận của Thủ tướng. Về lý, họ không thể bị buộc tội “chống người thi hành công vụ”. Nói đúng với bản chất thì gia đình ông Vươn chỉ chống lực lượng ăn cướp đất.
Trong việc quy tội “chống người thi hành công vụ” cho gia đình ông Vươn, chúng tôi tham khảo với giới am tường luật thì được LS Nguyễn Văn Hậu cho biết ý kiến như sau:
“Tôi nghĩ nếu mình nhìn ở một góc độ thì ý kiến đó đúng, nhưng nếu mà nhìn tổng thể nếu ông Vươn đừng dùng vũ khí đạn dược, hung khí thì ổng sẽ thắng. Phần mấy người kia sai, làm một hành vi trái pháp luật, tôi tự vệ nhưng có được pháp luật cho phép hay không, với mức độ nào. Nếu mà quá thì ông kia là mười anh là ba. Có xử lý hình sự hay không, trong quá trình tranh luận sẽ làm rỏ điều này. Trên cơ sở chứng cứ của cơ quan điều tra, luật sư sẽ phản biện lại chúng ta mới nắm được.”
Và dư luận nghĩ như thế nào? Nhà thơ Bùi Chí Vinh nói:
“Tôi không quan tâm đến pháp luật Việt Nam. Tôi chỉ quan tâm đến công đạo của con người. Trước khi ông Dũng tuyên bố thì nhân dân người ta cũng cãm thấy ông Đoàn Văn Vươn vô tội. Ông Vươn và gia đình bảo vệ đất rất là đúng, nghĩa là ổng làm đúng công đạo và không có lỗi gì cả. Nhân dân người ta cũng làm điều đó. Đất đai là của người ta khai phá từ một cái đầm hoang bỏ không, chó ăn đá gà ăn muối, khỉ ho cò gáy, người ta biến thành một nơi sinh thái, một nơi phì nhiêu, một nơi có thể thu hoạch được. Đùng một cái đánh hơi thấy có cái gì đó thì muốn cướp đất của người ta. Xã hội này rất bất trắc về luật pháp. Luật pháp muốn lèo lái thế nào cũng được. Muốn có tội là có tội, muốn vô tội là vô tội. Ông Đoàn Văn Vươn đối với cá nhân tôi nói riêng và nhân dân nói chung là không có tội. Chính quyền phải xin lỗi ông ta và thả ngay lập tức. Người ta làm đúng luật được nhà nước cho phép và sau đó người ta giữ đất. Anh đem lực lượng đến cưỡng chế bằng súng, bằng chó săn y hệt anh đánh kẻ thù vậy. Anh coi cái người đang tôn trọng pháp luật là kẻ thù. Thế anh là cái gì? Anh là một thứ ăn cướp rồi! Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Đúng quá rồi. Đã cướp thì có quyền chống trả lại. Mà chống trả lại thì vô tội. Đối với tôi nếu chính quyền biết điều thì nên xin lỗi và trả tự do cho người ta.”
Tám mươi bốn năm, một chặng đường dài từ Nọc Nạn, Bạc Liêu đến Cống Rộc, Tiên Lãng. Thành quả mà cách mạng đạt được ngày hôm nay là vì nhân danh họ và nhờ họ - những người Nông Dân. Không biết rồi đây gia đình ông Đoàn Văn Vươn có được hưởng một chút công bình và Văn minh nào trong phiên tòa sẽ xét xử họ nhân danh Nhà Nước Cách Mạng như Biện Toại được hưởng dưới thời Thuộc Địa, Thực Dân.
DienDanCTM
nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-vuon-lucky-dn-02242012141143.html
DienDanCTM
nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-vuon-lucky-dn-02242012141143.html
3 comments:
Theo tôi gia đình ông Đoàn Văn Vương vô tội khi chống trả lại quan tham cướp đất,vậy phải xin lỗi,thả ngay và bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Đoàn Văn Vương.
Người dân kỳ này được chứng kiến vụ án của chế độ siêu việt cộng sản và vụ án của thực dân Pháp cách đây 84 năm.
Tôi rất tán thành sự góp ý của bạn Nguyễn Mạnh. Tuy nhiên tôi e là anh Vươn cùng gia đình anh sẽ khó thoát khỏi tai nàn là vì vây cánh của nhóm cường hào ác bá nầy không chỉ cô động ở Tiên Lãng và Hải Phòng mà nó còn nằm ở cấp lảnh đạo Trung Uơng nữa. Bạn nhìn lại xem ông TT Nguyễn Tấn Dũng đã đánh trống xuôi và người đứng đầu Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành, đã thổi kèn ngược. Vậy thì ai hay một thế lực nào đã đứng sau lưng ông Nguyễn Văn Thành trong việc nầy ? Một mình ông Nguyễn Văn Thành chống lại lệnh Thủ Tướng là điều không bao giờ có.
Đăng nhận xét